Cách đây 2 ngày, mình đã đọc xong một cuốn sách viết về phương pháp học hiệu quả mang tính khoa học, và có ý định viết một bài blog để chia sẻ về những phương pháp học này. Thế nhưng, khi đang viết, mình lại chợt nhớ ra một câu mà mình đã từng viết trước đó trong bài viết chia sẻ về chuyện học ngoại ngữ.
“Trước khi bắt tay vào việc học ngoại ngữ, hãy thay đổi tư duy học ngoại ngữ”.
Từ khoá ở đây chính là “tư duy”.
Vì vậy, trước khi share với mọi người phương pháp học hiệu quả, sẽ là hợp lý hơn nếu mình bắt đầu từ việc chia sẻ những điều liên quan đến việc thay đổi tư duy. Đi từ kết luận thì tư duy chính là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc học.
Cụ thể như thế nào, thì mời mọi người đọc đầy đủ ở dưới nhé.
Growth Mindset và Fixed Mindset
Bà Carol Dweck, giáo sư ngành tâm lý học của trường đại học Stanford đã chỉ ra rằng những khác biệt về hành vi, đặc biệt là trong suy nghĩ và tư duy có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến những việc ta đang làm.
Trong cuốn sách “MINDSET: The New Psychology of Success” (cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt), bà Carol đã đề cập đến 2 loại tư duy, đó là tư duy bảo thủ (fixed mindset) và tư duy cầu tiến (growth mindset)
- Tư duy bảo thủ (Fixed mindset) – tin rằng khả năng, phẩm chất và đặc điểm của một người là cố định và không thể phát triển hơn nữa theo thời gian.
- Tư duy cầu tiến (Growth mindset) – tin rằng ta có thể học hỏi và cải thiện các khả năng và năng lực thông qua sự nỗ lực và vượt qua thất bại.
Lấy ví dụ điển hình là việc học ngoại ngữ.
Nếu bạn cảm thấy việc học ngoại ngữ không có tiến triển, gặp người nước ngoài không nói được câu nào, rồi tự trách bản thân là “mình chẳng có năng lực học ngoại ngữ gì cả”, thì có thể bạn là người có tư duy bảo thủ. Ngược lại, dù ngoại ngữ của bạn bập bẹ, nhưng bạn không sợ sai, bạn cứ try, đồng thời bạn có niềm tin rằng ngoại ngữ của mình sẽ cải thiện được theo thời gian và bạn chăm chỉ học tập, thì bạn là người có tư duy cầu tiến.
Rõ ràng, tư duy cầu tiến chính là chìa khoá quan trọng giúp bạn có một cách suy nghĩ tích cực về chuyện học. Chúng ta không ngừng tìm kiếm thử thách và xem thất bại không phải là do thiếu thông minh mà là con đường tất yếu trong quá trình trưởng thành và rèn giũa kĩ năng.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trên thực tế, nhiều người mang trong mình tư duy cố định hơn là tư duy phát triển. Lí do cũng không có gì quá đặc biệt, đơn giản là bởi ta thường có xu hướng bất an và sợ thất bại. Vậy, làm cách nào để giúp con người ta chuyển đổi hành vi, nhận thức từ hướng cố định, bảo thủ đến cầu tiến và phát triển?
Sau đây mình sẽ chia sẻ 3 điều để giúp các bạn có được một tư duy cầu tiến thay vì bị gò bó trong một suy nghĩ cố định/bảo thủ.
1. Xem video và đọc những bài viết truyền cảm hứng có thể thay đổi cách suy nghĩ của bản thân
Đây là một phương pháp rất dễ thực hiện và hiệu quả cũng cao. Bạn có thể tìm xem những video hoặc bài viết có chứa thông điệp truyền cảm hứng có thể thay đổi cách suy nghĩ, tư duy của bạn, ví dụ như “năng lực của con người có thể thay đổi theo thời gian”.
