Tổng quan về căn bệnh tiêu hoá mãn tính của mình

Tuần trước mình có viết một bài kể về những ngày đau quặn bụng “sấp mặt” do “phá luật” trong chế độ ăn uống và sinh hoạt. Mình nhận được nhiều lời comment động viên, đồng thời nhận ra cũng có nhiều bạn gặp chung cảnh ngộ với mình, đó là mắc các chứng bệnh tiêu hoá mãn tính.

Vì vậy mình muốn viết bài này để chia sẻ về những căn bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá mà mình đang mắc phải, cũng như cách mình sống chung với nó trong vài năm trở lại đây.

Hi vọng bài viết này sẽ có ích không chỉ cho những ai đang mắc bệnh tiêu hoá, mà còn là cho tất cả mọi người, để giúp các bạn để ý một chút hơn về hệ tiêu hoá và nâng niu cái bụng yêu quý của mình.

Cuối tuần trước mình đi khám nội soi ở bệnh viện và được chẩn đoán viêm ruột cấp, viêm xung huyết niêm mạc dạ dày và trào ngược dịch mật. Trong khi viêm ruột cấp (đau bụng) có khả năng là do mình ăn uống linh tinh, thì các bệnh lý liên quan đến dạ dày và trào ngược đã “gắn bó” với mình được một thời gian khá dài, nên mình sẽ nói rõ hơn ở đây.

Cụ thể thì hiện tại mình mắc hai chứng bệnh mãn tính, đó là SA DẠ DÀYTRÀO NGƯỢC DỊCH MẬT.

Sa dạ dày

Vị trí của dạ dày vốn nằm ở phần bên trái bụng trên, đại khái là trong khoảng từ xương sườn xuống ngang rốn. Tuy nhiên, với những người mắc chứng bệnh sa dạ dày thì mặc dù phần đỉnh vẫn nằm ở vị trí ban đầu nhưng đáy sẽ nằm thấp hơn, và một phần của dạ dày sẽ bị sa xuống.

zu

Nhìn vào bức ảnh phía trên, hình bên trái miêu tả dạ dày của một người khoẻ mạnh, còn bức hình bên phải cho thấy phần dưới của dạ dày bị sa xuống. Bạn có thể thấy phần nửa dưới của dạ dày bị giãn ra và rơi xuống hố mào chậu. Còn dưới đây là ảnh thực tế, và cũng là dạ dày của chính mình. Trông khá giống với bức hình minh hoạ phết nhỉ.

P_20181013_094819_vHDR_Auto_HP
Tấm bên trái chụp từ 2017 khi mới phát hiện ra căn bệnh sa dạ dày. Tấm bên phải chụp vào tháng 10/2018.

Mình được chẩn đoán mắc bệnh sa dạ dày từ đầu năm 2017. Trước đó thì mình đã trải qua vài đợt điều trị viêm dạ dày mãn tính do khuẩn HP (Helicobacter Pylori) gây ra. Cho đến hiện tại mình vẫn không nắm rõ bệnh này bắt đầu từ khi nào, nhưng khả năng cao là do các thói quen ăn quá no, vận động mạnh ngay sau khi ăn (từ lúc còn khoẻ mạnh), hoặc cũng có thể là do chính việc điều trị dạ dày bằng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài dẫn đến tỳ vị bị hư yếu khiến dạ dày bị sa xuống.

Triệu chứng đặc hiệu mà mình cảm thấy rõ nhất khi mắc bệnh sa dạ dày, đó là luôn cảm thấy đầy bụng sau khi ăn. Khi đứng dậy mình sẽ cảm thấy như kiểu dạ dày bị rơi “tõm” một phát xuống, và nếu sờ bụng thì sẽ cảm thấy rõ phần bụng ngang rốn nhô ra, như kiểu có mỡ bụng, nhưng thực chất đó chính là phần dạ dày bị sa xuống.

Sa dạ dày nặng cũng đồng nghĩa với việc chức năng hoạt động của bộ phận này cũng kém, dẫn đến việc khó tiêu, đôi lúc khiến việc đại tiện trở nên thất thường. Ngoài ra sau khi ăn mà mình đi bộ luôn thì thi thoảng sẽ cảm thấy đau nhói ở phần bụng bên trái, có thể là do sa dạ dày gây nên.

