Cuộc sống tối giản của mình ở Nhật (Phần 1)

Bài viết này mình lấy nguồn cảm hứng từ cuốn sách tiếng Nhật mà mình đã đọc mùa hè năm ngoái, có tên là “丁寧な一人暮らし”, dịch sang tiếng Việt là “cuộc sống một mình gọn gàng” của instagramer nekokoko.

o1000100014225298796

Thời điểm này năm ngoái đánh dấu tròn 1 năm mình bắt đầu theo đuổi lối sống tối giản. Vì vậy, mình muốn viết một bài tổng hợp lại cuộc sống của mình kể từ khi sống tối giản ở nhiều khía cạnh, ví dụ như đồ đạc, quần áo, cho đến cả sinh hoạt, chuyện ăn uống cũng như những thứ liên quan đến mặt phi vật chất. Đặc biệt, thời điểm đó mình sống một mình ở Nhật, nên cũng khá tự do trong việc quyết định cuộc sống cho bản thân mà không sợ làm ảnh hưởng tới người khác.

Phần 1 này mình sẽ chia sẻ với mọi người cụ thể về cuộc sống vật chất của mình sau khi bắt đầu sống tối giản. Phần 2 sẽ là về chuyện ăn uống, sinh hoạt và một số thứ khác.

Thực ra mình cũng băn khoăn không biết nên để tiêu đề là gì. “cuộc sống tối giản”? “cuộc sống ngăn nắp?”, “cuộc sống gọn gàng”? Mình nghĩ cái nào cũng đều hợp lý cả. Nhưng mình đặc biệt muốn nhấn mạnh cụm từ “tối giản”, vì nó đã giúp mình thay đổi cuộc sống theo một chiều hướng tích cực hơn.

Mình lần đầu biết đến chủ nghĩa tối giản nhờ việc đọc cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” của Sasaki Fumio. Bạn có thể đọc bài Vứt bỏ và dọn dẹp đã giúp mình thay đổi cuộc sống như thế nào để biết rõ hơn về câu chuyện “tối giản” đã đến với mình như thế nào.

Tháng 3 năm ngoái, mình quay lại Nhật để tiếp tục nốt kì học cuối cùng ở đại học. Dẫu biết là chỉ còn lại Nhật có nửa năm, nhưng mình vẫn quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình. Mình muốn căn phòng của mình gọn gàng hơn, và cũng muốn trải nghiệm thế nào là sống tối giản. Thế nên, điều đầu tiên mình làm là dọn nhà.

Bắt đầu với việc vứt bỏ đồ đạc và dọn dẹp nhà cửa

Để mình cho các bạn xem bức ảnh mình chụp trước khi bắt đầu cuộc cách mạng dọn dẹp

Nhìn qua thì bạn sẽ thấy phòng mình hồi đó lộn xộn mà cũng nhiều đồ kinh khủng. Thực ra đây là bức ảnh chụp gần cuối năm 2017, là thời điểm có thể nói là tệ nhất trong quãng thời gian du học. Còn nếu dọn dẹp gọn gàng một tí thì trông cũng tàm tạm. Nhưng lúc đó, mình chỉ đơn thuần là “giấu đồ” vào ngăn kéo và trong tủ, xếp lại đống giấy tờ, và quét nhà qua loa.

Để mình kể chi tiết quá trình “thanh lọc” căn phòng nhé.

Quần áo chất đống trong tủ, và treo một “nhả” trên giá

Trong suốt 4 năm du học Nhật, mình chưa hề bỏ đi bộ quần áo nào, dù chỉ là một đôi tất. Mình vẫn giữ lại rất nhiều, trong đó có cả những chiếc áo mang từ Việt Nam cách đây 5 năm mà chưa hề sử dụng một lần nào. Mình còn đặt một chiếc giá ở bên cạnh tủ, và treo rất nhiều quần áo lên đó, quần áo mùa đông, mùa hè lẫn lộn vào với nhau cả.

20161224_164312
Quần áo treo lộn xộn, xong phía trên thì một chồng thùng cát tông, rác không thèm vứt

Và mình cũng bắt đầu công cuộc dọn dẹp từ khoản quần áo, theo đúng như phương pháp Konmari của Marie Kondo Mình lôi hết tất cả quần áo từ trong tủ, từ trên giá ra và thả hết xuống sàn, và rồi phân loại quần áo xem cái nào còn dùng, cái nào không.

