Tản mạn tháng 7

Tháng này bị lười viết blog. Đầu tháng tuy có viết một bài review về cửa hàng MUJI Hà Nội, nhưng kể từ đó thì cũng “bặt vô âm tín”, gần như không update thêm một chút gì về tháng 7. Cũng may là cái sự lười này nó chỉ xảy ra ở việc viết blog, còn bản thân thì vẫn đều đặn duy trì nhưng việc làm khác. May quá, vẫn productive theo một cách nào đó.

Tháng 7 sắp kết thúc. Thôi thì ngồi viết một bài tổng kết lại tháng này qua 7 câu chuyện với những điểm nhấn nổi bật.

1. Khai trương MUJI Hà Nội

Trong một lần đi UNIQLO ở Vincom Metropolis Liễu Giai vào tháng 3, mình có thấy một khu vực được che kín với tấm nền màu đỏ quen thuộc, đó là của cửa hàng MUJI. Thêm 3 tháng chờ đợi mòn mỏi, cuối cùng thì MUJI cũng đã khai trương flagship store vào ngày 03/07. Mình nhận được thư mời tham dự sự kiện trải nghiệm sớm, nên đã tận hưởng việc tham quan, đi lại trong cửa hàng trong suốt 2 tiếng buổi chiều hôm 02/07. Hôm sau đọc báo thấy ảnh xếp hàng nối đuôi ra tận bên ngoài lối vào trung tâm mua sắm mà cảm thấy thật may mắn khi được đi sớm một ngày, và cũng rất vui khi thấy MUJI được chào đón một cách rất tích cực ở Hà Nội.

Sau đó mình có đi MUJI thêm 2 lần, lần thứ 2 là đưa mẹ đi tham quan, mua sắm, rồi đến lần thứ 3 thì mới chủ động mua một vài món đồ cho riêng mình. Có MUJI rồi, giờ không phải lo lắng về chuyện mua sắm đồ văn phòng phẩm, hay là các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ da mặt như sữa rửa mặt hay nước hoa hồng. Còn sản phẩm nội thất thì hơi bị đắt, vì phải nhập từ bên Nhật. Mình từng có một ước muốn “nho nhỏ” là sắm cho căn phòng nội thất toàn MUJI, cơ mà chắc phải suy nghĩ lại thôi =))

Đọc bài viết review MUJI Hà Nội của mình tại đây

2. “Phòng mới”

Nhắc đến nội thất, có một sự thay đổi đáng kể trong căn phòng mình từ tháng 7 này, đó chính là vị trí của chiếc tủ sách. Chiếc tủ vốn được đặt dựa vào tường bên cạnh bàn làm việc, nay được di chuyển và đặt dọc ở góc bên trái, trở thành một bức ngăn cách giữa bếp và không gian chính. Chiếc tủ kéo giờ được đặt ở cạnh bàn làm việc, và trên đó mình có để một vài món đồ như nến thơm, đèn đốt nến, cốc Starbucks, và chiếc nút bạc, cho nó gọi có chút điểm nhấn. Với sự dịch chuyển này, mình có thêm một khoảng không gian nhỏ nằm giữa tủ sách và tủ kéo, với chiều dài rơi vào khoảng tầm 1m4, phù hợp để đặt thêm một chiếc bàn khác, có thể là một chiếc bàn trắng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, ví dụ như quay vlog study with me, rồi mặt bàn có thể làm phông nền cho các bức ảnh chụp đồ vật, hay đơn thuần là có thêm một góc học tập tách riêng với mục đích chỉ để học ngoại ngữ hoặc để đọc sách chẳng hạn. Nhưng hiện tại thì mình vẫn cảm thấy hài lòng với chiếc bàn cafe trắng vốn đã gắn bó với mình suốt 2 năm qua, nên chưa có ý định mua sắm nội thất vội.

