Nói về chuyện chụp ảnh thì từ trước đến giờ, và cả 4 năm ở Nhật mình không hề nghĩ đến việc mua lấy một cái máy ảnh để chụp. Nhưng rồi trước khi về Việt Nam một tuần thì vội vàng ra cửa hàng điện máy, đi đi lại lại suốt mấy tiếng đồng hồ và cuối cùng cũng chọn được một cái vừa vặn. Đó là chiếc mirrorless mang tên Sony A6000. Có lẽ nếu như không có tâm lý muốn được khám phá, trải nghiệm thì mình đã không mua chiếc máy ảnh hiện tại.
Chụp bằng smartphone
Mình nghĩ ở đây ai cũng đều chụp ảnh bằng điện thoại. Cũng dễ hiểu thôi. Smartphone bây giờ xịn lắm, mỗi năm là người ta lại “update” các tính năng, và chức năng chụp ảnh cũng được cải thiện. Từ 8MP lên 12MP, rồi 18MP (MP là megapixel). iPhone, Huawei Pro, Samsung Galaxy,… cái nào chụp ảnh cũng rất đẹp. Mình hiện tại dùng Asus Zenfone 5, và tương đối hài lòng với chức năng chụp ảnh của máy này. 2 camera, một cái bình thường, cái kia chụp góc rộng như kiểu panomara, rất hợp để chụp phong cảnh.

Mình không rõ mọi người khi mua điện thoại có hay để ý thông số của máy ảnh không, nhưng mình đã từng rất quan tâm đến độ phân giải Megapixel (MP). Mình cứ nghĩ số MP càng lớn thì ảnh càng đẹp. MP càng lớn thì sẽ có nhiều chi tiết hơn bên trong bức ảnh, và khi bạn zoom nó ra thì ảnh sẽ ít bị vỡ vụn hơn so với ảnh có độ phân giải thấp. Hiển nhiên là ảnh 800×600 lúc zoom ra sẽ xấu hơn rất nhiều so với ảnh 1920×1080. Thế nên, lúc đó mình đã từng nghĩ rằng, một smartphone có độ phân giải chụp ảnh lên đến 20MP và một chiếc máy ảnh 20MP có thể là như nhau. Nhưng điều đó hoàn toàn là không phải.
Mua máy ảnh xịn
Thực ra lí do mình mua máy ảnh hồi đó không phải vì mình phát hiện ra được tính năng “siêu phàm” của máy ảnh so với smartphone thông thường. Mùa hè năm ngoái sau khi đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp thì mình có khoảng 2 tháng nghỉ ngơi và chỉ đợi đến ngày nhận bằng. Trong thời gian đó, ngày nào mình cũng ra khỏi nhà. Mỗi ngày đi khám phá một số chỗ trong phố, rồi thi thoảng có đi ngoại thành, nhưng cũng chỉ xung quanh phạm vi khoảng 100km đổ lại. Đi nhiều chỗ hay ho thì sinh ra tâm lý muốn chụp ảnh nhiều hơn. Rồi khi đi đến những địa điểm đông khách du lịch, mình thấy nhiều người đeo trên cổ hoặc cầm trên tay những chiếc máy ảnh cơ, máy ảnh số kèm theo ống kính nhìn rất khủng. Đó cũng là lúc mình chợt nghĩ đến việc “Hay là mình cũng mua một cái nhỉ?”.
Mình cũng đắn đo mãi, nhưng nghĩ đến việc có một cái máy ảnh riêng biết đâu sau này lại có ích. Thế là trước khi về Việt Nam chưa đầy một tuần, mình chạy ra cửa hàng điện máy Yodobashi ở ga Yokohama để ngắm nghía máy ảnh. Hồi đó mình cũng mù máy ảnh lắm, đến thấy máy nào cũng như nhau hết, có chăng chỉ khác nhau mỗi giá với kích cỡ máy ảnh. Nhưng mà sau khi được nhân viên ở đó tư vấn thì mới biết là có nhiều loại máy ảnh như máy ảnh DSLR, máy ảnh Mirrorless,…
Sau một lúc phân vân, mình quyết định mua chiếc Sony A6000 thuộc dòng Mirrorless. Lí do mình chọn nó là bởi vì dòng Mirrorless có body (thân máy) gọn và nhẹ hơn so với DSLR. Thằng bạn mình suggest mua máy ảnh Fujifilm, nhưng mình chọn Sony vì Sony quay video tốt. Mặc dù có nhiều máy ảnh xịn hơn A6000 rất nhiều như A6500, A7, A7iii vì A6000 có từ cách đây 5 năm (2014), nhưng nó vừa với túi tiền của mình mà chất lượng chụp ảnh vẫn tốt. Và mình biết thêm được một điều, đó là chất lượng ảnh nó không chỉ phụ thuộc vào thân máy, mà còn ở chiếc Len (ống kính) mà mình đang gắn vào máy.