IMG_3092
Đây mới là một nửa. Còn đống quần áo không mặc đang để trong vali chưa kịp bung ra

Đối với những chiếc mà mình không bao giờ mặc, mình dễ dàng chất vào trong túi và bọc lại mà không hề cảm thấy hối hận. Ngay lúc cầm chiếc áo màu hồng “mộng mơ” lên mình đã thấy nó không đem lại niềm vui gì cả, hơn nữa chỉ mặc đúng 1 lần vào đợt nhập học đại học (và đó cũng là một trong những ngày đáng nhớ nhất, vì mặc áo hồng nó khá là… nổi trong đám sinh viên nhập học mặc vest) nên đã chào tạm biệt ngay. Lúc đọc sách của Marie Kondo, mình thấy việc nói lời cảm ơn những đồ sẽ bỏ đi là một cái gì đó hơi… khó hiểu. Nhưng đến lúc bản thân cầm từng chiếc áo, quần lên, mình mới nhớ lại một số kỉ niệm đáng nhớ (nếu có) với chiếc này, rằng “à, hồi xưa cũng đã từng mặc cái này, mặc vào cũng nổi phết”. Tuy không nói ra thành lời, nhưng trong đầu mình cũng đã nghĩ đến việc nói lời cảm ơn chiếc áo này. “Cám ơn vì đã giúp mình trở nên nổi bật nhất hôm nhập học. Từ đó trở đi mình chả dám mặc áo hồng nữa haha”.

Có một số bộ quần áo mình đã không thể bỏ đi sau lần dọn dẹp đầu tiên. Những chiếc đó thuộc vào nhóm quần áo quá cỡ và đã không mặc một thời gian. Chuyện là mình gầy đi khá nhiều, nên những bộ đồ Uniqlo cỡ L đều rất rộng, mặc quần vào y như rằng tụt ngay. Lúc đó mình cũng cảm thấy tiếc, vì dù gì bản thân cũng đã mặc được một thời gian, mà lại vẫn đang còn dùng được. Những chiếc đó mình vẫn tạm thời giữ lại và để ở ngăn dưới cùng của tủ.

Và đây là thành quả dọn tủ quần áo lần đầu:

Sau một vài tuần, mình dần định hình được style ăn mặc cũng như biết chọn lựa những bộ quần áo thường xuyên mặc vào đem nó ra giá treo. Những chiếc quần áo quá cỡ không còn mặc thì mình cũng đã chào tạm biệt nó, bằng một cách có ý nghĩa hơn, thay vì là vứt đi. Từ khi sang Nhật, 99% quần áo của mình đều là Uniqlo, và đa số các cửa hàng Uniqlo Nhật có một chiếc thùng to để tiếp nhận những đống quần áo không còn sử dụng với mục đích tái chế. Thế là có hôm mình xách hai túi quần áo mang đến cửa hàng Uniqlo ở gần ga và bỏ vào thùng tái chế. Có một số chiếc mình thấy còn giá trị sử dụng thì đã đem rao bán trên web Mercari. Bạn nào ở Nhật mà muốn bán đồ cũng như muốn mua đồ 2nd hand trực tiếp từ chủ cũ thì có thể xem Mercari nhé.

Untitled.png
Chiếc quần này mình đã mặc được 1 năm, nhưng sau đó không dùng nữa vì quá rộng, nên đã bán trên Mercari. Llúc bán vẫn bán được 1000 yên (200k), còn giá gốc là 3990 yên (780k)

“Đồng bộ hóa” quần áo

Như mình nói ở trên, sau một khoảng thời gian sống tối giản thì mình cũng đã định hình được cho bản thân một phong cách ăn mặc riêng, bằng cách tận dụng những chiếc áo Uniqlo đã có. Mình vốn là người thích mặc những đồ màu đen, trắng, hay màu ghi, nên việc đổi gu ăn mặc thực ra là khá dễ dàng.

Hoài niệm một chút, hồi còn trẻ trâu (cách đây chừng 4 năm) thì mình hay mặc mấy bộ đồ chói lói như kiểu áo hồng, quần đỏ. Nhưng sau một thời gian thì mình không mặc nó nữa. Mình đem nó cắt thành áo ba lỗ để đi tập gym, còn cái nào không dùng thì cứ vứt trong góc tủ.

11151007_369222089951146_393906781530289112_n
quần hồng nhìn rất…trẻ trâu (ảnh từ 2015)

Mình đọc được một cuốn sách mà trong đó tác giả có đề cập tới việc đồng bộ hóa quần áo giúp giảm thiểu sự chọn lựa, qua đó người mặc sẽ tránh gặp phải tình trạng không biết mặc gì vào mỗi buổi sáng sớm. Và ảnh phía dưới là bộ quần áo mình chủ yếu mặc vào mùa hè năm ngoái. 2 áo trắng, 2 áo ghi, 2 áo đen, 2 áo sơ mi trắng và 1 áo sơ mi màu navy. 2 chiếc quần màu nâu và 1 quần màu trắng, 1 quần bò

P_20180819_180311_vHDR_Auto
Đồ mình mặc hầu hết là của Uniqlo, thậm chí cả giày, và túi đeo nữa.

