Vì sao người Đan Mạch lại sử dụng tiền lương đầu tiên để mua… ghế?

Đó là tiêu đề của cuốn sách mà mình đã dành cả buổi sáng hôm nay ngồi đọc ở cafe (tiêu đề gốc tiếng Nhật: “なぜデンマーク人は初任給でイスを買うのか?”). Nó cuốn hút đến nỗi mình gần như quên cả thời gian, để rồi khi mở điện thoại ra thì đã là 11 giờ hơn. Bên trong cuốn sách này có một số đoạn viết rất hay mà mình muốn chia sẻ với mọi người. 

Đi từ kết luận thì, đây không đơn thuần là một cuốn sách chỉ viết về người Đan Mạch và chiếc ghế, mà còn là một cách sống coi trọng không gian sống của người Châu Âu nói chung.

Đan Mạch: Một trong những nước hạnh phúc nhất trên thế giới

Nếu nói đến đất nước Đan Mạch, có lẽ bạn cũng biết rằng đây là nước luôn nằm trong top 3 nước hạnh phúc nhất thế giới, bên cạnh Phần Lan và Na-Uy (Đan Mạch xếp thứ 2 năm 2019 theo Forbes). Nếu những ai đã từng tìm hiểu về lối sống của người Đan Mạch, chắc hẳn các bạn đã nghe đến “Hygge”, một cụm rất… khó phát âm. Nó không phải là “híc ghê”, mà là “hoo-guh”, hay “hiu-gơr” gì đó, mà đến giờ mình cũng chưa biết cách phát âm chuẩn như thế nào. Hygge là một phong cách sống đặc trưng của người Đan Mạch, và bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn ở các trang kênh14, soha, hay cafef

il_fullxfull.1174608550_ej2e.jpg
Hygge

Hôm nay mình đọc cuốn sách nói về chuyện người Đan Mạch mua chiếc ghế, và nó giúp mình hiểu sâu hơn về một khía cạnh nhất định trong cuộc sống Hygge của họ. Ở phần mở đầu, tác giả có viết: “Người Nhật và người Châu Âu có cách nhìn và suy nghĩ hoàn toàn khác nhau đối với món đồ nội thất trong nhà”. Tác giả đưa chiếc ghế ra làm ví dụ. Người Nhật có thể chỉ coi chiếc ghế như một món đồ nội thất sinh hoạt thông thường, nhưng người Châu Âu, đặc biệt là người Đan Mạch lại coi chiếc ghế như một món đồ “linh thiêng”, cần có sự đầu tư của một chút thời gian và tiền bạc. Thêm vào đó, nhiều người Đan Mạch sử dụng tiền lương đầu tiên của mình để mua ghế.

“Một trong những bí quyết trở nên hạnh phúc của người Đan Mạch chính là ở chiếc ghế”

Ban đầu mình cũng hơi hoài nghi một chút về chuyện mua ghế của người Đan Mạch, nhưng sau khi đọc một đoạn viết của tác giả, thì ngay lập tức mình hiểu ra được vấn đề. Đó là một câu trả lời đầy thuyết phục của người Đan Mạch dành cho sự hoài nghi này.

KHÔNG GIAN SỐNG = CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG = SỰ HẠNH PHÚC

Người Đan Mạch sử dụng đồng tiền đầu tiên của họ để làm “giàu” không gian sống, để giúp bản thân và những người xung quanh có thể tận hưởng không gian đó cùng nhau, thay vì đầu tư vào quần áo, đồng hồ đeo tay hay những món đồ hàng hiệu cho bản thân.

Đó cũng là lí do giải thích tại sao người Đan Mạch lại có sự quan tâm đặc biệt đến đồ nội thất. Thêm một điều nữa để lí giải vì sao người Đan Mạch chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn để mua ghế hay những đồ nội thất trong nhà. Những chiếc ghế luôn được thiết kế để có thể sử dụng được rất lâu dài, và những chiếc ghế đó sẽ được truyền lại từ đời này sang đời khác và thế hệ sau sẽ tiếp tục sử dụng nó.

