Ngày 14/03/2020, mình chính thức nói lời tạm biệt với điện thoại Android, sau gần 8 năm “chung sống”, để chuyển sang iOS, cụ thể đó là iPhone 11. Thực ra có một đợt mình “ngoại tình” với iPhone 6 trong thời điểm chiếc Galaxy Note 3 nó bị gặp chút trục trặc, nhưng ấn tượng của mình đối với iOS lúc đó không quá đặc biệt và mình cũng chỉ dùng iPhone như một điện thoại phụ.
Còn lần này, sau một thời gian đắn đo suy nghĩ rất rất lâu, mình mới quyết định chia tay mối tình 8 năm với Android để đến với iPhone. Đây là một quyết định mang tính “cách mạng”, và chắc chắn nó sẽ thay đổi thói quen sử dụng, cũng như là cách suy nghĩ của mình về chính chiếc iPhone nói riêng, và sản phẩm của hãng Apple nói chung.
Mối tình 8 năm với Android
Chiếc smartphone đầu tiên mình cầm trên tay là Samsung Galaxy S3, được bác mua tặng nhân dịp đỗ đại học năm 2012. Hồi đó bác hỏi mình muốn chọn iPhone hay Samsung, và mình đã quyết định chọn Samsung (không nhớ lí do là vì sao). Nhưng có lẽ kể cả khi mình chọn iPhone từ hồi đó thì mình cũng sẽ chuyển sang Android để sử dụng, bởi hồi đó mình vốn thích nghịch điện thoại, thích mày mò và tìm cách thay đổi nhiều chế độ, chức năng. Trong suốt 8 năm mình gắn bó với 3 đời Android, đó là Galaxy S3, Galaxy Note3, sau đó là Asus Zenfone 5, Android tai thỏ đầu tiên được bán ra thị trường năm 2018.
Ấn tượng của mình đối với iPhone lúc khá tệ, màn thì nhỏ xíu (so sánh iPhone 4 với Galaxy S3), điện thoại gì mà chả crack được gì cả (có jailbreak nhưng không là gì so với mod Android). Dùng Android sướng ở cái mình được customize tuỳ ý, sử dụng nhiều giao diện, root máy, rồi thậm chí là tải các app và game miễn phí, trong khi iPhone thì luôn phải mất tiền.
Nhưng…
Đến một thời điểm, bỗng dưng mình cảm thấy không còn ưng giao diện của Android, trái lại, mình lại bắt đầu thích giao diện của iOS, đơn giản nhưng vẫn rất đẹp. Thêm vào đó, mình cũng không còn mày mò điện thoại nhiều, không còn chơi game nhiều, và cũng không còn sử dụng nhiều app. Đặc biệt, cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” do Sasaki Fumio viết đã phần nào đem lại cho mình một ấn tượng mới mẻ về chiếc iPhone, vốn bị mình “ghẻ lạnh” suốt thời gian qua. Nhưng phải sau 2 năm kể từ khi xuất hiện cảm giác thích thú với iOS, mình mới đưa ra quyết định, đó là mua iPhone 11.
Thêm một điều. Mình đã sử dụng giao diện nhái iOS trên chiếc Android gần nhất của mình được một thời gian khá dài (từ cuối 2018). Điều này càng chứng minh cho một điều rằng, có lẽ không lâu nữa mình sẽ đổi sang iPhone thật.
Chuyển sang iPhone, mình phải “đánh đổi” những gì?
Từng là một android fan nên mình cảm thấy có khá nhiều mất mát khi chuyển sang sử dụng iOS. Thứ nhất, đó là không còn được sử dụng một số ứng dụng premium một cách free, đặc biệt là VSCO. Nếu có app nào có bản premium mình luôn lên mạng gõ ” tên app + premium + apk + mod”. Tất nhiên không phải lúc nào cũng có bản mod cho các app mình muốn tìm kiếm.
Tiếp theo đó là chiếc giác cắm USB-C. Trước đây nếu dùng Android mình có thể dễ dàng chuyển ảnh sang bằng cách cắm thẻ SD card vào một cái thẻ USB-C trung gian và chuyển ảnh một cách dễ dàng. Giờ dùng iPhone sử dụng cổng sạc Lighting hơi bất tiện, rồi phải down cả iTunes để chuyển file nữa. Cũng may là có ông anh họ sành điện thoại gợi ý dùng cái phần mềm 3uTools và thấy nó cũng khá tiện.
