Đợt này mình đang làm coordinator (điều phối viên) cho một đoàn công ty Nhật nên mãi đến hôm nay mới có thời gian rảnh để mở blog và viết bài mới. Mình muốn chia sẻ một chút về văn hóa tuyển dụng, xin việc của người Nhật vì mình nghĩ không phải ai cũng biết về chuyện xin việc ở đất nước này.
“Tại sao không biết IT mà vẫn xin được việc ở công ty IT?”
Đó là câu hỏi của một bạn nhân viên công ty FPT đặt ra dành cho toàn thể nhân viên của công ty Nhật mà mình đang làm điều phối viên. Trước đó mình muốn nói qua về công ty Nhật này.
Một chút giới thiệu về công ty Nhật mình đang phụ trách
Đây là một công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), và đợt này họ cử 43 nhân viên mới sang Việt Nam để thực tập. Tất cả đều mới tốt nghiệp đại học vào tháng 3 và đang “tập tễnh” bước trên con đường trở thành một “Shakaijin” thực thụ (người đi làm). Gọi là nhân viên công ty nhưng đối với mình thì những bạn này trông vẫn cứ như sinh viên vậy, một phần vì họ sang đây mặc quần áo casual, mà hầu hết đều kém tuổi mình (chủ yếu là sinh năm 96,97).

Ngày hôm qua đoàn nhân viên này đã lên công ty FPT ở Láng Hòa Lạc để dự hội thảo seminar và giao lưu với nhân viên FPT ở đây. Trong lúc giao lưu, một bạn nhân viên bên FPT đã đặt một câu hỏi: “Tại sao không biết IT mà vẫn xin được việc ở công ty IT?”
Quay lại khoảng 10 phút trước đó, bên đoàn Nhật có 2 bạn thuyết trình về công ty, và trong đó có một slide thống kê ghi rằng, trong 43 nhân viên thì chỉ có 5 người là đã có kinh nghiệm về IT, 38 người còn lại thì không. Và mình nghĩ là những ai chưa biết về văn hóa tuyển dụng của Nhật thì đều sẽ có thắc mắc tương tự với bạn nhân viên FPT này.
Văn hóa tuyển dụng ở Nhật
Ở Nhật, bạn vẫn có quyền được xin việc tại công ty IT mặc dù bạn không có kinh nghiệm gì về IT, hay ngành học ĐH không liên quan gì đến IT. Nói một cách khác, công ty Nhật không quá quan tâm về chuyện bạn đã học gì ở ĐH, vì họ thường có xu hướng đào tạo lại nhân viên từ con số 0.
Vào công ty, nhân viên mới sẽ có khoảng 3-6 tháng huấn luyện, thực tập. Trong khoảng thời gian đó họ sẽ được học về văn hóa làm việc, học cách giao tiếp, và tất nhiên là những kiến thức chuyên môn, bắt đầu từ cơ bản. Vì vậy, một người học Education (giáo dục) vẫn có thể xin việc tại công ty công nghệ thông tin, và khả năng được nhận vẫn rất cao.
Mình muốn trích đoạn viết trên trang Esuhai
“Những nhà tuyển dụng có xu hướng coi trọng việc “người này muốn trở thành người như thế nào, trong tương lai muốn làm công việc gì” hơn là “người này đã học gì trong trường. Chính vì vậy, nên cho dù một học sinh có được thành tích vô cùng xuất sắc đi chăng nữa, nhưng lại mơ hồ không biết trong tương lai mình muốn trở thành người như thế nào, muốn làm gì thì sẽ không được đánh giá tốt.”
Công ty Nhật không quá coi trọng thành tích học tập ở ĐH, thay vào đó, họ đề cao năng lực cá nhân tại thời điểm xin việc, và thành tích hoạt động bên ngoài, ví dụ như kinh nghiệm đi làm thêm, đi du học, đi thực tập khi còn đang là sinh viên.
