Thói quen buổi sáng của mình trong mùa dịch

Là một morning bird nên chuyện dậy sớm và thực hiện thói quen buổi sáng vốn không còn xa lạ gì đối với mình. Tuy vậy thì nhờ dịp ở nhà siêu dài giữa mùa dịch này mà Morning Routine của mình nay lại càng được củng cố và cố định hơn bao giờ hết. Sáng nào mình cũng dậy từ khoảng 5:45, thực hiện thói quen buổi sáng trong vòng 1 tiếng, ăn sáng từ 7 giờ, sau đó đọc sách, luyện piano, rồi mới bắt đầu công việc của một ngày mới. Ở bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn 5+1 thói quen trước bữa sáng của mình, kèm theo đó là giới thiệu các ứng dụng mình sử dụng cho các Routine này.

Routine 0 – Dậy sớm

Mình thường xuyên dậy trước 6 giờ sáng. Mặc dù đặt chuông báo thức lúc 5:45, nhưng hầu như lúc nào mình cũng tự động mở mắt vào lúc 5:35 gì đó, nhờ tiếng chim hót ở đối diện nhà. Chuông báo thức của mình cũng là tiếng chim hót, vì mình sử dụng chế độ Bedtime trên ứng dụng Clock của iPhone. Đây là tính năng mình rất thích, và nó giúp mình theo dõi giấc ngủ mỗi ngày của bản thân.

Routine 1 – Kéo rèm, dọn giường chăn ga, đánh răng rửa mặt

Dọn giường gấp chăn mỗi sáng liệu có giúp của đời bạn thay đổi? Mình tin là có. Bởi nếu bạn không thể làm tốt những công việc nhỏ nhặt, bạn sẽ không bao giờ làm tốt được những việc lớn lao. Đây là những gì mình học được từ cuốn sách “Make Your Bed” của William H. McRaven.

1

Routine 2 – Thiền 

Bên cạnh việc sử dụng Tide, thì dịp này mình có tải được thêm 2 ứng dụng thiền mới là Simple Habit và Balance, đặc biệt là trong Simple Habit có rất nhiều sessions rất hay và hữu ích, nhờ thế mà thời gian thiền mỗi sáng của mình cũng kéo dài hơn một chút, từ 5 phút mỗi ngày thành 8 – 15 phút tuỳ vào từng bài thiền.

Bắt đầu từ tháng 4  này mình nghe một album thiền nói về sự biết ơn (Start your day with gratitude) trên Simple Habit. Như vậy, mình có thể vừa tập thiền, tập trung hơi thở, vừa có thể nói lời biết ơn đến những thứ xung quanh hoặc chính bên trong bản thân chỉ với 10 phút thiền. Sự biết ơn này bao gồm biết ơn hơi thở, biết ơn cơ thể, biết ơn nỗi đau, biết ơn chiếc giường, biết ơn căn nhà, biết ơn giấc ngủ,…

Bạn có thể đọc bài viết của mình chia sẻ về 4 ứng dụng tập thiền tốt ở dưới đây nhé
4 ứng dụng tập thiền tốt bạn có thể tải về trong dịp này

2

Routine 3 – Yoga & Duỗi cơ

Mình không phải là một “pro yoga-er”, cũng không thực hiện được mấy động tác vốn trở thành “trademark” của môn này, ví dụ như trồng cây chuối ngược. Lí do mình bắt đầu yoga từ cách đây 2 năm xuất phát từ một ý nghĩ rất đơn giản: mình muốn cải thiện hệ tiêu hoá của bản thân vào mỗi sáng. Mình bắt đầu tìm kiếm những bài tập “yoga for digestion”, và kể từ đó, những động tác này đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong thói quen buổi sáng của mình. Mình không dành quá nhiều thời gian cho Routine này (chỉ tầm 10 phút), nhưng chừng đó là đủ để giúp bản thân cảm thấy khoẻ khoắn hơn, so với việc không tập thể dục gì cả vào buổi sáng.

Trong lúc tập Yoga mình sẽ nghe podcast bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, đặc biệt là thời sự. Bạn có thể nghe podcast thông qua Apple Podcast, Google Podcast, hoặc như mình thì là Spotify. Mình nghĩ nhiều bạn biết đến Spotify như là một ứng dụng nghe nhạc, nhưng có lẽ không phải ai cũng sử dụng tính năng podcast. Hai kênh podcast mình nghe nhiều nhất trong buổi sáng là NHKラジオニュース (thời sự tiếng Nhật) và BBC Global News (thời sự tiếng Anh). Chỉ cần 10 phút vừa tập vừa nghe thì mình cũng nắm được một số thông tin thời sự chính và không cần phải đọc thêm tin tức trên mạng nữa trong buổi sáng hôm đó.

