Nội dung chương trình học

   Mình sẽ cố gắng giải thích cặn kẽ và chi tiết về nội dung chương trình YCCS, hệ thống tín chỉ cũng như điều kiện để tốt nghiệp chương trình này. 

Ba điều kiện để tốt nghiệp chương trình YCCS

  1. Lấy đủ tín chỉ các môn học, bao gồm các môn chung, môn chuyên và các tín chỉ liên quan đến luận văn tốt nghiệp. Tổng số tín chỉ cần phải lấy sẽ là 124 trở lên.
  2. Điểm trung bình môn (GPA) trên 2.0. Lưu ý, trường đại học Yokohama có hệ thống thang điểm max là 4.5 chứ không phải là 4.0 như các trường đại học khác.
  3. Bảo vệ luận văn thành công. Đối với các bạn cấp 3, chắc cũng “rén” khi nghe cái cụm từ “BẢO VỆ LUẬN VĂN” nhỉ. Thực ra nó cũng không có gì đặc biệt cả. Bạn sẽ phải viết luận văn tốt nghiệp (khoảng 50 trang), rồi trình bày luận văn đó, nếu như được giáo sư hướng dẫn chấp nhận tức là bạn bảo vệ thành công.

Hệ thống tín chỉ và các lớp học

   Trước tiên, mình muốn giải thích về cụm từ “tín chỉ” hay tiếng Anh gọi là credit. Cũng không cần phải dài dòng, đại khái tín chỉ là một đơn vị dùng để đo lường khối lượng học tập. Thông thường một lớp học của YCCS sẽ có độ dài tiết học là 90 phút, tuần một buổi, nhân với một học kì (thường là 15 tuần) sẽ được tính là 2 tín chỉ. Năm đầu tiên học nhiều môn thì số tín chỉ đăng ký càng cao. Đại khái là nếu đăng ký 10 môn thì sẽ được 20 tín chỉ (với điều kiện là không trượt môn nào).

curriculum.png

   Đây là bảng hệ thống các môn học trong chương trình YCCS cũng như số tín chỉ tương đương. Mình sẽ giải thích từng mục một.

   Như đã nói ở mục “What is YCCS”, đây là chương trình mà ở đó bạn không chỉ học các môn chuyên mà còn được học rất nhiều các kĩ năng khác liên quan đến IT, kĩ năng hoạt động nhóm cũng như kĩ năng kinh doanh. Nhìn vào bảng phía trên thì bạn sẽ thấy ngoài mục Graduation Research Project và Major, Minor Studies còn có 4 mục khác.

1. Japanese Language and Cultural Perspective:

   Mặc dù YCCS là chương trình tiếng Anh, nhưng họ vẫn yêu cầu sinh viên phải học và lấy đủ tín chỉ tiếng Nhật (8-24 tín chỉ). Sở dĩ nó lại dao động từ 8 – 24 là bởi đối với những ai có trình độ tiếng Nhật cao (tương đương N1) thì có thể được xem xét để lấy ít tín chỉ hơn. Hồi mình nhập học thì tiếng Nhật dù có giỏi đến mấy thì vẫn phải lấy đủ 24 tín chỉ. Các lớp tiếng Nhật tùy vào độ dài tiết học, nội dung tiết học mà số tín chỉ cũng sẽ khác nhau. Lớp nào nhàn nhàn thì có thể là chỉ được một tín chỉ, lớp bình thường thì là 2 tín chỉ, có lớp mà kiểu chuyên viết luận thì sẽ được 4 tín chỉ, trong cùng 1 khoảng thời gian là 90 phút/ tiết.

   Như mình thì mình đã học xong 24 tín chỉ tiếng Nhật trong vòng 2 năm đầu. Từ năm 3 trở đi là không đụng vào tiếng Nhật nữa. Bớt được tiết học cũng nhàn nhưng bị cái dở là không chịu tự ôn tiếng Nhật nên lại quên dần dần.

