Thời điểm này năm ngoái mình đã đọc được một cuốn sách mà nó đã đưa mình đến với một khái niệm mới gọi là “minimalism”. Đó là cuốn sách mang tên “Goodbye, Things” của Sasaki Fumio. Đã gần 1 năm kể từ khi đọc cuốn này, và cũng là tròn 1 năm mình quyết định sống theo lối sống tối giản. Nhận thấy lâu rồi chưa viết bài nào liên quan đến chủ để này nên mình muốn viết bài này để chia sẻ với mọi người về hành trình bắt đầu sống tối giản của mình.
Lần đầu biết tới chủ nghĩa tối giản
Trước tiên mình muốn kể lại về việc mình biết đến từ “tối giản” như thế nào. Mình cũng đã viết một bài cách đây khá lâu, và nó cũng chính là bài viết đầu tiên của mình về chủ đề này, các bạn có thể đọc ở đây:
Vứt bỏ và dọn dẹp đã giúp mình thay đổi cuộc sống như thế nào
Đợt nghỉ xuân năm ngoái mình về Việt Nam và được bố giới thiệu cho cuốn sách có tên là “Lối sống tối giản của người Nhật“. Đọc cuốn sách này, mình lần đầu tiên biết tới cụm từ “tối giản“. Trước giờ nghe rất nhiều về “đơn giản” nhưng “tối giản” thì chưa bao giờ. Đại khái là sau khi đọc xong cuốn đó, mình hiểu được khái niệm của “tối giản” hay “minimalism” là loại bỏ những thứ không cần thiết.
Đầu năm 2018, mình đặt ra khá nhiều mục tiêu, chủ yếu là thay đổi cách sống để có một lối sống khỏe mạnh và tích cực hơn. Mình cũng có dọn dẹp qua nhà cửa, nhưng nó vẫn chỉ dừng lại ở mức là dọn qua loa cho nó trông gọn gàng. Thế rồi, đọc được cuốn sách của Sasaki, mình nhận ra cái “minimalism” mà tác giả nhắc đến chính là từ khóa cần thiết cho cuộc sống của mình.
Quay lại Nhật, mình tiến hành một cuộc “cách mạng dọn dẹp” có “quy mô” lớn nhất từ trước đến giờ. Nhờ việc đọc được thêm cuốn sách có tên “Nghệ thuật bài trí của người Nhật” của Marie Kondo, mình đã học được cách từ bỏ đồ đạc và giữ lại những thứ cần thiết, trước khi bắt tay vào công việc dọn dẹp.
Dẫu biết là chỉ còn có nửa năm ở Nhật, nhưng mình vẫn quyết tâm cải tổ lại cái phòng của mình. Trong vòng 1 tuần, căn phòng đã “vịt hóa thiên nga” thành một không gian thoáng đãng, sáng sủa, có sự kết hợp của hai tông màu trắng và nâu nhạt. Một sự “lột xác” thành công vượt ngoài cả sự mong đợi. Mình cứ có cảm giác như là được chuyển sang nhà mới vậy.
BEFORE
AFTER
Chủ nghĩa tối giản “giai đoạn 2”
Ban đầu mình cứ nghĩ lối sống tối giản chỉ được áp dụng cho đồ vật. Nhưng rồi khi tìm đọc các cuốn sách có liên quan đến chủ đề này thì mình nhận thấy lối sống này không chỉ dừng lại ở việc vứt bỏ đồ đạc. Mình xin phép được trích lại đoạn viết của mình trong bài viết “Vì sao mình sống theo chủ nghĩa tối giản“:
“Mình nhận ra rằng việc vứt bỏ đồ đạc đó chỉ là một phần trong quá trình theo đuổi lối sống tối giản, hay gọi cách khác, tối giản ở chiều hướng vật chất. Từ cuối tháng 5, mình bắt đầu viết luận tốt nghiệp, và đó cũng là thời điểm có nhiều vấn đề xảy ra, ví dụ như quan hệ bạn bè hay sức khỏe. Thời điểm tệ nhất có lẽ là tầm cuối tháng 6, khi mà World Cup diễn ra. Thức khuya xem bóng đá, bận rộn với luận văn, đầu óc đôi khi vẫn suy nghĩ linh tinh. Thế rồi, mình tìm đến sách như là một liều thuốc tinh thần, và mình đọc được cuốn “The Power of Less” của Leo Babauta. Cuốn sách viết về sự đơn giản hóa tất cả những gì liên quan đến vật chất và tinh thần. Nhờ đọc cuốn sách đó, mình có cái nhìn sâu sắc hơn về chủ nghĩa tối giản, rằng vứt bỏ đồ đạc không phải là tất cả. Tối giản hóa tinh thần cũng rất quan trọng. Mình bắt đầu loại bỏ những công việc, suy nghĩ linh tinh khỏi đầu óc, ưu tiên những việc cần làm, tập nói “không” với những thứ mình không thích”.