Và cuối cùng đó là, iPhone 11 không có dấu vân tay, thay vào đó chỉ có Face ID. Mình rất ấn tượng với face ID và cũng rất thích chức năng này, nhưng đôi khi cũng khá bất tiện, nhất là khi phải đeo khẩu trang đi ra ngoài đường.
Trên đây là những “mất mát” chính mà mình cảm nhận được khi rời xa Android và bắt đầu sử dụng iPhone. Nhưng phải nói rằng, những trải nghiệm tốt mà iPhone đem lại cho mình thực sự là vượt xa so với những gì mình nghĩ.
Những điểm mình thích ở iPhone 11
Trước tiên là phải nói về thiết kế. Gosh iPhone 11 is very đẹp, và rất cân đối nữa. Kích cỡ 6,1 inch cũng rất hợp với bàn tay của mình, vì trước đó mình dùng chiếc Asus có kích cỡ 6,2 inch. Mình chọn bản màu trắng, vì nghĩ là nó phù hợp với phong cách tối giản của mình. Dù iPhone 11 bị chê nhiều ở cái viền dày cũng như màn IPS LCD, nhưng mình cũng không quá để ý đến 2 chi tiết này. Thực ra lúc đi xem máy, mình có dí sát mắt vào màn để check thì thấy đúng là chữ bị rỗ thật, nhưng nếu sử dụng một cách bình thường với khoảng cách từ 20-30cm thì vẫn thấy nó nét như thường.
iPhone 11 siêu khoẻ và nhanh. Cái này mình phải nhấn mạnh, iPhone 11 NHANH VÃI. Đúng là chip A13 Bionic có khác. Nếu so với chiếc Asus Zenfone 5 cũ của mình thì có lẽ A13 này nó phải khoẻ gấp 3 – 4 lần. Mọi thao tác mở apps đều nhanh đến mức kinh ngạc. Cách để nhận biết dễ nhất đó là tải game đua ô tô Asphalt 9 về để chơi thử, và rõ ràng chơi ở trên iPhone 11 mượt hơn rất nhiều (sau đó mình xoá luôn vì chủ trương không chơi game trên điện thoại).
Camera khá là xịn. Hồi trước khi muốn up ảnh lên story là mình luôn phải lấy chiếc Fujifilm X-T20 ra chụp, sau đó bắn ảnh vào điện thoại, edit rồi up lên. Lí do là bởi vì camera của chiếc Android cũ không quá xuất sắc. Nhưng từ khi dùng iPhone thì mình thường xuyên chụp ảnh bằng điện thoại hơn, đặc biệt là trong những ngày nghỉ ở nhà mùa dịch này thì X-T20 lại bị cho “ra rìa” và chỉ được dùng khi quay vlog, hoặc để chụp ảnh chiếc iPhone này.
Nhưng điều mà mình thích nhất ở iPhone, đó là chức năng thông báo và chế độ screen time. Vì là dùng iOS xịn nên hiển nhiên tất cả các chức năng đều được thực hiện một cách chính xác đến tuyệt tối, không như giao diện iOS được cài đặt trên máy Android. Thêm vào đó, tính năng mình thích nhất trên iPhone đó là Screen Time (theo dõi thời gian sử dụng điện thoại). Với việc bật Screen Time mode thì mình có thể biết rõ mỗi ngày mình sử dụng điện thoại bao nhiêu tiếng, nhấc máy lên bao nhiêu lần, và tần suất sử dụng mỗi app là ra sao. Những ngày đầu mới cầm trên tay iPhone thì mình mày mò khá nhiều, chủ yếu là tìm và tải app, nên mỗi ngày cứ phải tầm 7 tiếng. Nhưng đến khi đã ổn định rồi thì thời lượng sử dụng điện thoại của mình xuống còn 5 tiếng mỗi ngày. Mình set limit 15 phút cho Instagram, 30 phút cho Youtube, còn Facebook hay Netflix thì mình không cài trên điện thoại. Nói chung tính năng này giúp mình có ý thức hơn trong việc sử dụng điện thoại, đặc biệt là loại bỏ thời gian sử dụng một cách vô thức.
