Voiceover là một hình thức thu âm lồng tiếng được thực hiện trước hoặc sau khi đã quay vlog. Đối với mình, voiceover là việc mình ngồi đọc đoạn dàn ý (script) đã viết trước về một nội dung sẽ được đề cập trong video. Vậy, làm voiceover có dễ?
“Chỉ là đọc script thôi mà. Chắc cũng đơn giản và không tốn công mấy”.
Er… cũng không hẳn các bạn ạ. Để mình chia sẻ đôi điều về chuyện làm voiceover ở bài viết này nhé.
Mình bắt đầu làm vlog theo dạng voiceover từ khi nào?
Nếu theo dõi kênh YouTube của mình từ những ngày đầu, bạn sẽ thấy rõ đa số các vlog của mình đều theo phong cách silent vlog, tức là vlog không có lời nói. Mọi thông tin, mọi chia sẻ đều được truyền tải qua những dòng chữ (caption/subtitle) được chèn ở trên vlog.
Nhưng cũng có một số vlog được mình làm theo dạng voiceover, tức là sẽ thu âm lời nói vào, thay vì chỉ đơn thuần là dùng sub. Voiceover vlog đầu tiên của mình là “A MINIMALIST’S MORNING ROUTINE | Thói quen buổi sáng của người sống tối giản”, được mình nói bằng tiếng Việt. Sau đó thì mình cũng thử sức với một vài voiceover vlog bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, nhưng nói chung là thi thoảng lắm mới làm được một cái voiceover vlog.
Mãi đến đầu năm nay, mình mới đưa voiceover vào vlog nhiều hơn. Lí do là bởi mình bắt đầu làm nhiều vlog chia sẻ thông tin, chứ không đơn thuần chỉ là làm daily vlog. Với daily vlog, mình vẫn thích làm theo phong cách silent vlog hơn, nhưng với một vài video thì mình cũng làm voiceover cho nó thay đổi không khí. Còn với các vlog chia sẻ về những điều liên quan đến học tập và làm việc thì gần như đều được làm dưới dạng voiceover, kể đến như vlog học và duy trì 3 ngoại ngữ, vlog google calendar, vlog chia sẻ về thói quen nhỏ,…
Nhìn chung, với một người hạn chế ngồi trước ống kính camera nhưng vẫn muốn chia sẻ thông tin như mình thì có lẽ làm vlog theo dạng voiceover là hợp lý nhất. Dưới đây là một số ưu điểm của việc làm voiceover, theo ý kiến cá nhân của mình.
Ưu điểm của làm voiceover cho video
– Khả năng truyền tải thông tin hiệu quả hơn so với việc làm sub. Khi xem vlog, nhiều bạn thích được nghe hơn là phải chăm chú đọc từng dòng chữ một.
– Voiceover cũng sẽ làm tăng cảm xúc và mood cho video.
– Nếu thu âm lời nói trước khi quay vlog thì công đoạn chỉnh sửa video sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Tất nhiên, làm voiceover cũng có những mặt hạn chế nhất định
Nhược điểm của làm voiceover cho video
– Tốn công hơn so với việc làm sub. Với sub, bạn có thể chỉ cần copy từng câu trên script rồi đưa vào video. Trong khi đó, để làm voiceover thì bạn sẽ phải tốn thêm một công đoạn là thu âm lời nói cho đoạn dàn ý đã viết.
– Tốn thời gian hơn. Có thể thời lượng nói trên video sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 10-15 phút, nhưng trên thực tế, để có thể cho ra được sản phẩm voiceover cuối cùng thì cũng sẽ phải tốn mất khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho thời gian thu âm bị kéo dài, ví dụ như do bị nói lắp, nói sai liên tục, hay là do có tiếng ồn xuất hiện bất chợt khi đang thu âm.
Đến đây, mình xin phép được “than phiền cực mạnh” về những khó khăn khi làm voiceover 🙂
Than thở về chuyện làm voiceover
– Mặc dù mình có chiếc máy tính bàn cấu hình tương đối khủng giúp edit video siêu mượt mà, chiếc PC này bị một nhược điểm lớn là kêu khá to. Vì thế, mỗi lần thu âm là mình phải sử dụng laptop, như vậy lại phải tốn công setup và kết nối laptop với thiết bị thu âm.
– Để có thể giảm thiểu tiếng ồn xung quanh một cách tối đa thì mình thường phải đặt quạt xa hơn, bật mức nhỏ nhất, và đặc biệt là không được bật điều hòa, vì cái điều hòa của mình nó cũng kêu to lắm. Thành ra mỗi lần thu âm là mồ hôi nhễ nhại 🙂
– Vì mình ở nhà mặt đất nên nhiều khi hay bị xuất hiện các tiếng ồn trong quá trình thu âm. Đang thu âm thì xe rác đi vào xóm đánh chuông keng keng, đang thu âm thì bọn trẻ nhỏ chơi bóng đá ngay trước cổng nhà, đang thu âm thì chó sủa, đang thu âm thì có tiếng xe máy đi qua… Thú thật, những lúc đang thu âm cực mượt mà tự dưng bị một phát tiếng ồn bên ngoài là mình bị ức chế còn hơn cả khi bị địch bắn sau lưng trong game (ví von vui vẻ như vậy). Cũng may là mình luyện cách kiểm soát tâm trạng bằng hơi thở, những lúc đó sẽ cố gắng tập trung hít thở và chịu khó chờ đợi, rồi lại tiếp tục thu âm một khi tiếng ồn bền ngoài đã hết. Nếu mà nói theo một chiều hướng tích cực thì sự bất tiện này nó giúp mình rèn luyện sự kiểm soát cơn giận và giúp bản thân trở nên kiên nhẫn hơn. Và mình cũng chọn ra khung giờ để hạn chế tối đa sự xuất hiện của các tiếng ồn này, cụ thể là vào buổi trưa (sau bữa trưa) và buổi tối.