   Mục Cultural Perspective có 3 lớp, liên quan nội dung về văn hóa Nhật Bản, ví dụ như là “Multiethnic Japan”, “Yokohama Studies” và “Multicultural Practice”. 

2. Global Common Competencies:

   Đây là mục lớn bao gồm 3 kĩ năng chính: Cross-Culture, ICT và Innovative Business

   Cross-Culture Competencies (12 tín chỉ = 6 lớp), gồm các môn học có nội dung thiên về ngôn ngữ, văn hóa và giao tiếp, ví dụ như “Element of Linguistic Knowledge”, “Arabic Language and Its Culture”. 

   ICT and Creative Competencies (16 tín chỉ = 8 lớp), gồm các môn về công nghệ thông tin, media, quảng cáo, thống kê số liệu, như lớp “Advertisement Art” hay là “Cyber Studies”.

   Innovative Business Competencies (16 tín chỉ = 8 lớp), gồm các môn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh. Mình nhận thấy chương trình YCCS có rất nhiều môn học liên quan đến business mà mình nghĩ là YCCS có thể lấy Business làm một major riêng. 

3. Specialized Competencies in Collaboration, Leadership and Facilitation

   Đây là mục yêu cầu số tín chỉ nhiều nhất (26). Tuy nhiên, đa số các lớp thuộc mục này đều có số tín chỉ cho mỗi lớp là 3 thay vì 2. Những lớp này đều có nội dung liên quan đến các kĩ năng mềm như kĩ năng lãnh đạo, hợp tác nhóm,… Theo mình thì đây là những lớp mà sinh viên YCCS cảm thấy khó khăn nhất khi theo học. Cũng có nhiều lí do nhưng đại khái là vì số lượng các bài tập assignment được giao rất nhiều, cũng như các lớp được dàn trải đều cho 4 năm học đôi khi khiến chính bản thân mình cũng thấy nản. 

4. Fundamental of Urban Science

   Đây là mục hoàn toàn mới và mình không rõ về các lớp học liên quan đến mục này. Có thể nó là một số lớp liên quan đến khoa học đô thị nhưng đã được đổi tên.

5. Major và Minor

   Chương trình YCCS yêu cầu sinh viên chọn 1 major trong 3 lĩnh vực và 2 cái còn lại sẽ trở thành Minor. Major thì sẽ phải lấy 16 tín chỉ tương đương với 8 lớp. Trong khi mỗi minor thì lấy 4 tín chỉ tương đương với 2 lớp.

   Ví dụ, mình chọn major là Urban Social Management, mình sẽ phải tìm và đăng ký các lớp học có code USM, sao cho trước khi tốt nghiệp mình có đủ 16 tín chỉ major. Tương tự với minor, mình sẽ phải lấy 2 lớp của UCC và 2 lớp của UCT để lấy đủ tổng cộng 8 tín chỉ cho cả 2 minor. 

   Major và Minor sẽ được học từ năm thứ 2, còn năm đầu thì chỉ được học các môn chung và tiếng Nhật.

6. Graduation Research Project

   Lên năm 3 thì các bạn sẽ bắt đầu “dự án” luận văn tốt nghiệp, trước khi tập trung viết luận văn khi lên năm 4. Sẽ có một giáo sư hướng dẫn cho bạn viết luận, và chính người này cũng sẽ là người đánh giá và quyết định xem luận văn của bạn có ổn và đủ tiêu chuẩn để tốt nghiệp không. 

TỔNG KẾT

   Hồi mình tìm hiểu về chương trình YCCS thì trang chủ lúc đó không cung cấp cụ thể các thông tin về nội dung học hay tín chỉ nên mình cảm thấy rất mơ hồ, nhưng vẫn quyết định apply vì sức hấp dẫn mang tên “URBAN CREATIVE”. Sau hơn 5 năm, chương trình YCCS đã thay đổi diện mạo, làm mới lại trang web và cung cấp nhiều thông tin hơn, đồng nghĩa với việc các bạn sinh viên sẽ nắm bắt được nhiều thông tin và có định hướng cụ thể hơn khi apply chương trình này.