Ví dụ, cách đây không lâu mình bắt đầu xem video người chơi piano nhiều hơn, và trong một thoáng mình muốn tập piano. Lúc đó trong đầu mình cũng có một chút tư duy bảo thủ, đó là “25 tuổi rồi tập chắc cũng muộn”. Nhưng rồi mình tìm trên youtube cụm từ “25 tuổi, bắt đầu piano”, và kết quả là có rất nhiều người bắt đầu piano muộn, nhưng sau một thời gian học thì họ vẫn có thể đánh rất tốt. Mình đặc biệt ấn tượng với video của một anh người Nhật với tiêu đề, “tôi đã học piano 30 phút mỗi ngày trong vòng 6 tháng”. Từ con số 0, anh ý giờ đã có thể đánh được bản Canon in D classic một cách nhuần nhuyễn. Video này đã thúc đẩy mình lên kế hoạch tự học piano từ 2020, và hiện tại thì mình đang tập các kĩ năng rất cơ bản để có một bước đệm hoàn chỉnh cho kế hoạch học đàn năm sau.
2. Hãy đề cao và khen ngợi quá trình của bạn
Quá trình ở đây bao gồm những sự lựa chọn (decision) hay là kế hoạch, chiến lược (process) mà bạn đặt ra để đạt tới một mục tiêu nhất định. Mình lấy ví dụ để các bạn dễ hiểu hơn.
- Lựa chọn: “Mình quyết định chỉ tập trung vào việc sử dụng sách Destination để học từ vựng tiếng Anh”, “Mình quyết định tham gia vào một không gian nơi có những nhóm người đang tập trung học, để bản thân cũng có động lực để chăm học”,…
- Kế hoạch – chiến lược: “Mình đã vạch ra một kế hoạch cụ thể và chi tiết cho việc ôn thi N1 và IELTS trong vòng 1 năm”, “Mình đã sử dụng phương pháp học pomodoro xuyên suốt quá trình ôn thi để cải thiện việc học”,…
Nhờ có sự lựa chọn và hướng đi đúng đắn, ta mới có thể đạt đến mục đích cuối cùng. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay thì người ta thường xuyên khen ngợi năng lực của cá nhân chứ ít khi đề cập đến quá trình để đạt được mục đích đó.
Khi mình khoe mọi người là được JLPT N1 và IELTS 8.0, phản ứng đầu tiên mà đa số mọi người nói đó là “giỏi thế”, rồi có những người sẽ nói là “đúng là bạn có năng khiếu ngoại ngữ”. Tất nhiên, mình vui vì được khen như vậy, nhưng mình sẽ vui hơn nếu có ai đó nói thêm rằng “để đạt được mục tiêu như thế này, chắc hẳn bạn đã có một chiến lược học tập cực kì hiệu quả!”
Nói cách khác, khi đạt được mục tiêu và thành công nhất định thì ta không nên tự khen bản thân là “mình là một người giỏi giang, mình là người có năng lực bẩm sinh,…”Thay vào đó, hãy tự hào rằng “thật tuyệt khi mình đã vạch ra một kế hoạch học tập cụ thể”, “thật là đúng đắn khi mình đã sử dụng 2 giáo trình để ôn thi JLPT N1 thay vì chỉ 1 giáo trình”.
Như mình đã nói ở trên, người có tư duy cầu tiến luôn luôn nỗ lực, tìm kiếm các thử thách, luôn đề cao việc học hỏi và cải thiện khả năng, cũng có nghĩa là họ sẽ tập trung vào quá trình phát triển của bản thân thay vì luôn luôn nghĩ đến đích cuối cùng.
Tóm lại, nếu bạn đạt mục tiêu mà mình đã đề ra, hãy tự hào và khen ngợi những gì bạn đã làm, khen ngợi sự lựa chọn đúng đắn, khen ngợi quá trình để đạt tới mục tiêu đó. Ở chiều ngược lại, nếu bạn không đạt được mục tiêu, đừng quy rằng đó là do bản thân bạn không có năng khiếu, không có năng lực, hãy nghĩ rằng đó là do bạn chưa có được sự lựa chọn và một kế hoạch, chiến lược đúng đắn. Điều mà bạn cần làm đó là tìm ra chỗ sai, sửa lại và tiếp tục quá trình đó, cho đến khi bạn thành công.