Dọn dẹp sách vở, giấy tờ

Mình dọn nhà theo phương pháp Konmari, nên sau khi đã giải quyết xong đống quần áo thì mình chuyển sang dọn dẹp sách vở giấy tờ. Minh lôi hết tập tài liệu, sách vở từ dưới ngăn bàn, bên trong góc tủ ra. Lúc lôi hết ra thì mình cũng khá là shock khi thấy đống giấy tờ này nếu mà chất hết lên chắc phải cao bằng mình. Có rất nhiều tập tài liệu từ những năm học đầu tiên mình vẫn giữ lại, với suy nghĩ là sau này biết đâu dùng. Cả những tập giấy Kanji đã viết đi viết lại mình cũng giữ hết. Ngồi giải quyết chỗ giấy tờ này mới nhận thấy 90% là không còn giá trị, nên mình đã cho hết vào túi và đem ra bãi rác gần nhà. Đối với sách, mình giữ lại khá nhiều vì những cuốn sách đó hầu hết là sách học tiếng Nhật, vẫn còn giá trị sử dụng. Mặc dù theo đuổi lối sống tối giản, nhưng sách là trường hợp ngoại lệ. Thời điểm đó mình bắt đầu thích đọc sách nên cũng mua nhiều để đọc. Nói chung thì không cần phải quá khắt khe với việc từ bỏ đồ đạc. Mình cảm thấy sách có giá trị nhất định nên mình cứ giữ thôi. Có một kệ sách nhỏ với vài chục cuốn trong nhà cảm giác nó ấm cúng hơn rất nhiều.

Dọn bếp

Bếp cũng là một nơi tích trữ kha khá đồ, đặc biệt là những gói thức ăn đã quá hạn sử dụng. Riêng bếp thì mình dành cả 1 ngày để dọn, dọn từ tủ bếp cho đến tủ lạnh. Mình đã vứt bỏ được rất nhiều đồ quá hạn ví dụ như chai tương cà chua đã hết hạn, hoặc là mấy chai gia vị không bao giờ dúng đến. Có bộ ấm chén nhỏ xinh được tặng mình cũng đem gói lại và rao bán trên mercari. Đối với bát đĩa và dụng cụ nấu ăn thì mình không vứt mấy, vì mình là người thích nấu ăn và thích tận hưởng bữa ăn với nhiều bát đĩa trên bàn.

P_20180816_152822_vHDR_Auto_HP
Giá treo DIY mình tự làm

So với phòng sinh hoạt thì phòng bếp vẫn có kha khá đồ vật, nhưng ít ra mình cũng vứt bớt được vài thứ không bao giờ đụng đến, cũng như sắp xếp lại cho nó gọn gàng hơn.  Ngoài ra, mình học được cách lắp ghép một số đồ vật mua từ cửa hàng 100 yên làm thành giá treo dụng cụ, và mình treo lên những vật dụng mình hay dùng. Nói chung, bếp có lẽ là chỗ ít tối giản nhất, nhưng nó lại là nơi đem lại cho mình nhiều niềm vui nhất. Mình sẽ kể với bạn chuyện ăn uống tối giản của mình ở phần 2 nhé.

P_20180816_153741_vHDR_Auto
Cái “xe đẩy” kéo ra kéo vào cực kì tiện. Đây cũng chính là thứ mình thích nhất ở bếp.
IMG_1988
Bếp chính là nơi mình nấu những món này

Các đồ vật linh tinh, đồ được tặng, món đồ kỉ niệm

Phòng mình có một chiếc tủ kéo gồm 3 ngăn. Và trong đó có biết bao món đồ lặt vặt cũng như món đồ được tặng. Thậm chí mình cũng để rất nhiều đồ trên tủ, ví dụ như vài lọ kem dưỡng da, thỏi bôi môi, các lọ thuốc,…

20171201_155513.jpg
Chiếc tủ bên trái ngoài cùng là “hang ổ” của một đống đồ linh tinh

Mình lôi hết đồ trong ngăn ra, phân loại nó theo từng mục. Ở Nhật việc phân loại khi vứt rác là bắt buộc nên mình cũng làm tương đối cẩn thận. Lục ra mới thấy có vài viên pin này, một đống ốc vít chả hiểu có từ lúc nào, bên trong mấy hộp nhựa thì lại thấy một vài giấy tờ linh tinh như hóa đơn tiền điện, tiền nước. Đối với những món đồ kỉ niệm, mình cẩn thận cầm lên và xem từng thứ một. Những mẩu giấy nhỏ như kiểu lời chúc sinh nhật thì mình chụp lại và bỏ vào cùng với túi giấy vứt đi. Còn một số thứ như kiểu thiệp to được mấy đứa bạn thân tặng thì mình vẫn giữ lại. Nói chung sau 4 năm du học thì mình chỉ giữ lại khoảng 3, 4 món đồ kỉ niệm và mang về Việt Nam.

