Sáng nay khi đọc cuốn sách “Ichigo Ichie”, có một đoạn làm mình chợt nhớ đến hồi mình bị nghiện game online cách đây 3 năm.
“Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta thường đấu tranh để cố gắng thoát khỏi cảm xúc này hơn là chấp nhận nó. Chẳng hạn, những thói nghiện ngập là một lối thoát để xoa dịu dukkha của chúng ta. Xã hội hiện đại đưa đến cho ta muôn vàn phương cách để thoát khỏi thực tại: những trò chơi điện tử ngày càng giống thật, những trò chơi giải trí trên mạng internet, đồ uống có cồn, chất kích thích… Đặc biệt khi ta đang trải quả một cuộc khủng hoảng hay ta vừa chịu đựng một mất mát, ta lại càng tìm kiếm những phương tiện để kéo mình ra xa khỏi thứ cảm xúc riêng luôn thường trực trong cuộc sống này.” (trang 42)
“Dukkha” ở đây được hiểu là “Nỗi lo lắng mơ hồ và sự không thoả mãn mà mọi các thể sống luôn cảm nhận thấy sâu bên trong chính mình, bởi biết rằng sự đổi thay là không thể tránh khỏi”.
4 năm trước (04/2016), một bước ngoặt đã đến với cuộc đời mình. Mình bị chẩn đoác mắc bệnh tiêu hoá mãn tính. Đó là một cú shock khá lớn về mặt tinh thần, bởi trước giờ mình vốn rất khoẻ mạnh, tập gym hùng hục, tuy ăn uống đôi lúc có hơi quá đà nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mắc phải một cơn bệnh dai dẳng như vậy.
Dù có uống thuốc liên tục, thay đổi chế độ ăn, và hạn chế tập gym, nhưng bệnh vẫn không dứt. Mình bắt đầu thấy nản, và ngại đi ra ngoài, một phần vì lười, phần vì cảm thấy tự ti với bản thân (lúc đó tiêu chí ngoại hình của mình rất cao, nên bị sụt cân phát là “toang” ngay).
Ở nhà nhiều nên cảm thấy chán, thế là mình bắt đầu chơi game nhiều hơn. Thật ra từ xưa đến giờ, mình cũng thuộc tuýp biết chơi game, và chơi không tệ. Hồi cấp 2 còn trốn học đi chơi điện tử, mà thật ra thằng con trai nào hầu như cũng thế thì phải. Lớn lên rồi thì cũng biết chơi điều độ, chỉ chơi lúc nào rảnh hoặc là chơi cùng mọi người. Từ khoảng 2013 – 2016, trong máy tính của mình chỉ có duy nhất tựa game bóng đá FIFA.
Tuy nhiên, kể từ khi bị bệnh, mình bắt đầu tìm chơi những game khác, vì chơi FIFA mãi cũng chán. Đúng lúc đó có mấy đứa rủ rê chơi trò bắn súng CS:GO. Thật ra mình không phải là newbie với tựa game bắn súng. Hồi xưa đi net là cứ bắn CF với Sudden Attack thôi. “Lâu lâu không chơi game bắn súng, làm tí cho vui nhỉ”.

Không ngờ là “làm tí” đấy nó lại thành cơn nghiện xuyên suốt năm 2017, và kéo theo nhiều hệ quả khác.
Mình bắt đầu chơi CS:GO từ mùa hè 2016. Thời điểm đó mình chơi với laptop ASUS mua từ 2012, nên cấu hình không đủ mạnh để chơi nghiêm túc được. Đúng vào năm đó mình lại đỗ học bổng trị giá 10 man/tháng, bắt đầu từ tháng 10/2016. Thế là khi quay lại Nhật sau chuyến nghỉ hè về Việt Nam tháng 09/2016, mình đã đầu tư một case máy tính trị giá 5 man (11 triệu VNĐ), bắt đầu một “kỉ nguyên” trở thành một gamer thực thụ.
Chơi game online càng nhiều, mình càng cảm thấy bản thân xây dựng được một hình tượng mới ở trên internet, và quên đi sự tồn tại ngoài đời của bản thân. Đúng như những gì trong cuốn sách Ichigo Ichie đã viết, mình cảm thấy bất lực với căn bệnh mãn tính của mình, và không muốn chấp nhận một bản thân ốm yếu như vậy. Chơi game là cách giúp mình tạm thời quên đi nỗi bận tâm đó, giúp mình tập trung hoàn toàn vào nhân vật online mà mình đang chơi, và chính nhân vật online đó đã trở thành một phiên bản Kira khác trên mạng. Không ai biết mình ngoài đời là ai, như thế nào, nhưng trên mạng sẽ là một “Kira bắn giỏi, nhiều đồ xịn, lại còn là du học sinh ở Nhật”.
