Bàn về cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số) – Phần 2

Đây là bài viết số 2 xoay quanh cuốn sách mình mới đọc, “Digital Minimalism” của Cal Newport. Nếu như bài viết trước mình viết theo đúng kiểu “review” kèm theo đoạn tóm tắt ngắn, thì ở bài viết này mình đi sâu vào một chi tiết trong cuốn sách mà mình cực kì quan tâm và bàn luận về chi tiết này: Nút “Like” trên mạng xã hội. Chi tiết này nằm ở phần 2 của cuốn sách, bao gồm 4 lời khuyên của tác giả dành cho việc duy trì cuộc sống tối giản ở phương diện kỹ thuật số.

Mời các bạn đọc phần 1 tại đây
Bàn về cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kĩ thuật số) – Phần 1

Bàn về chuyện “LIKE” trên mạng xã hội

Thuật toán facebook

Trong cuốn sách, tác giả dành nguyên một chương để viết về chuyện ấn nút Like trên mạng xã hội (Chương 5: Don’t click like). Thực ra chuyện đừng click hay bấm nút like đã được bàn tán trên mạng xã hội, hay trên các trang web về công nghệ thông tin từ cách đây một thời gian rồi. Nó liên quan đến thuật toán được tạo ra bởi các công ty mạng xã hội, điển hình là Facebook.

Chắc hẳn ai cũng đã gặp phải trường hợp khi đang lướt newsfeed trên facebook, bỗng dưng bạn thấy một page bán đồ (dưới dạng quảng cáo) mà bạn đang nghĩ tới việc mua nó. Bạn tự hỏi, “quái lạ, sao facebook nó đoán được là mình đang muốn mua cái này thế nhỉ?”

Câu trả lời là Facebook Algorithm (Thuật toán facebook). Facebook có rất nhiều loại thuật toán, nhưng một trong số đó có liên quan đến việc quảng cáo (page ad). Lấy một ví dụ rất đơn giản, bạn gõ trên thanh tìm kiếm cụm từ “mỹ phẩm” và facebook nó hiển thị một số trang page có bán đồ bạn muốn mua. Bạn click vào một page, xem qua một số mỹ phẩm, ấn nút like page và like post, thế là facebook lưu giữ lại toàn bộ hành động bạn đã thực hiện, từ đó sẽ đưa ra một gợi ý phù hợp với mục đích, nhu cầu của bạn. Đây mới chỉ là một ví dụ điển hình của việc thuật toán Facebook hoạt động như thế nào, nhưng mình nghĩ nó còn phức tạp hơn, tinh vi hơn rất nhiều.

Thế nên, việc hạn chế click page và bấm nút like vào những post quảng cáo, hay là post bán hàng được share bởi một người bạn sẽ phần nào giúp giảm thiểu những nguồn thông tin được gửi đến đầu máy của facebook algorithm.

Suy nghĩ của Cal Newport về nút “LIKE”

Nhưng không. Cal Newport không thèm nói đến vấn đề đó trong chương 5 – Don’t click like. Cái mà tác giả muốn nhắc tới, chính là việc nút LIKE là một trong những rào cản khiến chúng ta đánh mất đi những cuộc trò chuyện ngoài đời. 

To click “Like,” within the precise definitions of information theory, is literally the least informative type of nontrivial communication, providing only a minimal one bit of information about the state of the sender (the person clicking the icon on a post) to the receiver (the person who published the post).

“Nút like, là một trong những phương tiện giao tiếp hạn chế nhất trong việc truyền tải thông tin của người gửi (người bấm nút like) tới người nhận (người đăng post)”.

Trong chương này, Newport có đề cập tới một cụm từ gọi là “conversation-centric communication”, dịch nôm na là sự giao tiếp được tạo ra từ các cuộc hội thoại (ai dịch tiếng Anh giỏi không giúp mình đoạn này với..). Đây là một quan điểm về việc giao tiếp mà ở đó cần có sự xuất hiện của các sắc thái biểu cảm, ví dụ như khuôn mặt hay giọng nói. Nói chuyện gặp mặt ngoài đời, gọi điện, video call được coi là “conversation-centric communication”, còn tin nhắn, like, comment thì không.

Tác giả có trích dẫn một bài viết nghiên cứu để chứng minh rằng bộ não người được tiến hóa và phát triển để có thể “tiêu hóa” những nguồn thông tin giàu có đến từ những cuộc đối thoại 1v1. Thêm vào đó, ông có viết một câu mà cá nhân mình thấy khá là thú vị, đó là “To replace this rich flow with a single bit is the ultimate insult to our social processing machinery” – Thay thế nguồn thông tin giàu có này (các cuộc giao tiếp ngoài đời) bằng một hành động nho nhỏ (nút like) chẳng khác gì chúng ta đang sỉ nhục hệ thống xử lý giao tiếp xã hội. (dịch sát nghĩa thì là “sự sỉ nhục tột độ”, nghe khiếp quá)

Tóm lại, điều mà Cal Newport muốn nhắn nhủ tới người đọc là:

“Đừng bao giờ ấn nút Like! Cũng đừng comment “So cute!” hay “So cool!”. Hãy giữ im lặng. 