3. Hoàn thành luận văn tốt nghiệp

Mặc dù đã bảo vệ thành công vào giữa tháng 6, mình vẫn cần phải sửa lại và hoàn thiện luận văn tốt nghiệp một cách hoàn chỉnh để có thể in bản cuối cùng và nộp lưu chiểu. Thật ra mình nghĩ là bài của mình khá ổn, và gần như không còn đụng đến folder luận văn trong những ngày đầu tháng, cho đến một ngày, mình bỗng nhận được feedback từ bên phòng đào tạo về bài luận của mình, với một comment rằng: bài của mình có quá nhiều chương, trong khi quy định chỉ cho viết tối đa là 5 chương. Hồi viết luận văn mình chủ yếu được một giáo sư bên Nhật hướng dẫn, và thầy có khuyên mình nên tách một số nội dung thành một chương riêng, thế nên mình cứ theo lời khuyên của thầy mà viết. Khi nhận được phản hồi về việc phải giới hạn chương, mình có mở lại công văn quy định viết luận văn mà nhà trường gửi cho các sinh viên, và tìm xem liệu có một câu viết nào nói rằng bắt buộc phải giới hạn trong 5 chương hay không. Mình không tìm thấy. Phần lưu ý trong nội dung và hình thức trình bày luận văn thạc sĩ chỉ ghi rằng “Cấu trúc của mỗi luận văn tùy thuộc vào từng chuyên ngành và đề tài cụ thể, nhưng thông thường bao gồm những nội dung và sắp xếp theo thứ tự…“. Ở đây, tuy cấu trúc mẫu có kết thúc ở chương 5 (không có chương 6), nhưng đối với mình nó không thể hiện rõ ràng cho việc bắt buộc phải giới hạn lại trong 5 chương. Lúc đó mình cũng khá là bức xúc, nhưng nghĩ rằng giờ phàn nàn cũng chẳng được gì, vì trên PĐT nói đây là quy định chung cho cả ĐHQG rồi, nên thôi, ngồi hì hục sửa lại format luận văn, bao gồm ghép, nối lại một số nội dung cho các chương thành một chương, thay đổi số thứ tự của đề mục, số bảng, rồi cả mục lục, chính ra cũng mất 1 ngày. Sau lần viết luận văn này, mình rút ra được một kinh nghiệm để truyền lại cho những ai sau này có ý định theo học chương trình thạc sĩ ở VJU: nội dung theo bên Nhật, format theo bên Việt.

4. Tự học

Trong suốt 1 năm vừa rồi, mình ưu tiên dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu và viết luận văn tốt nghiệp, thành ra là mình không thực sự chú tâm vào việc học ngoại ngữ. Mặc dù vẫn đều đặn làm mini quiz tiếng Hàn trên ứng dụng Lingodeer, nhưng chừng đó là không đủ để giúp mình trau dồi thêm năng lực tiếng Hàn, mà chính ra mình còn bị quên đi kha khá, đặc biệt là ngữ pháp. Vì vậy, một khi đã trút bỏ được gánh nặng mang tên the sịt (luận văn), thì giờ đây mình có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Hàn. Với tiếng Hàn, mình thiết lập kế hoạch ôn tập trong vòng 2 tháng hè, chủ yếu là ôn lại ngữ pháp đã học qua ứng dụng Lingodeer. Mình liệt kê toàn bộ các mẫu ngữ pháp ra vở, đánh dấu phân loại xem cái nào có thể bỏ qua, cái nào cần phải ôn tập lại một cách kĩ lưỡng. Mặc dù có đặt mục tiêu là đến cuối năm bản thân phải đạt đến trình độ TOPIK 3, nhưng trước mắt điều mình cần làm, đó là xây dựng lại một routine học tiếng Hàn đều đặn ít nhất 25 phút mỗi ngày.

