Năm 2020 sắp kết thúc. Mọi người có lẽ cũng đang dần nghĩ về năm 2021, đặc biệt là nghĩ về việc chuẩn bị cho bản thân một cái New Year Resolution để có thể có động lực bắt đầu năm sau thật tốt. Nó cũng giống như việc bạn ngồi chuẩn bị to-do list cho ngày hôm sau vậy. Nhưng đối với mình, có một điều cũng không kém phần quan trọng mà mình luôn làm trước khi nghĩ về ngày hôm sau, đó là ôn lại ngày hôm nay của mình (Reflection). Ví dụ như hôm nay mình đã làm gì, đã làm được gì, chưa làm được gì, cần phải cải thiện điều gì,…
Vì sao “reflection” lại quan trọng? Bởi vì nó giúp mình có thể nhìn nhận lại những việc mình đã làm, đánh giá mức độ hiệu quả của những việc làm đó, và rút kinh nghiệm từ những điểm hạn chế để cải thiện tốt hơn cho ngày tiếp theo.
Ở bài viết này, mình muốn list ra một vài điều mình đã làm được và chưa làm được trong năm 2020 này. Nhưng nó không đơn thuần chỉ là liệt kê, mà còn là đánh giá và nhìn nhận lại từng thứ một. Ngay cả trong những việc đã làm được cũng sẽ có điều mình chưa làm được hoặc điều có thể cải thiện. Còn đối với việc chưa làm được trong năm nay, thì hiển nhiên là phải tự hỏi vì sao chưa làm được, và liệu nên giải quyết vấn đề này như thế nào.
Đã làm được #1. Tự học piano
Bắt đầu chơi một nhạc cụ mà bản thân từng nghĩ sẽ không bao giờ chơi được, và sau hơn nửa năm thì đã đánh được toàn bộ bài Summer của Joe Hisaishi, đối với mình là một thành công lớn. Mục tiêu mình đặt ra cho việc tự học piano trong năm nay bao gồm 1: Làm thế nào để đánh được hai tay khác nhau và 2: Có thể hát cover tiếng Nhật dưới nền nhạc piano. Thời gian mình dành cho việc tập piano tính đến ngày 18/12 là 118 tiếng, tức là trung bình mỗi ngày mình tập khoảng 20 phút. 20 phút là không nhiều, nhưng đủ để giúp mình duy trì và cải thiện kĩ năng luyện đàn từng chút một.
Điểm hạn chế trong năm đầu tập piano đó là việc mình không học cách đọc sheet (nốt nhạc), mà thay vào đó tập chơi đàn chỉ bằng trí nhớ, chủ yếu thông qua các video youtube theo dạng synthesia (có mấy cái ô hình chữ nhật rơi xuống phím đàn). Mặc dù học theo synthesia sẽ nhanh hơn, nhưng quên cũng rất nhanh. Những bài mình tập đánh từ tháng 2 đến tháng 8, mình quên khá nhiều, trong đó có cả bài “tủ” là “Piano for brothers” trong phim Crash Landing on You. Thêm vào đó, mình cũng không tận dụng được ứng dụng SimplyPiano một cách hiệu quả, trong khi đã bỏ tiền ra để mua gói học 1 năm trị giá khoảng $60.
Điểm tốt:
– Duy trì được việc “sờ” vào đàn piano hàng ngày nhờ việc tạo thói quen nhỏ (ít nhất 5 phút tập đàn mỗi ngày).
– Đánh được nhiều bài (Homura, Gurenge, Yoru ni Kakeru, Hadaka no Kokoro, các bài OST của CLOY), đánh được cả bài Summer của Joe Hisaishi.
Điểm trừ:
– Quên nhanh do học theo trí nhớ, cũng như không thường xuyên ôn lại các bài cũ.
– Không tận dụng được app học piano một cách tối đa.
Một số gợi ý cho việc cải thiện trong năm 2021
– Thử sức với việc học sheet?
