Mình làm Daily Vlog như thế nào? (Phần 2)

Tiếp nối phần 1, ở bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn quy trình mình cắt ghép chỉnh sửa vlog trên phần mềm Adobe Premiere Pro. Về cách sử dụng các chức năng cơ bản của phần mềm này thì bạn có thể xem các video hướng dẫn trên youtube, còn trong bài viết mình sẽ chỉ nhấn mạnh vào những trình tự mình thực hiện trong lúc edit vlog. Bạn hoàn toàn có thể tham khảo cách mình chỉnh sửa vlog và áp dụng cho mọi phần mềm chỉnh sửa video khác, ví dụ như Wondershare Filmora, Davinci Resolve, hay Final Cut Pro trên Mac.

Bước 1 – Tạo Project và Import Video

Hầu như ở bất kì phần mềm chỉnh sửa video nào cũng đều bắt đầu với hai thao tác này. Bạn tạo một project, ví dụ như “Daily Vlog 1”, sau đó mở đến thư mực chứa tất cả các video đã quay trên máy ảnh và import vào project đó. 

Bước 2 – Cắt và ghép các video vào với nhau để tạo một bản draft

Khi đã import xong, việc đầu tiên mình làm đó là bấm vào từng video và chọn ra một đoạn mà bản thân cảm thấy ưng ý nhất rồi chỉ đem phần đó vào Timeline của video. “Timeline” ở đây bạn có thể hiểu là dòng thời gian, nơi bạn sắp xếp thứ tự các đoạn phim cho sản phẩm cuối cùng (theo wikiHow). Bạn cũng có thể kéo toàn bộ các file video vào timeline trước rồi mới cắt bỏ các đoạn thừa thãi, nhưng mình thì cầu kì hơn một chút là check từng video một, và cắt sẵn rồi mới đưa vào timeline sau. Tất nhiên sau đó mình vẫn phải cắt ghép thêm một lần nữa trên dòng thời gian. Ví dụ như mình có một đoạn video quay cảnh ngồi ăn sáng với Sumo (em cún nhà mình), kéo dài 3 phút chẳng hạn. Thay vì đem nguyên cả video 3 phút đó vào timeline, mình sẽ chọn khung thời gian, ví dụ như là từ phút 1’40 đến 2’20 chẳng hạn, rồi kéo vào timeline. Các video khác cũng tương tự. Bước này chưa yêu cầu phải ghép các video chuẩn chỉnh sát nhau, mà chỉ cần đưa được vào timline miễn sao cho nó sắp xếp theo đúng thứ tự mình mong muốn. À, khi đưa các video vào timeline thì mình luôn để trống khoảng 40-50 giây đầu tiên, bởi vì chỗ đó sẽ để dành cho đoạn intro.

Các ô màu xanh nước biển chính là từng đoạn video và đươc đưa vào cùng một timeline

Bước 3 – Tạo đoạn intro

Nếu xem daily vlog của mình, bạn sẽ thấy 20-30 giây đầu sẽ là một đoạn intro ngắn, ở đó mỗi cảnh quay sẽ được xuất hiện chỉ trong 1 hoặc 2 giây, để giúp người xem hình đung được toàn bộ daily vlog đó như thế nào. Tuy chỉ có vài chục giây thôi nhưng công đoạn này lại tốn khá nhiều thời gian.

Đầu tiên, mình phải tìm được một bài nhạc vừa phù hợp với intro, vừa phù hợp với cái “tâm trạng” chung của daily vlog đó. Ví dụ như nếu là vlog về một ngày mưa thì hẳn là mình sẽ không chọn những bài nhạc “tươi tắn rực rỡ” mà phải chọn nhạc nào nó nhẹ nhàng “moody” tí. Sau khi đã chọn và import một đoạn của bài nhạc đó vào timeline thì việc tiếp theo là chọn ra một số cảnh quay tiêu biểu đại diện cho daily vlog của ngày hôm đó để đưa vào phần intro. Tiêu chí để chọn số lượng cảnh quay phù hợp thường sẽ phụ thuộc vào giai điệu của nhạc. Mỗi bài nhạc sẽ luôn có sự thay đổi trong nhịp điệu và nốt nhạc, ví dụ như “Đồ-Mí—-Rê— Đồ—Mí—“. Mỗi một dấu gạch ngang sẽ tương ứng với một khoảng thời gian nhất định, như vậy với ví dụ trên thì mình có thể đưa 4 cảnh quay vào cho 4 đoạn, “Đồ-Mí—-“, “Rê—“, “Đồ—” và “Mí—“. Giải thích bằng chữ viết nghe chừng cũng hơi khó hiểu, nhưng đại khái là sự chuyển giao các cảnh quay thường sẽ khớp với sự chuyển đổi nhịp điệu hay nốt nhạc trong bài hát, như vậy nó sẽ tạo ra sự đồng bộ và giúp đoạn intro trở nên cuốn hút hơn. 