Với tiếng Nhật và tiếng Anh, mình lập ra một kế hoạch học tập mà bản thân có thể sử dụng và trau dồi hai ngoại ngữ trong cùng một lúc. Cụ thể, mình chọn đọc các cuốn sách tiếng Nhật có nội dung mang tính học thuật cao, ví dụ như đây là cuốn “dokugaku taizen”, dịch nôm na là bách khoa toàn thư cho việc tự học, bao gồm 55 phương pháp, kĩ năng học tập hay là tự học một cách khoa học và hiệu quả. Nội dung của cuốn sách này thường sẽ dựa trên nhiều bài nghiên cứu khoa học được viết bằng tiếng Anh, vì thế mình có thể chủ động tìm hiểu và đọc thêm về các kiến thức khoa học đó qua các bài viết hay là video giải thích bằng tiếng Anh. Như vậy, trong một lần học thì mình vừa học được kiến thức mới, vừa trau dồi được cả 2 ngoại ngữ là tiếng Nhật và tiếng Anh.

5. Mùa EURO và những giấc ngủ không trọn vẹn

Mùa hè năm nay có EURO nên nhịp sinh hoạt y như rằng bị ảnh hưởng khá nhiều. Mặc dù mình tự nhận bản thân là một người có tính kỷ luật cao, nhưng khi đã đụng phải bóng đá thì khó mà cưỡng lại, đặc biệt là với một giải đấu lớn sau 5 năm mới được diễn ra như EURO thì… chịu!

Tất nhiên mình cũng không đến mức là xem tất cả các trận. Mình chỉ chọn xem những trận nào hay, hoặc là trận nào đá từ 11 giờ, còn trận 2 giờ thì mình gần như không xem, trừ những trận của vòng knock-out như bán kết hay là chung kết. Đêm chung kết cả gia đình mình đều xuống tầng 1 để xem. Bố mẹ mình ủng hộ Ý, vì bảo đi Ý rồi nhưng chưa đi Anh bao giờ. Mình thì neutral, tức là đội nào vô địch cũng được, nhưng cũng thiên hơn một chút về Anh. Dẫu vậy, trước khi trận đấu diễn ra, mình có “phán” rằng Ý vô địch vì 3 lí do nghe có vẻ không liên quan cho lắm:

– Sáng hôm đó Argentina vô địch Copa America trên sân Brazil khi đấu với Brazil, nên dự là Ý sẽ vô địch trên sân Anh khi đấu với Anh
– Lượng immigrants (nhập cư) của Argentina từ thế kỷ 19 chủ yếu là Ý
– Kèo tóc bạch kim của Phil Foden (Nếu Anh vô địch, toàn bộ cầu thủ của Anh sẽ phải để đầu của Foden) có lẽ đã khiến một số thành phần của tuyển Anh hơi rén và sẽ đá dưới sức.

Một mùa EURO đặc biệt, tuy giờ giấc đi ngủ không được ổn định lắm, nhưng quan trọng là mình đã tận hưởng được niềm vui mà chỉ có bóng đá mới đem lại. So, it’s okay to break the rule sometimes!

6. SONY ZV-1

Sau 2 năm gắn bó với Fujifilm X-T20 thì mình đã quyết định sắm thêm một chiếc compact camera của Sony, đó là chiếc camera vlog Sony ZV-1. Mình đã để ý đến bạn này từ khá lâu rồi, nhưng vẫn chưa tìm thấy thời điểm và lí do phù hợp để mua. Thế rồi khi quyết định sẽ thử sức với công việc full-time content creator, mình mới tìm ra được một vài lí do để mua chiếc camera này.

Đầu tiên, ZV-1 có màn lật, thuận tiện hơn cho việc quay những cảnh quay ngồi trước ống kính camera, hay đơn thuần là nhìn thấy được những gì đang diễn ra trong khung hình, để từ đó có thể chỉnh ngay lập tức.