– Vừa tự học, vừa mời gia sư đến nhà dạy?
Đã làm được #2. Duy trì tiếng Hàn
443 day-streak và 100 tiếng 11 phút 43s học trên ứng dụng Lingodeer. Khi đã đạt đến một chuỗi ngày được đếm bằng hàng trăm thì có lẽ mình không thể không bỏ lỡ dù chỉ một ngày, dù ngày đó có mệt như thế nào. Đây là điểm cộng mà mình cảm thấy rất tự hào với bản thân. Mỗi ngày chỉ cần dành ra chưa đầy 5 phút để hoàn thành 10XP trên Lingodeer. 10XP này tương đương với việc ôn 20 từ vựng hoặc 20 câu có chứa các mẫu ngữ pháp. Bằng việc lặp đi lặp lại việc làm này, cho dù vốn từ vựng và ngữ pháp của mình không tăng nhiều, nhưng ít ra những gì mình đã học thì mình đều có cơ hội để ôn lại.
Tháng 8, mình dành nhiều thời gian hơn cho việc học tiếng Hàn, và nhờ áp dụng một số phương pháp của bạn Lindie Botes mà mình đã vạch ra được một kế hoạch cụ thể cho việc học ngữ pháp, và đã hoàn thành toàn bộ các bài học ở trên Lingodeer.
Bên cạnh việc học trên ứng dụng thì mình còn sử dụng và viết tiếng Hàn hàng ngày. Những câu cú rất đơn giản như thứ ngày tháng, hay những hành động cơ bản trong cuộc sống sinh hoạt đều được mình viết ra trên cuốn sổ planner. Nhờ thế mà mình không quên Hangul, cũng như là phản xạ đọc chữ tiếng Hàn của mình sau 1 năm đã cải thiện rất nhiều.
Tuy vậy vẫn có những điều mà bản thân nghĩ là cần phải tự kiểm điểm. Thứ nhất, có những hôm dù đã hoàn thành quiz và đạt 10XP nhưng mình không chịu check lại những từ vựng hay mẫu ngữ pháp mình làm sai. Thứ hai, dù có cơ hội để sử dụng tiếng Hàn trong giao tiếp, đặc biệt là khi mình có 2 đứa bạn thân người Hàn, thi thoảng vẫn chat với nhau qua Instagram hay Line, nhưng mình vẫn lười và không chủ động dùng tiếng Hàn, trong khi rõ ràng là mình có thể. Và có thêm một điều mình chưa làm được liên quan đến việc học tiếng Hàn, đó là lên kế hoạch cho việc thi TOPIK vào đầu năm sau. Dự định ban đầu là sẽ cố gắng học để có thể thi được TOPIK 3 vào đầu năm sau, nhưng vì phải ưu tiên việc viết luận tốt nghiệp nên phải dời lại, trước mắt là lùi vào cuối năm sau. Cái này thì cũng không hẳn là điểm trừ, chỉ là muốn nói rằng vẫn có nhiều lúc kế hoạch mình vạch ra thất bại, do cả yếu tố bên trong và bên ngoài gây ra.
Điểm cộng:
– Duy trì thói quen nhỏ học tiếng Hàn trên ứng dụng Lingodeer 443 ngày liên tục.
– Sử dụng và viết tiếng Hàn hàng ngày
Điểm trừ:
– Đôi lúc chỉ làm gọi là cho qua, cho xong. Không chịu khó nán lại thêm để check các câu bản thân làm sai.
– Giao tiếp tiếng Hàn vẫn chưa ổn lắm.
Một số gợi ý cho việc cải thiện trong năm 2021:
– Sang năm 2021 thử sức với việc viết nhật ký bằng tiếng Hàn?
– Chăm viết nhiều câu cú hơn trên sổ planner, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở các hoạt động cơ bản như ăn, học, ngủ…
– Dành khoảng 3 tháng cày cuốc tiếng Hàn, đặc biệt là trong nửa sau năm 2021?
