Dậy sớm thật là tuyệt

Giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn vì World Cup

   World cup diễn ra từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, cũng là lúc mình đang bận rộn với luận văn tốt nghiệp, thành ra cuộc sống sinh hoạt trong khoảng thời gian này khá là tệ. Sáng thì dậy muộn, chiều thì ngồi viết luận ở Starbucks, tối thì về xem bóng đá đến khuya. Mệt nên lười nấu ăn, toàn đi ăn ngoài. Suốt một tháng tiếp diễn như vậy, thế là sức khỏe cũng giảm sút.

Cứ thế này thì không ổn. Phải thay đổi thôi.

   Mình quyết định hôm chung kết World Cup sẽ là đêm cuối cùng thức khuya. “Từ mai là phải ngủ sớm dậy sớm”. Và thế là ngày hôm sau mình đi ngủ từ 10 rưỡi, dậy từ 5 rưỡi. Suốt một tháng toàn 1 2 giờ mới ngủ đuỳnh một phát ngủ sớm, thành ra hôm sau dậy sớm không biết làm gì…

   Thường thì sáng dậy mình sẽ ngồi thiền và tập yoga, nhưng dài lắm cũng chỉ 20 phút. Ăn sáng xong thì lúc đấy vẫn chưa đến 6 giờ sáng. Làm gì bây giờ?

Hay là đi Starbucks từ 7 giờ?

   Đầu tháng 6 khi bắt đầu viết luận, mình có đến Starbucks từ 9 giờ sáng 4 ngày liên tục. Nhưng chưa bao giờ đến lúc 7 giờ vì nghĩ sớm quá.

   Nhưng mà mình muốn đi, muốn là khách hàng đầu tiên. Thế là ăn xong mình nghỉ một chút, thay quần áo rồi đạp xe lên phố. Vì đến muộn chút nên mình không được trở thành khách hàng đầu tiên, nhưng mình cũng rất vui vì đã đạt được mục tiêu mới. Đó là việc đạp xe lên Starbucks lúc 7 giờ sáng.

Photo 7-22-18, 7 13 13 AM
Starbucks 7 giờ sáng!

Starbucks 7 giờ sáng

   Cửa hàng lúc sáng sớm thật yên tĩnh làm sao. Nhạc vẫn chưa được phát, khách hàng chắc chỉ tầm 5, 6 người, chú yếu là nhân viên công ty ghé qua mua cốc cà phê trước giờ làm việc.

  Ngày hôm đó, cũng như bao ngày, mình luôn ngồi ở chỗ ngồi quen thuộc, uống trà chamomile và đọc sách. Cảm giác thật là tuyệt.

Hôm nay cũng Starbucks từ 7 giờ sáng

   Thứ 6, ngày 27 tháng 7.

   Tuy là chiều nay mình có buổi bảo vệ luận văn đợt 1, nhưng sáng sớm mình vẫn tranh thủ đạp lên Starbucks. Và mình cảm thấy hôm nay là một ngày khá tuyệt.

   Ngày hôm nay của mình đại khái như sau

   5:00   Dậy -> Thiền, Yoga
   5:30   Đọc sách
   5:45   Đi tắm
   6:00   Ăn sáng
   7:00   Đến Starbucks -> Ngồi đọc sách
   10:00 Về nhà -> Tập thể dục nhẹ
   11:00 Làm cơm trưa (Bento)
   12:00 Đến trường -> Ăn trưa, gặp bạn bè
   13:00 Chuẩn bị bài phát biểu
   18:00 Bảo vệ luận văn
   19:00 Ăn tối
   21:00 Hiện tại, thảnh thơi ngồi viết blog

Photo 7-27-18, 11 46 50 AM
Trưa vẫn có thời gian để làm cơm hộp mang đến trường

“Chúng ta sống nhờ vào thói quen”

   Gần đây mình vừa đọc xong một cuốn sách. Tác giả chính là Sasaki Fumio, người đã viết cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật”. Đúng như tiêu đề sách, mình nghĩ rằng chúng ta sống dựa vào các thói quen sinh hoạt thường ngày.

