My Starbucks #2 – Một ngày ở Starbucks
Ở bài viết trước “My Starbucks #1: Starbucks Minatomirai, hiệu sách bên cạnh và cốc trà Chamomile”, mình có giới thiệu về cửa hàng Starbucks Minatomirai mà mình hay ghé tới, cũng như lí do vì sao mình đến đây thường xuyên hơn. Ở chương 2 này mình muốn kể cho các bạn về một ngày của mình ở Starbucks.
Quay lại thời điểm đầu năm 2018
Đầu năm 2018, mình chủ yếu đạp xe lên Starbucks vào những ngày cuối tuần, thường là Chủ nhật. Đợt này luôn có một cậu kohai lớp dưới người Venezuela đạp xe cùng mình và cùng ngồi học ở Starbucks. Những ngày đó tụi mình hay đến cửa hàng lúc 3 giờ chiều và về lúc 6 giờ tối. 3 tiếng là vừa đủ để có thể nhâm nhi hết cốc trà hay cà phê, học được một chút, đọc sách một chút cũng như trò chuyện phiếm một chút.
3 tiếng thành 10 tiếng
Bạn không nhìn nhầm đâu. Sau khi mình quay trở lại Nhật sau kì nghỉ xuân và tiếp tục đến Starbucks thì cái khoảng thời gian 3 tiếng đó giờ đã kéo dài thành… 10 tiếng, chuẩn từ “cắm rễ”. Tất nhiên không phải ngày nào cũng 10 tiếng. Có đúng một lần duy nhất mình cắm rễ ở Starbucks từ 10h sáng đến 8h tối thôi. Nhưng bình thường thì cũng phải 6, 7 tiếng.
Trong thời gian đấy, mình làm những gì? Ngồi một mạch ư? Không không… Mông mình không mềm đến mức có thể ngồi liền tù tì trong một khoảng thời gian dài vậy đâu. Trò chuyện với bạn bè ư? Thú thực là mình toàn đến đây một mình. Và nếu có bạn nào đến cùng thì đứa đấy chắc cũng chỉ chịu ngồi với mình tầm 1, 2 tiếng rồi về, chứ ai chịu nổi gần nửa ngày ngồi ở đây…
Đặc biệt là trong tháng 6, khi mà có tới 24 ngày mình đến Starbucks. Những ngày này mình hay đến từ 9h30 sáng và ra về lúc 4, 5 giờ chiều. Cụ thể như thế nào, mời các bạn cùng khám phá một ngày ở Starbucks với mình nhé!
Ngày mùng 10 tháng 7. Hôm nay mình quyết định đi Starbucks từ sáng sớm.
8:30 – “Pack đồ”.
Vì hôm trước mình đã nấu sẵn rồi nên sáng dậy chỉ việc làm nóng lại đồ ăn và sếp vào bento. Như vậy buổi trưa mình sẽ không tốn tiền cho việc ăn ở ngoài. Mình chỉ mang theo những đồ dùng cần thiết phục vụ cho việc học tập và đọc sách. Mình còn mang thêm một chiếc áo cộc vì giờ là mùa hè, đạp xe hơn 5km đến cửa hàng là y như rằng mướt mồ hôi.
9:30 – Tới cửa hàng.
Đạp xe hơn 5km hộc cả bơ. Việc đầu tiên là tìm đến chỗ ngồi quen thuộc và ngồi nghỉ một lúc. Chỗ mình hay ngồi là một cái bàn to gần cửa sổ, có thể nhìn được khung cảnh xung quanh, thậm chí là tòa Yokohama Landmark. Thường thì 9 giờ sáng sẽ luôn có hai người ngồi ở đó, một cụ ông và một bác gái, cộng thêm mình là ba. Họ dường như đều đến đây thường xuyên, thậm chí có thể là 30/30 ngày, và như mình để ý thì hai người họ luôn làm một công việc quen thuộc, đó là viết sách.
Như mọi ngày, mình luôn gọi trà chamomile và nhờ họ bỏ vào trong cốc Starbucks Hà Nội mà mình mang từ nhà sang. Vì trời nóng nên dạo này mình hay gọi trà lạnh hơn.
10:00 – First task.