“Khoe mẽ” và “Chia Sẻ”
Nhận thấy được có rất nhiều lợi ích của lối sống tối giản, mình đã bắt đầu share những câu chuyện của mình xung quanh việc từ bỏ đồ đạc, dọn nhà,… lên Instagram, Facebook và blog. Đặc biệt là sau khi hoàn thành luận tốt nghiệp, mình có rất nhiều thời gian rảnh nên đã viết liền tù tì mấy bài về chủ đề này, ví dụ như “Tại sao chúng ta lại không vứt bỏ được đồ đạc?“, “Chúng ta được gì khi vứt bỏ đồ đạc?” hay “Dọn dẹp: Giữ lại và Từ bỏ“. Mình sẽ để lại link ở cuối bài viết này nên nếu muốn bạn có thể đọc các bài trước đó.
Mình hay share hình ảnh, câu chuyện xung quanh chủ nghĩa tối giản ở mặt vật chất nhiều hơn, vì nó dễ truyền tải được nhiều thông tin về chủ nghĩa tối giản. Hẳn là share một hình ảnh căn phòng gọn gàng sẽ giúp người xem dễ hiểu hơn về sự tối giản thay vì kể một câu chuyện về việc tối giản tinh thần.
Mình có follow một vài Account Instagram của người Nhật có đăng ảnh chủ yếu xoay quanh lối sống tối giản. Nhìn qua thôi đã thấy thích mắt rồi. Trông ảnh nào cũng sáng, đẹp, xong nhìn tổng thể thì nó đồng bộ. Mình cũng, tạo một tài khoản Instagram mới, rồi bắt đầu up một số ảnh ví dụ như phòng của mình, bộ đồ mình mặc hàng ngày, rồi hình ảnh những cuốn sách về chủ nghĩa tối giản mình đã đọc. Được khoảng 2, 3 tuần đầu thì cũng chăm up ảnh lắm, nhưng càng về sau khì càng cảm thấy khó duy trì, rồi mình cũng nhận ra những gì mình đang làm chỉ đơn thuần là “bắt chước” những người khác và đồng thời muốn được mọi người thấy rõ là “ta đây đang sống theo chủ nghĩa tối giản!”. Kiểu như khoe mẽ vậy. Thế nên mình đã dừng việc cố gắng chia sẻ các bức ảnh tối giản càng nhiều càng tốt. Thay vào đó mình tập trung chia sẻ bằng câu chuyện ở trên mạng nhiều hơn.
Thử thách cho việc duy trì lối sống tối giản
Tháng 9 mình tốt nghiệp và về nước hẳn. Và lúc đó mình đứng trước một câu hỏi: “liệu mình có thể duy trì được lối sống này ở Việt Nam không?”
Để có được một sự khởi đầu tốt cho việc bắt đầu cuộc sống mới ở Hà Nội, mình đã dành 2 ngày để dọn dẹp căn phòng cũ của mình. Mình có kể về chuyện dọn dẹp sau khi về nước ở bài viết này:
Sau khi đã thành công trong việc dọn dẹp căn phòng, mình cũng tính đến chuyện tổng dọn dẹp cả nhà. Nhưng đó là lúc mình gặp phải một chướng ngại vật mang tên “hai ông bà”. Mẹ mình vốn là một người sống gọn gàng, ngăn nắp nhưng khi tính đến chuyện vứt bỏ thì cũng hay băn khoăn, còn bố mình thì không phải nói. Bố mình lại là người thích giữ lại đồ đạc.
Nhận thấy sự khó khăn trong việc tối giản hóa cả ngôi nhà, mình quyết định duy trì lối sống tối giản trong căn phòng của chính mình, cũng như chỉ đụng đến những đồ vật có liên quan đến mình.
Về mặt tinh thần, mình vẫn luôn duy trì được đầu óc thoải mái, không bị gò bó bởi nhiều thứ suy nghĩ vụn vặt linh tinh. Mặc dù mình không còn đề cập nhiều về chủ đề tối giản, nhưng thay vào đó mình dành thời gian để chia sẻ về nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc sống của mình, chủ yếu là qua blog.
Cảm nhận về hành trình một năm “tối giản”
Mình thực sự rất biết ơn bố vì đã share cho mình cuốn sách về chủ nghĩa tối giản. Nghĩ lại thì thấy khá là thú vị khi người giới thiệu cho mình chủ nghĩa tối giản lại chính là bố. Có lẽ đợt đó bố cảm thấy nội dung cuốn sách nó “điêu quá” nên muốn chia sẻ với mọi người, nhưng bố đâu có ngờ là cuốn sách đó đã “nuôi dưỡng tâm trí” của đứa con mình để rồi thằng này nó trở thành “đối thủ” của bố.