Đoạn intro đầu video

Bước 4 – Tìm nhạc phù hợp cho daily vlog

Thật ra bước này có thể được ghép chung với khâu tìm nhạc cho đoạn intro trong bước 3. Đối với daily vlog, xu hướng biên tập video của mình thường sẽ phụ thuộc vào giai điệu của bài nhạc, thế nên thay vì chỉnh sửa video hoàn chính trước, mình sẽ tìm và chọn nhạc trước, đưa vào timeline rồi sau đó cắt ghép video sao cho nó chuẩn khớp với độ dài của bài nhạc. Để chọn được bài nhạc ưng ý thì mình cũng mất khoảng 30 phút để tìm trên youtube, tải về, ghép thử vào timeline xem có hợp “mood” không, nếu không thì lại quay lại thao tác tìm. Xem nhiều daily vlog nên mình cũng có được một số nguồn nhạc hay mà quan trọng là “no copyright” (không vướng bản quyền). Một khi đã chạy ad trên youtube thì các video có chứa nhạc bản quyền sẽ không được phép kiếm tiền. Thế nên kể từ khi chạy ad thì mình cũng cẩn trọng hơn và cố gằng tìm tòi các bản nhạc chuyên được dùng cho daily vlog, thường là từ các youtuber người Hàn Quốc mà không nhiều người biết đến, ví dụ như Pair Piano, Day Star, Duggy Music hay BGM President. 

Bước 5 – Cắt ghép video trên timeline

Khi đã tìm được một bài nhạc phù hợp và đưa vào timeline rồi thì việc tiếp theo sẽ là chỉnh sửa video lần 2. Lần này là cắt ghép trực tiếp trên dòng timeline. Mình cũng áp dụng phương thức đồng bộ hoá giai điệu nhạc với cảnh quay, nhưng ở một mức độ dãn cách hơn chứ không thay đổi liên tục như đoạn intro. 

Trong bước 5 này có một điều mình chú ý đó là điều chỉnh âm lượng của từng đoạn video. Sẽ có những video bị tiếng ồn xung quanh át thì phải cho nhỏ xuống, còn có đoạn quay cận nào mà muốn người xem cảm nhận rõ được âm thanh đó thì mình sẽ kéo volume cao lên. Đồng thời mình cũng chỉnh âm lượng của nhạc nền phù hợp sao cho nó không quá nhỏ cũng như không quá to để lấn át âm thanh thực của các video.

Bước 6 – Tạo Caption

Đa phần các daily vlog của mình thường sẽ không có lời nói (narration), vì vậy để có thể truyền tải nội dung thì caption, hay subtitle đóng vai trò rất quan trọng. Nó giống như một phương thức Story Telling vậy. Đây cũng là khâu cần có sự đầu tư về thời gian, vì nghĩ ra được một mạch câu chuyện hấp dẫn cho daily vlog không phải là dễ. Nếu chỉ viết “Sáng nay tôi dậy lúc 6 giờ, sau đó ăn sáng lúc 7 giờ, rồi ngồi học từ 8 giờ” thì chắc chắn nó rất nhàm chán. Làm daily vlog được một thời gian nên ít nhiều thì mình cũng biết cách xây dựng được một mạch kể chuyện không quá bị nhàm chán, chứ chưa đến mức quá hấp dẫn. Tất nhiên cái này còn phụ thuộc vào cảm nhận của từng người xem, nhưng nếu người xem cảm thấy được truyền cảm hứng và động lực, thì chứng tỏ những câu cú mình viết trên video nó phần nào có sự ảnh hưởng nhất định. 

Trong Adobe Premiere Pro có một chức năng tạo caption và nó khá tiện, nhưng có một vấn đề mình gặp phải là khi dùng chức năng này thì toàn bộ các câu chữ trong sản phẩm cuối cùng đều bị vỡ (răng cưa), như kiểu là chất lượng thấp. Cái này có thể là do cấu hình máy laptop của mình không đủ đáp ứng, hoặc cũng do lỗi phần mềm, thế nên dạo này mình chuyển sang dùng Text Function, tốn công hơn nhưng bù lại chữ nét căng. Trong một số trường hợp thì mình sẽ chèn giọng nói vào, thì lúc đó mình vẫn tạo caption trước rồi đọc theo khi đang thu âm.

Ô màu hồng tượng trưng cho từng câu caption, và mình chỉnh sửa hiệu ứng qua thanh Essential Graphics ở bên phải

Bước 7 – Chỉnh màu vlog

Đây cũng chính là bước cuối cùng trước khi export vlog. Trong 7 bước mình kể từ đầu đến giờ thì có lẽ bước này tốn ít thời gian nhất. Có hai lí do, thứ nhất, đó là nhờ màu sắc của máy ảnh Fujifilm. Trong máy có khá nhiều màu ảnh khác nhau (Film Simulation), vì thế mình có thể chọn và chỉnh sửa cấu hình ngay từ khi quay vlog. Lí do thứ hai, đó là nhờ chức năng Adjustment Layer của Adobe Premiere Pro. Thay vì phải chỉnh màu cho từng video một, hoặc là tốn công Copy paste màu ảnh, thì mình tạo một cái Adjustment Layer, nó giống như một lớp màu phủ lên trên “bề mặt” vlog, và mình chỉ việc thay đổi màu sắc của cái Adjustment Layer đó. Trừ khi có một số video bị sai màu do lỗi máy quay thì mình mới trực tiếp chỉnh sửa màu ảnh trên đoạn video đó. Đối với Adjustment Layer, mình có xu hướng tăng brightness và giảm highlights, sau đó Color Grading với màu Kodak 5218 Kodak 2395 có sẵn trong Adobe. Color Grading của video nó giống như kiểu bạn áp một profile ảnh của VSCO như FP4, A8 hay C1 lên ảnh của bạn vậy. 