Nhưng mình không chỉ dừng lại ở việc nghiện game…
Chơi CS:GO được vài tháng, mình nhận thấy trong game có rất nhiều loại dao xịn, hay skin cho súng, mà tất cả đều phải mua bằng tiền. Ban đầu mình cũng tự nhủ là “chơi cho vui thôi, không có nạp tiền gì hết”, nhưng rồi thấy ai cũng có ít nhất một món đồ, nên mình cũng vung tiền để mua một con dao (Flip Knife) trị giá 5000 yên (1,1 triệu). Cứ nghĩ là bản thân sẽ hài lòng, nhưng có được cái này lại muốn sở hữu thêm cái kia. Nhận được tiền học bổng là lại “đầu tư” một ít vào CS:GO, “nâng cấp” lên dao bướm (Buttlefly) trị giá gấp đôi con dao cũ, rồi mua thêm skin cho các súng như AK-47, AWM,…
Càng tiêu nhiều tiền cho game, mình càng cảm thấy bản thân muốn sở hữu những món đồ đắt tiền hơn. Nhưng có những món đồ gần như là rất khó mua với lượng tiền của bản thân tại thời điểm đó. Và đó là lúc mình dấn thêm một bước, ĐI CÁ CƯỢC, hay gọi tắt là “bet”.
Cách thức bet có lẽ cũng giống với cá cược bóng đá. CS:GO cũng có các giải đấu của các đội (một đội 5 nhóm), và cứ đến mỗi trận thì mình sẽ đem bet một cây súng, hoặc dao, hoặc bất cứ từng nào mình muốn. Nếu đội mình thắng, mình sẽ nhận lại được món đồ đã bet, kèm theo những món đồ mới tương đương với số phần trăm cá cược của game đó.
Lấy ví dụ, đội mình thích (Astralis) gặp đội siêu yếu, và khả năng Astralis thua là rất thấp, vì vậy nhiều người sẽ bet cho Astralis, và hiển nhiên rate của trận đấu sẽ là khoảng 95:5. Như vậy khi thắng thì mình sẽ không nhận được mấy. Nhưng nếu như mình chơi theo kiểu bố đời, tức là vung tiền vào đội cửa dưới, mà khả năng thắng là rất thấp, nhưng kết quả thực tế lại là thắng, thì mình có thể ăn được khoản tiền gấp 5, 6 hoặc 10 lần so với khoản mình đầu tư cho các cược. Và điều này đã thực sự xảy ra.
Tháng 06/2017. Sau gần một năm chơi CS:GO, mình đạt đến rank LE trong CS:GO, tức là khoảng top 4 trong hệ thống ranking của game. Chưa kể, mình còn đầu tư thêm rất nhiều món đồ khác, ví dụ như màn hình 144Hz, bàn phím, chuột xịn, tai nghe xịn, rồi thậm chí lắp cả case mới, vì thời điểm đó có game khác mới ra nhưng rất nổi, đó là PUBG, mà máy 5 man của mình chơi không nổi, thế là phải thay linh kiện này sang linh kiện khác, tính ra cũng mất thêm 6,7 man.
OK để mình kể cho câu chuyện đáng nhớ nhất năm 2017.
Mình không nhớ rõ ngày bao nhiêu tháng 6, nhưng đó là vào buổi chiều, sau khi mình đi khám sức khoẻ về. Hôm đó mình có các cược vài trận, có trận ăn được, thì sau đó lại mất ngay. 3 trận liên tiếp mình trắng nay, nên bắt đầu cay, nảy sinh ra ý định “do or die”, tức là đem hết khoản còn lại trong game đi bet cho một đội cửa dưới với rate rất thấp, nếu thua thì mình mất hết, và có lí do để nghỉ game. Lúc đó mình không hề nghĩ đến chuyện thắng. Mình tắt trận đấu, và đi nấu cơm. Nhưng đã lỡ bet thì không thể ngồi yên được. Vừa nấu vừa chạy ra bật xem tỉ số. Lúc đầu thấy thua sấp mặt 13-4 gì đó, nghĩ là số phận đã an bài. Một lát sau check lại thì thấy đang “comeback”, 13-7, 13-8,… 13-13!!
