Sau gần 2 năm gắn bó với việc viết nhật ký bằng tiếng Anh, thì bắt đầu từ năm nay mình quyết định thay đổi thói quen này một chút xíu, với việc chuyển sang viết nhật ký bằng tiếng Nhật.
2 năm viết nhật ký bằng tiếng Anh
Mình bắt đầu viết nhật ký từ đầu năm 2018. Khi đó mình muốn tạo thói quen tập viết một cái gì đó, và nhật ký chính là một sự khởi đầu “nhẹ nhàng” và hợp lý. Tuy vậy mình không viết bằng tiếng Việt, mà là bằng tiếng Anh. Lí do vì sao, thì mình có viết trong bài “Chuyện viết nhật ký“, cụ thể là như sau:
“Tiếng Việt thì dễ viết nhất rồi, nhưng không hiểu sao lúc đó mình cảm thấy viết tiếng Việt nó cứ gượng gạo, mà viết tiếng Nhật thì hơi tốn thời gian vì đôi khi sẽ muốn viết Kanji nhưng lại không biết viết nên phải tra. Thế thì…tiếng Anh cho lành.”
Và thế là, suốt gần 2 năm, ngày nào mình cũng dành 10 phút mỗi sáng để viết nhật ký bằng tiếng Anh vào cuốn sổ Muji nhỏ xinh. Mỗi ngày mình viết 1 trang (khoảng 150 – 200 từ), hôm nào nhiều thứ để kể thì viết tận 2 đến 3 trang.
Tuy vậy, mình quyết định thay đổi thói quen này. Từ 2020, mình chuyển sang viết nhật ký bằng tiếng Nhật

Lí do mình chuyển sang viết nhật ký bằng tiếng Nhật
Thật ra, mình đã nghĩ đến chuyện này từ cách đây một thời gian, cụ thể là từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm ngoái. Lúc đó, mình cảm thấy bị mất cân bằng trong việc duy trì các ngoại ngữ trong cùng một thời điểm. Từ tháng 9, mình theo học chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh, nên tần suất sử dụng tiếng Anh tăng lên đáng kể. Trong khi đó, thời gian mình tiếp xúc với tiếng Nhật lại trở nên ít hơn, thường là chỉ thông qua việc xem youtube và nói chuyện với bạn Nhật.
“Làm thế nào để cân bằng lại việc duy trì giữa các ngôn ngữ với nhau trong cùng một thời điểm?” Mình tự hỏi. Rồi mình chợt nhận ra, khi mà việc sử dụng tiếng Anh thường xuyên trên lớp càng khiến mình thấy việc viết nhật ký bằng tiếng Anh có cảm giác hơi bị “thừa thãi”. Vì vậy, chuyển sang viết nhật ký bằng tiếng Nhật cũng là một cách tốt để cân bằng lại việc duy trì tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, mình nghĩ vậy. Cùng thời điểm này, mình lên amazon Nhật ngồi tìm xem có cuốn sổ nhật ký nào đẹp không, và rồi mình thấy có cuốn sổ THREE YEARS DIARY khá đẹp, và mình nhờ bạn mình mua và ship về cho mình.
“Đúng lúc đấy! Chuyển sang viết tiếng Nhật thôi”.

Mình sử dụng cuốn sổ nhật ký mới như thế nào
Cuốn sổ 3 years diary này rất đẹp, bên trong mỗi trang sẽ có 3 khung, tương ứng với một ngày trong 3 năm liên tiếp. Ví dụ như hôm nay là ngày 16/01, thì khung trên cùng sẽ dành cho nhật ký ngày 16/01 tại thời điểm hiện tại, tức là năm 2020. Khung giữa và khung dưới là dành cho nhật ký ngày 16/01 năm 2021 và 2022. Nếu mình duy trì được việc viết nhật ký liên tục trong 3 năm, thì 3 năm sau đúng vào ngày 16/01, khi viết nhật ký mình sẽ biết được ngày này năm ngoái và năm kia mình đã làm gì. Thật thú vị phải không?
Bên cạnh việc viết bằng tiếng Nhật thì mình còn đặt thêm tiêu đề ngắn cho ngày hôm trước của mình. Ví dụ như ngày tiêu đề của ngày 15/01 là “Một ngày nghỉ ngơi làm những việc yêu thích”, ngày 16/01 là “Tỉ năm mới đạp xe”, ngày 17/01 là “Tranquil & Blog tiếng Nhật”. Đặt tiêu đề cho một ngày chính là cách để bản thân mình nhìn lại một ngày vừa rồi, và tìm ra điểm nhấn, điểm đáng nhớ của ngày hôm đó. Nó có thể là điều tích cực, cũng có thể là tiêu cực, nhưng quan trọng là nó giúp mình trải qua mỗi ngày một cách có ý nghĩa hơn.

Mình không chỉ dừng lại ở đó
Tuy nhiên, mình không chỉ dừng lại ở việc viết nhật ký bằng tiếng Nhật. Lâu lâu không viết bằng tay nên thi thoảng mình không nhớ ra được viết chữ Hán này chữ Hán kia như thế nào. Thêm vào đó, cuốn sổ mới này khá to và nặng, không phải lúc nào mình cũng sẽ cầm được theo cuốn sổ này. Ví dụ như tháng 2 tới mình đi Nhật 1 tuần, chắc sẽ không tiện cầm theo nó được. Vậy thì, làm thế nào để có thể ghi lại nhật ký 1 ngày mà không sử dụng đến sổ nhật ký? Câu trả lời là ứng dụng nhật ký trên điện thoại.