“Tài năng không phải là do trời ban tặng, mà nó là thành quả của sự nỗ lực.
Nếu biến sự nỗ lực đó thành thói quen thì sẽ dễ dàng duy trì được.
Chúng ta đều có thể học dần thói quen mới”

 Sasaki Fumio

   

Photo 7-17-18, 7 59 25 AM
Chúng ta sống dựa vào thói quen – Sasaki Fumio

   Ngồi thiền và tập yoga sau khi dậy, đến starbucks thì đọc sách, tối trước khi ngủ thì viết nhật ký. Đây là những thói quen mà mình đã hình thành được trong khoảng thời gian nửa năm trở lại đây.

   Và mình cũng muốn biến việc dậy sớm trở thành thói quen. Thời gian đầu thì ai cũng sẽ phải nỗ lực một chút, nhưng dần dần khi quen với việc ngủ sớm và dậy sớm, chúng ta thậm chí còn có thể tự dậy đúng giờ mà không cần chuông báo thức.

Bước đầu để hình thành được thói quen dậy sớm: Nói không với điện thoại.

   Cái này thì chắc hẳn ai cũng biết. Điện thoại là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ.

   Ví dụ như bạn lên giường lúc 10 giờ, nhưng rồi cứ dán mắt vào điện thoại, rồi thành ra đến 12 giờ vẫn chưa ngủ. Hay sáng hôm sau dậy, việc đầu tiên là với lấy chiếc điện thoại, check facebook hay Instagram, cứ thế rồi chẳng bao giờ rời được khỏi chiếc giường đúng giờ.

  Vì thế, bước đầu tiên là cần phải trành xa điện thoại trước khi ngủ và sau khi dậy. Đặc biệt là sau khi dậy sớm, thay vì lướt điện thoại thì hãy làm gì đó rồi mới đến lượt check điện thoại.

Có kế hoạch cụ thể sau khi dậy sớm

   Như mình đã nói ở trên thì sẽ có lúc dậy sớm nhưng không biết làm gì.

   Vậy thì hãy nghĩ tại sao mình lại muốn dậy sớm, hãy nghĩ việc cần làm cho sáng hôm sau trước khi đi ngủ. Ví dụ như mình muốn đi starbucks từ 7 giờ nên mình ngủ sớm. Lập kế hoạch cụ thể sau khi dậy cũng khá quan trọng. Nếu như duy trì được các hành động đó hàng ngày thì nó sẽ thành thói quen.

 Trong cuốn “The Power of Less”, Leo Babauta có viết “Nếu lập kế hoạch cụ thể sau khi dậy thì chúng ta có thể làm những việc mà thông thường không có thời gian, ví dụ như đọc sách hay vận động, hay thậm chí còn có thể làm những việc mình thích, tận hưởng một buổi sáng của riêng bản thân”

Mình luôn thực hiện 3 việc sau khi dậy sớm

  1. Ngồi thiền và tập yoga
  2. Dọn phòng (Check xem đồ vật nào không được để đúng chỗ thì đặt lại đúng chỗ, gấp chăn,…)
  3. Đọc sách (Mình bắt đầu đọc cuốn có tên The Intellectual Devotional, mỗi ngày 1 trang, giúp tăng cường tri thức, khá là hay)

   Thực hiện 3 việc này xong rồi ăn sáng. Nhìn vào đồng hồ thì mới có 6 rưỡi. Còn sớm, vậy thì đi Starbucks thôi.

   Minh nghĩ dậy sớm rất tốt cho sức khỏe cũng như giúp bản than thực hiện được nhiều công việc hơn. Tất nhiên để duy trì được thói quen dậy sớm thì cần phải nỗ lực thời gian đầu, và mình vẫn đang trong giai đoạn nỗ lực đó. Nhưng mình tin rằng mình sẽ biến nó trở thành thói quen hàng ngày để giúp tăng cường sức khỏe cũng như thực hiện được nhiều công việc hơn.

   Hôm 25 tháng 07 là sinh nhật 11 tuổi của Starbucks mình hay ghé tới. Chúc mừng sinh nhật! 

Photo 7-24-18, 10 57 09 AM

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

3 thoughts on “Dậy sớm thật là tuyệt

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s