Lợi thế của máy ảnh xịn so với điện thoại chính là việc ta có thể lắp ra lắp vào nhiều loại ống kính khác nhau, và mỗi ống kính của nó đều có thông số khác nhau. Nếu như ta dùng điện thoại và phải chụp một vật ở đằng xa, thì khi zoom chất lượng ảnh sẽ bị kém đi. Nhưng nếu dùng ống kính có tiêu cự lên đến 200mm thì ta vẫn có thể chụp được những bức ảnh rất nét. Đợt mua máy mình có xem qua một số ống kính và mình cũng phải trố mắt với mức giá đắt đỏ của nó. Có những chiếc ống mà giá của nó đắt gấp 3 lần thân máy. Hồi đó mình mua bộ gồm ống kit (ống cơ bản) và một ống 50mm f1.8.
Hành trình từ “chụp auto” đến “chụp manual”
Hôm mới mua về cũng hí hửng “đập hộp” rồi sờ đi sờ lại chiếc máy, cảm giác cầm trên tay nó thích lắm, như kiểu thay thế khẩu súng lục (smartphone) bằng cây AK vậy (ví von vui vẻ một tí). Nhưng mà vì đợt đó đang bận chuẩn bị dọn hành lí về nước thành ra cũng bận nên mình không nghiên cứu kĩ về máy ảnh, và luôn để chế độ Auto để chụp.

Sau khi về Việt Nam được một tuần, em họ mình từ Vinh ra chơi và thấy mình dùng máy ở chế độ Auto nên bảo mình nghiên cứu máy ảnh đi, chứ mua mà không biết sử dụng máy thì phí. Nghe xong cũng thấy hợp lý, mình mới lên youtube xem một loạt các video hướng dẫn về máy ảnh nói chung và chiếc A6000 nói riêng. Được cái thằng em họ mình cũng dùng A6000 (sau đó biết là em họ khác cũng dùng A6000) nên cũng được nó chỉ bảo nhiều.
Mình biết được 3 thông số quan trọng nhất của máy ảnh, gồm Aperture – A (khẩu độ), Shutter Speed – S (tốc độ cửa trập) và ISO (độ nhạy sáng). Có bài trên diễn đàn tinhte.vn giải thích rõ mà cụ thể về 3 thông số này, mình để lại ở đây cho ai muốn đọc. https://tinhte.vn/threads/suu-tam-ky-thuat-nhiep-anh-co-ban.576558/
Nói chung là sau khi đã qua một khóa tự học về kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản thì mình cũng hiểu kha khá về máy ảnh. Nhưng mà học lý thuyết không thì không đủ. Cứ loanh quanh ở nhà mãi cũng không chụp được gì. Phải ra ngoài để thực hành! Thế là cứ mỗi lần ra ngoài đường mình luôn mang theo máy ảnh bên mình. Những lúc đạp xe thì rất tiện cho việc dừng lại để chụp linh tinh. Cũng nhờ thế mà mình hay để ý đến đường phố xung quanh hơn. Những lúc có bạn đi cùng hay dẫn bạn nước ngoài một vòng quanh Hà Nội thì mình lại có dịp được luyện “skill”, chụp từ ảnh phong cảnh đến ảnh chân dung. Mấy đứa bạn thì coi như được chụp miễn phí luôn. Dần dần kĩ năng chụp của mình cũng tốt lên rất nhiều. Mình cũng biết tăng tốc độ cửa trập để có thể chụp ảnh xe cộ đi lại mà không bị mờ, rồi cũng biết tăng khẩu độ để có thể làm phông phía sau mờ hẳn khi chụp chân dung.
