Nên làm gì trước và sau khi học?

Tiếp nối phần 1, ở bài viết này mình sẽ tiếp tục chia sẻ với mọi người phương pháp học hiệu quả mang tính khoa học được trích dẫn từ cuốn sách của một tác giả Nhật có tên là Daigo.

Trong phần 2 này mình sẽ tập trung nói về việc nên làm gì trước và sau khi học?

Trước khi học

Khi nói đến phương pháp học thì đa phần chúng ta đều tập trung nói về quá trình trong lúc học hay là cách thức học. Tuy nhiên mọi người ít khi để ý đến bước trước đó, và đây cũng là một bước rất quan trọng để có thể làm bàn đạp giúp cho việc học trở nên hiệu quả hơn. Cần phải có sự chuẩn bị thật tốt về mặt tinh thần, cũng như có một kế hoạch học tập cụ thể thì việc học mới trở nên hiệu quả. Việc thay đổi tư duy học cũng chính là một trong những việc ta nên làm trước khi thực sự bắt tay vào việc học. Sau đây mình sẽ chia sẻ một số phương pháp nên được áp dụng trước khi học.

1. Viết/nhớ ra những điều bản thân đã biết

Việc học một kiến thức mới đôi khi rất khó, nhất là khi ta học một kiến thức gần như không liên quan gì với những gì bản thân đang học. Ví dụ như mình đang học quản trị kinh doanh, nhưng đồng thời cũng phải học cả môn khoa học bền vững mà ở đó, những kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu, kĩ thuật môi trường, hay thậm chí là khái niệm nhiệt động học, vật lý học thường xuyên được đề cập tới.

Khi học mà cứ phải ghi chép những thứ ta không biết gì cảm giác thật là khó chịu. Những lúc như vậy, hãy thử viết ra giấy, hoặc nghĩ về những điều mình đã biết trước liên quan đến chủ đề này. Một cuộc khảo sát của đại học Havard đã chứng minh được rằng, bằng việc viết ra những nội dung, kiến thức đã biết liên quan đến một chủ đề nhất định, ta sẽ có khả năng hiểu và nhớ lâu hơn những kiến thức, thông tin mới.

Bạn có suy nghĩ gì khi nghe đến một môn có tên là “Organizational Behavior”? (Hành vi tổ chức). Nếu không học ngành quản trị kinh doanh thì có lẽ bạn sẽ ít khi được tiếp cận đến đề tài này.

Để tăng tính hiệu quả cho việc học môn này, điều bạn có thể làm là nhìn vào tên môn học đó, thử suy nghĩ xem nó liên quan đến những mặt nào trong kinh doanh, trong xã hội,… “Hành vi” liên quan đến con người, “hành vi” thì đi kèm theo “thái độ”, mà mấy cái này thì liên quan đến tâm lý con người. “Tổ chức” là một nhóm, một công ty,.. Và ghi ghép các mảnh thông tin có sẵn trong đầu thì bạn có thể suy được ra nội dung của môn học này là nghiên cứu về hành vi, mặt tâm lý của con người trong công việc, tổ chức và tìm ra những phương pháp để cải thiện hành vi, giúp tổ chức phát triển hơn, vân vân.

Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng kết nối được những thông tin mới và những thông tin cũ đã có sẵn trong đầu một cách dễ dàng hơn.

2. Có nên nghe nhạc trong khi học?

Nghe nhạc trong khi học là một chuyện khá phổ biến, mà đến cả mình cũng đã từng làm thường xuyên. Tuy nhiên, đi từ kết luận thì việc nghe nhạc trong lúc học sẽ làm giảm hiệu suất và năng lực tiếp nhận thông tin. Điều này đã được chứng minh qua một cuộc khảo sát của trường đại học Glasgow Caledonian, Anh.

Sinh viên được chia thành 4 nhóm ngồi vào 4 phòng khác nhau và được cho làm một bài kiểm tra.