Nếu như viêm niêm mạc dạ dày có thể chữa khỏi nhờ uống thuốc hoặc nhờ chế độ sinh hoạt lành mạnh thì sa dạ dày lại là một chứng bệnh hiếm gặp mà không loại thuốc nào có thể giúp “nâng” lại dạ dày vào vị trí ban đầu. Những gì trên mạng gợi ý về cách phòng ngừa và chữa trị, đó là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, và đặc biệt là tập cơ bụng dưới, vì nó sẽ giúp nâng đỡ không cho dạ dày bị sa xuống sâu hơn. Về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng không phải lúc nào tập cơ bụng cũng là biện pháp hiệu quả, thậm chí đôi lúc lại còn khiến bụng căng lên và dẫn đến việc dạ dày cũng phải chịu áp lực.

Mình đã đi khám rất nhiều nơi, có người thì bảo nên phẫu thuật cắt dạ dày, nhưng cũng có những bác sĩ bảo không nên can thiệp, vì phẫu thuật có thể không phải là phương pháp chữa trị tối ưu, bởi có khả năng xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật dạ dày và chưa chắc mình đã có thể khoẻ mạnh lại 100%.

Trào ngược dịch mật

Có thể nhiều bạn biết đến chứng trào ngược dạ dày (GERD), và bản thân mình cũng bị chứng này. Nhưng bên cạnh đó, mình còn bị trào ngược cả dịch mật. Dịch mật vốn được tiết từ gan, được lưu trữ trong túi mật và sẽ được tiết vào tá tràng (nơi kết nối giữa dạ dày và ruột) với nhiệm vụ tiêu hoá các thức ăn, đặc biệt là chất béo và protein.

Nhưng khi môn vị (van đóng mở giữa dạ dày và tá tràng) bị hở hoặc hoạt động không bình thường, dịch mật sẽ bị đẩy ngược lên dạ dày và đôi lúc sẽ bị trào ngược lên ống thực quản.

dich-mat

Giống với các triệu chứng của trào ngược thực quản dạ dày, trào ngược mật sẽ khiến mình cảm thấy đau rát vùng ngực hay đắng miệng, đôi khi là đau dạ dày. Nhưng bên cạnh đó, khi dịch mật vốn được tiết ra để tiêu hoá thức ăn nhưng lại bị đẩy lên dạ dày, nó đồng nghĩa với việc chức năng hấp thụ thức ăn sẽ kém hơn, và dẫn đến tình trạng đầy bụng, chậm tiêu. Mình cảm giác như sa dạ dày và trào ngược mật là một “combo” khiến mình sụt cân liên tục, mặc dù bây giờ thì dường như nó đang trong quá trình “sụt rất chậm rãi”. Nói chung, với tình hình sức khoẻ hiện tại thì rất khó để mình có thể tăng cân trở lại. Thế nên, chỉ cần tăng được 1 hay 2kg thôi là mừng lắm rồi.

Những người bị trào ngược dạ dày sẽ được kê cho một loại thuốc có tác dụng ức chế bơm proton, từ đó làm giảm liều lượng axit tiết ra từ trong dạ dày. Nhưng lại không có thuốc nào có thể chữa trị trào ngược dịch mật. Và giống với chứng sa dạ dày, điều tốt nhất mình có thể làm, đó là giữ một chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ và hợp lý.

Chế độ sinh hoạt ăn uống của mình

Một lối sống lành mạnh… thật ra đây là điều mình cần phải làm, hay bắt buộc phải làm để có thể duy trì một cuộc sống an yên, để có thể làm giảm bớt tác động của các chứng bệnh mãn tính lên thể chất cũng như là tinh thần.

Nói về ăn uống, mình không được phép ăn các món có nhiều chất chua, cay, hạn chế ăn các món chiên dầu, đặc biệt là đồ rán. Caffeine cũng sẽ khiến việc đau dạ dày trở nên tồi tệ hơn, vì thế mình đã từ bỏ cà phê và chuyển sang uống trà thảo mộc. Và tất nhiên bia rượu thì phải kiêng kị triệt để rồi.

Vì bị sa dạ dày nên mình cũng không được chạy nhảy vận động quá sức, đặc biệt là sau khi ăn. Vụ việc “phá luật” lần trước quy tụ cả 3 điều cấm kị bao gồm sinh hoạt không điều độ, ăn uống linh tinh, vận động quá mức cho phép. Hậu quả là các triệu chứng nặng của bệnh mãn tính bị tái phát. Mình đành phải uống một đợt kháng sinh và ở nhà nghỉ ngơi 2 tuần, xin phép được học online qua Zoom hay MS Teams.