Các bài viết liên quan:
Nửa năm tự học tiếng Hàn
Routine học và sử dụng tiếng Hàn hàng ngày của mình
Đã làm được #3. Đọc 20 cuốn sách
Đầu năm mình đặt mục tiêu trên goodread là đọc 20 cuốn sách, và mình đã hoàn thành mục tiêu này. Trong 20 cuốn sách có 5 cuốn tiếng Anh, 6 cuốn tiếng Nhật và 9 cuốn còn lại là tiếng Việt. Có những cuốn mình đã từng đọc cách đây 1, 2 năm và muốn đọc lại, và cũng nhiều cuốn mình lần đầu đọc. Đặc biệt hơn, mình có đọc 2 cuốn tiểu thuyết Nhật, “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” và “Em sẽ đến cùng cơn mưa”, 2 cuốn tiểu sử: Steve Jobs và Tim Cook. Trước giờ mình hầu như chỉ đọc sách self-help hoặc sách về lối sống. Tuy vậy, đến một thời điểm mình nhận thấy rằng bản thân đã “lĩnh hội” khá đủ các kiến thức cơ bản trong những cuốn sách self-help và có khả năng tự phát triển dựa trên các nền tảng cơ bản đó. Vì thế mình chuyển sang các thể loại mới như tiểu sử, hay là tiểu thuyết. Nhưng đối với tiểu thuyết thì mình cũng chỉ chọn đọc những cuốn nào nó nhẹ nhàng và dễ hiểu, chứ vẫn chưa cảm thấy hào hứng với mấy cuốn tiểu thuyết kinh điển như của Haruki Murakami.
Dù đọc trên dưới 20 cuốn nhưng thú thật không phải cuốn nào mình cũng đọc hết từng trang, nhớ rõ chi tiết từng nội dung. Có một số cuốn mình đọc skim như đọc IELTS vậy (ngoại trừ tiểu thuyết và tiểu sử). Thời điểm đầu năm khi dịch COVID bùng phát và phải giãn cách xã hội ở nhà, mình dành khá nhiều thời gian cho việc đọc sách (trung bình mỗi ngày 1 tiếng). Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, mình đã đọc được khoảng 12, 13 cuốn, thậm chí dành cả thời gian để viết review trên blog tiếng Nhật và trên goodread. Nhưng từ nửa sau năm 2020, tức là từ tháng 6 trở đi thì do bắt đầu vào đợt deadline và thi cử đầu tiên nên tần suất đọc sách của mình cũng giảm. Dù mình vẫn để dưới gối 1 cuốn sách và cố gắng mỗi tối trước khi đi ngủ thì đọc 1 hoặc 2 trang, nhưng cũng giống như việc chơi đàn hay học tiếng Hàn, đôi lúc mình đọc chỉ để cho có, gọi là hoàn thành thói quen nhỏ, chứ không thực sự “enjoy” việc đọc sách. Thậm chí đọc xong 1 trang mà còn không nhớ mình đã đọc gì…
Cách đây khoảng vài tuần, mình quyết định tạo một “thư viện sách” trên ứng dụng Notion để quản lý các đầu sách mình đã đang và sắp đọc, với mục tiêu là cố gắng take note lại những gì đã đọc và học được từ sách đó.
Điểm tốt:
– Hoàn thành chỉ tiêu đọc 20 cuốn sách trong năm 2020
– Đọc xen kẽ sách tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật, qua đó giúp duy trì vốn ngoại ngữ vốn có
Điểm trừ:
– Đôi khi đọc cho có, đọc để hoàn thành “nhiệm vụ”, chứ không thực sự tận hưởng việc đọc
– Mới dừng lại ở việc đọc, chứ chưa thực sự dành thời gian để review lại.
Một số gợi ý cho việc cải thiện trong năm 2021:
– Tạo một “thư viện online” quản lý các đầu sách đã, đang và sẽ đọc, cố gắng tạo thói quen take note và viết review sau mỗi lần hoặc thậm chí là khi đang đọc sách.
