Học, học nữa, học mãi…
Học ngoại ngữ, học toán lý hoá, học ôn thi,…
Thế còn… HỌC CÁCH HỌC?
Là một người dành nhiều thời gian cho việc tự học, mình luôn tự hỏi bản thân làm thế nào để có thể cải thiện được năng suất học tập, để có thể ghi nhớ các kiến thức lâu, và quan trọng nhất là làm thế nào để hiểu được các kiến thức đó.
Nói về chuyện học, người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến cách học của mình không phải là một thầy cô hay là bạn bè nào, mà là một youtuber có tên Mentalist Daigo. Mình đã theo dõi các video của Daigo về phương pháp học hiệu quả, và đang áp dụng rất nhiều kĩ năng vào việc học của mình trong 1 năm trở lại đây.
Hôm trước mình còn đọc xong một cuốn sách về phương pháp học hiệu quả do chính Daigo viết. Tuy vậy, những phương pháp này không phải do Daigo tự phát minh ra, mà được tổng hợp từ rất nhiều bài nghiên cứu khoa học khác nhau về hiệu quả học tập, trong các lĩnh vực như tâm lý học hay thần kinh học.
Vì vậy, mình sẽ viết bài này để có thể chia sẻ với các bạn phương pháp học tập hiệu quả và cực kì khoa học dựa trên những gì mình đã tiếp thu được sau khi đã đọc cuốn sách đó. Dù có sự chắt lọc khá cẩn thận nhưng nội dung vẫn tương đối dài nên mình quyết định chia thành 2 phần (2 bài viết) khác nhau.
Phần 1 – Phương pháp học hiệu quả mang tên Active Learning. Active Learning là gì? Hai phương pháp học trong Active Learning: gợi nhớ và tái diễn đạt
Phần 2 – Nên làm gì trước và sau khi học? Không chỉ trong lúc học mà những gì ta làm trước và sau khi học cũng có sự ảnh hưởng lớn đến hiệu quả học tập.
Trước khi đọc cả bài này, bạn có thể đọc bài viết Nếu muốn học hiệu quả, hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, để có thể hiểu được tầm quan trọng của tư duy đối với việc học nói chung.
Phương pháp học tập hiệu quả Active Learning
Active Learning, hay tiếng Việt gọi là “học chủ động”, mà theo một số nguồn viết trên mạng lí giải thì “Học chủ động” là việc học sinh tham gia một cách tích cực vào các bài giảng trên lớp, chủ động trong việc nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu và tăng cường sự trao đổi xuyên suốt buổi học. Thay vì việc nghe giảng một cách thụ động, học sinh giờ đây sẽ trở thành trung tâm của lớp học.
Ví dụ, thầy giáo sẽ yêu cầu học sinh tự đọc một chương trong sách, sau đó thuyết trình và bàn luận với các nhóm trong lớp. Hoặc là thầy giáo dạy xong nói “bây giờ hãy quay sang bạn bên cạnh và thảo luận về chủ đề thầy mới dạy nào”.
Tuy nhiên, active learning không chỉ được thực hiện ở trên lớp học, mà còn có thể sử dụng được ngay cả khi bạn tự học ở nhà. Bạn tự ôn thi IELTS, bạn ghi chép các mẫu câu nói Speaking vào vở, nhưng bạn không dừng ở đó. Bạn sử dụng các câu mẫu để tạo ra một đoạn hội thoại nho nhỏ, tự mình hỏi tự mình trả lời. Đây là một ví dụ của học chủ động.
Sau đây, mình sẽ giới thiệu với mọi người hai phương pháp Active Learning rất hiệu quả mà bạn có thể áp dụng cho việc tự học cũng như là học nói chung. Hai phương pháp này là:
1. Gợi nhớ
2. Tái diễn đạt
Phương pháp 1 nói một cách đơn giản thì nó là sự nhớ lại những gì đã tiếp thu vào đầu. Con người sẽ ghi nhớ lâu hơn không phải trong lúc ta nhập thông tin vào mà khi ta cố gắng nhớ nó ra. Tần suất gợi nhớ ra thông tin đó càng nhiều thì khả năng ghi nhớ sẽ càng cao.
