“Decided to change my diary note since I found this one at Muji store. Have been using the 100 yen note. By changing to this newer, better-looking note, I hope my life in Japan also become better for the rest 3 months” – Đó là những gì mình đã viết vào cuốn sổ nhật ký “chính thức” đầu tiên của mình vào ngày 31/05/2018, đúng 1 năm trước.
Viết nhật ký đã trở thành một trong những thói quen hàng ngày của mình. Mình không viết nhiều, chỉ viết khoảng 100 – 120 từ mỗi ngày (1 trang cỡ bé), nhưng chừng đó là đủ để giúp mình lưu lại những câu chuyện đáng nhớ của ngày hôm trước, để tự trò chuyện với chính bản thân, và quan trọng nhất, là để duy trì thói quen viết.
Viết nhật ký hồi còn bé
Thực ra, từ lúc bé tí mình đã viết nhật ký rồi. Hồi ở bên Nhật (từ năm 2000), bố mẹ bắt mình viết nhật ký để duy trì tiếng Việt. Hình như mẹ vẫn còn giữ cuốn đó, nếu không nhầm thì nó có bìa màu xanh lá cây và có nhân vật Micky Mouse. Cơ mà hồi đó là mình phải viết, chứ làm gì có thằng cu nào tự nguyện viết 1 trang mỗi ngày.
Lớn lên, nhật ký là một thứ gì đó hoàn toàn xa lạ đối với mình. Mình cũng ghét phải viết tay nữa, thế nên là suốt những năm tháng tuổi teen cho đến tuổi 23, cụm từ “nhật ký” không hề tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2018.
Bắt đầu viết nhật ký từ đầu năm 2018
Cuối năm 2017, đầu 2018 là giai đoạn mà bản thân mình có sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ, theo chiều hướng từ tiêu cực sang tích cực. Mình bắt đầu tạo ra những thói quen tốt như đạp xe, đọc sách để thay thế và loại bỏ dần cho những thói quen xấu vốn đã gắn liền với bản thân suốt 1 năm trước đó.
Đầu tháng 4, mình đọc một cuốn sách viết về thói quen, có tên là “Mini Habits” của Stephen Guise (Gieo thói quen nhỏ, gặt thành công lớn). Cuốn sách viết về tầm quan trọng của những hành động có thể nói là siêu nhỏ, không đáng kể, nhưng lại đóng vai trò rất lớn cho việc hình thành một thói quen tốt lâu dài. Đó là lí do vì sao cuốn sách lại có tên là “mini habits” – những thói quen nhỏ. Lấy ví dụ: đọc 1 trang sách mỗi ngày, chống đẩy 1 cái mỗi ngày, viết 50 từ mỗi ngày, tất cả đều là những thói quen nhỏ và rất dễ thực hiện, kể cả khi bạn có cảm thấy mệt mỏi trong ngày hôm đó. Mình đặc biệt ấn tượng với thói quen viết 50 từ mỗi ngày mà tác giả đề cập đến. Trong đầu mình chợt lóe ra một ý nghĩ “Hay là, mình cũng tập viết cái gì đó nhỉ?” Thời điểm đó mình đang bắt đầu viết luận, mà theo yêu cầu thì bài luận phải dài ít nhất khoảng 50 trang (30,000 từ). Vì thế, 50 từ là một con số thật sự rất nhỏ, có cảm giác dễ xơi.
Và đó là lúc mình nghĩ đến việc viết nhật ký. Quả thực, viết nhật ký là một lựa chọn đúng đắn nhất để có thể duy trì được hàng ngày mà lại có thể viết ra 50 từ một cách dễ dàng. Ở nhà có sẵn một cuốn sổ “rẻ tiền” 100 yên đã mua từ rất lâu rồi nhưng chưa bao giờ đụng đến, nên mình đã bắt đầu viết nhật ký vào cuốn sổ đó.
Tuy vậy, trước khi viết nhật ký, mình đã phải suy nghĩ xem nên viết bằng ngôn ngữ gì. Tiếng Việt thì dễ viết nhất rồi, nhưng không hiểu sao lúc đó mình cảm thấy viết tiếng Việt nó cứ gượng gạo, mà viết tiếng Nhật thì hơi tốn thời gian vì đôi khi sẽ muốn viết Kanji nhưng lại không biết viết nên phải tra. Thế thì…tiếng Anh cho lành.
Và thế là, mình bắt đầu viết nhật ký bằng tiếng Anh từ những ngày đầu tiên của tháng 04 năm 2018.
Viết nhật ký trước khi đi ngủ hay sau khi dậy?
