Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến ngày bảo vệ nội bộ, vì vậy mình quyết tâm tập trung và dành nhiều thời gian hơn cho việc hoàn thành luận văn thạc sĩ từ tháng 3 này. Đây sẽ là một bài viết chia sẻ về những ngày “deep work” vừa rồi, đồng thời mình cũng muốn gợi ý một số tips liên quan đến việc cải thiện động lực, quản lý thời gian, hay là cân bằng sinh hoạt, mà chính bản thân mình đã rút ra được trong tuần đầu tiên của tháng 3.
(Mình sẽ gọi chung các công việc liên quan đến luận văn thạc sĩ là “thesis”)
Bước chạy đà hoàn hảo cho việc viết luận văn
Mình bắt đầu thesis từ thứ 3, do thứ 2 vướng một số công việc gia đình. Khi bắt đầu/tái khởi động một công việc, dự án nào đó, đôi lúc mình vẫn hay gặp phải tình trạng không biết nên làm từ đâu. Dù động lực tràn trề, nhưng nếu bị rơi vào trạng thái “decision fatigue” (chứng mệt mỏi vì quyết định) thì chẳng mấy chốc lại cảm thấy nản chí.
Để có thể vượt qua được thử thách đầu tiên này, mình đã làm 4 việc trong ngày thứ 3: đọc sách, lập dàn ý luận văn, lên kế hoạch tuần/tháng cho việc viết luận, và đặt sẵn tập tài liệu nghiên cứu trên bàn trước khi đi ngủ.
1. Đọc sách
Sáng thứ 3, thay vì bắt tay luôn vào thesis, mình tìm đọc lại một cuốn sách tiếng Nhật đã thay đổi cuộc đời mình trong năm 2018. Cuốn này có tiêu đề tiếng Nhật là “自分を操る超集中力” (Phương pháp siêu tập trung) của Mentalist DAIGO, một người mà mình rất ngưỡng mộ, và có thể nói là idol của mình. Cuốn sách chia sẻ về các phương pháp tăng cường sự tập trung nhìn từ góc độ khoa học, cũng như là cơ chế vận động của bộ não khi con người tập trung. Nói ngắn gọn thì mỗi người sẽ có một bình năng lượng ý chí (Willpower), càng tập trung lâu thì bình năng lượng này sẽ giảm. Việc suy nghĩ xem nên mặc gì cho ngày hôm nay, hay chính việc loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu, cũng sẽ khiến bình năng lượng ý chí bị tiêu hao, khiến cho năng lượng dành cho sự tập trung bị giảm sút.
Mình còn đọc đến một đoạn chia sẻ rằng, những người có khả năng tập trung cao độ thường sẽ không tập trung trong một thời gian dài liên tục, thay vào đó tập trung sâu trong một khoảng thời gian ngắn nhất định và lặp đi lặp lại khung thời gian đó. Pomodoro chính là một trong những phương pháp giúp cải thiện sự tập trung bằng cách chia khung thời gian học tập và làm việc thành các hiệp nhỏ, mỗi hiệp 25 phút kết hợp với 5 phút nghỉ ngơi.
Việc đọc lại cuốn sách này giúp mình hiểu kĩ hơn về những kiến thức, nội dung bản thân đã biết trước đó, qua đó xây dựng được một hệ thống làm việc tập trung hiệu quả, cũng như là tiếp thêm động lực để có thể chuẩn bị thật tốt cho những ngày làm thesis.
2. Lập dàn ý cho luận văn
Viết blog thì mình có thể viết theo cảm hứng mà không cần lên dàn ý, nhưng viết luận văn thì CHẮC CHẮN phải có. Nhờ việc thường xuyên thuyết trình và trao đổi với giáo viên hướng dẫn xuyên suốt nửa năm qua nên mình đã có sẵn một khung sườn tương đối hoàn chỉnh trên ppt. Giờ chỉ cần tạo một file word để chép lại khung dàn ý đó. Nhưng khác với slide thuyết trình, dàn ý ở file word cần phải cụ thể hơn, cũng như là phải theo đúng các quy định liên quan đến hình thức trình bày mà nhà trường ban hành. Mình tốn 1 tiếng rưỡi trong buổi sáng thứ 3 để có thể hoàn thành được phần dàn ý ở trên file word.