Ổn định chỗ ngồi, nhấp một ngụm và bắt tay vào công việc đầu tiên. Mình luôn ưu tiên công việc quan trọng nhất vào buổi sáng. Hôm nay mình giành cả buổi sáng để sửa luận văn cũng như chuẩn bị slide cho lễ bảo vệ vào tháng 8 sắp tới. Đối với mình, buổi sáng chính là thời điểm mình có thể tập trung nhất để học và làm việc, vì thế nếu không phải làm luận thì mình cũng sẽ học gì đó hay là đọc sách.

12:00 – Lunch time.
Đói quá ăn trưa thôi. Theo quy định của cửa hàng Nhật nói chung thì khách hàng không được phép ăn đồ ăn mang từ ngoài vào nên mình sẽ mang bento ra ngoài và ăn. Thật tốt khi trước mặt cửa hàng là phố đi bộ có rất nhiều ghế đá, và mình có thể ngồi ở đây ăn cơm trưa. Ngoài mình ra thì cũng có vài người, chủ yếu là nhân viên công ty làm ở tòa nhà đối diện cũng mang cơm đi và ngồi ở đây ăn.

12:30 – Gochisousama. Giờ là lúc quay lại cửa hàng.
Xong bữa trưa thì mình quay lại Starbucks, và tiếp tục một buổi chiều ở đây. Nếu mình cảm thấy chưa hoàn thành xong việc buổi sáng thì mình sẽ tiếp tục làm thêm 1, 2 tiếng nữa. Mình ngồi nghỉ một chút, rồi tiếp tục sửa luận đến tầm 2 giờ rồi mình dừng hẳn.
14:00 – Hoàn thành công việc buổi sáng. Giờ là lúc để giành thời gian cho việc mình thích.
Trong 6, 7 tiếng ở Starbucks thì mình chỉ giành 3 tiếng hoặc nhiều nhất 4 tiếng cho việc viết luận. Và thời gian còn lại là… chill (tận hưởng). Như mình đã nói ở bài viết trước, nhờ đạp xe hàng ngày lên cửa hàng mà mình cũng hình thành được thói quen đọc sách. Mình luôn giữ thói quen này, kể cả những ngày phải viết luận. Thực ra đôi khi cũng hơi gian lận tí, vì thay vì đọc sách thì lại đọc tạp chí nấu ăn hay nhà cửa. Nhưng chung quy nó vẫn là đọc cái gì đấy. Rồi mình thi thoảng lôi điện thoại ra chơi điện tử, hay là đi dạo xung quanh hiệu sách, vớ lấy cuốn nào hay hay đứng đọc qua tí, hay thậm chí ra ngoài đường và đi dạo. Có một điều rất Nhật ở đây, chính là việc bạn không lo bị mất đồ khi bạn rời chỗ ngồi mà không mang cặp theo. Tất nhiên mình không khuyên các bạn làm thế nhưng mà đến cả người Nhật họ còn làm như thế thì…



Nói về việc đọc sách thì mình hay có thói quen lấy vài ba cuốn và đọc lướt qua mỗi cuốn. Mình sẽ bắt đầu bằng việc đọc lời mở đầu, mục lục và lật sang mục lời kết. Sau đó mình sẽ đọc lướt qua từng chương một, có chỗ nào cần đọc kĩ hơn thì mình sẽ dừng lại một tí, nhưng nói chung mỗi cuốn mình chỉ dành tầm 15 đến 30 phút. Những cuốn mình chọn hầu hết là sách kiến thức nên mình sẽ áp dụng cách đọc này.
Quan trọng nhất đối với mình là việc đọc này giúp mình nắm được nội dung chính của cuốn sách một cách nhanh nhất. Cửa hàng sách có hơn trăm ngàn cuốn, và mình không muốn tốn thời gian chỉ để đọc tỉ mỉ một cuốn. Nếu như có cuốn nào mình muốn đọc kĩ thì mình sẽ ghi vào danh mục sách cần mua, và mình sẽ đọc sau đó, ví dụ như sau khi tốt nghiệp và về nước. Còn bây giờ, mình muốn được cầm và đọc qua nhiều cuốn sách càng nhiều càng tốt.

