Từ một thanh niên vốn chẳng bao giờ đọc sách, mình bây giờ trở thành một con mọt sách chính hiệu. Cuối năm ngoái, khi đang dọn dẹp lại ngăn bàn, mình tìm thấy cuốn Đắc Nhân Tâm mà mình đã mang sang Nhật từ hồi đi du học, nhưng chưa hề đụng đến một lần nào. Mình đã quyết định cầm cuốn sách đó và đọc. Và thế là trong vòng một năm nay, mình đã đọc được rất nhiều sách, tiếng Việt, tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Sau đây là một số cuốn sách mình thấy hay và muốn recommend cho mọi người. Vì mình tính recommend gần 20 cuốn nên sẽ không viết tỉ mỉ về từng cuốn sách. Những ai có hứng thú thì có thể search review trên mạng, hoặc nhắn tin trực tiếp cho mình nhé.
Sách về lối sống tối giản
“TỔI GIẢN”, một từ khóa quan trọng đã giúp thay đổi lối sống của mình. Sau đây là một số cuốn sách liên quan đến chủ nghĩa tối giản:
1. Lối sống tối giản của người Nhật (Goodbye, Things) – Sasaki Fumio
Cuốn sách được viết bởi Sasaki, một người vốn có thói quen sống tích trữ và luộm thuộm. Tuy vậy, anh ta đã thay đổi cuộc sống của bản thân mình bằng cách vứt bỏ đồ đạc và chỉ giữ lại những thứ thực sự cần thiết. Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc mà có liên quan đến chủ nghĩa tối giản hay tiếng Anh còn gọi là “minimalism”. Và cũng nhờ cuốn sách này mà mình đã học được cách vứt bỏ đồ đạc và sống gọn gàng hơn.
2. một cuốn sách về CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN – Chi Nguyễn
Mình có follow blog của chị Chi Nguyễn (bút danh là The Present Writer). Đầu năm nay chị ý đã cho xuất bản cuốn sách này, tổng hợp những bài viết về chủ nghĩa tối giản của chị ý trên blog. Cuốn sách giới thiệu về chủ nghĩa tối giản nhưng đồng thời cũng là lời tâm sự, chia sẻ của chị Chi về lối sống này. Cá nhân chị ý cũng là người đang sống theo lối sống tối giản. Đặc biệt, có lẽ vì chị Chi cũng là người Việt nên cảm giác đọc cũng gần gũi hơn. Mình cực kì recommend cuốn này cho những ai chưa biết về chủ nghĩa tối giản, hoặc đang tìm hiểu về lối sống này. Đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết được rằng, vứt bỏ đồ đạc chỉ là một phần của lối sống tối giản, bởi chủ nghĩa tối giản không chỉ áp dụng cho vật chất mà còn là cho suy nghĩ, tâm lý con người.
Nếu Chủ nghĩa tối giản là một (trong những) con đường đưa con người đến với sự giải phóng tư duy và thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt hơn thì tư duy tích cực như một ngọn đèn sáng soi rọi con đường ấy. Ngọn đèn này không những chỉ đưa ta đi đúng hướng, mà còn khiến cuộc hành trình thay đổi cuộc sống của ta nhẹ nhõm hơn và bình an hơn – The Present Writer
3. Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản (Essentialism: The Disciplined Pursuit of Less) – Greg McKeown
Đây là cuốn sách tập trung về một mặt của chủ nghĩa tối giản: tối giản trong công việc để tiến tới thành công. Tác giả so sánh người theo chủ nghĩa tối giản và người theo chủ nghĩa cầu toàn ở mặt công việc. Nếu như người theo chủ nghĩa cầu toàn có suy nghĩ như “làm thế nào để mình làm được tất cả những việc đó” để rồi dẫn đến hành động là nói “Có” với mọi người mà thực sự không cân nhắc, thì người theo chủ nghĩa tối giản sẽ ưu tiên và lựa chọn công việc, và sẵn sàng nói “không” với những việc không cần thiết.