Quan trọng là tinh thần

Khi mới bị mắc bệnh dạ dày cách đây 4 năm, mọi người xung quanh ai cũng đều động viên và nói rằng “cố gắng giữ vững tinh thần lạc quan”. Nhưng phải mất tới 2 năm sau mình mới nhận ra câu nói này nó quan trọng đến mức nào. Bộ não và hệ tiêu hoá có một mối liên hệ khá đặc biệt. Nếu bạn bị stress và lo âu quá mức, điều này sẽ làm dạ dày tiết axit nhiều hơn và khiến bạn bị đau dạ dày. Ngược lại, nếu bạn bị đau bụng âm ỉ trong vài ngày, chừng đó cũng đủ để khiến bạn cảm thấy kiệt quệ cả sức lực lẫn tinh thần.

Ngay cả một người luôn cố gắng giữ vững một tinh thần lạc quan như mình đôi lúc cũng sẽ bị suy sụp và có những ý nghĩ tiêu cực. Vì thế, mình luôn cố gắng không đánh mất sức khoẻ tinh thần, bằng việc thực hành thiền định, viết nhật ký, và làm những điều giúp mình gặt hái được các năng lượng tích cực. Và đây cũng là điều tốt nhất mình có thể làm cho chính bản thân để giúp việc sống chung với bệnh trở thành một điều gì đó hoàn toàn bình thường và mình không phải lo lắng quá nhiều về nó.

Stay focused, be present.

Kira

P/S: Các bạn có thể tham khảo kĩ hơn về 2 chứng bệnh mình kể ở phía trên qua website của Vinmec nhé!

Sa dạ dày là bệnh gì?
Hậu quả của trào ngược dịch mật

Featured Image: https://unsplash.com/photos/5jctAMjz21A

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

6 thoughts on “Tổng quan về căn bệnh tiêu hoá mãn tính của mình

  1. Những bệnh mãn tính như thế này, tinh thần đúng là quan trọng nhất. Mình không lựa chọn được bệnh, nhưng lựa chọn được niềm vui và những đều tích cực. Thấy em nghiêm túc, kiên trì, chăm chỉ và luôn tích cực trong từng bài blog và video. Tin chắc là càng có nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với em.

    Liked by 1 person

  2. Mỗi ngày em và mẹ đều ăn 1 nồi đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, nành, gạo lức hầm nhừ mỗi sáng, ko bỏ đường, là món ăn sáng luôn. Sức đề kháng tăng lên rõ rệt, bệnh tiêu hóa giảm hẳn, mà phải ăn hơn 1 năm mới thấy tác dụng cơ. Ngũ cốc là điều kì diệu, mỗi bữa ăn nhiều rau xanh ko vẫn chưa đủ. Ngũ cốc mình hầm ăn ngon hơn đồ bột nhiều.

    Liked by 2 people

    1. Bạn ăn thay bữa sáng luôn hả bạn? Có tăng được kg không? Mình bị khó lên cân, mà cũng k ăn đx nhiều nữa

      Like

  3. Em cũng từng bị stress một khoảng thời gian rất dài gần nửa năm luôn vì vấn đề sức khoẻ, học tập và tương lai cộng dồn với nhau. Bản thân luôn trong tình trạng lo lắng, hay nghĩ những điều tiêu cực. Để ko nghĩ đến những điều đó em tìm đến film, show giải trí để xem để ko nghĩ đến nó nữa và điều đó đã trở thành một thói quen xấu, ko giảm stress mà còn khiến bản thân ngày càng tệ. Nhưng từ sau tết và nghỉ dịch được ở nhà với gia đình và biết đến một người mà bây giờ em rất hâm mộ và biết đến blog của anh biết anh cũng đã trải qua quãng thời gian đó thì em đã cố gắng thay đổi bản thân tốt hơn mỗi ngày. Đến nay thì tình trạng của em dần dần được cải thiện hơn rồi, cũng ko còn suy nghĩ tiêu cực nữa. Nhờ anh mà em có được những thói quen tốt hơn. Hy vọng sức khoẻ anh sẽ tốt lên và tiếp tục hoàn thành mục tiêu của bản thân

    Liked by 2 people

  4. Thêm chút thông tin cho các b đọc bài viết này: phần lớn người VN đều có vi khuẩn HP trong dạ dày đó mn ơi (cách đây 2-3 năm mình đọc là 70%) =(( HP dễ lây, dễ gây viêm dạ dày… nên lúc đi khám (tổng quát), mọi người rất nên làm xét nghiệm nhanh. Hồi trc mình chẳng có dấu hiệu gì về bệnh dạ dày mà đi xét nghiệm vẫn dương tính éc. Nhưng uống thuốc điều trị vài tháng + chú ý ăn uống xong đi tái khám là đã oke hơn rất nhiều r.

    Btw, chúc a Kira nhiều, thật nhiều sức khỏe ạ :>

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s