3

Routine 4 – Viết nhật ký, check lịch trình

Viết thứ ngày tháng bằng tiếng Hàn

Sau khi kết thúc 15 phút tập thiền và Yoga, mình ngồi lên bàn và mở cuốn sổ planner (sổ tay cá nhân ra), khai bút ngày mới bằng những dòng chữ tiếng Hàn. Sổ tay của mình giờ đây trở thành nơi mình có thể luyện viết tiếng Hàn hàng ngày, dù những câu mình viết rất đơn giản và mang tính lặp đi lặp lại, nhưng đây chính là cách giúp mình duy trì được tiếng Hàn, cũng như điều này đem lại cho mình một cảm giác rằng mình đang thật sự dùng tiếng Hàn, chứ không đơn thuần chỉ là học.

DSCF6980-2
Sổ Planner chi chít chữ. Viết sai khá nhiều nhưng cứ tập viết thôi

Check lịch trình

Vì đã tiện mở sẵn sổ planner rồi nên mình check luôn lịch trình đã được lên sẵn từ tối hôm trước trên google calendar, và nếu có lịch trình nào cố định không thay đổi thì mình sẽ viết lại luôn vào sổ.

2 ứng dụng mà mình sử dụng cho việc lập kế hoạch và theo dõi lịch trình, đó là Todoist và Google Calendar. Mình tự nhận bản thân là một người “obsessed” với việc sử dụng Google Calendar. Dù cho là những ngày nghỉ ở nhà như thế này nhưng mình luôn điền kín lịch trên Google Calendar, thậm chí là cả thời gian ăn sáng, ngủ trưa,…Bạn có thể biết rõ điều đó qua bài viết “Đây là những gì mình học được từ việc theo dõi từng phút một trong cuộc sống hàng ngày“.

Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về cách sử dụng Google Calendar, cũng như là ứng dụng lập kế hoạch Todoist thì các bạn có thể tham khảo bài viết này nhé: Quản lý công việc và thời gian hiệu quả với Google Calendar và Todoist

Viết nhật ký

Giống với việc lập kế hoạch trên Google Calendar, mình cũng viết nhật ký trên cả 2 phương diện là digital và analog (viết trên giấy). Nghe hơi cầu kì một chút, nhưng đại khái là vào mỗi tối mình sẽ sử dụng app journal trên điện thoại và kể lại một ngày của mình bằng chức năng nhận diện giọng nói, thay vì gõ phím bằng tay. Sáng hôm sau mình sẽ viết lại vào sổ nhật ký về ngày hôm trước của mình, dựa trên những gì đã được lưu lại trên ứng dụng trước đó. Bằng cách này, mình có thể gợi nhớ lại về ngày hôm trước của mình tới 2 lần, mặc dù mình không rõ nó có giúp mình tăng trí nhớ hay không, nhưng ít nhất mình luôn cảm thấy mỗi ngày trôi qua một cách có ý nghĩa.

Thêm vào đó mình viết nhật ký bằng tiếng Nhật, thế nên là khi nào quên chữ Hán thì mình có thể nhìn vào ứng dụng nhật ký để chép lại chữ đó, coi như là vừa luyện viết luôn. Nói về app nhật ký thì mình sử dụng Simple Diary của Komorebi, cơ mà cái này chỉ có ở trên iOS. Nếu bạn dùng android thì bạn có thể tìm app Diaro, hoặc là DAILY NOTE nhé.

4

Routine 5 – Học ngoại ngữ 25 phút

Từ 6:30 mình bắt đầu routine cuối cùng trước bữa ăn, đó là học ngoại ngữ 25 phút. 25 phút này là dựa trên phương pháp Pomodoro (phương pháp quả cà chua), được một ông người Ý nghĩ ra. Nếu bạn tải các ứng dụng theo dõi thời gian thì bạn sẽ thấy hầu hết thời gian mặc định của nó đều là 25 phút. Mục đích của phương pháp này là để giúp chúng ta có thể chia nhỏ thời gian làm một công việc thành các hiệp dài 25 phút kèm theo 5 phút nghỉ ngơi. 25 phút là khoảng thời gian ngắn và vừa đủ để giúp chúng ta tối ưu hoá sự tập trung làm việc.

Mình sử dụng Forest, ứng dụng mình yêu thích nhất và được mình ưu ái cho xếp vào mục dock 4 icon mặc định ở phía dưới trên chiếc điện thoại iPhone. Forest không chỉ đơn giản là một ứng dụng theo dõi thời gian qua việc bấm nút trồng cây. Nó còn lưu lại toàn bộ thông tin, số liệu và đưa ra một bảng thống kê, cho bạn biết tổng thời gian tập trung của bạn là bao nhiêu, cũng như là khoảng thời gian tập trung nhất của bạn trong một này là lúc nào. Mình sẽ viết một bài chia sẻ cụ thể về từng chức năng trên app này, nhưng trước mắt nếu bạn muốn tìm một ứng dụng có thể theo dõi thời gian thì mình suggest Forest, hoặc là Plant. 

