Master Thesis #1 – It’s Just The Beginning

Deadline đã trở lại, và lợi hại hơn trước.

Gần đến cuối năm cũng là thời điểm mình phải chốt xong đề tài luận văn thạc sĩ (master thesis). Lần đầu mình thuyết trình về đề tài luận văn (master thesis proposal) là vào cuối tháng 8, tức là cách đây đã 3 tháng. Thời điểm đó mọi thứ đều rất mập mờ, chưa ra đâu vào đâu cả, mới chỉ gọi là có ý tưởng thôi.

Sang tháng 10, kì học online bên Nhật bắt đầu. Bên cạnh việc học các lớp bình thường, mình còn tham gia lớp seminar của giáo viên hướng dẫn, hay như người Nhật gọi tắt là Zemi (ゼミ). Zemi có 6 sinh viên bậc thạc sĩ, gồm 3 đứa lớp mình (VJU – Vietnam Japan University) và 3 bạn Trung Quốc học bên YNU (Yokohama National University). Ngoài ra thì còn có 3 anh chị bậc tiến sĩ cũng tham gia để giúp đỡ, góp ý bọn mình. À, cả 3 anh chị đều là người Việt (thật ra có 2 bạn cùng tuổi nhưng mình hay gọi là sempai-đàn anh). Cứ 2 tuần một lần, mình sẽ lại thuyết trình qua zoom về đề tài của bản thân để thầy và mọi người góp ý.

Vì cứ 2 tuần mới phải thuyết trình 1 lần nên cũng sinh ra sự “lười” và “lầy”, chỉ khi đến trước ngày thuyết trình 1 hoặc 2 hôm thì mới dành nhiều thời gian cho việc tìm đọc nhiều bài nghiên cứu và phát triển nội dung. Xuyên suốt từ tháng 10 đến giữa tháng 11, qua mỗi buổi thuyết trình trên zemi, mình luôn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ thầy lẫn anh chị khoá trên. Mình luôn memo lại, coi như là bài tập về nhà cho buổi thuyết trình 2 tuần sau. Và cứ thế, mình tiếp tục phát triển nội dung luận văn, và xác định sẽ chuẩn bị thật tốt cho buổi thuyết trình mid-term cho ngày 30.11 tới (thứ hai tuần sau).

Tuy vậy, càng đi sâu vào chủ đề nghiên cứu, mình lại càng thấy bế tắc. Trong nghiên cứu của mình có một yếu tố mà mình vẫn chưa thể đưa được vào trong mô hình. Thế rồi thứ 4 tuần trước khi thuyết trình xong thì mình lại nhận thêm nhiều comment từ thầy hướng dẫn, yêu cầu thay đổi một số chỗ, mà trong đó có một cái khá là lớn, nếu bỏ nó đi thì sẽ phải cân nhắc tìm một hướng đi khác.

Khi đang băn khoăn với việc có nên thay đổi hướng tiếp cận khác của đề tài không thì mình lại nhận “tin dữ”, rằng deadline để nộp bản draft cho thesis lẫn file thuyết trình là 11:59 phút, tối thứ 5 ngày 26/11, đúng ngày Thanksgiving. Lí do phải nộp sớm dù 30/11 mới thuyết trình, đó là bởi vì bản draft và ppt sẽ được gửi đến các thầy bên Nhật đọc trước, để họ hiểu qua về ý tưởng đề tài của mình và các bạn trong lớp.

Thế là mình xác định trong vòng 4 ngày, từ thứ 2 ngày 23/11 cho đến trước 11:59 phút thứ 5 ngày 26/11, mình sẽ phải ngồi cày cái master thesis draft để có thể nộp kịp deadline.

Thứ 2, ngày 23/11. “Tắc-ing”

Mình đặt lên bàn tất cả những bài nghiên cứu mà mình đã đọc từ đầu tháng 9 đến giờ, ngồi đọc lại một số bài viết quan trọng, để tìm lại các “lỗ hổng” (gap) trong các nghiên cứu trước đó. Dù đã xác định phải “tryhard” từ thứ 2, nhưng không hiểu sao hôm đó động lực của mình không cao, và rốt cuộc mình chỉ dành đúng 3 tiếng buổi chiều để đọc bài. Sáng thì đi làm, chiều tối muộn thì ngồi làm bài tập khác, thời gian dành cho master thesis là không nhiều, nên ngày đầu tiên phải nói là không đạt được kết quả gì. Bế tắc!

