Vượt qua chứng mặc cảm ngoại hình

Mình của hiện tại là một thanh niên cao 1m8 có vóc dáng siêu mỏng manh, cân nặng gần 60kg, đôi má hơi hóp lại cùng với “bờ mông teo tóp”. Nhiều người nhìn vào mình và sẽ nói rằng “Sao gầy thế, ăn nhiều vào, trông ốm quá,…”. Nhưng liệu bạn có tin là mình đã từng nặng hơn 80kg, từng đẩy tạ hùng hục như “trâu húc mả”, từng coi cơ bắp của bản thân là một niềm tự hào không có gì sánh bằng?

Bài viết này mình sẽ chia sẻ với mọi người câu chuyện xoay quanh cơ thể của mình, cụ thể là chuyện mình từng là “con nghiện gym”, từng coi cơ bắp là điểm thu hút nhất của bản thân, để rồi bị chính việc quá coi trọng bề ngoài cơ thể mà khiến bản thân mắc phải chứng mặc cảm ngoại hình. Nhưng rồi nhờ việc thay đổi quan điểm và cách suy nghĩ về cơ thể mà giờ mình không còn quá coi trọng ngoại hình nữa.

Biệt danh hồi cấp 3 của mình: “Cây sào chọc c*t”

Một chút hoài niệm thời thơ ấu, khi mình còn là học sinh cấp 3. Từ đợt dậy thì cuối cấp 2, mình bỗng tăng vọt từ 1m5 lên 1m6, rồi khi vào cấp 3 thì mình cao 1m75. Sau 3 năm thì mình thành đứa cao nhất lớp với chiều cao cố định là 1m83.

Tuy cao lên nhanh nhưng bề ngang của mình lại không hề thay đổi. Mình đá bóng nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn cứ teo tóp 53kg. Nhưng thời điểm đó dù có rất gầy nhưng mình vẫn không quá quan trọng đến chuyện bề ngoài ra sao. Mình vẫn tự tin đi tán mấy em lớp dưới, vẫn “hot vừa đủ”, nói chung là vẫn khá lạc quan và yêu đời nên chẳng để tâm mấy đến chuyện ngoại hình.

na2009.jpg
lớp 10

Bước vào con đường trở thành một gymer

Đó là thời điểm cuối cấp 3, khi thấy bạn bè xung quanh có mấy đứa bắt đầu đi tập gym. Mình vẫn còn nhớ như in ngày đầu đi tập ở phòng gym phía sau trường ĐHQG. Cậu bạn dẫn ra máy đẩy ngực, và bảo mình nằm xuống và đẩy thanh đòn có 2 đĩa 10kg mỗi bên (tổng khoảng 25kg). Mình nằm xuống, nhấc thanh lên, tay run run từ từ hạ xuống rồi đẩy lên được 1 cái.

“Nặng ghê. Cơ mà cảm giác thích thú phết”.

Kể từ đó, mình bắt đầu đi tập gym một cách đều đặn và chăm chỉ sau mỗi giờ học (từ cuối tháng 11/2011).

Đang từ 53kg, sau hơn 1 năm cân nặng mình đã tăng vọt lên gần 65kg, và đặc biệt là từ khi trở thành sinh viên đại học thì mình lại càng dành nhiều thời gian để đi tập. Những ai gắn bó với mình thời điểm đó biết rõ mình to nhanh đến mức nào so với hồi còn là học sinh cấp 3. Tập gym càng nhiều, người càng to lên, và mình càng chú ý đến từng bộ phận cơ bắp, từ ngực vai, đến tay chân. Nói chung là đợt đó mình thuộc dạng “mirror gymmer”, tức là thanh niên tập gym lúc nào cũng ngắm body của bản thân sau mỗi lần tập hoặc giữa các hiệp.

Nặng 80kg. Đẩy tạ ngực gần 50kg mỗi bên. Bắp tay 40cm.