5

Mình cũng có thay đổi một chút cho Routine số 5 này. Mình dành khoảng 20 phút để học tiếng Hàn, còn 5 phút là để học tiếng Anh. Đó là lí do vì sao mình đặt tiêu đề là học ngoại ngữ, chứ không phải là học tiếng Hàn. Đây là một thói quen mới mình mới đưa vào cách đây hơn 1 tuần, và nó rất có hiệu quả, đó là: 10 XP trên Lingodeer, 5 từ mới trên Memrise và Word of the day trên Merriam-Webster Dictionary.

10 XP ngữ pháp trên Lingodeer

Đầu tiên mình sẽ học ngữ pháp tiếng Hàn trên ứng dụng này. Mình đã sử dụng Lingodeer từ đầu tháng 9, và tính đến ngày hôm nay thì mình đang duy trì chuỗi 188 ngày liên tục truy cập Lingodeer và hoàn thành ít nhất 10 XP, tương đương với 10 phút học.

5 từ mới trên Memrise

So với Lingodeer, hệ thống các bài giảng ngữ pháp tiếng Hàn trên Memrise không đa dạng, nhưng bù lại mình rất thích học từ mới trên ứng dụng này, vì nó có cả video ghi lại lời nói của người bản địa. Đặc biệt, Memrise đang offer gói sử dụng 1 năm với giá chỉ 299,000 VNĐ, nên bạn nào đang chán Duolingo thì hãy nhanh tay chọn lấy Memrise nhé. Duolingo cũng tốt, nhưng mình thấy Lingodeer và Memrise còn tốt hơn.

Word of the day trên Merriam-Webster Dictionary (MW)

Mình sử dụng từ điển này trên máy tính được một thời gian, nhưng nay mới có dịp tải từ điển đó về điện thoại từ khi đổi sang iPhone. Bên cạnh chức năng tra cứu thông thường thì MW còn có một mục gọi là “Word of the day” (từ vựng của ngày hôm nay), thế là mình nảy ra ý nghĩ thiết lập thói quen học một từ mới trên MW mỗi ngày. Chỉ một từ mới thôi nhưng thế là tốt hơn so với việc không học từ nào. Mà các từ xuất hiện trên Word of the Day toàn từ khó, có nhiều từ mình chưa nghe bao giờ, ví dụ như pleonasm, recidivism, hay là solecism. Đồng thời mình sử dụng Quizlet để tạo flashcard folder cho mục Word of the Day mà mình đã học trên Merriam Webster Dictionary. Hôm nào mình hứng lên thì có thể học thêm 1, 2 từ nữa, nhưng nhìn chung 1 từ là vừa đủ rồi.

6
Thói quen mới: học 1 từ mới trên mục Word of the Day của ứng dụng Merriam-Webster Dictionary

Sau bữa ăn

Mình không bao giờ skip bữa sáng. Đó là quy luật bất thành văn. Cơ mà cái thời điểm nhịp sống sinh hoạt của mình rơi vào trạng thái tệ nhất trong cuộc đời (năm 2017), thì lúc đó mình dậy lúc 10 giờ và ăn một bữa Brunch luôn (bữa sáng kết hợp với bữa trưa). Không biết các bạn có tò mò thói quen sinh hoạt của mình hồi đó như thế nào không nhỉ. Nó đối nghịch hoàn toàn với nếp sống của mình bây giờ. Có lẽ hôm nào đó mình sẽ kể cho các bạn trong tuyển tập “những câu chuyện chưa kể của Kira” nhé.

Sau khi ăn sáng, mình tiếp tục một số routine khác, ví dụ như pha trà, đọc sách hoặc tập piano, trước khi chính thức bắt đầu một task mới trong ngày.

Nhìn chung, mùa dịch này tuy nó khiến mình và nhiều người khác phải ở nhà, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta có dịp nhìn nhận lại nhịp sống sinh hoạt của bản thân. Thay vì thường xuyên kêu ca than phiền về việc ở nhà chán quá chẳng làm được gì, hãy thử bắt đầu một thói quen buổi sáng mà ở đó bạn làm được những điều tuy rất nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của bạn, giúp bạn đón nhận một ngày mới tốt hơn.