Mình bắt đầu sống tối giản từ đầu tháng 3, và tính đến nay là đã gần được một năm rồi. Năm 2018 vừa rồi đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mình ở nhiều mặt. Đó là một năm của sự thay đổi kèm theo nhiều biến động, nhưng lối sống tối giản đã giúp mình luôn duy trì được một tư duy tích cực, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực không cần thiết. Về mặt vật chất thì không có gì phải bàn. Không biết đến lối sống tối giản thì có lẽ đến giờ mình sẽ vẫn luôn giữ những tệp tài liệu, sách vở không cần thiết từ xưa, vẫn luôn ném quần áo bừa bãi khắp nới (mặc dù là đến giờ thi thoảng vẫn còn nhưng đỡ hơn xưa rồi), và quan trọng là mình học được cách từ bỏ.
Thật ra, không cần phải biết đến chủ nghĩa tối giản thì mới dọn dẹp hiệu quả được. Marie Kondo không hề nhắc gì đến cụm từ tối giản. Marie chỉ đơn thuần nhắc đến việc từ bỏ là cần thiết trước khi dọn dẹp. Thế nhưng, như mình đã nói thì tối giản không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn áp dụng ở cả suy nghĩ và quan hệ con người. Luôn duy trì một suy nghĩ, tư duy tích cực, và chia sẻ những năng lượng tích cực ra bên ngoài, đó là lí do vì sao mình sẽ luôn sống theo chủ nghĩa tối giản.
Đối với những người sống theo chủ nghĩa tối giản thì suy nghĩ của họ, tiêu chuẩn của họ về sự tối giản sẽ khác nhau. Như Sasaki Fumio hay một số thanh niên Nhật khác thì họ sẵn sàng vứt bỏ gần hết đồ đạc trong nhà, và chỉ để lại đúng một bộ đệm futon để có thể ngủ. Còn với mình thì thay vì tập trung vào vật chất thì mình cố gắng duy trì sự tối giản ở mặt tinh thần nhiều hơn. Một năm sống theo chủ nghĩa tối giản và mình thấy suy nghĩ của mình về minimalism cũng thay đổi khá là nhiều.
Mục tiêu tối giản năm 2019?
Hmm, cái này mình cũng vừa nghĩ ra nên chưa có một kế hoạch cụ thể nào. Nhưng mà trong đầu mình cũng nảy ra vài ý tưởng hay ho rồi, hi vọng là có thể thực hiện được.
1. Vẫn là duy trì lối sống tối giản ở cả hai mặt vật chất và tinh thần.
2. Trong năm nay nhà mình sẽ sửa lại, và hi vọng là mình có thể sửa lại căn phòng theo ý của mình, để sao cho nó tạo nên một không gian rất tối giản giống như căn phòng mình ở Nhật vậy.
3. Mình cũng muốn host một cái talkshow về minimalism và mong muốn được chia sẻ cũng như được nghe mọi người chia sẻ về chủ nghĩa tối giản. Mỗi người sẽ có một câu chuyện riêng liên quan đến sự tối giản, và sẽ không bao giờ là chán khi phải nghe đi nghe lại cụm từ “tối giản”.
Tất cả những bài viết về chủ đề tối giản của mình trong vòng 1 năm qua:
Vứt bỏ và dọn dẹp đã giúp mình thay đổi cuộc sống như thế nào
Tại sao chúng ta lại không vứt bỏ được đồ đạc?
Chúng ta được gì khi vứt bỏ đồ đạc
Dọn dẹp: Giữ lại và từ bỏ
Quay trở lại cuộc sống ở Hà Nội
Vì sao mình sống theo chủ nghĩa tối giản?
Hi bạn, mình cũng đang dần thay đổi cách sống để nhẹ người hơn 😀 Bạn chia sẻ giúp mình account Instagram về tối giản để tham khảo với nhé. Cảm ơn bạn nhiều.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn anh vì đã luôn chia sẻ về việc sống tối giản. Nhờ đọc những bài viết của anh về chủ nghĩa tối giản mà em từ một đứa con gái hơi bừa bộn, đã chăm chỉ dọn phòng và vứt bớt những món đồ không cần thiết để cuộc sống gọn gàng hơn.
LikeLiked by 1 person
Bài viết của bạn thực sự hữu ích cho những người cũng trên hành trình đi tìm lối sống tối giản như mình. Dù có hơi muộn nhưng mình thấy tràn đầy năng lượng để bắt đầu từ bây giờ.
LikeLiked by 1 person