Cách đây không lâu mình có viết bài “Vứt bỏ và dọn dẹp đã giúp mình thay đổi cuộc sống như thế nào”. Và đây là bài viết được xem nhiều nhất trên blog cũng như nhận được nhiều phản hồi tích cực. Vì thế mình cũng muốn viết thêm vài bài liên quan đến chủ đề này.
Như Marie Kondo nói: “Trước khi tiến hành dọn dẹp thì công việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là vứt bỏ”. Mình nghĩ câu nói này rất đúng. Dù bạn có dọn dẹp đến mấy nhưng nếu không chú tâm vào việc vứt bỏ thì sẽ luôn gặp phải tình trạng đồ đạc ngày một tăng dần và bạn cứ phải dọn dẹp mãi mãi.
Nhưng không dễ gì mà có thể vứt bỏ được.
Trong cuốn “Nghệ thuật bài trí của người Nhật”, Marie Kondo có nhắc về cuốn sách mà cô đã đọc khi đang ngồi trên tàu. Cuốn sách đó có tên là “Nghệ thuật từ bỏ” của Nagisa Tatsumi. Mình có tìm qua nhưng dường như vì nó khá cũ nên không có bản dịch tiếng Việt. Mình tìm thấy Ebook bản tiếng Anh và đã đọc qua một lượt. Và mình phải nói rằng, cuốn này thực sự rất hay và dễ hiểu.
“Nghệ thuật từ bỏ” được viết vào năm 2000 và đã trở thành một trong những cuốn bán chạy nhất trong năm đó. Tác giả nói rằng lúc đó người ta ưa chuộng phương pháp cất giữ đồ hơn là vứt đồ. Cuốn sách tập trung vào việc nhấn mạnh những điểm tích cực của việc vứt bỏ đồ đạc.
Và ở bài viết này, mình muốn đề cập tới vấn đề nan giải nhất mà ai cũng gặp phải: Tại sao lại không từ bỏ được? Bài viết chủ yếu dựa theo những ý chính mà Nagisa Tatsumi đã viết và được diễn đạt theo cách của mình.
Những trạng thái tâm lý khiến chúng ta không vứt bỏ được đồ đạc
1: TẠM THỜI CỨ ĐỂ ĐÓ
Sáng dậy mình ra cửa nhà để check hòm thư, thấy vài tờ báo cũng như tờ quảng cáo sản phẩm. Trong có vẻ hay đấy. Cơ mà giờ đang bận. Thôi cứ để tạm trên bàn, có gì tối về check sau.
Tâm lý này rất phổ biến và thậm chí đôi khi mình vẫn gặp phải. Đây có thể nói là sự khởi đầu của việc “vô tình” tích trữ đồ đạc. Bạn nghĩ bạn sẽ cầm lại nó? Cũng có thể. Nhưng tưởng tượng đến tối khi bạn về, có lẽ việc đầu tiên bạn làm là đi tắm hay bật TV, nói chung là có rất nhiều việc cần phải làm hơn là cầm lại đống giấy tờ từ sáng sớm.
Để tránh tình trạng này, việc quan trọng nhất là ngay khi bạn cầm đống giấy tờ hay đồ vật đó, hãy nghĩ rằng bạn chỉ có hai lựa chọn: một là dùng nó ngay, đọc nó ngay, hai là vứt nó đi.
2: MỘT NGÀY NÀO ĐẤY, MỘT LÚC NÀO ĐẤY
“Thôi thì cứ tạm giữ đấy, vì chắc là một ngày nào đấy, một lúc nào đấy sẽ dùng”.
Tâm lý này xuất hiện khi bạn băn khoăn có nên vứt hay không, và cái cụm từ “lúc nào đấy”, “ngày nào đấy” đơn thuần được dùng như một lời bao biện cho việc bạn không thể vứt nó đi.
Nếu như bạn nghĩ sau này bạn sẽ dùng, vậy thì hãy cứ giữ nó. Nhưng hãy đặt thời gian giới hạn cho đồ vật đó. Nagisa đã đặt tiêu chuẩn cho đồ vật nói chung là 3 năm. “Sau 3 năm mà không dùng tức là không bao giờ dùng”. Thời gian này có thể ngắn hơn đối với các giấy tờ, hay có thể lâu hơn đối với một số đồ khác.