ZV-1 không bị giới hạn thời gian quay video (Fujfilm của mình cứ hết 15′ là bị là ngắt), nên mình có thể làm được những vlog study with me với thời lượng quay lâu hơn (25′ hay 40′), qua đó giúp giữ được mạch liên kết của video, cũng như giúp bản thân mình giữ được sự tập trung khi đang học bài. Yep, một sự thật phũ phàng, là trước giờ mỗi lần làm video study with me với Fujifilm thì sự tập trung của mình thường rất hay bị đứt đoạn do phải liên tục để ý đến thời gian quay, cứ hết 15 phút là phải với tay đến camera để tiếp tục ấn nút quay.

Tất nhiên, Sony ZV-1 cũng có những điểm giới hạn nhất định, nếu so với Fujifilm, ví dụ như thước màu, hoặc độ nét khi đặt trong môi trường thiếu sáng, vì ZV-1 có ống kính gắn liền chứ không thuộc loại mirrorless có thể thay thế ống kính như Fujifilm.

Dẫu sao thì mình thấy hai bạn này có thể thay phiên nhau giúp mình thực hiện các thể loại vlog khác nhau, hoặc thậm chí là có thể “collab” cùng nhau để làm một vlog, ví dụ như mình đang có ý tưởng là lấy SONY ZV-1 để quay cảnh mình sử dụng Fujifilm X-T20 cho daily vlog, với tiêu đề là “Mình làm daily vlog như thế nào” chẳng hạn.

À, và nhờ SONY ZV-1 mà mình cũng đã có dịp được quay study with me vlog ở quán cafe yêu thích, đó là Tranquil 18B Nguyễn Biểu.

7. Hà Nội giãn cách

Một tin buồn cho thủ đô, đó là khi Hà Nội bắt buộc phải giãn cách xã hội qua chỉ thị số 16, giống với những gì Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đang áp dụng.

Có một đứa bạn của mình từ Vinh ra Hà Nội cách đây hơn 1 tuần vì công việc, nay đành phải ở lại và homestay ở nhà mình, dự kiến là trong vòng 3 tuần – 1 tháng đợi đến khi nào hết giãn cách ở HN, cũng như là quy định về Vinh phải đi cách ly 21 ngày cũng được gỡ bỏ.

Với một người quen làm việc và học tập ở nhà như mình thì lệnh giãn cách cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống cá nhân, nhưng nếu đặt vào vị trí của những người đi làm, của những người hàng ngày tận hưởng niềm vui ngoài phố, hay của những người hướng ngoại, thì đúng là khổ thật…

Thôi thì chỉ biết hi vọng dịch sẽ mau qua, ai cũng đều có ý thức chấp hành quy định giãn cách, và mong là mỗi người trong chúng ta đều có thể tìm kiếm cho mình những việc làm, những sở thích mới để có thể giúp khoảng thời gian ở nhà trở nên ý nghĩa hơn.

Stay focused, be present.

Kira

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

7 thoughts on “Tản mạn tháng 7

    1. Tản mạn theo từ điển là “Ở tình trạng rời rạc, không có sự liên hệ với nhau, không tập trung”.
      Một bài viết có nhiều câu chuyện không quá liên quan với nhau, không tập trung vào một vấn đề cụ thể nào, thế nên anh chọn dùng từ tản mạn em ạ 😀 không biết có sai k =))

      Liked by 1 person

      1. owo
        Đó giờ em nghĩ theo nghĩa là anh “dạo quanh” lại xem một tháng qua đi đã làm những điều gì cơ =))))))))

        Like

  1. anh ơi cuốn sách dokugaku taizen có bản tiếng anh không vậy a. Tên tiếng anh của cuốn đó là gì vậy a

    Like

  2. Thực sự là hóng blog của anh Kira quá – tháng này ngày nào em cũng vô hóng mà cảm giác như thời gian cứ như chậm lại khôn thấy anh đăng bài nên như thiếu thiếu 1 thứ gì đó quan trọng

    Liked by 1 person

Leave a Reply to thehanoichamomile Cancel reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s