Nhưng cách mà mình sử dụng app nhật ký này cũng khá đặc biệt. Mình không cần phải gõ typing bằng tay, thay vào đó chỉ việc sử dụng chức năng voice recognition. Vào cuối ngày, mình sẽ dành khoảng 5 phút để ghi lại vào app nhật ký về một ngày của mình bằng lời nói, và bằng tiếng Nhật, rồi sáng hôm sau mình sẽ viết lại vào sổ nhật ký. Lúc viết mình sẽ mở ứng dụng nhật ký, đặt ở ngay bên cạnh, và khi nào quên mất cách viết chữ hán, hoặc muốn lọc ra một số ý chính để viết thì mình lại nhìn vào những gì đã lưu lại trong ứng dụng nhật ký. Mình đã bắt đầu thói quen này được 2 tuần, tuy vẫn đang trong quá trình “thử nghiệm”, nhưng mình thấy nó rất có ích, việc này vừa giúp mình có cơ hội được ôn lại một ngày, và được nói tiếng Nhật. Cái tiện nhất ở đây là mình không phải sử dụng tay để bấm bấm gõ gõ, mà chỉ cần ấn nút hình micro và cứ thế là “tuôn”. Bạn nào lười viết nhật ký bằng tay, cũng lười gõ, thì có thể sử dụng cách này.
Gửi tới những ai đang muốn viết nhật ký nhân dịp năm mới
Mình hi vọng là bài viết này giúp các bạn cảm thấy hứng thú với việc viết nhật ký nhân dịp năm mới. Và nếu viết nhật ký là một trong những new year resolution của bạn, hãy đừng chỉ dừng lại ở việc “tôi muốn viết nhật ký nhân dịp năm mới”. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ xem mình viết như thế nào, dài ra sao, bằng thứ tiếng gì, vào thời điểm nào,… Ví dụ, nếu bạn là người mới bắt đầu viết nhật ký, hãy tìm cho mình một cuốn sổ nhật ký nhỏ xinh, đặt ra mục tiêu là “mỗi ngày viết ít nhất 50 từ, vào buổi sáng sau khi dậy, và viết bằng tiếng Anh”. Hãy thử đặt tiêu đề cho mỗi ngày của bạn. Nếu có ai đó hỏi ngày hôm qua bạn đã làm gì, có thể bạn sẽ nhớ. Nhưng hôm kia thì sao? Nếu bạn nhớ ra được tiêu đề đã đặt cho ngày hôm kia, tự dưng bạn sẽ nhớ ra được rất nhiều chi tiết của ngày hôm đó. Bạn có thể để mỗi ngày trôi qua như bao ngày khác, hoặc bạn có thể biến mỗi ngày thành một ngày đặc biệt và có ý nghĩa.
Stay focused, be present.
Kira
Mình cũng đã bắt đầu viết tay bằng tiếng Đức vào một cuốn sổ. Trước đây, có viết gì thì mình cũng dùng đt có chức năng Auto correction nên khi tự viết thì không có nhớ từ. Gõ trên máy tính thì cũng hay, vì sau này có thể in thành sách cho riêng mình được. Mình đã in 2 cuốn rồi, lâu lâu đọc lại thú vị lắm.
LikeLiked by 2 people
ầu có đợt đọc thấy yanimia in sách gì đó, hoá ra là nhật ký ạ. I see I see, that’s a great idea.
LikeLiked by 1 person
Thật sự cảm giác khi viết nhật ký bằng tiếng Nhật, đặc biệt là viết tay, cảm giác mình đã đạt tới đỉnh cao của bản thân. Mình có thể “điều khiển” nét chữ và như chinh phục nó ấy ạ. Em chỉ muốn hỏi là, hành trình anh luyện tập cách nhớ viết chữ Kanji có gian lao không ạ?
LikeLiked by 1 person
Chữ kanji, học rồi lâu k viết thì lại quên, nên mình nghĩ là nó sẽ vẫn cứ tiếp tục gian nan haha
LikeLiked by 1 person
Em học tiếng Hàn được gần 1 năm, cũng gọi là có tí vốn liếng. Em cũng có ý định viết nhật ký bằng tiếng Hàn lâu rồi nhưng cảm thấy chưa đủ tự tin. Kiểu sợ sai ngữ pháp này nọ rồi quên cái này quên cái kia, muốn viết câu này câu kia nhưng sợ không biết viết kiểu gì…Đại loại như thế. Nhưng sau khi đọc bài này của anh thì em đã giở ngay lap ra để viết cho ngày hôm nay, mặc dù em vẫn đang ở quê nghỉ Tết và để nhật ký trên Hà Nội :v trước đây em cũng hay xem Vlog của các chị Hàn, nhưng chỉ xem ở mức giải trí. Còn hôm nay thì đã biết chụp lại những câu nào họ hay nói, những ngữ pháp nào họ hay dùng… Cảm ơn anh nhiều nhiều vì đã viết bài này !
LikeLiked by 1 person
Thói quen viết nhật lí là thói quen tôt.Thói quen ươm mầm nhân cách,nhân cách ươm mầm thành công.Không chỉ giúp chúng ta lưu giữ lại kỉ niệm mỗi ngày,còn là người bạn lắng nghe chúng ta ko mệt mỏi và cách rất hữu ích để rèn trí nhớ.Một búi chì mòn còn hơn một trí nhớ tốt.Cảm ơn bài viết bạn chia sẻ rất ý nghĩa!
LikeLiked by 1 person