Thêm một bước nữa để có được sự trải nghiệm tuyệt vời nhất

Mặc dù quyết tâm theo đuổi lối sống tối giản, mình vẫn nhận thấy bản thân cần một số đồ nội thất trong nhà, chứ không như ông Sasaki là chỉ để lại đúng chiếc đệm futon. Mình vẫn cần bàn để học, bàn để ăn, vẫn cần giường để ngủ, vẫn cần có tủ sách, giá treo quần áo. Hơn nữa, mình cũng muốn được trải nghiệm một không gian tối giản mà ở đó có sự đồng bộ màu sắc của các đồ vật trong nhà. Vì thế, mình đã bán đi một số đồ cũ như bàn ghế, trong đó có cả ghế văn phòng khá đắt tiền, và mua lại một cái bàn nhỏ xinh màu trắng, một bộ bàn ghế màu vàng nhạt, tất cả đều là mua 2nd hand nên rất rẻ. Ngoài ra, mình cũng mua bộ ga có màu be (beige), thay cho ga đệm gối cũ kĩ dùng được 3 năm.

Đối với một số người, có thể đây là một sự chi tiêu có phần hơi lãng phí, vì dù gì mình cũng chỉ ở có nửa năm, và mình hoàn toàn có thể lấy tiền bán đồ đạc sử dụng cho việc khác. Nhưng với cá nhân mình, đây là một sự chi tiêu hợp lý, vì nó giúp mình có được một sự trải nghiệm tuyệt nhất, ở ngay tại chính căn phòng vốn dĩ đã từng rất lộn xộn.

Và đây là kết quả:

29684214_846157818924235_2192919316750401536_n

Bức ảnh phía trên chụp vào đầu tháng 4, sau đợt tổng dọn dẹp lần thứ nhất. Căn phòng trở nên gọn gàng hơn và sáng sủa hơn nhờ vào những đồ nội thất trong phòng, bao gồm màu trắng và màu vàng. Sau đó mình còn tiến hành thêm một cuộc dọn dẹp nữa và nó trông gọn hơn rất rất nhiều.

insta
Bức ảnh “huyền thoại” có mặt trên rất nhiều nơi như facebook, instagram hay các bài blog của mình về chủ đề tối giản. À, Mac này mình mượn của thằng bạn, tiện đặt lên bàn xong chụp ảnh để trông nó “elegant” hơn
P_20180827_150441_vHDR_Auto_HP
Bàn học của mình. Mình chỉ để chiếc máy tính, chuột, sổ, hộp bút và cuốn nhật ký viết tay ở góc bên phải. Những đồ còn lại như dây sạc, tai nghe thì mình để nó ở trong cái rổ mini ở bên trái, tên kệ sách
P_20180908_104054_vHDR_Auto
Kệ sách của mình. 3 ngăn phía trên để các cuốn sách mình đã mua. Đa số đều là sách tiếng Nhật và đều có chủ đề về nấu ăn, dọn dẹp, hoặc sách về lối sống. Phía dưới góc phải là sách học tiếng, ở giữa là chiếc thiệp “cảm ơn” mà mọi người đã tặng mình, còn bên trái ngoài cùng là cuốn sách ngôi nhà “muji”

 

Nhìn chung, “cuộc cách mạng dọn dẹp” đã mang đến cho mình một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và tuyệt vời. Vẫn là căn phòng đó, nhưng mình cảm giác như mình mới chuyển sang nhà mới vậy. Sống ít đồ đạc hơn quả thật là dễ chịu. Mình còn mua thêm mấy lọ làm thơm phòng, mùi hoa cúc chamomile. Cái này bán ở cửa hàng 100 yên (Việt Nam cũng có), mà lại rất thơm. Mỗi lần dùng được khoảng 1 tuần là hết. Về nhà là chỉ việc nằm thư thái đắp chăn xem TV đọc sách.

cropped-a01774b9-0453-4fe8-adea-ef4bb99fd0cd6.jpeg

Phần 2 mình sẽ kể với mọi người về chuyện ăn uống, sinh hoạt, đặc biệt là suy nghĩ về chuyện mua sắm sau khi sống tối giản.

See you soon!

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

7 thoughts on “Cuộc sống tối giản của mình ở Nhật (Phần 1)

  1. đến blog qua keyword * kindle *
    sau đó bị cuốn vào nội dung trên blog
    Thế luôn , bạn mà còn ở Nhật là mình đến tận nơi để kết bạn :)))
    Giống mình lắm lắm luôn :)))

    *klq nhưng mình cũng bắt đầu cais phòng giống bạn ban đầu, sau đo bây giờ reform lại toàn bộ, công nhận nhìn phòng rộng và đẹp ra thì góc nhìn ảm đảm về cuộc sống cũng thay đổi:v

    Liked by 1 person

Leave a comment