Bí bức quá, mình nhắn tin cho H sempai (cùng zemi với mình, đang học bậc tiến sĩ). H-san cũng là người Việt, bằng tuổi, và còn là sempai của mình ở VJU (H khoá 1, mình khoá 4). Mình hẹn H-san chiều thứ 3 qua zoom với mong muốn có thể nhận được những góp ý, đặc biệt là bằng tiếng Việt, vì đôi lúc nói với nhau trên lớp zemi bằng tiếng Anh nó cứ khó hiểu thế nào ý.

À, “san” là cách xưng hô nói chung của người Nhật (Mr, Ms, Mrs…)

Thứ 3, ngày 24/11. Restart

Sáng đi học lái ô tô, chiều tối đi dự đám cưới bạn thân cấp 3. Again, mình chỉ có đúng buổi chiều hôm đó để có thể tập trung cho master thesis. Nhưng khác với thứ 2, chiều thứ 3 mình hẹn gặp H-san để trao đổi về đề tài thạc sĩ. 2 đứa bạn cùng seminar cũng join, và có cả 1 sempai khác nữa. Trước buổi trao đổi online, mình bất ngờ nhận được tin nhắn facebook của thầy giáo hướng dẫn. Thầy có gửi mình link một bài đọc tiếng Nhật có nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu của mình. Lập tức mình dành thời gian để đọc hết bài viết và tìm ra được một số từ khoá mới có thể đem vào đề tài nghiên cứu.

Theo lẽ thường, nếu muốn trao đổi về đề tài nghiên cứu, sinh viên nên gửi email cho giáo viên hướng dẫn, rồi chịu khó ngồi chờ giáo viên trả lời. Nhưng lần này, vì thầy mình chủ động nhắn trên facebook trước (dù chỉ là gửi link thôi), nên mình mạnh dạn hỏi thầy luôn về mô hình nghiên cứu mình có vẽ lại từ hôm trước. Buồn cười ở chỗ, seminar bằng tiếng Anh, trao đổi qua email bằng tiếng Anh, luận văn cùng sẽ là tiếng Anh, nhưng riêng chat trên facebook với thầy thì lại bằng tiếng Nhật. Cơ bản vì trước giờ nhắn tin với thầy trên Facebook thì toàn nói chuyện bằng tiếng Nhật. Thầy cũng rep lại một tràng bằng tiếng Nhật, thế là mình được dịp học thêm vài từ mới quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu :))

Trong hơn 1 tiếng trao đổi qua zoom với hai “anh chị” Ph.D, mình cũng tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp, và tìm ra thêm những cách tiếp cận khác cho đề tài. Phải nói là hai “anh chị” rất nhiệt tình. Riêng mình đã ngốn mất hơn 1 tiếng của họ, mà sau đó hai người vẫn ở lại để giúp đỡ cho hai đứa cùng lớp mình. 

Nhờ có buổi trò chuyện online với H-san, cũng như cuộc trao đổi ngắn và bất ngờ với thầy hướng dẫn trên Facebook mà mình bắt đầu tìm ra được hướng đi mới, thú vị hơn, và có thể là đột phá hơn, so với đề tài cũ.

Thứ 4, ngày 25/11. Ơ rê ca!

Phải đến gần sát deadline mình mới dần cảm nhận được sự áp lực, điều này hối thúc bản thân mình phải tập trung hơn, dành nhiều thời gian hơn cho master thesis. Thay đổi đề tài đồng nghĩa với việc phải đi lại từ khoản literature review (tổng quan lý thuyết), tức là tìm đọc các bài nghiên cứu trước đó về một chủ đề liên quan. Buổi sáng mình ngồi đọc được khoảng 4 bài, rồi tạm dừng để tham gia seminar lúc 11 giờ trưa. May mà tuần này sinh viên YNU thuyết trình, nên chỉ việc ngồi nghe và góp ý.