Tuy vậy, trong những ngày đầu tiên, đôi khi mình vẫn skip mất một, hai lần. Việc duy trì nó cũng không hẳn là đơn giản. Viết 50 từ thì thật ra không quá khó, nhưng mình nghĩ là mình chọn sai thời điểm để viết – buổi tối. Lúc đó mình vẫn chưa có được một morning routine hoàn chỉnh như bây giờ, vì đơn giản là mình vẫn còn ngủ muộn. Mình đã từng nghĩ viết nhật ký trước khi đi ngủ là một cách tốt để có thể tổng hợp lại những gì đã làm trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, có những hôm mình lười quá, chỉ muốn nằm bẹt lên giường mà quên luôn cả việc viết nhật ký. Đến sáng hôm sau dậy thì xực nhớ ra quên viết, thế là mới ngồi hí húi viết bù. Sau đó mình mới cảm thấy việc viết một cái gì đó vào buổi sáng cũng khá là có ích, nên đã chuyển việc viết nhật ký sang sáng sớm sau khi dậy.
Tất nhiên, đây chỉ là trải nghiệm cá nhân của mình. Và thật ra, có một số hôm mình vẫn chủ động viết nhật ký vào buổi tối, nếu như mình cảm thấy ngày hôm đó có một điều đặc biệt đã xảy ra mà mình cần phải ghi lại ngay, hoặc đôi khi là mình viết trước vì sáng hôm sau mình sẽ bận làm một cái gì đó. Nhưng nhìn chung thì 1 năm nay hầu như sáng sớm nào mình cũng viết 1 trang nhật ký.
Mình viết gì trong nhật ký?
Là nhật ký thì tất nhiên là lưu lại câu chuyện của ngày hôm trước rồi. Tuy nhiên, ý mình ở đây không phải là viết theo kiểu “Tôi dậy lúc 7 giờ sáng. Tôi đánh răng rửa mặt, sau đó xuống nhà ăn sáng với gia đình. 8 giờ tôi đi học”.
Mình thường chọn lọc những tình tiết, câu chuyện đáng nhớ của ngày hôm trước để ghi lại, ví dụ như (mình viết bằng tiếng Anh luôn chứ dịch sang tiếng Việt nghe cũng gượng gượng): “How to be like Hanoian? Wake up early in the morning, go to Hoan Kiem Lake, eat Pho, then drink tea/coffee at the cafe after breakfast. That’s what I and Thinh did yesterday” (11/05), “Woke up early and rode a bike to Tranquil 18B Nguyen Bieu. Thought that I would be the first guest but NO, actually I was 2nd. And the guy who came 1st was actually someone that I know, he is from my high school!” (09/02).
Có những hôm nào mà hơi tâm trạng chút xíu, thì mình cũng tiện sử dụng nhật ký để viết lên đó những gì mình đang suy nghĩ, trăn trở. Và đối với những suy nghĩ đã viết ra, mình thường kết thúc bằng một câu viết mang hướng tích cực, như kiểu “stay focused. be present”, “don’t worry too much”, “everything is gonna be alright”. Nói cách khác, nhật ký cũng là một nơi để mình có thể trò chuyện với bản thân, để có thể tự mình động viên chính mình.
Ngoài ra, mỗi khi bước sang một tháng mới, mình sẽ luôn để cách 1 trang, trên trang đó mình sẽ ghi tháng, sau đó là những gì mình muốn làm, mình mong đợi, hoặc là chủ đề của tháng đó. Ví dụ như tháng 07/2018 mình ghi là: 3 months left in Japan, Thesis defense preparation, Starbucks road to 100th (hiện tại là 68 lần), Travel somewhere? Gym again? Make bento again, start blogging. Sau đó, vào cuối tháng, mình sẽ dành thêm 1 trang để viết tổng kết 1 tháng.
Lợi ích của việc viết nhật ký hàng ngày
Mình muốn chia sẻ ngắn gọn về những lợi ích của việc viết nhật ký đem lại cho mình.
1. Lưu giữ lại kỉ niệm
Bất kì ai viết nhật ký cũng đều nhận rõ được lợi ích số 1 này. Bản thân mình cũng vậy. Ngày hôm trước khi đọc lại những trang nhật ký ngày 31/05/2018, mình nhớ lại gần như toàn bộ những chi tiết mà mình đã viết vào, thậm chí còn nhớ là mình đã chụp một số bức ảnh của ngày hôm đó.


Mới có 1 năm trôi qua mà có biết bao kỉ niệm được lưu giữ lại, thử hỏi nếu 10 năm sau khi mình mở lại những cuốn nhật ký được viết tại thời điểm hiện tại, cảm xúc của mình sẽ ra sao nhỉ? Hẳn là “SO NOSTALGIC!”