3: TẠM THỜI ĐỂ ĐÂU ĐẤY
Những đống giấy tờ hay đồ vật mới sở hữu nhưng chưa có chỗ để, và bạn thấy trên bàn vẫn còn chỗ trống, hay trong ngăn kéo vẫn còn để được nhiều đồ, thế là bạn “tạm thời để ở đấy”. Nhưng rồi sau một thời gian đống tờ giấy đó lại bị đống tờ giấy khác đè lên, còn đồ vật trong ngăn ngày càng nhiều.
Lí do là bởi, bạn để tạm ở đấy nhưng rồi nó cứ mãi ở đấy. Đôi khi việc làm này dẫn đễn những hậu quả như, giấy tờ quan trọng lẫn với giấy tờ không quan trọng, hay bạn muốn lấy thứ đồ quan trọng trong ngăn kéo nhưng nó lại nằm tít bên trong, trong khi những thứ chả bao giờ dùng thì lại chất đống ở phía trước.
4: Ỷ LẠI VÀO CÁC TỦ ĐỒ, GIÁ SÁCH, NGĂN KÉO, …
Lượng sách trong nhà bạn tăng dần, bạn mua thêm giá sách. Quần áo nhét kín trong tủ, nên bạn mua thêm cái tủ nữa hoặc mua giá treo để ở ngoài. Nó tạm thời giải quyết cho việc để đồ đạc bừa bãi và theo một cách nào đó bạn nghĩ nó gọn gàng.
Nhưng rồi đôi khi mua thêm giá sách xong ta lại thấy nó trống trơn, thế là lại mua thêm sách. Cứ như vậy, không chỉ đồ vật mà đến cả tủ đồ cũng tăng dần, khiến cho không gian của nhà trở nên chật chội. Thậm chí có gia đình còn muốn chuyển đến căn nhà to hơn vì muốn có tủ đồ to hơn. Nhưng rồi chẳng mấy chốc tủ đồ đấy lại chật kín vì bạn cố nhồi nhét tất cả đồ vật vào.
5: TRÔNG CẬY VÀO CÁC PHƯƠNG PHÁP CẤT DỌN
Nhà bạn có khá nhiều đồ và khá bừa bãi, vì thế bạn tìm đến các phương pháp cất dọn được chia sẻ trên mạng. Đúng, nó có ích, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được cho mọi trường hợp. Bởi những người chia sẻ phương pháp dọn dẹp là những người đã có kinh nghiệm nghiên cứu lâu dài. Vì thế, ngay cả khi bạn có áp dụng thì đôi lúc sẽ gặp phải thất bại.
Tại sao bạn không nghĩ đến việc vứt bỏ trước, rồi mới đến việc dọn dẹp sau? Bởi sau khi vứt bỏ được rất nhiều đồ, việc dọn dẹp sắp xếp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Mình tin chắc rằng mọi người ai cũng đã từng gặp phải một trong những tâm lý trên khi nhắc tới việt vứt bỏ. Và đây chỉ là một trong số những tâm lý mà mình cảm thấy phổ biển. Ngoài ra còn có những tâm lý khác như, bạn không vứt được đồ vì nó là món đồ kỉ vật, bạn không vứt được đồ vì bạn sợ mất đi những thông tin có giá trị (ví dụ như tài liệu hay giấy tờ).
Vứt bỏ chính là cách để đối mặt với những món đồ
Vứt bỏ không đơn thuần chỉ là việc ta nhét đống đồ vào trong túi rác và vứt nó đi. Vứt bỏ cũng chính là cách để chúng ta đối mặt với những đồ vật trong nhà, để nhận ra thứ nào thực sự cần thiết và không cần thiết. Và chúng ta cần phải học cách vứt bỏ.
Trong những bài viết tới mình muốn đi sâu hơn về phương pháp vứt bỏ của Nagisa Tatsumi cũng như giới thiệu về phương pháp KonMari khá nổi tiếng.
2 thoughts on “Tại sao chúng ta lại không vứt bỏ được đồ đạc?”