3. Lập kế hoạch viết luận văn
Chiều thứ 3, mình ngồi lập kế hoạch viết thesis, dựa trên khung dàn ý đã xây dựng từ buổi sáng. Mình quyết định xem trong những ngày tiếp theo mình sẽ viết phần nào và theo trình tự như thế nào. Mình sử dụng Notion để tạo ra một weekly goal theo dạng to-do list, và bên cạnh đó là các ô công việc được phân chia cụ thể theo từng ngày. Ví dụ, thứ 4 mình sẽ bắt đầu từ chương 2, mục 2.1, thứ 5 là 2.2, thứ 6 thì zoom meeting với giáo viên hướng dẫn, và hoàn thành bảng câu hỏi. Không chỉ dừng lại ở tuần đầu tiên mà mình cũng thiết lập luôn kế hoạch cho cả tháng 3, với cách thức tương tự. Mình cũng xác định sẵn là bản thân chưa chắc đã follow được theo đúng 100% kế hoạch đã lập ra, nhưng ít nhất là nó sẽ giúp mình định hướng được những công việc phải làm cho những ngày kế tiếp.

4. Đặt sẵn tập tài liệu nghiên cứu trên bàn trước khi đi ngủ.
Tối thứ 3, trước khi kết thúc Night Routine (Thói quen buổi tối), mình lấy tập tài liệu nghiên cứu, chủ yếu là các bài đọc liên quan đến nội dung của mục 2.1 và để sẵn trên mặt bàn, thậm chí là mở sẵn trang cần phải đọc. Điều này giúp mình tiết kiệm được một chút năng lượng cho ngày hôm sau, bởi nếu theo lý thuyết của bình năng lượng ý chí mà mình có nói ở phía trên, thì ngay cả việc quyết định lấy sách vở ra, hay tìm đến trang sách cần phải học cũng đã tốn một chút willpower rồi.
Vừa rồi là 4 điều mình đã làm vào ngày thứ 3, qua đó giúp bản thân có được một bước chạy đà hoàn hảo cho những ngày tiếp theo.
Học 8 tiếng một ngày → 15 hiệp Pomodoro một ngày
Dựa vào quy tắc tập trung sâu ngắn hạn, mình thiết lập mục tiêu hoàn thành được bao nhiêu set Pomodoro một ngày, thay vì nói chung chung là bao nhiêu tiếng một ngày. Với mỗi hiệp Pomodoro, mình lại đặt ra một tiêu chí tương ứng, giống như là một hạn chót nhỏ vậy. Ví dụ, chương 2.1 mình viết về virtual team (nhóm ảo), vậy thì trong 3 hiệp đầu tiên, mình cần phải tổng hợp lại nội dung của toàn bộ các bài nghiên cứu liên quan đến virtual team, highlight những đoạn viết quan trọng để trích dẫn vào bài luận văn của mình. Hiệp 4-6 mình viết về nguồn gốc, khái niệm của V.T, hiệp 7: so sánh nhóm ảo và nhóm truyền thống, hiệp 8-10: lợi ích và hạn chế của virtual team…
15 hiệp Pomodoro tương đương với 6 tiếng 15 phút tập trung và 1 tiếng 15 phút nghỉ giải lao, tức tổng là 7 tiếng rưỡi. Nếu so với mục tiêu học 8-10 tiếng một ngày thì rõ ràng 15 hiệp Pomodoro có lẽ là vẫn còn khá nhàn, bởi nếu trừ thời gian giải lao ra thì gian học của mình mới chỉ là 6 tiếng 15 phút. Nhưng điều quan trọng ở đây, đó là trong 6 tiếng 15 phút này, mình đã đạt được trạng thái tập trung cao độ (deep focus/deep work), và đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Và điều kỳ diệu nhất, đó là mình không hề cảm thấy chán nản, mệt mỏi hay nhức đầu, dù đã bước đến những hiệp cuối cùng trong ngày. Bản thân mình vốn không phải là người thường xuyên học vào buổi tối, nhưng nhờ thiết lập Pomodoro set mà tối thứ 4 và thứ 5 mình đều dành ít nhất 1 tiếng (2 hiệp) để làm thesis. Tất nhiên, sự tập trung cũng đã giảm sút phần nào, vì vậy buổi tối mình chủ yếu tổng kết lại những gì đã làm ngày hôm đó, những gì chưa làm được, và thiết lập kế hoạch làm thesis cho ngày hôm sau.

Trong 5 phút giải lao mình làm gì?
Khi điện thoại thông báo 1 set Pomodoro 25 phút đã kết thúc, dù lúc đó đang dang dở công việc, dù lúc đó mình cảm thấy bản thân vẫn có thể làm thêm, nhưng mình luôn chủ động dừng lại đúng giờ. Việc kết thúc/tạm dừng ở thời điểm bản thân đang hưng phấn nghe có vẻ không được hợp lý, nhưng thật ra, nó sẽ giúp mình giữ được một chút động lực và mong muốn được tiếp tục sau khi nghỉ giải lao 5 phút. Mình áp dụng phương pháp Pomodoro được khá lâu rồi, và nhận ra rằng chỉ cần làm vài hiệp “overtime” thôi cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến nhịp độ tập trung, cũng như là ý thức về mặt thời gian sẽ bị mất đi. Vì vậy, Cứ đúng 25 phút, hoặc cùng lắm là quá khoảng 30 giây là mình lại rời tay khỏi bàn phím, rời bàn học và nghỉ giải lao 5 phút.