Dưới đây là một ví dụ mà Newport đã đưa ra trong cuốn sách, cũng như trên podcast của The Minimalists (tập 173 – Digital Clutter): Nếu như một người bạn đăng ảnh em bé mới sinh, đừng like hay comment “aww” gì cả. Thay vào đó tại sao không đến thăm em bé, mua cho em bé một thứ gì đó? Rõ ràng điều này có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc ấn nút like thông thường.

Suy nghĩ của mình về quan điểm này

Trong lần đọc đầu tiên, vì chỉ đọc lướt qua nên mình chỉ nắm được ý chính mà Newport muốn nói, và có cảm giác như đây hoàn toàn là ý kiến cá nhân, một chiều của tác giả. Tuy nhiên sau khi đọc lại, đọc từng dòng một trong chương thì mình mới thấy quan điểm của Newport khá là logic và sâu sắc. Các dẫn chứng, nghiên cứu ông đưa ra, đặc biệt là việc ông ví việc ấn nút like, comment trên facebook chẳng khác nào như một phương tiện đồ ăn nhanh trong mảng giao tiếp xã hội (a sort of social fast food), đã phần nào khiến mình cảm thấy bị thuyết phục.

Đúng là từ khi bị tác giả “hack não” thì suy nghĩ của mình về việc like và comment trên facebook hay instagram cũng có thay đổi một chút. Mỗi lần khi định ấn like post của ai đó, hay like comment của một người trên post của mình, mình đều nghĩ đến lời khuyên của Cal Newport. Tuy vậy, mình nghĩ những gì được viết trong sách nó chỉ mang tính tham khảo, mình thấy hay thì áp dụng, thấy không thích thì thôi. Thi thoảng mình vẫn like và comment trên tường ai đó, nhưng mình cũng hạn chế việc comment như kiểu “nice”, “cool”, thay vào đó mình chủ động nhắn tin cho người post và nói chuyện sâu hơn một tí (mặc dù rốt cuộc thì vẫn chỉ dừng lại ở mức là tin nhắn). Đúng là mình cảm thấy việc like nó gần như không mang lại nhiều giá trị về mặt phát triển giao tiếp, đặc biệt là đối với người mình thực sự quan tâm. Nhưng với một người hay viết blog và đăng lên trang facebook như mình thì mình vẫn cảm thấy nên like và rep comment của những người follow page mình.

Mình nghĩ ví dụ mà Newport đưa ra về chuyện đăng ảnh em bé nó vẫn chưa đủ thuyết phục. Một người vẫn hoàn toàn có thể bấm nút like và sau đó đi thăm em bé. Ví dụ này của mình có thể rất không liên quan nhưng mình thấy bố mẹ, các bác nhà mình cứ like trên facebook ầm ầm nhưng vẫn giữ được một mối quan hệ gia đình tốt đẹp. Nói chung là mình cảm thấy những gì Cal newport viết trong sách về chuyện LIKE này nó chỉ đúng ở phương diện lý thuyết, chứ chưa hẳn đã hoàn toàn đúng trên thực tế.

Kể từ khi đọc cuốn sách này, suy nghĩ và quan điểm của mình đối với thiết bị điện tử, mạng xã hội đều có sự thay đổi sâu sắc. Những ai đã đọc cuốn này chắc chắn sẽ lưu lại được trong đầu về chiến dịch 30 days digital minimalism. Mình cũng tính làm luôn nhưng cảm thấy đây chưa là thời điểm phù hợp. Nhưng mình cũng đã có những “biện pháp tức thời” để cải thiện tình trạng bị các thiết bị này chi phối, ví dụ như dọn dẹp lại màn hình điện thoại, unlike, unsubscribe, unfollow, tắt noti,… chắc là mình dành phần này cho bài viết khác.

Featured Image Source:
https://www.wbur.org/hereandnow/2019/02/07/digital-minimalism-phone-social-media-addiction

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

12 thoughts on “Bàn về cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số) – Phần 2

  1. Vụ don’t push like lợi cho ai theo minimalism nhưng hại cho dân marketing như mình, vì target audience sẽ không còn đúng insight nữa. Nếu quá nhiều người biết và làm theo cách này thì sẽ gây thiệt hại đến một ngành và công việc của họ, đây cũng là điểm balance cần suy ngẫm 🙂

    Liked by 1 person

  2. Cho em hỏi sách có bản tiếng việt ko ạ? với có thể mua được sách ở đâu ạ, em có tìm mấy trang web mà ko thấy bán :((

    Like

  3. Trong bài viết có 1 chỗ có lỗi chính tả “Nó liên quan đến thuật toán được tạo ra các công ty mạng xã hội, điển hình là Facebook.”
    Mình comment vì cảm thấy blog của bạn cực kỳ cực kì chỉn chu mà lại có 1 lỗi chính tả thì đáng tiếc quá!
    Mong bạn tiếp tục chia sẻ nhiều hơn nữa nha!

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s