Phía trên là những con số miêu tả thành quả tập gym của mình sau một thời gian kể từ khi du học Nhật cuối năm 2014. Instagram của mình lúc đó gần như chỉ post 2 loại ảnh: ảnh vui chơi với bạn bè và ảnh tập gym của mình. Mình được mọi người đặt nick name là “Kira Maccho”, tức là Kira đô con. Và mình cũng coi cơ thể ngoại hình của mình như là một “trademark” và nó cũng là điều mình tự hào nhất ở bản thân thời điểm đó.

 

 

Mắc bệnh. Sụt cân. Mất động lực tập gym

Một bước ngoặt đến với cuộc đời mình.

Năm 2016, mình bị chẩn mắc bệnh tiêu hóa mãn tính, và điều này khiến mình không được tập nặng vì nó ảnh hưởng đến dạ dày. Bố mẹ thì đổ tội tại mình tập gym kinh khủng quá. Lúc đó tập thể hình là niềm tự hào số 1 của mình nên mình nhất quyết không chấp nhận ý kiến của bố mẹ. Mình vẫn cố gắng đi tập gym đều đặn nhưng những triệu chứng liên quan đến dạ dày càng trở nên rõ hơn, và mình dần mất động lực tập gym. Sau tháng 09/2016 thì mình gần như không còn đi tập gym nữa và những triệu chứng bất ổn tâm lý bắt đầu xuất hiện.

Mặc cảm ngoại hình và trầm cảm

Có lẽ vì quá coi trọng vẻ ngoại hình cơ bắp mà mình cảm thấy việc người bị teo đi là một nỗi nhục, một sự xấu hổ, và mình dần mất tự tin với bản thân. Mỗi ngày mình đều soi gương và lấy tay sờ lên đôi má, sờ vào dưới cằm, rồi sờ vào bắp tay, và luôn miệng than thở khi thấy cơ thể dần gầy đi.

Khi đi học thì mình cố gắng mặc thật dày và quàng kín mặt nếu là mùa đông, còn mùa hè thì gần như mình không ra khỏi nhà mấy, chỉ ở nhà xem TV và chơi điện tử. Và cuộc sống của mình cứ tiếp diễn như thế suốt 1 năm trời.

Vị cứu tinh mang tên “minimalism”

Đầu năm 2018, mình biết đến chủ nghĩa tối giản nhờ đọc một cuốn sách mà bố giới thiệu. Đúng thời điểm đó mình đang muốn thay đổi bản thân và bắt đầu xây dựng lại một lối sống mới từ con số 0 nên “minimalism” đã trở thành điểm tựa vững chắc để giúp mình có được một cuộc sống mới tích cực hơn.

Ban đầu mình cũng không nghĩ rằng LSTG sẽ giúp mình vượt qua chứng mặc cảm ngoại hình, vì gần như không có cuốn sách nào, bài viết nào đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Những gì người ta hay nói về chủ nghĩa tối giản đó là việc dọn dẹp nhà cửa, vứt bỏ đồ đạc, và một chút liên quan đến phi vật chất. Nhưng sau một thời gian theo đuổi lối sống tối giản, mình dần dần nhận ra được những giá trị cốt lõi về mặt tinh thần mà chủ nghĩa tối giản đem lại, mà nó có thể giúp mình vượt qua khỏi những khó khăn mà mình đang mắc phải.

Sống tối giản giúp mình biết ưu tiên và lựa chọn những thứ quan trọng, loại bỏ những điều thừa thãi không cần thiết. Đồng thời nó cũng giúp mình tập trung hơn vào chính bản thân hơn là để ý đến những lời nói xung quanh. Và rồi mình nhận ra rằng, bản thân bị mặc cảm ngoại hình đơn giản là bởi vì mình vẫn còn vương vấn quá khứ, vẫn còn so sánh bản thân với ngày xưa, và vẫn bị những lời nói xung quanh tác động, điển hình như câu nói “sao gầy thế”.

Và rồi, mình bắt đầu tự đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân mình.

“So sánh bản thân với quá khứ thì được gì?”

“Quá khứ và hiện tại cái nào quan trọng hơn?”