  • Phòng 1: có nhạc BGM với một giai đệu, tempo nhanh
  • Phòng 2: có nhạc BGM chậm rãi, nhẹ nhàng
  • Phòng 3: không có nhạc nhưng có những tiếng động như tiếng nói chuyện, tiếng xe đi lại,…
  • Phòng 4: không có nhạc

Kết quả cho thấy, sinh viên ngồi trong phòng số 1 có thành tích kém nhất, trong khi đó, sinh viên ngồi ở phòng số 4 thành tích cao nhất cho cùng một bài kiểm tra. Khi đang tập trung vào một vấn đề nào đó mà bỗng dưng nghe nhạc, não sẽ bị phân tán và có xu hướng phân tích giai điệu, lời hát của nhạc, điều đó có nghĩa là não sẽ phải xử lý cùng một lúc 2 thông tin nên hiệu quả học tập sẽ giảm. Việc vừa tập trung học vừa nghe một bài hát có giai điệu nhanh thì lại càng khiến não bị “xoắn quẩy” nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với điều này. Sẽ có nhiều người cho rằng, “nhờ BGM mà mình học hiệu quả hơn”.

Thực ra, đây là một “cú lừa” của bộ não. Âm nhạc sẽ giúp chúng ta cảm thấy được thư giãn, được giải toả căng thẳng. Khi đó, cơ thể sẽ tiết ra một số chất như dopamine hay adrenaline, và đây đều là những hóc môn tăng cường động lực và giúp chúng ta cảm thấy tích cực hơn khi đang học. Tuy vậy, nó chỉ giúp tăng sự phấn chấn, chứ không thực sự giúp cải thiện sự tiếp thu kiến thức của bộ não.

Vậy, nên dùng BGM như thế nào để có hiệu quả?

Câu trả lời, đó là trước khi học, và người ta gọi đây là phương pháp “Music Warm-up Technique”.

  • Nghe nhạc yêu thích trước khi học 10 phút
  • Tắt nhạc và tập trung học
  • Bật nhạc khi đang nghỉ giải lao

Như mình đã viết ở trên, việc nghe nhạc sẽ giúp ta cảm thấy hào hứng, phấn chấn và ta có thể đem nguyên tâm trạng đó vào việc học.

Trước khi đọc cuốn sách của Daigo, thi thoảng mình vẫn vừa bật vừa viết blog, hoặc là học bài. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại mình gần như không nghe bất cứ BGM nào mỗi khi học hoặc đọc sách.

Mình nghĩ là sẽ vẫn có nhiều người chưa cảm thấy thuyết phục kể cả sau khi đã đọc đoạn phía trên, vậy thì mình gợi ý như thế này. Nếu bạn đọc sách, học ngoại ngữ, hay học những môn cần có sự tiếp thu thông tin nhiều, thì nên tắt nhạc. Còn nếu bạn làm những việc liên quan đến output nhiều hơn như viết blog, edit video, edit ảnh, làm powerpoint,… (dù mấy việc này không hẳn là học) thì có thể vừa làm vừa nghe nhạc.

3. Peer Pressure (Áp lực của người xung quanh)

Peer Pressure có nghĩa là sự áp lực từ những người xung quanh đủ khiến ta có thể thay đổi một hành vi nhất định. Vì hầu hết những người xung quanh đều đồng ý với ý kiến A nên bản thân cảm thấy khó khăn trong việc đưa ra ý kiến B. Vì cấp trên và những người xung quanh đều ở lại làm việc sau giờ nghỉ nên bản thân cũng phải ở lại,…

Thường thì nhiều người có một cái nhìn tiêu cực về Peer Pressure, hay còn gọi là Negative Peer Pressure, nhưng nếu biết sử dụng đúng mục đích thì nó sẽ trở thành Positive Peer Pressure. Vì mọi người xung quanh ai cũng đều học chăm chỉ nên mình cũng phải học thôi.

Vì sao cứ đến mùa thi mọi người lại đổ xô nhau chạy ra thư viện ngồi học? Nếu lí giải “hiện tượng” này dựa trên khái niệm Peer Pressure thì nó sẽ là “bởi vì ở thư viện có nhiều người học chăm chỉ nên ra đây mình cũng sẽ tập trung học được”.

Hãy tận dụng sự áp lực học hành thi cử mà các bạn trong lớp đem lại, hoà chung vào “bầu không khí” đó để giúp bạn có động lực học hơn. Nếu như bạn cảm thấy ở nhà học không hiệu quả, hãy đến thư viện trường, hoặc tìm một số Coworking Space, nơi có nhiều freelancer hoặc một số người đến làm việc riêng hoặc tự học. Ngồi học ở đó sẽ hiệu quả hơn là ra cafe thông thường, vì bầu không khí ở cafe đôi khi sẽ rất náo nhiệt, ồn ào, và kể cả khi có yên tĩnh thì nó vẫn mang hơi hướng thư giãn, chilling nên việc học có thể sẽ không đạt hiệu quả cao.