4. Sức mạnh của sự tinh giản (The Power of Less) – Leo Babauta
Thay vì sử dụng từ “minimalism”, tác giả của cuốn sách nhấn mạnh về tầm quan trọng của từ “less”, hay như tiếng việt dịch là “tinh giản”. Cuốn sách chia sẻ về cách tập trung vào những thứ quan trọng và đồng thời đơn giản hóa mọi khía cạnh của cuộc sống. Ở chương 2 của cuốn sách tác giả chỉ ra cách đơn giản hóa những công việc, việc làm hàng ngày. Đa số các tiêu đề ở chương này luôn bắt đầu với từ “Simple” như “Simple Goals and Projects”, “Simple Time Management”, “Simple Internet”, “Simple Health and Fitness”,… Mình chưa đọc cuốn tiếng Việt nhưng mình thấy cuốn tiếng Anh rất dễ đọc và dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Instead of focusing on how much you can accomplish, focus on how much you can absolutely love what you are doing
Sách về dọn dẹp
Trong 2 cuốn sách mình đề cập ở dưới đây thì bạn chỉ cần tìm đọc cuốn đầu tiên là đủ. Chỉ cần đọc cuốn đó thôi… LIFE CHANGING!
1. Nghệ thuật bài trí của người Nhật (The Life-Changing Magic of Tidying Up) – Marie Kondo
Sau khi đọc cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, mình muốn bắt tay vào công việc dọn dẹp và vứt bỏ nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Khi đang đi lại trong cửa hàng sách, mình tìm thấy được một cuốn sách nói về phương pháp dọn dẹp mang tên KonMari của tác giả Marie Kondo. Tác giả là một chuyên viên tư vấn nhà cửa, từ khi lên 5 đã có sở thích là dọn dẹp. Cô có nói rằng, cha mẹ chúng ta xưa nay luôn bắt chúng ta dọn dẹp, nhưng hầu như chưa bao giờ dạy ta cách dọn, hay thậm chí chính họ hồi xưa cũng không được học cách dọn dẹp. Cô cũng nhấn mạnh rằng, trước khi bắt tay vào dọn dẹp, chúng ta phải học cách biết từ bỏ. Đây là một cuốn sách mình super recommend cho những ai đang gặp khó khăn cho việc dọn dẹp, bởi vì phương pháp KonMari thực sự là một phép màu. Bạn sẽ học được cách dọn dẹp theo cách phân loại đồ, chứ không phải dọn dẹp theo phòng, ví dụ như dọn tủ quần áo đầu tiên, rồi đến sách vở, giấy tờ, rồi những vật kỷ niệm sẽ để cuối cùng.
2. Nghệ thuật vứt bỏ (The Art of Discarding) – Nagisa Tatsumi
Trong sách của Marie Kondo, cô có đề cập đến cuốn sách có mang tên là “Nghệ Thuật Vứt Bỏ” của tác giả Nagisa Tatsumi. Đây chính là cuốn đã thôi thúc Marie Kondo trở nên thích thú với việc dọn dẹp. Cuốn sách được viết vào năm 2000, khi mà hồi đó khái niệm “tối giản” mới chỉ được áp dụng ở nghệ thuật, và mọi người vẫn đang sống với quan niệm tích trữ đồ. Có rất nhiều ý kiến trái chiều khi cuốn sách này được in ra, nhưng nó trở thành một trong những cuốn sách được bán chạy nhất ở Nhật cũng như toàn thế giới, khởi đầu cho việc vứt bỏ đồ đạc. Tác giả còn phân tích kĩ về lí do tại sao chúng ta lại không từ bỏ được đồ đạc, cũng như là một số gợi ý để giúp chúng ta có thể tạm biệt đồ vật một cách dễ dàng hơn. Cuốn này hiện tại chưa có bản tiếng Việt nên các bạn có thể tìm đọc tiếng Anh nếu thấy hay nhé.
Sách về thói quen sinh hoạt
Mình nghĩ ai cũng mong muốn có một lối sống lành mạnh hơn và productive hơn. Để cải thiện lối sống, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên cố gắng thay đổi những thói quen thường ngày, loại bỏ thói quen xấu và thêm vào những thói quen mới tốt hơn. Sau đây là 3 cuốn sách viết về chủ đề thói quen mà mình recommend:
1. Sức mạnh của thói quen (The Power of Habits) – Charles Duhigg
Một cuốn sách viết hoàn toàn xoay quanh chủ đề thói quen, đặc biệt là về “cơ chế hoạt động” hay còn gọi là “vòng lặp thói quen”. Vòng lặp thói quen bao gồm: gợi ý, hành động và phần thưởng. Lấy ví dụ: Trước khi đi ngủ, mình trải sẵn tấm thảm yoga và sáng hôm sau dậy mình sẽ rời khỏi giường và tiến đến tấm thảm. Tấm thảm này chính là gợi ý cho sự hành động tiếp theo là thiền và yoga. Sau khi tập yoga cơ thể sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn và đây chính là phần thưởng. Tác giả cho rằng tất cả các thói quen đều được tạo ra dựa trên nguyên tắc này. Mình thấy cuốn này hay mỗi tội phần giữa hơi lan man vì đưa nhiều ví dụ. Thế nên mình nghĩ nếu ai không có thời gian thì chỉ cần đọc chương đầu và chương cuối là nắm được 80% nội dung cuốn sách.