Sau một khoảng thời gian, mình dần lấy lại tự tin, và mặc dù vẫn còn hơi ngài ngại nhưng mình cũng đã đủ dũng cảm để đăng một bức ảnh cá nhân sau gần 2 năm chỉ biết sử dụng ảnh cũ (thêm hiệu ứng trắng đen vào), kèm theo một đoạn viết chia sẻ về cuộc sống của mình trong hơn 1 năm mắc bệnh trầm cảm. Và trong suốt 1 năm kể từ khi về Việt Nam, mình tiếp tục hành trình sống tối giản cũng như là trải nghiệm thêm nhiều điều mới thú vị, “dấn thân” vào những việc làm, thử thách mà cả đời chưa bao giờ làm. Nhờ thế mà mình càng trở nên tự tin hơn, hài lòng hơn với bản thân mình hiện tại, và không còn tự ti với cơ thể bề ngoài. Mình cũng chẳng mấy bận tâm những lời nói vô ý của người ngoài khi nói về chuyện ngoài hình của mình. Và điều quan trọng nhất mà mình đã vượt qua được, đó chính là việc ngừng so sánh bản thân với quá khứ.

Trước đây khi đi gym mình luôn có suy nghĩ là phải tập để sao cho cơ thể to lại như hồi trước, nhưng rõ ràng đó là một cách nói thể hiện sự luyến tiếc quá khứ, lấy bản thân của quá khứ làm cột mốc. Mình nhận ra được sai lầm đó và đã quyết tâm thay đổi suy nghĩ, và nhờ có chủ nghĩa tối giản dẫn đường mà suy nghĩ mình giờ đây luôn hướng đến thực tại, đến những giây phút ngay chính lúc này.

 

 

Đôi lời nhắn nhủ

Là một người đã từng mắc phải chứng này, mình biết là nó không dễ gì có thể vượt qua được ngay lập tức. Nhưng hãy nghĩ rằng, cơ thể không chỉ đơn giản là về ngoại hình. Cơ thể chính là công cụ để giúp chúng ta thực hiện những điều mong muốn trong cuộc sống. Dù suy nghĩ, tư duy và mục tiêu của mỗi người khác nhau, nhưng chúng ta đều có điểm chung đó là sử dụng cơ thể để thực hiện những điều đó. Khi nghĩ theo cách này, bạn sẽ thấy ngoại hình nó chỉ là một phần của cơ thể chúng ta. Có được vẻ đẹp bên ngoài tất nhiên cũng tốt, nhưng điều quan trọng hơn đó là việc nuôi dưỡng bên trong cơ thể, cụ thể ở đây là sức khỏe thể chất và tinh thần.

Gửi tới các “cựu đồng nghiệp gymer”, việc tập gym là một điều tốt và tích cực, và mình luôn ủng hộ mọi người tập gym. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn đẹp không chỉ vì bề ngoài, mà còn là đẹp cả bên trong. Vì thế, hãy đừng để ngoại hình chi phối quá nhiều đến cảm xúc, không là bạn sẽ bị rơi vào trạng thái mặc cảm như mình hồi xưa đó.

Để kết thúc bài viết này mình sẽ trích 1 đoạn viết về chuyện ngoại hình trong cuốn “The More of Less” của Joshua Becker. Đây cũng là cuốn sách duy nhất về lối sống tối giản có đề cập tới vấn đề ngoại hình mà mình đã từng đọc.

“Appearance isn’t what matters most. More importantly, our physical bodies are the instruments through which we accomplish our purpose in this world. Whether you or I desire to be a good parent, a spiritual mentor, a world traveler, a successful businessperson, or anything else, our bodies’ condition is either an asset or a liability. This implies that we need to make an important change in our thinking. We do not care for our bodies simply for vanity’s sake or to fill an emotional void within us. We care for our bodies so we can more effectively accomplish what we most want to do with our lives”

Stay focused, be present

Kira.

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

3 thoughts on “Vượt qua chứng mặc cảm ngoại hình

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s