Tổng kết lại một số app mình sử dụng trong Morning Routine

Chuông báo thức: Clock của iPhone (sử dụng tính năng Bedtime)
Tập thiền: Tide, Simple Habit, Balance. Mình sử dụng Simple Habit nhiều nhất.
Quản lý thời gian: Google Calendar
Lập To do list: Todoist
Viết nhật ký: Simple Diary
Học ngoại ngữ: Lingodeer, Memrise, Merriam-Webster Dictionary
Theo dõi thời gian: Forest
Bonus – Ứng dụng theo dõi thói quen (Habit tracking app): Way of Life (chỉ có trên iOS)

Để kết thúc bài viết, mình muốn share một file word chia sẻ về các To Do List bạn nên làm để có thể thiết lập một Morning Routine hiệu quả. Hi vọng 3 trang word nho nhỏ này sẽ giúp ích và tạo động lực để bạn có thể tự xây dựng được một thói quen sáng sớm lành mạnh. Cheers!

https://drive.google.com/open?id=19uyEJOmSro8rlgnnBQ_EeTvBKn_veVlF

Stay focused, be present.

Kira

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

14 thoughts on “Thói quen buổi sáng của mình trong mùa dịch

  1. Ngoài việc học tiếng hàn thông qua Lingodeer và Memrise .

    Kira có thể xem thêm các vlog dạy tiếng hàn của mẹ Hú để nhanh nói được tiếng hàn thành thị nhất nha.

    Liked by 1 person

      1. Có lẽ vì Kira duy Văn học, mẹ Hú thì duy Sinh học nên Kira không hợp cũng đúng mà .
        Vậy Ruby giới thiệu một số công cụ khác giúp Kira sớm chinh phục được tiếng Hàn nha.
        WordBit Hàn Quốc : học từ vựng qua khoá màn hình ( mỗi lần mở điện thoại thì lại học thêm được một từ mới )
        Teuida : Thông qua những video của mỗi chủ đề thì học được biểu hiện mới của tiếng hàn , có cả một bước luyện nói thêm và chấm phát âm nữa ( cái này máy chấm nên hên xui nha ) .
        Korean Conversation : tập trung luyện nghe với nói thông qua đoạn hội thoại.
        Kongkong : cũng học thông qua đoạn hội thoại luôn nhưng là có giải thích ngữ pháp dùng trong câu nữa.
        Các ứng dụng mà Ruby giới thiệu cho Kira chú trọng vào nghe nói là chủ yếu nên việc học về ngữ pháp Kira có thể xem thêm các sách của nhà xuất bản Mcbooks – Có 2 quyển Ngữ pháp tiếng Hàn thông dụng Sơ cấp , trung cấp chi tiết lắm đó.
        Ngoài ra, Kira có thể tham khảo thêm em này .
        맞춤법 검사 : Sau này khi viết nếu mình chưa chắc chắn thì bỏ vô đây nó kiểm tra xem mình đã đúng quy tắc viết và chính tả chưa.
        Dongsa : Tiếng hàn ngữ pháp nhiều nên cũng phải chia động từ thành nhiều dạng khác nhau. Để khỏi đau đầu thì cứ nhập cái động từ cần chia vào thì ra cả loạt coi xem cái nào đang cần thì lấy ra dùng. ( Lỡ có quên các bất quy tắc thì không lo ) .
        À, Sau này khi Kira dùng tiếng hàn nói chuyện ( concept : tâm sự, giao lưu ) thì dùng đuôi 아/어요 sẽ gần gũi , thân mật hơn khi dùng ㅂ시다/습니다 nha.
        Ruby mong là chia sẻ của mình sẽ có ích cho Kira.

        Liked by 2 people

  2. Em cảm ơn anh nhiều lắm. Vì được xem video và đọc blog của anh; em cũng tự thấy ở bản thân thiếu sót những gì; và quan trọng hơn là em biết là em nên sống thế nào( hoặc chí ít là em nghĩ vậy). Và cho em hỏi động lực nào khiến anh học nhiều ngoại ngữ vậy ạ.

    Liked by 1 person

  3. Cảm ơn anh vì bài viết này, em biết anh thông qua bài viết một bạn trong group giới thiệu về các blog. Thực sự mùa dịch này của em trôi qua rất nhàm chán và chẳng biết làm gì, có lẽ việc làm duy nhất có ích với em trong ngày là nghe podcast BBC trên spotify thôi ấy vì em sợ em quên mất tiếng Anh trong lúc nghỉ dịch thì đi học lại chắc rớt mất, mà nghe cũng không nhiều lắm vì chẳng kiên nhẫn được lâu mà toàn đi coi netflix rồi ăn ngủ … em sẽ học theo anh những thói quen tốt giống anh mới được. Cảm ơn anh nhiều =)))

    Liked by 1 person

  4. Kết thúc bài blog đã cảm thấy một sự hứng của bản thân vì mình cũng là 1 fan của morning routine, thì còn nhận được bản tip về cách xây dựng morning routine cực kỳ hữu ích, quan trọng là rất dễ hiểu và dễ áp dụng. Mới đến vs Vlog của Kari mà mình cảm nhận được một vài sự thay đổi tích cực trong mình, cảm ơn Kari nhé.

    Liked by 1 person

Leave a comment