Vậy là 2 tháng đã trôi qua kể từ khi mình bước bắt đầu một hành trình mới mang tên “Life at VJU” – Cuộc sống ở trường Đại học Việt Nhật. Đây cũng là khoảng thời gian mà mình nhận thấy là bản thân có khá nhiều sự thay đổi về nhịp sống sinh hoạt cũng như là suy nghĩ đối với chính bản thân và những người xung quanh. Cụ thể như thế nào, thì bài viết này sẽ chia sẻ rõ hơn cho mọi người. Và đây cũng là cách để mình có thể nhìn lại 2 tháng vừa rồi của mình tại môi trường học mới này.
Ai tò mò vì sao lại có cụm từ “tha hoá”, thì hãy chịu khó đọc đến cuối bài viết nhé!
Háo hức được đi học lại
Đó là tâm trạng của mình trong những ngày đầu tiên ở VJU. Đầu tháng 9, mình có viết một bài kể về tuần lễ định hướng tại ngôi trường này. Lúc đó, mình thật sự rất háo hức khi được quay lại môi trường học tập, và có được một tinh thần lạc quan để “đương đầu” với những gian nan phía trước.
Thậm chí, hôm tổ chức team building ở Sông Hồng Resort, mình đã tích cực tham gia các trò chơi ngoài trời, thậm chí là có phần “vui” quá giữa cái nắng gay gắt không khác gì mùa hè.

Mình cứ nghĩ là hành trình mới ở VJU cũng sẽ không gặp phải khó khăn hay vấn đề gì quá phức tạp, nhất là khi mình có được sự khởi đầu tích cực như thế này.
Cơ mà, sự thật không phải là như vậy
Overwhelmed (Ngợp)
1 năm gap year đã giúp mình đạt được rất nhiều thứ, nhưng nó cũng là giai đoạn mình chủ động rời xa đám đông, rời xa cuộc sống xã hội. Trong 1 năm đó, mình gần như chỉ làm việc cá nhân, và gần như không tiếp xúc với một nhóm bạn bè mới nào. Và thế rồi khi bước vào một môi trường mới, một lớp học mới với gần 20 con người năng động, mình hoàn toàn bị ngợp. Thêm vào đó, việc được lớp bầu làm monitor (lớp trưởng) lại càng khiến mình cảm thấy như bản thân phải gánh vác một trọng trách nặng nề trên vai.
Trong 2, 3 tuần đầu, mỗi lần kết thúc lớp học là mình sẽ ra về luôn, đồng thời cũng chỉ làm tròn bổn phận của một lớp trưởng trên lớp. Giờ ra chơi thường sẽ là lúc các cuộc nói chuyện, bàn tán sôi nổi diễn ra và thú thật là lúc đó mình không quen với việc ngồi tham gia vào mấy cuộc trò chuyện đó, nên mình sẽ ngồi một góc đeo tai nghe, hoặc là ra ngoài hành lang đi dạo cho đến khi chuông kêu thì quay lại.
Có ngày nghỉ nào trong tuần là mình sẽ chỉ ở nhà, hoặc là sẽ đi chơi thật xa, ví dụ như trong tháng 9 mình đã đi Hạ Long 2 ngày, và dành 1 đêm ở Hygge Homestay. Tất cả chỉ với mục đích để mình có thể rời xa khỏi nhịp sống hối hả mà bản thân vẫn chưa quen được. Đây cũng là lúc mình nhận ra rằng, sống chậm quá cũng không hẳn là điều tốt.
Tái hoà nhập
Mình tự hỏi bản thân, liệu vì lí do gì mà mình lại có thiên hướng tránh xa bầu không khí năng động mà lớp tạo ra. Liệu có phải là do các bạn ý quá ồn ào? Mình đã từng nghĩ là như vậy, nhưng càng nghĩ kĩ thì nó không phải là lí do lớn nhất. Đúng là nếu đem so sánh với những nhóm bạn mà mình đã quen từ trước đến giờ (bạn Nhật, bạn Hàn,…) thì các bạn đồng hương đúng là năng động và sôi nổi bậc nhất. Nhưng bản thân mình cũng có trách nhiệm trong việc này. Như mình đã nói, trong 1 năm gap year, mình gần như không giao lưu và tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài mấy (liên quan đến mảng xã giao). Điều này khiến mình bị thu hẹp trong một khoảng không gian do chính mình tự tạo ra, đến khi bước chân vào một nhóm “xã hội thu nhỏ” thì mình lại là người bị thiệt thòi nhất. Và để có thể tái hoà nhập một cách nhanh chóng thì mình phải là người thay đổi, chứ không phải là những người xung quanh.
Nhờ việc suy nghĩ tích cực hơn trong việc thay đổi cách nhìn đối với môi trường học tập và bạn bè xung quanh, sau một thời gian thì mình cũng không còn cảm thấy bị ngợp với bầu không khí sôi động, đôi khi là ồn ào mà các bạn trong lớp tạo ra.
Và khi đã quen với bầu không khí mới này, khi đã trở nên thân thiết hơn với các bạn, thì đó mới là lúc “chức năng” của một monitor được phát huy tác dụng.