– Học hỏi chị Chi Nguyễn (The Present Writer), có thể vừa đọc vừa chia sẻ những đoạn ngắn trong sách trên instagram stories như là cách để bản thân vừa ghi nhớ lâu hơn, cũng như là chia sẻ một chút nội dung cho các bạn followers.
– Chăm viết review/cảm nhận sách hơn trên blog cá nhân.
Các bài viết liên quan:
Chuyện đọc sách – Các tư thế đọc sách của mình
Hai cuốn sách về thói quen đã thay đổi cuộc đời mình
Đọc lại cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”
Đã làm được #4. Duy trì việc viết tiếng Nhật trên nhật ký, luyện viết chữ tiếng Nhật
Từ đầu năm 2020, mình quyết định viết nhật ký bằng tiếng Nhật thay vì viết bằng tiếng Anh như trong hai năm trước đó. Mục đích viết nhật ký bằng tiếng Nhật của mình là để không quên chữ Hán. Suốt 1 năm qua, mình gần như không bỏ sót bất kỳ một ngày nào, trừ một số ngày đi xa không thể đem theo sổ nhật ký (sổ nhật ký 3 năm nên dày và nặng), ví dụ như đợt đi Nhật tháng 2, hay đi Sài Gòn tháng 10 vừa rồi. Bù lại, mỗi tối mình đều dành khoảng 5-10 để ôn lại một ngày của bản thân, bằng cách nói tiếng Nhật và lưu lại dưới dạng văn bản thông qua chức năng nhận diện giọng nói.
Càng viết nhiều, mình càng thấy chữ tiếng Nhật của mình nó chưa được… Nhật cho lắm (ý là chữ vẫn giống chữ người nước ngoài). Nhân đợt đang rảnh do nghỉ dịch (tháng 4, 5), mình có tự luyện viết chữ tiếng Nhật, bắt đầu từ bảng chữ cái Hiragana. Một người đạt trình độ N1 như mình mà lại học viết từ Hiragana, nghe có vẻ thừa thãi, nhưng phải nói là nhờ việc học viết một cách bài bản, mình mới “ngộ” ra được rất rất nhiều thứ mà trước giờ mình không biết, ví dụ như một số nét viết, thứ tự viết, hay cách phân bố các nét trong một ô sao cho chữ trông đẹp. Mình vừa luyện chữ, vừa áp dụng ngay vào việc viết nhật ký hàng ngày, nên mình cảm thấy nét viết của mình ngày càng đẹp và ổn định hơn. Tất nhiên có những hôm lười, mệt mỏi thì lại ngoáy ngoáy như chữ gà bới, nhưng cũng chỉ là mấy ngày thôi.

Điểm tốt:
– Chăm chỉ viết nhật ký bằng tiếng Nhật hàng ngày.
– Dành thời gian tự luyện viết chữ tiếng Nhật qua đó giúp nét chữ trông đẹp hơn.
Điểm trừ:
– Việc luyện chữ mới chỉ dừng lại ở Hiragana và Katakana chứ chưa động đến các quy tắc viết chữ Hán.
– Đôi lúc viết cho có nên không thực sự chú tâm vào từng nét viết, khiến chữ viết trở nên nguệch ngoạc
Một số gợi ý cho việc cải thiện trong năm 2021:
– Mỗi lần cần phải note ra những việc cần làm trên giấy, hay viết to-do list thì có thể viết bằng tiếng Nhật
– Dành khoảng vài tuần tập trung luyện viết chữ tiếng Nhật, đặc biệt là chữ Hán.