2. Gieo thói quen nhỏ, Gặt thành công Lớn (Mini Habits) – Stephen Guise
Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra những thói quen nhỏ, dường như là rất nhỏ đến nỗi mà không thể thất bại được, ví dụ như chống đẩy 1 cái mỗi ngày, viết 50 từ/ ngày, đọc 1 trang sách/ ngày. Tác giả cho rằng, động lực có thể là chỗ dựa cho bạn khi bắt đầu một thói quen, nhưng về lâu dài thì không phải động lực mà ý chí mới là chỗ dựa vững chắc cho sự duy trì thói quen của bạn. Cuốn sách phân tích lí do vì sao nên sử dụng ý chí thay vì động lực, cũng như hướng dẫn cách lập kế hoạch “thói quen nhỏ”. Mình cũng đã áp dụng theo và đã duy trì được thói quen viết nhật ký 1 trang cũng như đọc 1 trang sách mỗi buổi sáng sớm.
3. Buổi sáng diệu kỳ (The Miracle Morning) – Hal Elrod
“I want to be a morning person”. Đây sẽ là cuốn sách phù hợp với những bạn đang có mong muốn như vậy. Hal Elrod đã trải qua một quãng thời gian rất khó khăn trước khi nhận ra được sự kì diệu của việc dậy sớm. Buổi sáng sớm là thời gian lí tưởng để chúng ta có một khoảng tĩnh lặng riêng và tự phát triển bản thân. Life S.A.V.E.R.S là một phương pháp do chính tác giả nghĩ ra để giúp chúng ta có thể đón chào một buổi sáng tốt đẹp hơn. S.A.V.E.R.S là từ viết tắt của 6 thói quen hay là “nghi lễ” mà chúng ta nên làm sáng sớm, bao gồm Silence-Affirmations-Visualization-Exercise-Reading-Scribing. Mình thấy phương pháp này khá là lí tưởng, và dễ áp dụng khi mà tác giả đã rút ngắn khoảng thời gian từ 1 tiếng xuống còn 6 phút để thực hiện phương pháp này.
Sách về sức khỏe
Người ta nói có sức khỏe là có tất cả. Mình nghĩ là đúng. Chúng ta nên giữ gìn sức khỏe, không nên để cơ thể phải làm việc quá sức, cũng như nên ăn uống điều độ. Là một người bị mắc bệnh tiêu hóa mãn tính, mình rất tích cực trong việc tìm hiểu và đọc sách về sức khỏe nói chung và tiêu hóa nói riêng.Có thể các bạn vẫn đang khỏe mạnh, hoặc cảm thấy mình đang ăn uống lành mạnh và không bị vấn đề gì. Nhưng nếu có thời gian, hãy thử đọc qua những cuốn sách sau nhé.
1. Ruột ơi là ruột, Bí mật của một thế giới bị lãng quên – Jill Enders
“Bí mật của một thế giới bị lãng quên”. Đúng vậy. Bản thân mình hồi xưa chẳng hề để tâm đến thức ăn được tiêu hóa như thế nào, ruột hoạt động ra làm sao, hay là mối quan hệ của ruột và não. Nghĩ đến ruột chắc có người lại nghĩ đến việc đi vệ sinh, rồi thấy vấn đề này “nhạy cảm”. Nhưng bạn sẽ thay đổi suy nghĩ của mình sau khi đọc cuốn sách này. Tác giả đã miêu tả hệ thống tiêu hóa của chúng ta một cách dễ hiểu mà lại rất hấp dẫn, cũng như giải thích lí do vì sao chúng ta nôn hay bị táo bón, thậm chí còn có nguyên một mục viết về cấu tạo của… phân.