Tổ chức sinh nhật, 20/10 bí mật, và tiệc liên hoan cho lớp
Hồi đầu kì, khi mình bắt đầu làm monitor, một số bạn học trong lớp cứ liên tục đề xuất cho lớp đi chơi này nọ, trong khi mình còn chưa rõ chức vụ của monitor trên lớp là như thế nào. Điều này khiến mình cảm thấy hơi khó chịu khi nghĩ đến việc làm monitor là phải làm đủ mọi việc cho lớp, trong khi mình là một người có xu hướng dành thời gian riêng cho bản thân nhiều.
Nhưng rồi nhờ việc thay đổi và tái hoà nhập thì mình bắt đầu tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ mọi người, đặc biệt trong lớp có 2 người là ジン và anh ミン luôn giúp đỡ mình trong rất nhiều, nhờ thế mà mình cảm thấy việc làm monitor cũng không đến nỗi nào, ít ra là không còn ví chức vụ monitor với “culi” của lớp nữa.
Mình bắt đầu từ việc tổ chức tiệc sinh nhật nho nhỏ cho một số bạn ngay trên lớp, rồi sau đó vài tuần mình cùng 2 thằng đàn ông trong lớp bí mật tổ chức tiệc 20/10 cho các chị em, thế rồi mới hôm qua thì mình đã sắp xếp và tổ chức một bữa lẩu Nhật cho cả lớp, nhân dịp mọi người thi giữa kì xong môn tiếng Nhật.
Viết đến đây, mình nhớ ra những câu chữ mình đã viết trên blog cách đây 2 tháng về chuyện làm monitor của lớp:
“Khi được bầu làm monitor, mình vẫn có quyền được từ chối, và trong thâm tâm mình thì 50% là YES và 50% là NO. NO là bởi vì mình chưa từng có kinh nghiệm làm lớp trưởng, và cũng ngại việc phải làm và phụ trách nhiều công việc hơn, nhưng khi mình nghĩ đây cũng chính là công việc của một người kết nối, của người có thể kéo mọi người lại gần nhau hơn, thì lúc đó, 50% YES đã chiến thắng, và mình đồng ý làm monitor. “
Thời gian đầu dù có những khó khăn nhất định, nhưng mình cảm thấy bản thân đã và đang hoàn thành tốt công việc của một monitor, và của một người kết nối.
Các bạn trong lớp nói vui rằng giai đoạn tái hoà nhập này của mình là giai đoạn “Việt hoá”. Lí do là bởi vì mình là người tốt nghiệp đại học Nhật, dành 4 năm thời sinh viên ở bên bổn nên mấy đứa coi mình là một đứa Việt Kiều.
Và một khi đã Việt hoá xong, thì giai đoạn tiếp theo sẽ là THA HOÁ.
“THA HOÁ”
Đây là cụm từ dành cho những ai trong lớp đã dần trở nên lầy lội, chầy cối và bộc lộ rõ tính cách khác biệt so với vẻ nghiêm túc ban đầu.
Có thể nói mình đang trong quá trình “tha hoá”, khi mà dạo gần đây mình thường xuyên làm trò cười cho lớp, khi chụp ảnh cũng bắt đầu tạo mấy kiểu dáng dí dỏm đôi khi là mất nghiêm túc, khác hẳn so với hồi mới nhập học.
Thực ra, vốn dĩ mình là người biết entertain, tức là biết “mua vui” tạo tiếng cười cho mọi người. Từ hồi cấp 3 mình đã chuyên trị nhảy nhạc Hàn Xẻng, lên đại học thì suốt ngày tạo dáng ẻo lả trong khi người thì rõ là đô con, vai u bắp thịt.
Cái “tha hoá” mà mọi người nói ở đây, đối với mình nó là dấu hiệu của việc mình đã hoàn toàn hoà nhập với môi trường mới và bạn bè mới. Thế nên, đây là một điều…tích cực, dù cái từ “tha hoá” nghe nó cũng trẻ trâu thật.

2 năm thạc sĩ, 2 tháng mới trôi qua, tức là mới được 1/12 chặng đường. Con đường vẫn còn dài, khó khăn vẫn đang còn chờ đợi, nhưng đồng thời hứa hẹn nhiều niềm vui.
Cheers!
P/S: Gửi tới những ai trong lớp mà đã đọc bài viết này. Cám ơn anh/chị/em vì đã tin tưởng bầu em làm monitor. Cho dù hồi đầu mình có chút “sida” như đã kể ở trên, và có thể sẽ dở ương thêm vài lần trong thời gian tới, nhưng hi vọng anh/chị/em sẽ ủng hộ mình nhiệt tình =))
Ỏ, xin được cảm thán cá nhân chút, Kira phiên bản “tha hóa” dễ thương quá~
Đọc bài Kira viết xong mình lại được tiếp năng lượng, chúc Kira tuần mới năng xuất nhé!!!
LikeLike
Mình đang ở giai đoạn gap year (sau những năm tháng đi làm full time) mình hiểu dần đoạn mà bạn có nhắc là “sống chậm quá cũng không tốt”, và cần tái hòa nhập. Khác với bạn có một gap year mục tiêu rõ ràng mình thì hơi mù mờ nên có phần chơi vơi. Chúc bạn tiếp tục có những năm tháng học tập vui vẻ nhiều kỷ niệm ý nghĩa và tiếp tục viết blog về cả tối giản nữa nhé!
LikeLike