Các bài viết liên quan:
Mình học được gì từ việc luyện viết chữ Hiragana
Mình thay đổi thói quen viết nhật ký
Đã làm được #5. Đặt chân sang Nhật
Giữa tháng 2 vừa rồi, mình có cơ hội được quay lại Nhật sau 1 năm rưỡi xa cách. Mặc dù đó chỉ là 4 ngày ngắn ngủi đi thực tập ở hãng hàng không ANA Nhật Bản, nhưng chừng đó là đủ để giúp nửa đầu năm 2020 của mình trở nên đặc biệt hơn.
Bước sang năm 2020, mình đặt mục tiêu là duy trì việc học ổn định để nắm chắc trong tay cơ hội đi thực tập nửa năm ở Nhật vào tháng 10 này. Thế rồi đầu năm bất ngờ mình nhận được email thông báo có suất đi thực tập ở Nhật ngắn hạn ngay vào giữa tháng 2. Không một chút chần chừ, mình nộp hồ sơ đăng ký và được chọn là 1 trong 3 sinh viên được cử đi Nhật và thực tập tại ANA. Mặc dù đúng lúc đó dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, nhưng quy mô vẫn chưa đủ lớn để coi nó như là một đại dịch. Vì thế mình vẫn xin được VISA, vẫn đặt chân được sang Nhật vào đem ngày 16/02. Cảm giác lúc đặt chân xuống sân bay Haneda nó nửa vời lắm. Không có gì gọi là hoài niệm cả, cứ như thể 1 năm rưỡi xa cách chỉ ngắn như 2,3 tuần nghỉ xuân vậy.
Dịch COVID-19 ngày càng trở nên phức tạp, và đến cuối hè thì mình nhận được tin buồn rằng chuyến thực tập nửa năm từ tháng 10 bị huỷ. Ban đầu thì chị trợ lý chương trình có bảo là “postponed” (hoãn lại), nên mọi người vẫn còn chút hi vọng là sang mùa xuân năm sau sẽ đi được, nhưng với tình hình dịch hiện tại thì ai cũng xác định tinh thần rằng nó không còn là postponed nữa mà là cancelled.
Mình có nguyên một list những địa điểm muốn đi, những điều muốn làm và dự định thực thi list đó khi quay lại Nhật tháng 10 này, nhưng đều không thể thực hiện được. Mình buồn lắm chứ, đến giờ vẫn cảm thấy có một chút bức bối. Nhưng khi nghĩ về việc bản thân may mắn có dịp đặt chân sang Nhật vào tháng 2 vừa rồi thì cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Phần 2 sẽ tiếp tục với nội dung liên quan đến blog, vlog hay việc học tập, các bạn đón chờ nhé!
Stay focused, be present,
Kira
19/12/2020.
Em không biết làm sao để lược sơ 1 ngày trong 5-10 phút như Kira được nhỉ, là do anh luôn soạn plan/ track ngày bằng GG Calendar nên nhìn lại khá nhanh, hay do Kira muốn thời gian nhìn lại 1 ngày chỉ đơn giản, nhẹ nhàng và không tốn nhiều thời gian ạ? Mỗi lần em nghĩ lại 1 ngày và trấn an, làm dịu suy nghĩ bản thân trước khi ngủ sau nhiều chuyện trong ngày thì hết cả tiếng:)) Hoặc em nên bớt nghĩ nhiều chăng.
P/s: cảm ơn anh Kira luôn truyền động lực và sự an nhiên tích cực cho bọn em như thường lệ ạ! ^^
LikeLiked by 4 people
E 19 tuổi , học điều dưỡng mà học nhớ rất chậm , thời gian không phân bố được. Em thấy nên học tập từ anh rất nhiều . Em cảm ơn anh luôn truyền động lực cho em nhiều ạ.
LikeLiked by 2 people
Bài viết hay quá. Giúp em cũng muốn nhìn lại 1 năm đã xảy ra với bản thân. Sẽ thật tuyệt khi nhìn lại những sự cố gắng ở năm cũ và lên kế hoạch cố gắng cho năm mới. Chờ phần 2 từ anh và chúc anh GIÁNG SINH AN LÀNH 😉
LikeLiked by 2 people