Buổi chiều sớm mình có việc phải ra ngân hàng nên tiện chạy sang quán photocopy để in ra 6,7 bài nghiên cứu mới tải về nhưng chưa đọc. Đọc trên giấy nói chung là tiện và nhanh hơn là đọc trên màn hình. Cả buổi chiều mình tiếp tục ngồi đọc, rồi ghi ra vở một số từ khoá, đóng khung nó lại trong một ô vuông để coi nó như là một yếu tố (factor), rồi thử kết nối các yếu tố đó với những yếu tố khác đã có sẵn từ chủ đề trước. Nhưng có cố đến mấy thì mình vẫn cảm thấy bị vướng mắc ở nhiều đoạn và chưa thể chốt được mô hình.  Khoảng 5 giờ chiều, mình tạm rời khỏi bàn học, nghỉ ngơi một chút, rồi lôi tạ ra để tập thể dục.

Trong lúc đang tập tạ, những ý tưởng về đề tài nghiên cứu bất chợt xuất hiện. Trong lúc đang còn chưa quên, mình chạy ra ngay bàn học, lấy bút và viết ra các nhân tố, rồi kết nối lại với nhau, y như những gì đã xuất hiện trong đầu. Ơ rê ca!

Thậm chí trong lúc tắm ngay sau đó, trong đầu mình tiếp tục xuất hiện những “đáp án” giúp có thể giải quyết một số vấn đề tồn tại trong mô hình, thế là tắm xong lại chạy lên ngồi viết vào vở một số ý mà mình bất chợt nghĩ ra khi đang tắm. Thật là kì diệu!

Thứ 5, ngày 26/11. Chạy deadline

Tối thứ 4 mình vẫn đi ngủ từ 10:30, sáng thứ 5 thì dậy từ 6:00 và bắt đầu viết bản draft. Mình có 1 lớp chuyên ngành lúc 8:30 – 10:30, và một lớp kanji từ 12:40 – 14:10. Khoảng thời gian còn lại trong ngày thứ 5 mình dành cho việc viết thesis draft. Mình mải viết đến mức ăn trưa xong (12:15) không thèm nghỉ ngơi, hì hục viết và quên luôn cả giờ vào lớp kanji lúc 12:40. Mình vào muộn mất 4 phút, may là cô giáo dạy lớp Kanji rất rất nice và bảo mình “không sao không sao!”. Bản thân mình cũng rất thích lớp này nên mình chủ động dừng hoạt động thesis để tập trung cho lớp học này. Riêng master thesis thì mình không thể multitasking được.

8:30 tối, mình viết xong bản draft dài 8 trang, bao gồm 2 trang references (bài đọc tham khảo). Chính ra 2 hôm vừa rồi đọc nhiều vãi. Nghỉ một lát rồi sau mình bắt đầu làm bản ppt từ 9:00. Đây vốn là khoảng thời gian mình bắt đầu thói quen buổi tối để chuẩn bị đi ngủ, nhưng thứ 5 này là ngoại lệ. Cũng may là mình có sẵn khung và design của bài thuyết trình thesis của đề tài cũ, nên chỉ việc copy câu cú từ bản draft vào slide, sau đó lọc bớt chữ, để lại keyword và sắp xếp thứ tự. Tuy nhiên, công đoạn phức tạp và tốn nhiều thời gian nhất đó là kẻ bảng và liệt kê ra các bài đọc nghiên cứu, gồm tên bài đọc, tên journal, tên người viết, năm viết, và từ khoá, hoặc là nội dung chính. Ngồi liệt kê gần 30 cái references mệt bởi hơi tai.

10:49 phút, mình hoàn thành bản ppt. Ngồi check lại cả bản draft lẫn ppt, và submit lúc 11:00 đêm.

Lâu rồi mình mới chạy deadline muộn như thế này. Mùa hè vừa rồi cũng có một khoảng thời gian chạy deadline nhưng không đến mức muộn như vậy. Dù sao thì điều quan trọng nhất vẫn là… nộp được trước deadline, “tận” 1 tiếng.