“Reproducing the film digitally”
Có một đợt mình tự dưng cảm thấy hứng thú với máy ảnh phim, bởi vì lúc đi dạo ngoài phố, đặc biệt là phố cổ thì mình có thấy mấy bạn nữ hay cầm máy ảnh cổ để chụp. Mình cũng đọc được blog của một bạn mình đang follow về chuyện chụp bằng máy phim và bạn ý có kể về lợi ích của việc chụp bằng máy phim. Đọc xong mà cũng nghĩ đến việc mua một cái, vì thực ra máy phim không đắt lắm, đồng thời mình cũng rất thích phong cách vintage mà chỉ ảnh film mới có. Nhưng mà nghĩ lại thì bây giờ dùng chiếc A6000 này cũng đủ rồi. Mua máy phim về rồi mất tiền mua cuộn phim rồi tráng phim, xong lại tiện tay mua thêm mấy cái ống kính sưu tầm thì không ổn lắm. Mình sống theo chủ nghĩa tối giản mà. Nhưng không thể phủ nhận rằng trong đầu mình vẫn luôn nghĩ đến việc sở hữu một chiếc máy ảnh phim. Có lẽ là sau này.
Rồi mình chợt nghĩ đến việc, tại sao không biến những bức ảnh chụp từ máy ảnh Sony này thành một bức ảnh như thể nó được chụp từ máy film? Mình search trên google bằng tiếng Việt nhưng cũng không tìm thấy trang nào nó chỉ dẫn một cách cụ thể. Vào group Hội những người nghiện chỉnh ảnh thì cũng toàn thấy mọi người hay chỉnh ảnh theo kiểu thêm nhiều chi tiết vào rồi chỉnh màu sao cho bức ảnh trở nên sống động hơn.
Cho đến khi mình search bằng tiếng Nhật “デジタルでフィルムを再現したい” (dịch sang tiếng Việt là tạo ra ảnh film bằng máy ảnh digital) thì mới thấy có nhiều trang hướng dẫn cách chỉnh ảnh, trong đó đa số mọi người đều dùng Lightroom và VSCO. Mình có sẵn VSCO rồi, nên sau khi tham khảo qua vài bài hướng dẫn thì mình cũng đã tìm được một công thức của riêng mình.
Bên trái là bức ảnh gốc được chụp từ máy của mình (digital), và bên phải là sau khi đã qua khâu chỉnh sửa để cho nó giống ảnh film (analog). Mình giảm Contrast, Saturation, tăng Fade và Grain. Sau đó mình apply một số preset film như Kodak Portra 400 (KP4) hay Fuji Pro 400 (FP4) để có được màu giống ảnh film nhất. Nhìn cũng giống phết. Tất nhiên không thể giống 100% được. Có lẽ cần phải nghiên cứu, mò mẫm nhiều hơn.
KẾT
Gần nửa năm kể từ khi mình mua chiếc Sony A6000 này. Sau khi về Việt Nam mình mua thêm một cái ống 18-105mm để thay thế ống kit cơ bản là 16-50mm. Rõ ràng nếu muốn chụp được rõ cái tháp rùa từ đằng xa thì ống kính có tiêu cự là 105mm sẽ chụp rõ hơn ống 50mm. Thêm vào đó, việc chăm tự học về máy ảnh qua youtube hay kĩ năng chỉnh ảnh đã giúp mình có được một vốn kiến thức nhất định và có thể sẵn sàng chia sẻ cho người khác. Có một đứa Nhật bạn mình sang cũng mang theo chiếc máy mirrorless Olympus nhưng bảo là ít khi dùng vì không biết cách chụp. Nhưng chỉ sau 30 phút ngồi cafe, được mình dạy về máy ảnh thì bạn ý cũng đã biết được cách chụp, biết chỉnh các thông số và quan trọng là bỏ chế độ chụp Auto.
Nhưng cũng phải nói rằng, nếu không có tâm lý muốn được khám phá, trải nghiệm thế giới bên ngoài thì có lẽ mình đã không mua máy ảnh. Hoặc nếu có mua đi nữa, nhưng với tâm lý sống theo kiểu gò bó trong nhà như mình đã từng trải qua năm 2017, thì việc mua chiếc máy ảnh có thể coi là rất lãng phí.
“Xách máy ảnh lên và đi!”.
“Capture the present, capture every moment”
Mình mua máy ảnh xong, rồi để nhận ra đôi mắt mình vẫn là tốt nhất ;3
LikeLiked by 3 people
Một phát biểu (có vẻ) sâu sắc. :v
LikeLiked by 1 person
Mình bị cận mà k thích đeo kính. Thế là thi thoảng lôi máy ảnh ra zoom đến cái chỗ muốn nhìn để xem nó là gì =)) cơ mà từ khi cầm máy ảnh cũng phải thú nhận 1 điều là nhìn và cảm nhận cảnh vật qua ống kính. Nó cũng mất đi cái “thật” nếu so với việc nhìn bằng mắt. Cũng là cái “được” và “mất” :))
LikeLiked by 2 people