Trong 5 phút ngắn ngủi này, mình được phép làm gì mình thích, nhưng cố gắng hạn chế việc lướt web, lên mạng xã hội. Mình thường hay đi lại trong phòng để tăng số bước chân, hít đất, squat vài cái, chơi nhạc cụ (guitar/piano), hoặc nhảy lên giường nhắm mắt một lúc. Nhiều lúc ngồi lại vào bàn mà thấy vẫn còn hơn 1 phút nữa mới đến giờ, mình chủ động nhắm mắt và hít vào thở ra vài lần, giống như thiền vậy. Đến khi điện thoại kêu “ting” một cái, mình lại bấm nút trồng cây trên ứng dụng Forest để tiếp tục hiệp mới.
(Vừa viết đến đoạn này thì Forest thông báo đã hết một hiệp Pomodoro. Viết blog hay làm vlog cũng vậy. Mình cũng sẽ giải lao một chút rồi mới tiếp tục viết).
Tất nhiên, mình cũng gợi ý mọi người tự điều chỉnh thời lượng học sao cho cảm thấy phù hợp với bản thân nhất. Bạn không nhất thiết phải áp dụng Pomodoro truyền thống 25-5, mà có thể là 30-6, 40-10, hoặc 50-10.

Cân bằng nhịp sống sinh hoạt hàng ngày
Dù dành nhiều thời gian hơn cho thesis nhưng mình vẫn có đủ thời gian thực hiện các việc khác, bao gồm cả thói quen hàng ngày, cũng như là một số công việc trong sinh hoạt gia đình. Nếu trừ đi 7 tiếng rưỡi cho thesis, 7 tiếng rưỡi ngủ, thì mình vẫn còn thừa tới 9 tiếng trong một ngày. Buổi trưa ăn xong mình chủ động nghỉ lâu, thường là 2 – 2 tiếng rưỡi. Trong khoảng thời gian đó, mình được phép sử dụng Facebook, Instagram, trả lời email, hay xem YouTube. Và tất nhiên là không thể thiếu giấc ngủ trưa kéo dài chưa đầy 30 phút.
Có một điều mà mình cảm thấy tự hào về bản thân nhất, đó là trong những ngày vừa rồi mình vẫn dành gần 2 tiếng để đi tản bộ vào mỗi chiều. Mỗi lần mình đều đi bộ ít nhất 3 cây, vừa đi vừa nghe nhạc, ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Chiều thứ 4 khi đang tản bộ dưới đoạn đường ven hồ gần nhà, mình ngước nhìn lên toà nhà Lotte đang bị bao phủ bởi đám sương mù và mây trắng xoá, thế rồi bất chợt để ý đến hàng cây ở phía trên bên phải. Thế rồi mình tưởng tượng rằng đây là hàng cây hoa anh đào, chỉ vài tuần nữa là sẽ nở rộ. Lúc đó, tự dưng thấy khung cảnh trước mắt mình sao mà giống Nhật thế!

Chiều thứ 5 mình cũng đi bộ với cung đường quen thuộc, và khi đang vừa đi đi vừa hát thầm một bài hát yêu thích thì bỗng dưng trong đầu xuất hiện những suy nghĩ, ý tưởng liên quan đến luận văn của mình. Ngay lập tức, mình dừng lại và mở ứng dụng ghi chú Notion để lưu lại những gì vừa xuất hiện trong đầu, bởi đây là một ý rất hay, có thể sử dụng được trong mục củng cố giả thuyết (hypothesis development).
Não bộ thường có hai trạng thái:
- Chế độ tập trung: trạng thái mà não bộ sẽ tập trung hoàn toàn vào một thứ để có thể tiếp nhận thông tin một cách tối đa.
- Chế độ nới lỏng: trạng thái mà não bộ được thư giãn, nhưng cùng lúc đó, các thông tin sẽ tự động tìm cách kết nối với nhau.
Nhiều lúc bạn suy nghĩ vắt óc nhưng vẫn không thể tìm ra được lời giải, nhưng khi đang đi tắm hoặc rửa bát thì đáp án lại xuất hiện trong đầu. Đó là bởi vì những thông tin bạn vừa tiếp thu được đôi lúc cần một chút thời gian để tìm kiếm và kết nối với những thông tin đã có sẵn trong đầu.