The-Danish-Chair-6.-Designmuseum-Danmark.jpg
Danish Chairs

Nếu bạn gõ cụm từ “Đan Mạch – ghế” trên google thì bạn sẽ tìm thấy một số trang web giới thiệu về Hans J. Wegner, một nhà thiết kế nổi tiếng người Đan Mạch, được biết đến như một bậc thầy của chiếc ghế. Châm ngôn của ông là: “Một chiếc ghế là không có mặt sau. Nó sẽ đẹp từ mọi khía cạnh và mọi góc độ”. Ghế tròn, ghế chữ Y, ghế đôi cánh, ghế con sò,… đều là những chiếc ghế được thiết kế bởi Hans J. Wegner, và mình nghĩ là ai cũng đã từng thấy nó hoặc ngồi lên những chiếc ghế đó ít nhất một lần.

hans-j--wegner-portrait-landscape.jpg
Hans J. Wegner

Sự hiếu khách của người Đan Mạch

Ở Nhật có một cụm từ gọi là “Omotenashi”, có nghĩa là “sự tiếp đãi đến từ trái tim, hoàn toàn không gượng ép, không vụ lợi”. Tại Nhật Bản, khi bước vào bất cứ nhà hàng hay tiệm ăn nào, bạn đều được chào đón bằng nụ cười, cốc nước và chiếc khăn lau tay sạch sẽ. Khi mua thức ăn đã qua chế biến tại siêu thị, bạn luôn nhận được câu hỏi: bạn có cần đũa hay không, và nếu câu trả lời là có thì đi kèm với đũa chính là một chiếc tăm nhỏ. Có thể nói rằng, Omotenashi là văn hoá đối xử hết lòng với khách hàng. (taro-san.jp)

Nếu đem ý nghĩa Omotenashi của người Nhật (sự tiếp đón bằng cả tấm lòng) sang bên đất nước Đan Mạch, thì việc người Đan Mạch mời khách đến nhà chơi có thể nói là một sự tiếp đãi lớn nhất của họ đối với người xung quanh.

Sau khi phỏng vấn nhiều người, tác giả đưa ra kết luận rằng những người Đan Mạch có một điểm chung, chính là sự tự tin và tự hào về không gian sống của họ. Người Đan Mạch chú trọng vào việc xây dựng không gian sống của họ, để có thể mời người thân, bạn bè đến chơi và cùng nhau tận hưởng những giây phút ấm cúng và vui vẻ bên trong nhà.

hygge-3.jpg
Hygge Dinner

Đọc đến đoạn này mình chợt nhớ đến chính căn phòng của mình hồi còn ở Nhật. Đúng thời điểm này năm ngoái, mình tiến hành một cuộc cách mạng dọn dẹp nhà cửa, vứt bỏ rất nhiều đồ đạc thừa thãi và “tân trang” lại căn phòng. Rồi mình cũng mời bạn bè đến nhà để chiêu đãi bữa tối, nhân tiện khoe luôn căn phòng mới được “cải tạo” lại. Mình vẫn nhớ như in câu nói của một cậu sinh viên lớp dưới nói với mình: “Thật tuyệt khi được ăn cơm Kira-sempai nấu ngay tại nhà của sempai” (sempai = đàn anh khóa trên). Phải nói là cái cảm giác được chung vui với mọi người ngay tại chính căn phòng của mình nó thật sự hạnh phúc.

IMG-3370
Những bữa cơm tối thân mật ở nhà mình luôn là một kỉ niệm đẹp không thể nào quên

KẾT

Nói chung, đối với người Đan Mạch thì ngôi nhà của họ không đơn thuần chỉ là một nơi để sống, mà còn là một không gian giúp bản thân và mọi người xung quanh có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc. Để thực hiện được điều đó thì người Đan Mạch đã chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất, ví dụ như chiếc ghế. Ngẫm lại thì mới thấy điều này rất đúng với phong cách sống Hygge của người Đan Mạch, một lối sống mà “hạnh phúc luôn đến từ những điều giản dị nhất”.

The-home-of-Danish-interior-stylist-Camilla-Tange-Peylecke-1.jpg
Danish house

P/S: Sau này có cơ hội đi du lịch Châu Âu thì chắc chắn Đan Mạch sẽ nằm trong must visit list.

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

3 thoughts on “Vì sao người Đan Mạch lại sử dụng tiền lương đầu tiên để mua… ghế?

  1. Chị mới ra đảo của Đan Mạch ở gần Đức thôi nhưng chị đang làm việc với 1 công ty của người Đan Mạch. Họ là những người trẻ bỏ đất nước của mình mà tới một nơi nắng ấm là đảo Síp. Những cuốn sách nói về những người nước ngoài đang khá phổ biến ở Việt Nam nhưng chị nghĩ nó đúng là chỉ mang tính chất tham khảo thôi ấy.

    Liked by 2 people

Leave a comment