Sau khi học

“Những người có thành tích tốt thường không sử dụng bộ não sau khi học” – dịch nguyên văn từ cuốn sách mình đã đọc.

Điều này có nghĩa như thế nào?

Để có được điểm thi tốt, hay thành tích học tập tốt thì ta không nên chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin mà còn phải biến thông tin đó thành thứ “sử dụng được”. Để thực hiện được điều này, thì việc “ngừng sử dụng não bộ” sau khi học là điều cần thiết.

Trạng thái hoạt động của bộ não có 2 chế độ:

  • Chế độ tập trung: trạng thái mà não bộ sẽ tập trung hoàn toàn vào một thứ để có thể tiếp nhận thông tin một cách tối đa.
  • Chế độ nới lỏng: trạng thái mà não bộ được thư giãn, nhưng cùng lúc đó, các thông tin sẽ tự động tìm cách kết nối với nhau.

Chìa khoá ở đây chính là việc bạn chuyển trạng thái từ tập trung sang nới lỏng, giúp những thông tin bạn vừa tiếp thu được có thời gian để tìm kiếm và kết nối với những thông tin đã có sẵn trong đầu.

1. Pomodoro Technique

Pomodoro là phương pháp “quả cà chua” khá phổ biến mà mình đã từng đề cập khá nhiều trong việc học ngoại ngữ. Đối với một khoảng thời gian học, bạn chia thành các hiệp nhỏ, mỗi hiệp bao gồm 25 phút học bài, 5 phút nghỉ ngơi. Nếu bạn muốn dành 2 tiếng để học, thì sẽ có tổng cộng 4 hiệp pomodoro. Lưu ý rằng bạn nên dành 5 phút này để thư giãn, làm những việc hoàn toàn khác, ví dụ như uống cốc nước, ngồi chơi piano, hay thậm chí có thể là ngủ. Bạn cũng có thể nhắm mắt làm một giấc ngủ ngắn chỉ trong vòng 5-10 phút sau mỗi lần học, như vậy sẽ giúp bạn vừa phục hồi được năng lượng, vừa giúp bộ não chuyển sang trạng thái nới lỏng.

Ở đây, Daigo có gợi ý độc giả về việc tự điều chỉnh thời lượng học, không nhất thiết phải là 25-5, mà có thể là 30-6, 40-10 tuỳ theo mỗi cá nhân. Hiện tại, mình đang áp dụng khung giờ 30 phút học, 6 phút hoặc thư giãn, hoặc ngủ, và phải nói là chất lượng và hiệu quả học tập tăng lên rất nhiều.

2. Phương pháp ngủ “Interleaving Sleep”

Nói đơn giản, đây là phương pháp mà ở đó, bạn đi ngủ khi chưa học bài xong.

  • Học đến một đoạn nửa chừng rồi kết thúc và đi ngủ
  • Hôm sau dậy học tiếp từ phần đã dừng.

Mấu chốt ở đây chính là việc bạn kết thúc phần học một cách “dở dở ương ương”, nếu như tối hôm nay bạn học chương 1 và 2, hãy dừng lại ở 3/4 chương 1, để nguyên sách vở trên bàn và đi ngủ. Sáng hôm sau bạn ngồi lại vào bàn và tiếp tục học từ cuối chương 1. Bằng cách dừng học “nửa vời” này, bên trong đầu bạn sẽ tự động nảy sinh ra một số câu hỏi như “vấn đề này được lí giải thế nào nhỉ?”, “phần giải thích tiếp theo sẽ như thế nào nhỉ?”, Khi não bắt đầu chuyển sang trạng thái nới lỏng, các câu hỏi này sẽ tự động tìm kiếm và kết nối với những thông tin đã có sẵn trong đầu bạn.

Chốt lại, điều quan trọng nhất mà bạn nên làm sau khi học, đó là nghỉ ngơi, thư giãn, và ngủ.

Cách học hiện tại của mình như thế nào?

Vì đang là thời điểm thi cuối kì nên việc học ôn thi lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Áp dụng các phương pháp học bao gồm cả trước và sau khi học, hiện tại mình đã tạo ra cho bản thân một kế hoạch học tập khá cụ thể và hiệu quả như sau.

Trước khi học: Đối với từng chương một, mình sẽ viết ra những gì bản thân nhớ, đã biết về một thông tin, kiến thức nhất định nào đó.

Trong khi học: áp dụng hai phương pháp là “gợi nhớ” và “tái diễn đạt” để giúp bản thân nhớ lâu và đồng thời hiểu được vấn đề.