“Hãy làm đi làm lại đề thi thử, đề thi của các năm trước”. Đây là lời khuyên của các thầy cô giáo và đúng là có hiệu quả rất cao. Học sinh không chỉ được làm quen với dạng đề, mà cứ mỗi lần làm thì họ sẽ nhớ ra được những thông tin, kiến thức quan trọng. Vì vậy, để học hiệu quả, khi đang học, hãy thử chèn vào đâu đó công đoạn gợi nhớ. Mình thường xuyên dành một khoảng thời gian nhất định (40 giây) để nhớ lại những gì vừa mới học. Mình đã viết một bài về phương pháp này, bạn có thể đọc tại đây:
Ghi nhớ tốt hơn với phương pháp học “40 giây”
Phương pháp thứ 2 – “tái diễn đạt”, có nghĩa là “diễn đạt lại những kiến thức đã học bằng ngôn ngữ của bản thân”. Phương pháp này nhấn mạnh việc hiểu được kiến thức và nội dung, chứ không chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ.
Active Learning 1: Gợi nhớ bằng cách trắc nghiệm hoá (Quiz-alize)
Ngoài lề một chút. Bất kì một từ nào cứ cho thêm từ “alize” vào là sẽ mang ý nghĩa “… hoá” thì phải. Minimal thành minimalize, habit thành habitualize, còn quiz thì sẽ thành Quizalize (mình tự nghĩ ra).
Phương pháp này rất đơn giản và hiệu quả đem lại cũng rất cao. Bạn biến các kiến thức đã học thành một dạng câu hỏi và test kí ức của bạn. Câu hỏi ở đây không nhất thiết phải là một dạng câu hỏi cụ thể, hay là có đáp án a,b,c,d. Mình lấy ví dụ:
Bạn có thể sử dụng phương pháp trắc nghiệm hoá khi đang đọc sách bằng cách như sau:
- Đọc xong 1 trang sách, hoặc 1 chương thì gập sách lại.
- Tự hỏi xem bản thân nãy giờ đã đọc được những gì.
Phương pháp này cũng rất hiệu quả cho việc ghi chép note. Mình tin là có nhiều bạn đang học ôn thi theo kiểu, vừa nhìn sách vừa chép ra vở. Mình cũng đã từng học như thế này. Cách này không sai, nhưng hiệu quả sẽ không cao. Hãy thử áp dụng phương pháp quizalize nhé.
- Khi đang đọc sách, hoặc học một môn nào đó, nếu bạn muốn ghi chép một đoạn nội dung quan trọng vào vở, thì bước đầu tiên là gập sách lại, hoặc đừng nhìn vào sách.
- Nhớ ra trong đầu phần thông tin bạn vừa mới đọc, và tự ghi ra vở.
Lấy ví dụ là việc học ngữ pháp tiếng Nhật. Thay vì vừa nhìn vừa chép mẫu ngữ pháp và câu ví dụ vào vở, hãy đọc hết một lượt nội dung ngữ pháp đó, sau đó không nhìn sách mà ghi ra vở mẫu ngữ pháp vừa mới học. Nếu không nhớ, bạn có thể nhìn lại sách, rồi lại chép ra note mà không dựa vào sách.
Có thể bạn sẽ nghĩ là những kiến thức mới học cách đây có mấy giây, làm sao mà quên được. Tuy nhiên, bộ não của ta rất chi là “dở dở ương ương”, thế nên cần phải thường xuyên gợi nhớ nếu muốn lưu giữ kí ức lâu dài.
Mình áp dụng phương pháp này như thế nào cho việc ôn thi?
Ngay trong thời điểm hiện tại, mình đang ôn thi môn International Business (chiến lược kinh doanh quốc tế). Vì là thi dưới dạng open-book (được phép mang sách vở vào) nên chuyện ôn thi cũng dễ thở hơn rất nhiều. Tuy nhiên với một lượng kiến thức cực kì đồ sộ (1 cuốn sách dày 748 trang) thì cần phải có sự ôn tập cẩn thận để nắm được nội dung từng chương của cuốn sách.
Ở đây, mình trắc nghiệm hoá phần kiến thức bằng cách tự tạo ra câu hỏi cho dựa trên một phần nội dung đã học, có thể là theo dạng TRUE/FALSE. Mình ghi câu hỏi ở nửa trái quyển vở, sau đó không nhìn tài liệu mà cố gắng nhớ ra nội dung, và ghi lại đáp án vào bên phải.
Bằng cách này, mình sẽ nhớ được những khái niệm, kiến thức cơ bản của từng chương một. Thêm vào đó, cách này cũng sẽ giúp mình tiết kiệm thời gian khi đang thi. Vì mình có thể mang tài liệu như sách lẫn vở ghi chép của mình, nên nếu có câu hỏi nào trong đề thi gần giống với câu hỏi mình tự nghĩ ra, thì mình có thể nhớ ra một cách rất nhanh.
