11:30 trưa thứ 2 ngày 01/04/2019 theo giờ Nhật, tức 9:30 sáng giờ Việt Nam, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã công bố niên hiệu triều đại mới của nước Nhật, đó là Reiwa (令和) – Lệnh Hòa.
Niên hiệu triều đại của nước Nhật
Có thể các bạn đã biết, nước Nhật có sử dụng niên hiệu để định danh cho năm trong lịch Nhật Bản. Nếu bạn là người sinh sống ở Nhật, chắc chắn bạn đã quá quen thuộc với việc viết năm là Heisei 31 thay vì 2019.
Niên hiệu được thiết lập bởi thiên hoàng Kotoku từ năm 645, và kể từ đó đến nay thì đã có 248 niên hiệu được thay đổi. Sự thay đổi niên hiệu này đồng nghĩa với sự thoái vị của một thiên hoàng, cụ thể ở lần này là nhật hoàng Akihito.
Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào tháng 01/1989 và đặt niên hiệu là Heisei (平成) – Bình Thành. Năm 2019 tính theo năm niên hiệu là Heisei 31 (平成31年). Còn năm sinh của mình là Heisei 06 (平成6年), là năm một chín bao nhiêu thì các bạn có thể tự tính nhẩm.
Có lẽ rất nhiều người Việt biết đến triều đại Meiji của Nhật, hoặc là Edo, vì giai đoạn này xảy ra rất nhiều sự kiện lịch sử mà các sách đều có ghi lại. Nhưng sau Meiji là triều đại gì thì có thể không phải ai cũng biết, vì ở nước ngoài thường chỉ ghi theo năm Thiên Chúa (西暦) là 19XX. Còn ở Nhật thì các cuốn sách thường ghi theo dạng niên hiệu + số, ví dụ như Taisho 10, Showa 64, hay Heisei 23, kèm theo chú thích tính sang năm bình thường.
Niên hiệu mới: REIWA (令和)
9:30 sáng nay tính theo giờ Việt Nam, chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã công bố niên hiệu mới, có tên là Reiwa (令和). Công bố này khiến công chúng tương đối ngạc nhiên vì có xuất hiện của từ Rei, nhưng cũng nhận được nhiều ý kiến tích cực từ các chuyên gia cũng như từ người dân Nhật bản.
Chữ Hán của từ “Reiwa” có nguồn gốc từ tập thơ lâu đời nhất của Nhật có tên là “Manyoshu”, và đây cũng là lần đầu chữ Hán niên hiệu của thiên hoàng Nhật được lấy từ tập thơ cổ Nhật, thay vì từ các tập thơ văn học Trung Quốc. Nội dung bài thơ nói về loài hoa Ume (mơ, mai) nở rực rỡ sau cái giá lạnh của mùa đông, báo hiệu mùa xuân đã đến. Đây là một sự lựa chọn dễ hiểu vì thời điểm công bố niên hiệu cũng đang là mùa xuân ở Nhật.
Theo như các trang báo Việt dịch lại thì ký tự đầu tiên Rei (令) – “Lệnh” ở đây có nghĩa là tốt lành, may mắn. Ký tự thứ hai Wa (和) – “Hòa” có thể được hiểu là hòa bình hoặc hài hòa.
Thủ tướng Shinzo Abe giải thích cụ thể về ý nghĩa của niên hiệu ngay sau thời điểm công bố. Ông nói rằng “Niên hiệu mới có ý nghĩa phản ánh tinh thần đoàn kết của người dân Nhật Bản”.
Câu nguyên văn tiếng Nhật của thủ tướng Abe là “人生が美しく心を寄せ合う中で文化が生まれ育つ”. Nếu dịch từ đây thì sẽ có nghĩa là, một nền văn hóa được sinh ra và nuôi dưỡng nhờ sự đoàn kết của con người.
Cảm nhận của mình về niên hiệu REIWA
Mình có theo dõi truyền hình trực tiếp NHK từ sáng sớm lúc 7:30 và đồng thời có tìm kiếm một chút thông tin liên quan đến sự kiện công bố niên hiệu này. Có rất nhiều người Nhật dự đoán về tên niên hiệu mới. Và theo bảng xếp hạng dự đoán thì có khá nhiều người bình chọn tên niên hiệu là “Heiwa” (平和) – Bình Hòa, một sự kết hợp giữa hai niên hiệu trước đó là Showa và Heisei. Ngoài ra còn có các tên niên hiệu khác được người dân Nhật lựa chọn. Bản thân mình thì dự đoán có từ An (安). trong “Bình An”.
Ngay khi chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga công bố tên niên hiệu mới là Reiwa trước khi giơ tấm biển có viết chữ Hán. Phản ứng đầu tiên của mình đó là cảm thấy rợn người. Rợn là bởi vì mình nghe đến từ Rei. Có rất nhiều chữ Hán khác có cách đọc là Rei, trong đó có chữ 霊 (LINH) trong linh hồn, ma.
Tuy vậy, sau khi nhìn thấy chữ Hán của Reiwa, thì mình thấy tên niên hiệu này khá là hay, dễ đọc, dễ viết. Nghe xong đoạn giải thích ý nghĩa của thủ tướng Abe thì mình càng thấy thích tên niên hiệu này. Phát âm của từ này cũng khá là “cool”, một phần vì từ Rei (令) cũng làm mình nghĩ tới từ Reisei (冷静), có nghĩa là điềm tĩnh (令 khác 冷), và đối với một số người có thể nó sẽ cảm thấy lạnh ớn nếu họ nghĩ từ Rei là Rei trong hồn ma.
Lúc chiều đi mua sách mà trên đường về mình cứ nhẩm đi nhẩm lại từ Reiwa này, lúc thì đọc là “Rê-oa”, lúc thì “Lê-oa”, nhưng mình nghĩ cách đọc hay nhất có lẽ là “Lêi-oa”. Nghe nó uy nghiêm trang trọng giống như lúc người Nhật nói từ Rei trong từ 礼 tức là Lễ (ví dụ như cúi chào).
Vẫn đang là Heisei
Tuy niên hiệu mới Reiwa đã được công bố ngày hôm nay, nhưng ngày chính thức bắt đầu niên hiệu mới là 01/05. Vì thế, cho đến ngày 30/04, nước Nhật vẫn sẽ dùng niên hiệu cũ là Heisei. Có lẽ, trên mạng xã hội của người Nhật sẽ xuất hiện rất nhiều cụm từ như “平成最後の花見”(mùa ngắm hoa anh đào cuối cùng của năm Heisei), ”平成最後の一ヵ月” (tháng cuối cùng trong năm Heisei),…
Tuy không phải người Nhật nhưng dù gì cũng đã có quãng thời gian du học, cũng đã từng phải viết năm sinh là Heisei 6, nên chắc là cũng được phép tận hưởng những ngày tháng Heisei cuối cùng như người Nhật chứ nhỉ. Mình cũng muốn làm cái gì đấy thật đặc biệt cho tháng 4 này để tạm biệt năm Heisei một cách thật tốt đẹp.
Các nguồn tham khảo:
Niên hiệu Nhật bản – Wikipedia
Thời kì Lệnh Hòa – Wikipedia
Nhật Bản công bố niên hiệu triều đại mới – Vnexpress
Hàng trăm người Nhật tranh nhau số báo đặc biệt về niên hiệu triều đại mới – Vnexpress
Oh vậy bạn nhỏ hơn mình một tuổi :)). Mình Heisei 5
Hôm công bố Niên hiệu thì công ty cũng xôn xao. Cơ mà được chút xíu là lặn… không còn lại dư âm gì luôn!
LikeLike