Steve Jobs
Sau khi đã dùng iPhone được vài ngày, bỗng dưng mình cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu nhiều hơn về Apple, đặc biệt là về Steve Jobs. Trước đó tất cả những gì mình biết về Steve Jobs chỉ là “ông này một thiên tài” và “chết sớm vì ung thư”. Thế nên mình đã quyết định đọc cuốn tiểu sử Steve Jobs của Walter Isaacson. Cuốn sách khá dày, và mình mất 2 tuần mới đọc xong, nhưng thực sự nó rất đáng để đọc. Và đây cũng là cuốn sách tiểu sử đầu tiên mà mình có thể đọc hết toàn bộ. Một tên hippie bẩn thỉu và có một tư duy khác biệt (hồi trẻ), một người sở hữu ánh mắt hút hồn mà phải nói mình nhìn vào bức ảnh mà cũng thấy mê, một người có đam mê về thiền định phật giáo nhưng lại cực kì nóng nảy cau có, một người đang mang trong mình những dấu hiệu của việc sắp phải từ giã cõi đời nhưng vẫn ngày ngày làm việc và nghĩ ngợi về Apple. Đọc nửa đầu cuốn sách, mình thực sự rất ghét Steve Jobs hồi trẻ, nhưng càng đọc về phần sau, mình lại cảm thấy khâm phục, và có một chút xúc động khi vừa đọc vừa tưởng tượng đến những tình tiết cuối đời của Jobs.
Đặc biệt là sau khi đọc cuốn sách này, cuối cùng mình cũng biết được lí do vì sao hệ thống bảo mật của các sản phẩm Apple lại chặt chẽ đến vậy. Có lẽ tất cả đều bắt nguồn từ triết lý của Steve Jobs trong việc phát triển công nghệ số. Steve Jobs đã chọn cách đóng kín, trong khi Wozniak thì muốn mở cửa. Sau này, chính Microsoft và Android cũng đã chọn mô hình mở cửa này để giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, và chính điều này cũng đã khiến mình chọn sản phẩm Android.
Nhưng khi bắt đầu sống tối giản, quan điểm về sự ưu tiên và chọn lựa của mình bắt đầu thay đổi, và mình thấy càng ít sự lựa chọn càng tốt. Đó là một phần lí do vì sao mình quyết định đổi sang iPhone 11. Và quả thật, những người sống tối giản thường có xu hướng sử dụng sản phẩm Apple nhiều hơn, đặc biệt là iPhone.
Sau 1 tháng sử dụng iPhone, những gì mình có được không chỉ là những trải nghiệm tuyệt vời mà iPhone đem lại, mà còn là sự trân trọng về từng chiếc điện thoại, cũng như các đồ vật kĩ thuật số mà mình đã và đang sở hữu, từ chiếc laptop đến chiếc ipad, và cả chiếc máy ảnh nữa. Chắc mình kết hôn với iPhone luôn đây.
Thank you Steve Jobs.
Kira.
P/S: Mình đang chuẩn bị làm vlog chia sẻ về những app mình sử dụng trên iPhone với tiêu đề “What’s on my iPhone”, các bạn đón chờ nhé!
Nhưng 1 khuyết điểm cực bự của Apple là giá cao quá, 1 đứa sinh viên chưa tốt nghiệp như em không biết đến bao giờ mới dám dành chừng đó tiền cho 1 cái điện thoại.
Còn lại thì em hoàn toàn đồng ý là Apple cực đỉnh.
