Ngày mùng 9 tháng 7 năm 2018.
Sang đầu tuần rồi, sáng dậy mở tủ lạnh ra thấy trống không. May mà còn một quả trứng và bát cơm thừa hôm qua. Phải đi mua đồ ăn thôi. Vậy mà tự dưng sáng sớm mưa to quá. Lại còn quên vẫn đang treo quần áo mới giặt hôm qua ở ngoài, thế là ướt hết. Nhưng mà trời lại nắng rồi, đi chợ thôi.
Ở bài viết này mình muốn chia sẻ với mọi người một buổi nấu sẵn theo phương pháp tsukurioki của Nhật. Mình muốn giới thiệu qua trình tự nấu của mình chứ không tập trung vào cách nấu các món, để các bạn có thể thấy được cái nhìn tổng thể về phương pháp nấu ăn sẵn này. Đối với ai chưa biết phương pháp nấu “tsukurioki” là gì, bạn có thể tham khảo bài viết trước của mình ở đây.
Nấu ăn theo phong cách “Tsukurioki”
Trời tạnh mưa rồi, chuẩn bị đi chợ thôi.
Nhưng trước đó có một việc nên làm, đó là tạo list những món cần nấu. Điều này giúp mình tránh phải tốn thời gian loay hoay trong siêu thị không biết chọn món nào. Hôm nay mình muốn làm món gà sốt teriyaki, thịt nạc thăn xào với ớt chuông, vài món rau và có thể mua thêm cá.

Đây là siêu thị mà mình đi suốt 4 năm nay. Ở đây đồ ăn cái gì cũng có. Giá cả cũng hợp lý, lại gần nhà.



Và đây là những gì mình đã mua. Chuẩn bị nấu ăn thôi.
Bước 1: Phân chia lượng cần dùng và phần còn lại thì cho vào tủ đá
Có thể các bạn sẽ nghĩ, mua nhiều thế này, để tủ lạnh ăn không hết rồi bị hỏng vứt đi lại phí. Để tránh bị lãng phí, mình sẽ phân chia lượng nguyên liệu mình dùng cho bữa nấu sắp tới và phần còn lại mình sẽ bảo quản trong tủ đá. Mình có mua một cuốn sách gọi là “Sổ tay chỉ dẫn phương pháp bảo quản đồ ăn”, và cuốn sách chỉ ra những cách bảo quản từng loại đồ ăn một, từ rau đến thịt.
Thông thường các món nấu xong có thể giữ trong tủ lạnh 2 đến 3 ngày. Còn trong trường hợp bạn chỉ lấy một nửa trong phần này nấu thì phần còn lại bạn có thể bảo quản trong tủ đá. Mình có mua một cuốn sách gọi là “Sổ tay chỉ dẫn phương pháp bảo quản đồ ăn”, và cuốn sách chỉ ra những cách bảo quản từng loại đồ ăn một, từ rau đến thịt.
Bước 2: Sơ chế
Mình sẽ luôn bắt đầu với việc ướp các món thịt trước. Ví dụ như đầu tiên mình sẽ ướp thịt gà với chút muối và rượu sake. Sau đó cho vào tủ lạnh để tầm 30 phút để vị mặn có thể ngấm sâu vào bên trong. Đồng thời Sake sẽ giúp thịt luôn giữ được độ ẩm và mềm, giúp cho thịt sau khi rán không bị khô. Sau đó thì mình rửa và cắt rau, những món nào luộc được thì luộc luôn.

Bước 3: Nấu
Ở bước này thì bạn có thể nấu từ món bạn thích, không bắt buộc phải theo trình tự nhất định nào đó. MÌnh xào rau trước, sau đó xào món thịt với rau cải bó xôi (Komatsuna). Cuối cùng là rán gà teriyaki.
Bước 4: Bảo quản đồ ăn trong hộp
Nấu từng món xong thì bạn sẽ bỏ từng món vào từng hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh để bảo quản. Mình học theo các bà mẹ nội trợ, bày tất cả các hộp ra chụp ảnh để sau đó có thể chia sẻ lên mạng.

Có thể bạn sẽ thấy các món rau mình chỉ luộc không. Ăn như vậy không chán ư?
Thực ra mình muốn để như thế để mỗi lần lấy ra ăn mình có thể phối với các món khác. Lấy ví dụ như món đậu bắp. Mình có thể cắt nhỏ ra và trộn cùng với tảo bẹ Nhật (Konbu) được bán sẵn trong siêu thị. Loại konbu này mặn sẵn nên bạn không cần phải bỏ thêm gia vị nữa. Bạn cũng có thể phối đậu bắp với rong biển và cho một chút xì dầu nhạt vào. Tương tự đối với rau chân vịt, mình hay trộn với vừng. Nhưng có bữa khác mình trộn với loại xì dầu chuyên làm nước chấm cho soba, gọi là Mentsuyu. Như vậy là bạn đã có thể tạo ra hơn 3, 4 đĩa rau với hương vị khác nhau để tránh sự nhàm chán trong bữa ăn.

Nếu có hôm nào bạn phải đến trường buổi trưa mà bạn đã nấu sẵn từ đêm trước đó hoặc ngay buổi sáng thì bạn chỉ việc cắm cơm, sắp xếp đồ ăn vào hộp bento và mang đi thôi. Mình dùng từ “sắp xếp” thay vì “bỏ” vào hộp vì đối với người Nhật làm bento là cả một nghệ thuật.

Và quan trọng nhất là nhớ bảo quản thức ăn trong tủ lạnh.
Mình bắt đầu chế biến lúc 11:15 và hoàn thành khâu nấu ăn lúc 12:45. Tức là mình mất 1 tiếng rưỡi. Tuy nghe có vẻ dài, nhưng trong vòng 1 2 ngày tới ít nhất bạn sẽ không phải đứng ở bếp suốt một thời gian và nấu ăn từng món một, thay vào đó chỉ cần lấy món đã làm ra, làm nóng lại và ăn thôi.
Ở các bài viết tới mình sẽ chia sẻ với các bạn một số món dễ làm cũng như công thức cơ bản để có thể làm được các món ngon mang đậm hương vị Nhật Bản.
Một số bức ảnh nấu ăn tsukurioki của mình:
quyến sách bảo quản đồ ăn có phiển bản tiếng Việt không ạ ?
LikeLiked by 1 person
sách này mình mua bên Nhật chắc k có bản dịch tiếng Việt bạn ạ ;(
LikeLike