Sau khi học: áp dụng phương pháp chia giờ học thành 30 phút học – 6 phút nghỉ. Trong 6 phút này mình sẽ chạy ra giường và nằm “úp mặt” nhắm mắt ngủ.

Tất nhiên, bài viết của mình chỉ mang tính chất tham khảo, và việc áp dụng hay không là tuỳ vào bạn. Ở đây mình chỉ nêu ra một số phương pháp mà bản thân mình nghĩ là rất dễ thực hiện.

Chúc mọi người luôn vui vẻ với việc học hành, và đặc biết đối với ai đang “sấp mặt” với những kì thi sắp tới thì, hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy học nhé. Từ “sấp mặt” thành “ngẩng mặt” ngay.

Nếu muốn học hiệu quả, hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy

2 phương pháp học tập hiệu quả: “Gợi nhớ” và “tái diễn đạt”

Stay focused, be present

Kira

Featured Image: https://unsplash.com/photos/SYTO3xs06fU

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

6 thoughts on “Nên làm gì trước và sau khi học?

  1. Đúng mùa thi cử luôn ạ ❤ . Hôm qua em vừa đọc bài viết này và hôm nay sẽ thử áp dụng một số tip của anh để xem có hiệu quả hơn những ngày cả buổi sáng không lật được 2 mặt giấy của em không :3.
    Về hiệu ứng Pomodoro, có người nói như vậy sẽ làm đứt quãng sự tập trung, anh nghĩ thế nào ạ?

    Liked by 1 person

    1. Mỗi phương pháp đều luôn có mặt trái và phải, và pomodoro cũng vậy. Đối với những ai có xu hướng tập trung làm việc liên tục thì có thể áp dụng pomodoro sẽ là không hiệu quả trong giai đoạn đầu. Cá nhân anh đôi khi vẫn tiếp tục làm việc/học bài dù quá 25 phút. Pomodoro chỉ là một phương pháp tham khảo, và nó đúng là có hiệu quả rất rõ. Nhưng em có thể customize một chút, như anh thì anh sẽ thay đổi khung giờ liên tục, hôm thì 25-5, hôm thì 30-6, hôm thì 40-10. Nhưng điều quan trọng nhất, là phải xen kẽ giờ nghỉ giải lao và để đầu óc được nghỉ ngơi.

      Like

  2. Cám ơn bài viết của anh, em đã thử dùng phương pháp không mở nhạc khi học( lúc trước e hay nghe nhạc không lời để học ) và nó rất hiệu quả, nó giúp mình tập trung rất nhiều ít bị phiêu theo nhạc và phương pháp Pomodoro Technique. Phương pháp ngủ “Interleaving Sleep” này cũng thú vị em sẽ thử và những phương pháp khác nữa. Chúc anh buổi tối tốt lành!

    Liked by 1 person

  3. Chào Nam Anh,
    Cảm ơn Nam Anh vì bài chia sẻ rất thú vị. Chúc mừng em đã tìm được chiến lược học tập hiệu quả. ^_^
    Chị cũng chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân.
    1. Trước khi học/ đọc sách: với 1 chương thì chị lướt qua tiêu đề, chữ in đậm, hình vẽ để nắm được ý chính. Sau đó chị đọc lại toàn bộ. Cuối cùng thì dành 1-2’ hồi tưởng lại nội dung. Quả thật là chị có thể nhớ lâu hơn.
    2. Trong khi học/ đọc: Prodomo là 1 cách hiệu quả để giữ nhịp học tập. Nhạc thì thường là để có có 1 khởi đầu hứng khởi, đến khi tập trung rồi thì chị thường tắt nhạc đi. Vì thấy nó phiền quá, khó tập trung. 😀
    3. Sau khi học: đi ngủ. :D. Hồi chị phải “cày” ngoại ngữ, thì trước khi đi ngủ chị thường lướt qua từ mới trên Quizlet 1-2 lần. Đi ngủ, để não xử lý đống thông tin đó. Sáng hôm sau dậy, chị ôn lại thêm 1-2 lần thì chị thấy cũng dễ nhớ hơn.
    Nhiều ý tưởng trong bài về chiến lược học tập của Nam Anh chị đã gặp trong khoá học “ Learn how to learn” của giáo sư Barbara Oakley trên website Coursera ( khoá này miễn phí, có phụ đề Anh/ Việt).
    Happy learning!

    Liked by 1 person

Leave a comment