Có một đợt mấy đứa bạn thân nhất của mình tập trung ngồi viết Entori-Shi-to (Entry Sheet), một kiểu hồ sơ xin việc, nhưng khá phức tạp và đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều và viết cẩn thận. Có một mục gọi là 自己PR (Jiko Pi-a-ru), đại khái là tự giới thiệu bản thân, nhưng theo một cách mà có thể giúp bên công ty hiểu rõ được điểm mạnh của chính mình. Mình thấy mấy đứa bạn mình đều ghi vào đó kinh nghiệm tham gia hoạt động sinh viên (câu lạc bộ, tổ chức,…) chứ ít thấy ai đó viết là tôi đã đạt điểm cao ở môn này, tôi có kiến thức tốt về môn kia.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng chỉ là một phần. Ở đây mình lại xin phép được paste một đoạn nữa của Esuhai
“Tại Nhật Bản, các công ty thường thích những nhân viên “phù hợp với công ty”, hoặc “có thể cống hiến lâu dài cho công ty” hơn là những nhân viên “ưu tú”. Thêm nữa, hầu hết các giám đốc của Nhật luôn cho rằng “công việc là thứ không thể hoàn thành một mình”, vì vậy, họ có xu hướng đánh giá cao những người có thể làm việc một cách ăn ý với những người xung quanh” hơn là những người “có khả năng làm việc”. Chính vì thế, những học sinh luôn khẳng định việc “mình có thể làm việc một cách xuất sắc” thì ngược lại, lại khó có thể được lựa chọn.”
Nếu như lúc phỏng vấn bạn nói rằng, những kinh nghiệm mà bản thân đã tích lũy được từ hồi đại học sẽ giúp bản thân cống hiến được cho công ty nhiều hơn, thì có lẽ khả năng được nhận sẽ cao hơn những ai trả lời rằng những kinh nghiệm đó sẽ giúp bản thân phát triển hơn.
Phản ứng của các bạn Nhật khi nghe câu hỏi
Quay lại với câu chuyện ở công ty FPT, sau khi nghe câu hỏi của bạn nhân viên FPT, mình để ý phản ứng của các bạn bên đoàn Nhật thì hầu như ai cũng xì xà xì xồ, người thì cười kiểu cay đắng, người thì có biểu cảm như thể là bị “kim đâm vào ngực”. Cuối cùng thì cũng có một bạn dũng cảm dơ tay đứng lên trả lời rằng, vì lúc vào công ty họ biết là sẽ được đào tạo từ con số 0, và bản thân họ cũng có hứng thú với IT nên muốn xin việc vào đây. Đối với một số người, nó giống như việc bạn học lại đại học với một chuyên ngành khác, chỉ trong 3 tháng. Điều đó giúp họ có một động lực mạnh mẽ để học tập chăm chỉ hơn, vì họ nhận thức rõ được rằng, mình phải kiếm sống bằng nghề này nên không học không được.

Nói chung, văn hóa tuyển dụng ở Nhật nó cũng khá đặc biệt, mà mình nghĩ là không một nước nào có? hoặc cũng rất ít công ty ở nước ngoài tuyển dụng theo kiểu này. Qua bài viết này mình hi vọng mọi người phần nào hiểu được về văn hóa tuyển dụng của người Nhật, để hiểu được câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao không biết IT vẫn xin được vào công ty IT”.
Nguồn tham khảo
https://locobee.com/mag/vi/2018/10/23/nhung-dieu-sinh-vien-can-biet-de-xin-viec-lam-o-nhat-ban/
http://esuhai.com/news/3E4CC/nhung-dac-trung-trong-tuyen-dung-cua-nhat-ban.html
Cảm ơn bài viết của anh. Nó rất bổ ích!
LikeLike
Hi anh Kira, bài viết rất hay và bổ ích. Em có thể share lại bài này trên fb được không anh? Em cảm ơn anh đã phản hồi!
LikeLiked by 1 person
Được em nhé!
LikeLike