LikeLiked by 1 person
Ồ anh cũng xài app Notion nữa kìa! Em có dùng app đó để sắp xếp một số tài liệu học này nọ kia và phải công nhận là giao diện nó nhìn xịn xò với thích lắm! Note-taking bài học cũng tiện nữa :> Hóng clip mới của anh
LikeLiked by 4 people
Chào em. Chị cũng mới biết về blog của em 1-2 tháng gần đây. Trước toàn “tàu ngầm” đọc vì thích cách viết và lối sống của em. Hôm nay thấy bài em chia sẻ về chuyển sang iphone thì mới comment vì bản thân chị cũng chuyển từ hệ điều hành khác sang iphone (mua được cái android đầu tiên vào tháng đầu tiên đi làm 12/2015). Chị cũng mới chuyển sang dùng iphone khoảng 4 tháng, sau khoảng thời gian “không ngắn” với Blackberry và Android. Đến tháng 11 năm ngoái, chị vẫn dùng Blackberry trong công việc vì thích cái sự nhỏ gọn, bàn phím cứng, quản lý email và thỏa mãn yêu cầu cơ bản khi đi xuống xưởng sản xuất (để túi quần thao tác không bị cộm và to như mấy dòng android). Tuy nhiên, chị vẫn cần 1 cái điện thoại android song song khi ở văn phòng hoặc cá nhân. Thế là cứ đi đi về về với 2 cái điện thoại. Trước đó chị không thích iphone vì “người người iphone, nhà nhà iphone”, giá cả của nó, cả giá của app đi kèm (kiểu làm gì cũng mất tiền, trong khi android thì free), ít sự lựa chọn trên cửa hàng rồi tùy biến này nọ so với android và “những tin tiêu cực” về đời sống của nhân viên nhà máy foxconn khi sản xuất ra iphone (cái này là thói quen nghề nghiệp an toàn lao động)
Đến tháng 12/2019, điện thoại android của chị bị chập chờn (lỗi cảm biến tiệm cận) và cứ đi đi về về 2 cái điện thoại khá bất tiện, chị cân nhắc lựa chọn 1 chiếc điện thoại “đại chúng” hơn (blackberry không cài app cần được và phản ứng app đó cũng chậm). 3 tiêu chí lựa chọn điện thoại: 1. nhỏ nhỏ để cho vào túi quần khi xuống xưởng sản xuất; 2. Nằm trong budget (10tr đổ xuống); 3. Bền và ít phải thay thế. Cá nhân vẫn hướng dùng android (vì cái suy nghĩ cố hữu ở trên về iphone) nhưng rất khó để tìm loại nào thỏa mãn tiêu chí đó (có sony compact nhưng ít phân phối ở việt nam, giá cao so với budget trong khi hàng used thì không có). Và chị vô tình đọc được một nghiên cứu về “tác động đến môi trường” của các nhà sản xuất điện thoại (ở một khía cạnh thôi) thì iphone là ít tác động nhất, tìm hiểu thêm về nỗ lực của apple trong việc nâng cao đời sống của nhân viên nhà máy sản xuất iphone của foxconn và có dòng iphone phù hợp với tiêu chí mua điện thoại (nhỏ gọn, nằm trong budget). Thế là chị quyết định mua iphone 8 used và chuyển sang dùng iphone từ tháng 12/2019.
Khi chuyển sang dùng iphone, bản thân chị thấy về phần cứng thì hoàn thiện tốt, hiệu năng và pin đủ như cầu và hệ điều hành ở mức độ “vừa đủ” và khá thông minh. Tình năng chị thích cũng là tính năng “Screen time” vì biết mình dành thời gian cho điện thoại bao lâu, dành thời gian cho ứng dụng nào để điều chỉnh và giới hạn. Thêm nữa, với các app cần trả phí (trong khi cùng app đó ở android lại free) khiến bản thân phải cân nhắc sự “thực sự cần thiết” của app đó với nhu cầu của cá nhân và cũng thể hiện sự tôn trọng với “chất xám” của nhà phát triển. Đến giờ chị vẫn đang khám phá iphone nên chị rất chờ mong những chia sẻ của em khi em chuyển sang iphone.
Hình như comment hơi bị dài quá đà. Rất vui vì đã đọc được những bài chia sẻ của em.
Chúc em cuối tuần an yên 😀
LikeLiked by 2 people
cám ơn chị vì đã dành thời gian để đọc và comment ạ!
và em rất đồng ý với khoản chị nói là “cân nhắc sự thực sự cần thiết của app và tôn trọng chất xám của nhà phát triển”. Vốn là một đứa từng chuyên trị đi mày mò đi tải đủ các loại app chui về trên android nhưng sang iPhone là xác định không còn làm chuyện đó nữa XD
iPhone cũng có nhiều tính năng ít người biết đến như lắc một phát là để phục hồi lại phần chữ viết đã bị xoá (undo),… mày mò nhiều cũng thấy nó thú vị phết ạ
LikeLiked by 1 person
Em cũng gộp tất cả mọi ứng dụng vào từng mục riêng. Cho nó gọn gàng và dễ tìm
LikeLiked by 1 person