2. Nhân tố Enzyme (4 cuốn) – Hiromi Shinya
Hiromi Shinya là một giáo sư chuyên ngành phẫu thuật rất nổi tiếng ở Nhật Bản cũng như ở nước ngoài. Ông được biết đến là người đầu tiên thực hiện ca phẫu thuật nội soi cắt polyp đại tràng mà không cần phải mổ bụng bệnh nhân. Ông có viết nhiều sách về hệ tiêu hóa, và nổi tiếng nhất có lẽ là cuốn sách “Nhân Tố Enzyme”, gồm 4 cuốn: Phương thức sống lành mạnh, Thực hành, Trẻ hóa và cuốn Minh Họa. Cá nhân mình nghĩ bạn chỉ cần mua cuốn 1 tức là cuốn Phương Thức Sống Lành Mạnh hoặc cuốn Minh Họa nếu bạn lười đọc. Trong cuốn 1 này tác giả chỉ ra những suy nghĩ, quan niệm sai lầm về việc ăn uống ví dụ như uống sữa để phòng tránh loãng xương, uống trà xanh mỗi ngày vì có chứa chất chống ung thư,… Đồng thời giới thiệu về phương pháp ăn uống lành mạnh có tên là “Shinya Diet”.
3. Những quy tắc để sống khỏe – Alpha Books Biên Soạn
Cuốn này mình mới mua và cũng đã đọc lướt qua, thấy cũng ổn nên cũng đưa vào đây, gọi là “vé vớt”. Cuốn sách tổng hợp những quy tắc để giúp chúng ta có một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Đa số những quy tắc được viết ở trong cuốn sách này đều không có gì mới mẻ, nhưng có lẽ nó sẽ giúp chúng ta nhắc nhở và suy nghĩ về lối sống của bản thân hiện tại.
Sách tâm lý – kỹ năng sống
Mình rất thích đọc những cuốn sách Self-Help, và sau đây là một số recommendation của mình:
1. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Rosie Nguyễn
Cuốn sách này như là lời tâm sự và chia sẻ của tác giả về quãng thời gian khi chúng ta còn đang trẻ. Là một người đọc nhiều sách self-help, mình cảm thấy nội dung cuốn sách này không có gì mới mẻ, nhưng mình lại rất thích giọng văn của chị Rosie Nguyễn. Phong cách viết cực kì ngắn gọn, rõ ràng và dứt khoát nhưng lại không hề mang cảm giác chỉ trích, giáo điều. Đọc xong cuốn sách mình thấy tác giả nhấn mạnh vai trò của việc tự học, đọc sách và trải nghiệm, qua đó giúp chúng ta không bị lãng phí tuổi thanh xuân. Trong cuốn sách có rất nhiều câu trích dẫn hay mà mình muốn chia sẻ với mọi người:
Có bao lần tự hỏi bạn thấy tiếc với tuổi thanh xuân đã qua?
Người ta nói: Trẻ thì muốn làm mà không biết gì để làm, già thì biết mà không muốn làm
EM KHÔNG TỰ CỨU THÌ AI CỨU EM?
2. Đắc Nhân Tâm – Dale Carnegie
Một cuốn sách “classic”, đầu gối cần thiết cho mọi người để “đưa bạn đến thành công” (như in trên bìa sách). Tiêu đề đã nói rất rõ nội dung của cuốn sách này: “Đắc Nhân Tâm – Nghệ thuật đối nhân xử thế và thu phục lòng người”. Cuốn sách giúp chúng ta thay đổi, cải thiện khả năng đối nhân xử thế và hoàn thiện chính mình. Mình đọc cách đây 1 năm rồi nên cũng quên mất nội dung cụ thể, nhưng có những nguyên tắc (NT) mà mình luôn nhớ như in trong đầu, ví dụ như “NT1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền”, “NT7: Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ” hay là “NT24: Hãy xét mình trước khi phê bình người khác”. Nói chung thì không có gì phải bàn nhiều, cuốn này là must-read rồi.