5:00 – Trời tắt nắng cũng là lúc mình ra về, kết thúc một ngày ở Starbucks.
Đó. Một ngày của mình ở Starbucks là như vậy đó.
“Sang chảnh quá”, “giàu quá”, …
Ừ thì tất nhiên mình có thể học ở nhà và tiết kiệm được một hoặc hai cốc nước, nhưng vẫn đề là mình không học được ở nhà… Nếu nói về tiền nong thì từ việc mình đạp xe lên phố là đã tiết kiệm được 600 yên (120,000 VNĐ) tiền tàu, cộng với việc tự làm cơm nên không tốn nhiều cho việc ăn ngoài. Như vậy thì mình có thể dùng khoản tiền đó để thưởng thức cốc trà Chamomile và giành thời gian ở Starbucks để làm những việc mà ở nhà không làm được.
Từ việc đến starbucks bằng xe đạp, hay phân chia thứ tự công việc khi ở cửa hàng, tất cả đều trở thành thói quen và mình luôn duy trì nó để tránh khỏi việc thiếu vận động cũng như giúp mình tập trung hơn trong học tập và công việc. Nếu như có người chỉ học được ở thư viện, hay có người chỉ học được ở nhà, thì đối với mình, Starbucks trở thành địa điểm quen thuộc để học và làm việc. Một chút tiếng ồn xung quanh là vừa đủ, cũng như là không gian rộng và thoáng đãng giúp mình tập trung hơn.
Tuy nhiên, đây không chỉ là một Starbucks có một không gian thoáng đãng, rộng rãi với hiệu sách bên cạnh hay khu phố đi bộ đẹp bên ngoài, ở đây còn là Starbucks với những bạn nhân viên luôn nở nụ cười thân thiện khi tiếp khách, dù chính họ là những người luôn chịu áp lực nặng nề nhất, đặc biệt là những ngày cuối tuần khi mà lượng người đến cửa hàng này là quá đông.
Chính họ là một phần động lực giúp mình luôn duy trì được thói quen đến cửa hàng. Đọc đến đoạn này chắc nhiều người sẽ nghĩ là “à nói thằng ra là chú thích một em nên mới thường xuyên đến chứ gì”. Bạn nghĩ thế cũng được. Nhưng đối với mình ở đây ai cũng đều thân thiện và cởi mở. Đôi khi được chính nhân viên nhận ra khuôn mặt, nhớ được đồ uống mình hay gọi, hay được họ động viên vài lời, thực sự là hạnh phúc, phải không nào?
Dành cho ai muốn đọc bài trước về Starbucks:
Chào anh ạ..
Đọc xong bài viết của anh em có 1 chuta thắc mắc nhỏ. Anh có thể giải đáp giúp em không. Hôm nay em đang ngồi học bài ở starbucks em ngồi được 2 tiếng rồi. Thì có 1 chị nhân viên lại nói chyện với em. E chỉ qua Nhật có vài tháng thôi nên em không hiểu hết được. Đại ý là hình như khi học bài phải ngồi ở bàn dài không được ngồi ở bàn có ghế nhỏ. Vì em không hiểu ý của chị ấy nên em về luôn. Anh cho e hỏi là có quy định nào về thời gian hay việc chọn chỗ ngồi ở starbucks không ạ
LikeLiked by 1 person
Cũng không có một quy định cụ thể nào, nhưng có thể nhân viên sẽ yêu cầu đổi chỗ ngồi, hoặc nhắc nhở vì một số lí do như quá đông chỗ nên nếu có bàn 2 người mà em đang một mình ngồi thì có thể họ sẽ nhờ em chuyển sang bàn dài một chỗ ngồi để nhường cho người khác, chẳng hạn. Nhưng một phần lí do có thể là vì dịch COVID nên họ có quy định khác chăng? Người Nhật hay để ý cái “common sense”, tức là những cái nhận thức thông thường. Lần sau khi ra cafe, nếu em đang ngồi ở một bàn mà vốn là cho 2 người, và lúc đó có 2 người vào, thì em nên chủ động nhường họ, trước khi nhân viên ra hỏi nhờ. Tất nhiên đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ 😉
LikeLike