– Nhiều lúc mình phải thu lại tới 8, 9 lần cho một câu nói trên script. Trên vlog có thể các bạn nghe thấy mình nói mượt, nhưng thật ra là cũng nói lắp nói sai mấy lần rồi mới được như vậy đó.
– Khi nói chuyện bình thường, mình hay có thói quen vung vẩy tay, nhưng khi làm voiceover thì mình luôn phải hạn chế tối đa các động tác, cử chỉ, vì nhiều lúc chẳng may vung tay đập vào bàn, hay là xoay vai nghiêng người khiến cho cái ghế kêu cót két là hỏng bét. Lúc thu âm không khác gì ngồi như bức tượng vậy… Nói đùa thế chứ thật ra vẫn vung vẩy tay được chút xíu, nhưng thường sẽ phải dang hai tay ngang vai, chứ không được để trước ngực, vì như vậy chắc chắn sẽ đụng vào cái mic thu âm.
Còn gì nữa không nhỉ 😕 Tạm thời hết rồi đó. Cảm thấy thoải mái quá, như kiểu được giải tỏa những bức bối vậy haha.
Thao tác làm voiceover cho vlog của mình
1. Đầu tiên, mình sử dụng phần mềm Audacity để thu âm lời nói trước. Với Audacity, mình cũng có thể loại bỏ các tạp âm với chức năng (Noise Reduction). Sau đó, mình trích xuất ra dưới dạng MP3, và import vào vlog project trên phần mềm chỉnh sửa video.
2. Trước khi kết hợp với các cảnh quay, mình sẽ có thêm một công đoạn đó là cắt đi những đoạn lấy hơi giữa hai câu nói, vì nhiều khi nghe cái tiếng lấy hơi nó hơi bị “nổi” quá.
3. Đưa các cảnh quay vào đúng với nội dung của từng đoạn thu âm, ví dụ đoạn này nói về camera thì phải chọn video có cảnh quay chiếc camera, đoạn này nói về thao tác edit video trên máy tính thì phải chọn video có cảnh quay bản thân đang edit video.
4. Điều chỉnh âm lượng của nhạc BGM và phần thu âm sao cho tiếng nhạc không bị át mất lời nói.
5. Khi đã quen với một workflow (quy trình làm việc) làm voiceover trước thì bạn sẽ nhận thấy thời gian chỉnh sửa và edit sẽ được rút ngắn một cách đáng kể, so với việc quay video trước import vào phần mềm chỉnh sửa video, rồi sau đó mới thực hiện thu âm lời nói.
Quên mất, thiết bị mà mình sử dụng để thu âm là Blue Yeti. Chiếc mic này được đánh giá là một trong những micro chất lượng và phổ biến nhất, được sử dụng bỏi rất nhiều content creator và streamer. Mình nhờ người quen mua và xách tay từ bên Mỹ về. Ở Việt Nam cũng có bán nhưng vì là hàng xách tay nên giá cả mỗi nơi một kiểu.
Làm voiceover là một kĩ năng
Làm voiceover cũng là một kĩ năng, mà đã là kĩ năng thì chắc chắn sẽ mài dũa được. Khi ngồi xem lại một vài video đầu tiên mình làm theo kiểu voiceover và đem so sánh với những video hiện tại, thì mình nhận thấy rõ khả năng nói của mình đã trở nên tốt hơn rất rất nhiều. Hồi trước thì cứ bẹt bẹt, nghe thiếu cảm xúc, còn bây giờ thì nghe cũng ổn đấy.
Mà chính ra luyện voiceover tốt rồi thì chuyển sang làm podcast cũng dễ dàng hơn nhỉ? ^^
Vừa rồi là những chia sẻ của mình xoay quanh chuyện làm voiceover cho vlog. Nếu bạn có câu hỏi gì về topic này thì hãy cho mình biết ở dưới mục comment nhé!
Stay focused, be present.
Kira
Cảm ơn các chia sẻ của Kira. Mình cũng đang có ý định tập làm voiceover. Chỉ là voiceover thôi chứ cũng k làm vlog gì cả. Mình bị nói khá nhanh nên hay bị vấp, khá bất tiện cho công việc của mình. Đồng thời mình cũng hay nóng giận, dễ bị cảm xúc ảnh hưởng và chi phối nữa. Nên mình nghĩ việc tập làm voiceover sẽ có ích cho mình cải thiện bản thân. và mình sẽ bắt đầu nó ngay hôm nay 😀
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn những chia sẻ rất có ích của bạn nha!
LikeLiked by 1 person
Hiếm có blogger nào chia sẻ cặn kẽ các thông tin như bạn, cảm ơn nhé. love!
LikeLiked by 1 person
Thực sự , mình đọc bài viết của Kira xong mình bật cười vì quá giống mình khi bắt đầu quay 1 video nhỏ và lồng tiếng vào ( mình khá ức chế và nhiều lúc cảm thấy mình không phù hợp với thu voice ) => nhưng sau 1 thời gian mình nghe lại thấy tiến bộ khá là nhiều :)) . Cảm ơn chia sẻ của bạn
LikeLiked by 1 person