Bước 8 – Export

Khi đã hoàn thành xong khâu biên tập chỉnh sửa thì ấn nút export và ngồi đợi thôi. Thường thì một daily vlog sẽ tốn khoảng 20-30 phút trong khâu export này.

Bước 9 – Tạo Thumbnail (Ảnh Cover) cho Vlog

Làm xong vlog thì vẫn phải nán lại một chút với Adobe Premiere Pro để tạo nốt cái ảnh nền cho video. Thường thì mình sẽ lấy luôn trong các video, bằng cách chọn ra một cảnh quay phù hợp và screenshot lại, sau đó chèn thêm chữ nếu cần thiết, cũng như là chỉnh màu ảnh cho nó đồng bộ với các ảnh nền của video khác đã upload trên youtube trước đó

Bước 10 – Upload lên youtube

Khi đã có cả sản phẩm cuối cùng lẫn ảnh nền thì bước cuối cùng là đăng lên youtube thôi. Đôi lúc cần phải chèn thêm phụ đề thứ tiếng khác như tiếng Nhật hay tiếng Anh thì mình sẽ thêm vào ngay trên chức năng CC của youtube luôn. 

Và đây là daily vlog mới nhất mình mới up lên youtube.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hình dung được các thứ tự, các bước mình biên tập một daily vlog. Nói về Adobe Premiere Pro, thì hồi đầu lúc mới sử dụng mình thấy trông cứ phức tạp thế nào ý. Thế rồi mình dành thời gian cho việc tự mày mò, học hỏi trên youtube và cũng biết được các chức năng cơ bản. Sau đó khi edit vlog thì sẽ phát sinh ra những vấn đề hoặc những thao tác mình chưa biết, thì lúc đó lại lên youtube tìm hiểu, và dần dần việc sử dụng phần mềm này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thế nên nhìn mấy bức ảnh mình chia sẻ ở phía trên mà đừng nản vội nhé ;)) 

Stay focused, be present.

Kira

Bài viết liên quan:

Mình làm Daily Vlog như thế nào? (Phần 1)

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

8 thoughts on “Mình làm Daily Vlog như thế nào? (Phần 2)

  1. Hi Kira, mình rất thích các video của bạn và cũng được truyền động lực làm video qua bài viết này T^T Nhưng mà máy tính của mình khá ‘lag’ khi sd Adobe Premiere, có thể cho mình hỏi máy tính của bạn thông số core, ram, win thế nào không?
    Thank bạn nhiều nhé!

    Liked by 1 person

  2. Hi anh ,
    Trước tiên , cảm ơn bài chia sẻ thú vị và hữu ích của anh. Em cũng từng edit video tốn khá nhiều công sức mày mò tìm hiểu để video của mình pro hơn : )) . Có nhiều khâu không biết giải thích như thế nào luôn , vậy mà anh cũng đã giải thích ổn thỏa =) . Không biết 1 video thì anh edit tầm bao lâu vậy ạ ?

    Liked by 1 person

    1. Uh a quên mất k nói trong bài viết. Trung bình một daily vlog tốn khoảng 10-15 tiếng. Tất nhiên sẽ chia ra 2 ngày, một ngày edit draft, cắt ghép, chọn nhạc, ngày hôm sau thêm sub hoặc lời nói, rồi chỉnh màu và export

      Liked by 1 person

  3. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã chia sẻ tường tận. Kiến thức của bạn rất hữu ích. Chúc kênh của bạn ngày càng lớn mạnh nhé.

    Liked by 1 person

  4. hi Kira, mình đã xem video của bạn từ lâu. Mình có một thắc mắc là khi bạn dùng nhạc của các trang như Duggy Music hay BGM President. Bạn có viết email để thông báo về việc dùng nhạc lên trang của bạn không, hay chỉ cần download và chèn vào video …sau đó upload nguồn vào dưới description box là được. Vì mình biết nếu như bật chạy ad trên video thì vấn đề nhạc nền rất dễ bị đánh bản quyền.

    Liked by 1 person

    1. Duggy Music, BGM President hay là Daystar mình chèn vào video sau đó thì insert link video gốc vào description, chứ không gửi email để hỏi ý kiến về việc sử dụng bạn ạ. Nhưng những kênh đó dường như đều ok với việc này. Hiện tại mình chuyển sang sử dụng nhạc của Epidemic Music (subscribe theo năm), nhạc đa dạng hơn 😀

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s