Những điều mình rút ra được từ những ngày chạy deadline vừa rồi

  • Nếu đang bế tắc, hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè xung quanh, hay các sempai cùng ngành. Mạnh dạn hơn thì có thể trao đổi trực tiếp qua Facebook chat với thầy giáo hướng dẫn như cách mình làm. Đảm bảo nhận được feedback lại ngay lập tức. Tất nhiên, khả năng bị “ăn chửi” cũng sẽ rất cao nếu gặp phải thầy cô nào khó tính luôn yêu cầu trao đổi nghiêm túc qua email.
  • Ý tưởng đôi khi sẽ xuất hiện bất chợt trong những lúc ta không ngờ tới, ví dụ như khi đang rửa bát, tập thể dục, hay đặc biệt là trong lúc tắm. Nếu cảm thấy không thể nghĩ ra được cái gì cả, hãy tạm thời dừng lại, nghỉ ngơi, uống cốc trà, nằm chợp mắt trên giường, tập thể dục, hay là đi tắm. Biết đâu ý tưởng sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian đó?
  • Phải có những lúc bị deadline dí như thế này thì mới thấy được tầm quan trọng của việc sống healthy với giờ giấc sinh hoạt hợp lí.
  • Và cũng nhờ những áp lực không hề nhỏ từ việc chạy deadline mà bản thân mình cũng học hỏi và cải thiện được nhiều thứ, đặc biệt là trong các khâu tìm đọc, lọc tài liệu, sắp xếp dữ liệu trên máy tính… Mọi thứ cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng để đảm bảo không bị lãng phí thời gian, nhờ thế là có thể kịp tiến độ để hoàn thành trước deadline. Thầy giáo hướng dẫn của mình cũng có một bài viết nghiên cứu với chủ đề tương tự, với tiêu đề là “Anxiety on Personal Kaizen Performance” (Ảnh hưởng của sự lo âu đến khả năng kaizen của cá nhân).
  • Và điều quan trọng nhất: ĐÂY MỚI CHỈ LÀ SỰ BẮT ĐẦU.

Viết bài này cứ như thể là bản thân đã hoàn thành xong luận văn thạc sĩ vậy. Nhưng trên thực tế đây mới chỉ là bước đi đầu tiên. Dù  đã nghĩ ra được đề tài mới hay hơn, thú vị hơn, và có tính logic hơn, nhưng chưa chắc các thầy cô đã chấp nhận. Vẫn sẽ phải thay đổi nhiều, sửa nhiều, thậm chí là phải lặp lại từ bước ban đầu là literature review.

Tháng 5 năm sau mới bảo vệ, tức là còn nửa năm. Nghe có vẻ dài, nhưng chắc sẽ rất nhanh thôi. Và để không phải đến sát tháng 5 mới cong mông lên làm, thì ngay từ bây giờ, mình sẽ cố gắng cải thiện từng bước một, cố gắng tự tạo cho bản thân những deadline nhất định cho hoạt động nghiên cứu và viết luận văn.

Stay focused, be present.

Kira

 

 

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

7 thoughts on “Master Thesis #1 – It’s Just The Beginning

  1. Cảm ơn những chia sẻ của bạn, mình cũng đang gặp khó khăn trong thời gian viết luận văn thạc sĩ, nhiều lúc cũng cảm thấy bế tắc luôn, nhưng đọc qua bài đăng của bạn cho mình thêm động lực để tiếp tục. Chúc bạn hoàn thành luận văn như bạn mong đợi.

    Liked by 3 people

  2. Còn 1 ngày nữa là em bắt đầu bước vào tuần thi và hiện tại em đang rất bối rối không biết nên bắt đầu từ đâu, cả ngày em cứ đắm chìm trong cái suy nghĩ nếu mình không tranh thủ sẽ không còn thời gian và không ôn được nhiều. Thế là em mất cả một ngày không làm gì cả chỉ ngồi nhìn vào đt và laptop. Lúc nãy đang uống ly sữa cái tự dưng trong đầu nhớ đến chiếc blog em từng đọc lướt tại bữa đó bận quá nên không nghiêm túc đọc từng câu chữ được. Em mở lên đọc lại và giờ em cảm thấy bình tĩnh hơn, đỡ stress hơn và cũng biết mình nên làm gì. Cảm ơn anh nhiều. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe và ăn uống đúng giờ nhé.

    Liked by 2 people

Leave a comment