Active Learning 2: Tái diễn đạt với phương pháp “Teaching Technique”
Bạn học và tiếp thu kiến thức, sau đó giải thích lại với người khác bằng cách diễn đạt của chính bản thân. Đây chính là phương pháp “teaching technique”.
Mình sẽ sử dụng một ví dụ mà mình có đề cập ở phần trên của bài viết, đó là việc thầy giáo yêu cầu học sinh tự đọc một chương trong sách, sau đó thuyết trình và bàn luận với các nhóm trong lớp.
Trong một lớp học, mình được phân công đọc chương 6 của một cuốn sách, sau đó thuyết trình trên lớp. Như vậy, có 3 điều mình phải làm, đó là:
- Đọc chương 6
- Cố gắng hiểu được nội dung
- Giải thích nội dung đó một cách dễ hiểu cho các bạn trong lớp
Để giải thích được nội dung, kiến thức cho một người khác thì trước tiên bản thân mình phải hiểu được những nội dung đó. Không chỉ vậy, với việc phải giải thích nội dung một cách đúng đắn, mình sẽ tự tạo ra một chút áp lực nhỏ nhỏ cho bản thân, và điều này sẽ giúp mình có động lực để học thật kĩ và hiểu thật sâu phần mình phải phụ trách.
Nếu như bạn không tìm được người có thể “khọ chíu” nghe bạn giảng giải, thì nó hoàn toàn không phải là vấn đề. Bạn chỉ cần tưởng tượng trong đầu là học xong bạn sẽ giải thích cho ai đó về những kiến thức này, thế là đủ.
Phương pháp “học để dạy”
Năm 2014, trường đại học Washington đã tiến hành một cuộc khảo sát rất thú vị. Sinh viên được chia thành 2 nhóm.
- Nhóm 1: vừa học vừa nghĩ đến việc “học xong là phải làm bài kiểm tra”
- Nhóm 2: vừa học vừa nghĩ đến việc “học xong là phải dạy lại cho người khác”
Kết thúc quá trình học, sinh viên của cả 2 nhóm đều được cho làm một bài kiểm tra, và kết quả cho thấy sinh viên nhóm “học để dạy” (nhóm 2) có thành tích trung bình tốt hơn 28% so với nhóm “học để thi” (1).
Phương pháp này có thể áp dụng được cho việc mới học hay ôn tập lại một kiến thức nào đó. Hãy thử nghĩ rằng, bạn đang học vì một lát nữa, hoặc hôm sau lên lớp bạn phải dạy người khác về nội dung đó.
…
Trắc nghiệm hoá và tái diễn đạt là 2 phương pháp mà theo mình là nó dễ áp dụng và thực hiện được ngay sau khi bạn đọc xong bài viết này. Ở bài viết tiếp theo (phần 2), mình sẽ tiếp tục chia sẻ với mọi người về những việc ta nên làm trước và sau khi học để có thể giúp chất lượng học tập được cải thiện một cách rõ rệt. Nó cũng giống với việc ta nên ăn tinh bột để lấy năng lượng trước khi tập gym, và tiêu thụ protein sau khi tập để giúp cơ phát triển.
Stay focused, be present.
Kira
Featured Image: https://unsplash.com/photos/FHnnjk1Yj7Y
Hay lắm ạ. Em phải note lại rồi tìm hiểu áp dụng ngay luôn.
Cảm ơn anh ạ ^^
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn Kira về những chia sẻ phương pháp học tập.
Cho mình hỏi Kira rằng: trường hợp khi được nghe dạy trực tiếp liên tục (ít nhất 1 giờ) thì có cách nào để gợi nhớ tốt không? Hiện mình dùng cách vừa nghe vừa note lại nhưng mà vẫn thấy chưa hiệu quả.
LikeLiked by 1 person
Yanri có thể sử dụng khoảng 40 giây sau 1 tiếng nghe giảng và nhớ lại trong đầu những gì đc giảng dạy (chỉ cần nhớ ý chính), có thể quay sang vs bạn cùng lớp và trao đổi nếu họ hứng thú
LikeLiked by 1 person
Hi Kira,
Cảm ơn bạn đã chia sẻ, nó rất có ích với mình.
P/S: Loại vở kẻ caro mà bạn đang sử dụng là loại nào vậy? Mình có thể mua ở đâu đc nhỉ.
LikeLiked by 1 person