2. Thanh lọc suy nghĩ và cảm xúc
Như mình nói, nhật ký còn là nơi mình chia sẻ những cảm xúc, những suy nghĩ riêng tư của bản thân, và còn là nơi mình trò chuyện với chính bản thân. Những lúc mình cảm thấy hơi bất ổn, mình sẽ viết hết ra nhật ký, như thể mình muốn kể cho ai đó, nhưng người nghe lại chính là bản thân mình. Mình kể, mình tự lắng nghe, và từ đó mình tự tìm được cách sắp xếp và giải quyết vấn đề.
3. Duy trì tiếng Anh
Mặc dù những câu chữ tiếng Anh mình viết trong nhật ký thường rất đơn giản, không cầu kì, nhưng nó giúp mình có cơ hội để sử dụng nó hàng ngày. Đối với mình, điều quan trọng để có thể sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo, là biết cách đưa nó vào cuộc sống hàng ngày và sử dụng song song với tiếng mẹ đẻ.
4. Duy trì thói quen viết
Như mình đã đề cập ở đầu bài viết, lợi ích lớn lao nhất mà nhật ký đem lại cho mình, chính là ở việc nó giúp mình duy trì một thói quen đều đặn viết một cái gì đó. Chính nhờ viết nhật ký mà mình dần loại bỏ được tâm lý ngại viết, và từ đó còn có thêm động lực để lập blog và tiếp tục viết cho đến ngày hôm nay.
Lời khuyên cho những ai muốn bắt đầu viết nhật ký
Để kết thúc bài viết, mình sẽ đưa ra lời khuyên cho những bạn nào muốn bắt đầu viết nhật ký.
Đừng lao vào viết ngay vội. Tự hỏi bản thân liệu mình có thật sự cần/muốn viết nhật ký không. Trên mạng tuy có rất nhiều bài viết nói về lợi ích của viết nhật ký (mình cũng vừa mới chia sẻ ngay trên đây thôi), nhưng quan trọng là bạn phải có một mong muốn, mục đích của riêng bản thân để bắt đầu viết nhật ký. Nó có thể đơn giản là “vì mình muốn lưu giữ lại kỉ niệm”, hay là “vì mình muốn tập viết gì đó”, miễn là bạn thực sự cảm thấy như vậy, chứ không phải thấy người khác viết nên bản thân cũng bắt chước theo.
Sau khi quyết định sẽ viết nhật ký, hãy chọn cho bản thân một cuốn sổ ưng ý. Sổ nhật ký cũng rất quan trọng. Bạn sẽ muốn viết vào một cuốn sổ đẹp hơn là một cuốn vở ghi chép bình thường. Mình gợi ý là mua cuốn sổ nào cỡ bé, mỗi trang chỉ có thể viết được từ 100-200 từ thôi.
Lời khuyên cuối cùng: START SMALL. Hãy bắt đầu một cách “nhỏ nhẹ ngắn gọn khiêm tốn”. Mình đặt ra mục tiêu viết 50 từ mỗi ngày, sau đó thành 1 trang mỗi ngày (100 từ/ ngày) và tiếp tục viết trong suốt 1 năm nay. Hôm nào mình có nhiều điều muốn viết, mình viết tận sang trang thứ 3. Có những hôm mà câu chuyện ngày hôm trước nó chẳng có gì đặc biệt thì mình sẽ cố “nặn” ra để viết kín đủ 1 trang (100 từ).
MEMORY IS THE DIARY THAT WE ALL CARRY ABOUT US – Oscar Wilde

Khi mới bắt đầu viết nhật kí,mình cảm thấy hay bị sa đà vào kể lể những bức xúc,những chuyện méo mó thậm chí những gương mặt xấu(vd: bà chị họ xấu tính, ông nội cổ hủ,bà mẹ nhu nhược,lão hàng xóm khoe mẽ….vv..) Đến khi đọc lại bản thân cũng phải thốt lên: Chao ôi toàn chuyện tiêu cực,đọc lên như đấm vào tai, chả khác j bài xã luận trên báo tường ngày xưa… Rồi thì là đọc lại ko thấy có 1 tý tươi mới đẹp đẽ để làm động lực viết tiếp;cơ mà vấn đề ko biết viết cái j hay ho khi mà những ngày tâm trạng đầy mây đen???
LikeLiked by 1 person
mình suggest bạn thử cách ntn xem có hiệu quả không nhé.
lúc viết nhật ký bạn đóng 2 vai trò. một ng kể (kể những chuyện bạn cảm thấy bực mình, chán nản), sau đó bạn đọc lại đoạn bạn viết, và lần này đóng vai trò ng nghe, và tự hỏi bản thân “so what?”. như thế thì có thể bạn sẽ tìm được cách nào đó để overcome cảm xúc này. cuộc sống ngoài đời cũng vậy. bạn kể nhiều chuyện tiêu cực, người nghe cũng sẽ nghe bạn và tỏ vẻ cảm thông, nhưng chắc chắn họ sẽ thích nghe việc bạn hành động như thế nào để vượt qua nó.
LikeLiked by 1 person