Vì vậy, dù có phải học ngày học đêm thì cố gắng xen kẽ các khoảng thời gian để bản thân nghỉ ngơi, để cái đầu của mình được nghỉ ngơi nhé. Mình tin rằng sẽ có lúc nào đó bạn sẽ thốt lên “A!” giống như là “Eureka” vậy.
Một ngày thứ 6 năng suất với thesis lẫn vlog
Sáng thứ 6 mình ngồi trao đổi với giáo viên hướng dẫn qua zoom. Vì đối tượng nghiên cứu của mình là người Nhật, vì vậy mình phải làm bảng câu hỏi bằng tiếng Nhật. Cũng may là thầy mình rất nhiệt tình và đã bỏ ra gần 2 tiếng trong buổi sáng chỉ để ngồi cùng mình lướt qua bảng câu hỏi, sửa lại cho mình những đoạn dịch không hợp lý, cũng như là góp ý kiến về thesis nói chung. Có một điều mà thầy có nhắc, tuy không liên quan nhiều đến thesis, nhưng lại rất hữu ích, đó là nếu viết tắt JAPANESE/JAPAN thì nên viết là JPN thay vì JAP, bởi đôi lúc “JAP” sẽ khiến người Nhật cảm thấy khó chịu. Dù đã sống ở Nhật lâu năm, dù bắn tiếng Nhật như người bản địa, dù yêu Nhật, nhưng phải thú thật là vẫn có rất nhiều điều mình chưa biết, và cần phải học thêm về đất nước này.
Vì đã hoàn thành weekly goal ngay trong sáng thứ 6 nên buổi chiều mình dành phần lớn thời gian để quay và edit vlog. Vlog tuần này cũng khá chill và đơn giản, nên không tốn quá nhiều thời gian. Chuyện là mình có mua cái bàn phím mới, vì bàn phím cũ gặp chút vấn đề kết nối (bluetooth lẫn dây), mà cái bàn phím này lại là bàn phím màu hồng. Tuy không phải là fan màu hồng, thậm chí có đợt từng ghét cay ghét đắng, nhưng mà cái bàn phím này nó đẹp quá! Nút cách lại còn có hình núi Phú Sĩ và hoa anh đào nữa. Mình mua từ thứ 2, nhưng đợi đến khi hoàn thành công việc thesis thì mới lấy camera ra để quay. Phím gõ êm tai thích cực kỳ. Thế này thì viết luận ez (just kidding).
Cuối tuần nghỉ ngơi
Sau một tuần gần như chỉ ngồi ở nhà cắm mặt vào tập tài liệu thì cuối tuần mình quyết định không đụng đến thesis. Sáng thứ 7 mình đưa bố mẹ lên bờ Hồ để hai ông bà đi ăn sáng với bạn, sau đó mình hẹn cafe ở All Day Coffee 37 Quang Trung với bạn. Chiều thì ngồi chơi game bóng đá FIFA, dọn nhà, dọn bàn học, rồi sáng Chủ Nhật thì vừa nhâm nhi cốc trà hoa cúc, vừa ngồi viết blog.

Tuần sau mình sẽ tiếp tục công việc làm thesis, cũng như bắt đầu gửi bảng câu hỏi cho đối tượng nghiên cứu. Sẽ là một tuần bận bịu nhưng năng suất. Và quan trọng nhất, đó là STAY FOCUSED.
07/03/2021.
Happy “Early” Women’s Day
Hi bạn, cảm ơn vì bài viết nhẹ nhàng mà vẫn bổ ích quá ^.^
LikeLiked by 4 people
blog rất hay đúng lúc đang ôn thi giữa kỳ và chạy deadline cảm thấy có động lực nhìu hơn. Cảm ơn anh KIRA
LikeLiked by 4 people
Ui đọc xong bài viết này em lại có động lực để học tập rùi nè, chiến nốt đống đề dang dở để mai đi học.
LikeLike
Ui đọc xong bài viết này em lại có động lực để học tập rùi nè, chiến nốt đống đề dang dở để mai đến trường
LikeLike
Em cũng đang trong giai đoạn lên lab phân tích lấy số liệu nghiên cứu rồi chuẩn bị viết luận văn để cuối tháng 6 có thể được bảo vệ trước hội đồng. Thật cảm ơn anh vì những chia sẻ rất bổ ích cho giai đoạn gần như là chạy nước rút này của chặng đường sinh viên của em. Em chúc anh bảo vệ luận văn thành công nha.
LikeLiked by 1 person
Tình hình là chị mới “chôm” cái hình bàn học của em để gắn vào notion của chị :))
LikeLiked by 1 person
Cho chị lấy hình bàn học của em gắn vào notion nha
LikeLiked by 1 person