3. Coi thất bại là một điều đáng để học tập
Mình nghĩ là đối với ai thì thất bại đều là một trải nghiệm không tốt, nhưng không vì thế mà chúng ta nên trốn tránh điều đó. Để có thể có được một tư duy cầu tiến thì điều quan trọng là phải đối mặt với những thất bại. Một trong những biện pháp hiệu quả để có thể đối mặt với thất bại một cách dễ dàng hơn, đó là “tự an ủi bản thân”. Trong lĩnh vực tâm lý học, biện pháp này có tên tiếng Anh là “self-compassion”.
Khi bản thân đang hối hận, buồn bã vì một thất bại nào đó (bản thể tiêu cực) hãy tưởng tượng một bản thân khác (bản thể tích cực) đang tìm cách an ủi và động viên bản thể tiêu cực. Sau đó, hãy viết ra giấy những gì bản thể tích cực đã động viên, an ủi.
Nó cũng gần giống với việc mình sử dụng nhật ký để viết ra những mối bận tâm, những điều làm mình trăn trở, sau đó trò chuyện với chính những dòng chữ đã viết trước đó, và tự an ủi bằng những câu viết tích cực, ví dụ như “don’t worry, you can do it”, “fighting!”.
Mình là người có tư duy cầu tiến
Mình nhận được nhiều lời khen, rằng mình giỏi và đa tài, cái gì cũng biết làm.
Thật ra, mình mới chỉ “giỏi” nhiều thứ từ 2 năm trở lại đây. Trước đó, mình là người có tư duy mang hơi hướng bảo thủ và rất sợ thất bại. Mình từng là người nghĩ bản thân không bao giờ sẽ thích sách, và viết thì lại càng không. Mình cũng từng nghĩ rằng thật khó đối với bản thân để có thể duy trì cả 2 ngoại ngữ ở mức gần như là native. Nếu học ngoại ngữ, thì có lẽ hoặc chỉ tập trung tiếng Nhật, hoặc chỉ tiếng Anh. Nhưng rồi, sự thay đổi trong cách sống và suy nghĩ đã giúp mình “lột xác” hoàn toàn. Mình trở thành một blogger, thành một người đọc nhiều sách, thành một người truyền cảm hứng trong việc học ngoại ngữ, và thành một người… “cái gì cũng học cái gì cũng chơi”.
Mình tự hào với bản thân rằng bản thân đã có một quá trình không ngừng nỗ lực tìm kiếm sự thay đổi, và những thay đổi này đang ngày một giúp mình trưởng thành hơn.
Mặc dù mục đích ban đầu của bài viết này chỉ là để nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy trong việc học tập, nhưng mình cũng muốn nói rằng, nếu bạn thay đổi tư duy, cụ thể ở đây là có được tư duy cầu tiến, thì bạn sẽ khám phá ra được những tiềm năng mới mà bản thân chưa bao giờ nghĩ là sẽ đạt được.
Stay focused, be present.
Kira
Featured Image: https://unsplash.com/photos/5bYxXawHOQg
Bài viết hữu ích lắm ạ ♥️
Cảm ơn anh nhiều lắm ạ
LikeLiked by 1 person
Lần đầu biết đến anh từ phỏng vấn postcard, vô cùng thích anh luôn ạ
LikeLiked by 1 person
Đọc blog của Kira lúc nào cũng được truyền nhiều cảm hứng ghê.
LikeLiked by 1 person
thank youu!
LikeLiked by 1 person
thực sự còn có cả sự lười trong tư duy nữa :((
LikeLiked by 1 person
Lười động não hay tư duy lười. Nếu dựa vào câu nói trên của bạn chắc là phương án thứ nhất. Còn nếu bạn thuộc phương án còn lại thì chúc mừng bạn, bạn đang sở hữu một lối suy nghĩ thông minh và sáng tạo. Còn nhớ câu nói của Bill Gates :”Tôi luôn chọn những người làm biếng cho những công việc khó khăn. Bởi vì họ luôn biết cách tìm ra những con đường dễ dàng nhất để thực hiện nó.”
LikeLike
cảm ơn anh, e rất thích bài viết về học tập của anh<3
LikeLiked by 1 person