3. Dám bị ghét – Kishimi Ichiro, Koga Fumitake
Mình lần đầu thấy cuốn này bằng tiếng Nhật ở hiệu sách cạnh Starbucks mình hay ghé tới ở Nhật. Cuốn sách được xếp ở mục top seller, và tiêu đề khá là catchy: Dám bị ghét (Tiếng Nhật là 嫌われる勇気). Mình ngồi đọc cuốn tiếng Nhật trước, cũng hiểu qua qua được nội dung, nhưng phải đến khi đọc lần thứ 2 bằng tiếng Việt thì mới ngẫm sâu được triết lí mà cuốn sách đề cập tới. Cuốn sách kể về cuộc hội thoại của một thanh niên có phần hơi “chán đời” và một vị triết gia. Cuốn sách thực ra là xoay quanh học thuyết của Alfred Adler, một nhà tâm lý học nổi tiếng được mệnh danh là một trong “ba người của tâm lý học hiện đại”. Đối với mình đây là cuốn sách có nội dung khá mới mẻ cũng như có phần “hack não”, bởi vì mình chưa nghe đến học thuyết tâm lý của Adler bao giờ. Những lý thuyết cơ bản của Adler bao gồm “Hãy phủ nhận sang chấn tâm lí”, “Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người”, “Sống hết mình, ngay tại đây, vào lúc này”, và đặc biệt, cuộc hội thoại trong cuốn sách đã dẫn tới kết luận: nếu muốn sống hạnh phúc thì phải biết chấp nhận việc dám bị ghét. Nghe cũng “khủng” đấy chứ, nhưng mình cũng thấy đúng.
Sách về nước Nhật
Là một người đã du học 4 năm ở Nhật, mình rất yêu thích văn hóa và con người Nhật Bản. Mình luôn tìm đọc những cuốn tản văn viết về cuộc sống ở Nhật, hay là những nhìn nhận, đánh giá về đất nước Nhật Bản qua ngòi bút của chính những người đã từng du học và sinh sống ở Nhật. Sau đây là 3 cuốn mình recommend
1. Nước Nhật Nhìn từ những thứ bình thường – Nguyễn Quốc Vương
Cuốn sách không tập trung kể về cuộc sống du học hay sinh sống của tác giả, thay vào đó là 25 câu chuyện nhỏ, những câu chuyện bình thường ở Nhật Bản như “Chưa từng gặp bún mắng, cháo chửi”, “Ngày trẻ em đọc sách ở Nhật”, “Bảy đặc trưng của trường Đại học Nhật”, đồng thời tác giả cũng đưa ra ý kiến cá nhân để lí giải những câu hỏi như “vì sao người Nhật lại có thể giữ bình tĩnh và giữ trật tự?”, “vì sao đa số người Nhật lại rất lễ phép với khách hàng của họ”. Mình đặc biệt rất thích chương cuối cùng “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường”. Tác giả miêu tả vẻ đẹp rất đỗi giản dị của đất nước Nhật, bao gồm rừng núi, nhà cửa và trường học, đường phố và đèn tín hiệu, xe buýt và tàu điện. Và câu viết cuối cùng trong cuốn sách cũng rất đáng suy ngẫm:
Đương nhiên những thứ ấy không tự nhiên mà có, đó là kết quả của những cố gắng phi thường của một dân tộc từng bị bại trận và chiếm đóng
2. Đến Nhật Bản học về cuộc đời – Lê Nguyễn Nhật Linh
Đây là cuốn sách du học Nhật đầu tiên mà mình đọc. Trong khoảng thời gian du học và sinh sống ở Nhật, tác giả đã cảm nhận được vẻ đẹp của Nhật Bản, đặc biệt là ở chính con người nơi đây. Cuốn sách cũng chính là cuốn nhật ký kể về cuộc sống của tác giả, những con người mà tác giả đã gặp, cũng như những trải nghiệm của tác giả ở đất nước Nhật. Mình cảm thấy đây là cuốn hay nhất trong những cuốn sách du học Nhật mình đã từng đọc vì nó chứa đựng những sự chia sẻ sâu sắc của tác giả về đất nước và con người Nhật theo một dòng thời gian nhất định.
Hi vọng các bạn sẽ tìm được cho bản thân mình một hay nhiều cuốn sách ưng ý sau khi đọc blog này của mình!
Cheers!
Chị vừa đặt mua 2 quyển. Viết blog đều đều ku nhé, chị hay đọc lắm đấy.^^
LikeLiked by 1 person
dạ em cám ơn ạ!
LikeLike