Cơm đã chín, đồ ăn cũng đã nấu xong, nhưng mình chưa ăn vội. Ngồi xem đến hết trận. Hoà 15-15, vào hiệp bù giờ, và rồi… team mình thắng! WHAT THE F*CK IS GOING ON???
Lúc đó đầu mình bỗng kiểu “trắng xoá” (whiteout?), đại khái là cảm nhận được một cơn khoái lạc cực độ, khiến cơ thể mình run rẩy, và không thể nào ngồi yên. Mình không tin được, nên phải vào trang web cá cược, mở kết quả lên, và?
Từ 300 đô lên 3000 đô!
Đem đi bet dao với vài cây súng với tổng giá trị tương đương 300 đô, và nhận lại hơn 20 con dao khác với tổng giá trị 3000 đô. Really?
Mình hớn ha hớn hở nhắn tin vào group anh em chơi game, thằng nào cũng há hốc mồm. Hồi đó mình cũng hay nói chuyện với Bomman nên có báo tin cho ổng, thì ổng cũng kiểu “calm bro, cẩn thận mất hết đấy”. Nhưng mình bỏ ngoài tai lời nói của ổng.
Ăn được 3000 đô, mình đi đổi dao để mua những cây súng đắt giá nhất trong game, ví dụ như Dragon Lore, hay Howl. Vào trận, sẽ có khoảng vài phút warm up, thế là mình “hào phóng” thả súng ra cho các anh em chiêm ngưỡng, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ, và thế là “identity” của mình trên CS:GO lại được làm mới: Rank cao, đồ xịn – đó là Kira.


Càng giàu người ta lại càng muốn giàu hơn. Câu này quả thực không sai, ít nhất là đối với chính bản thân mình thời điểm đó. Giá trị quan về đồng tiền của mình, trước đây vốn coi 3000 đô như là một khoản tiền từ trên trời rơi xuống, nhưng rồi coi nó như 300 đô và lại đem đi bet tiếp.
Hệ quả? Một tuần sau, toàn bộ các cây súng, và con dao mà mình đã mua đều bay hết, vì đem đi bet và thua trắng tay. Kể từ vụ đó, mình cũng cạch luôn vụ bet bủng, cũng như là đầu tư item trong game. Nhưng cơn nghiện game của mình chưa dứt. Vì lại có game khác là PUBG.
Nói về giờ giấc sinh hoạt xuyên suốt năm 2017 của mình, sáng mình thường dậy lúc 10 giờ, hoặc muộn hơn, nếu hôm đó không có lớp. Dậy xong điều đầu tiên là bật nút nguồn case máy tính, sau đó mới đi vệ sinh. Mình thường gộp ăn sáng và ăn trưa làm một, như người Mỹ gọi là “brunch”. Vừa ăn vừa ngồi xem game stream trên twitch. Chiều đi học một lớp, rồi về nhà và bật CS:GO hoặc PUBG luôn. Kể cả khi bạn bè, anh em không online thì mình vẫn chơi solo. Đến tầm 10h tối giờ Nhật (8h tối bên VN) thì anh em bạn bè mới online, lúc đấy mới lập phòng và chơi, chơi đến sáng tầm 2h, 3h mới đi ngủ.

Nếu so sánh với giờ giấc sinh hoạt bây giờ thì nó trái ngược hoàn toàn nhỉ ;)) Hồi đó cũng “khiếp” thật đấy.
Cũng rất may là không hiểu sao chính mình lại là đứa tự kéo bản thân ra khỏi cạm bẫy nghiện game, và bắt đầu lại một nề nếp sinh hoạt mới từ cuối năm 2017. Có lẽ là nhờ việc tự chất vấn bản thân về năm 2017, và cả định hướng cho năm 2018, khi chỉ còn chưa đầy một năm là sẽ tốt nghiệp đại học và về nước.
Để có thể dứt được khỏi game, việc đầu tiên mình làm đó là bán hết tất tần tật các linh kiện liên quan đến game, từ case gaming, đến bàn phím, chuột, tai nghe,…
Sau 3 năm, mặc dù vẫn chơi game, nhưng đó chỉ là chơi game bóng đá với em trai mình, vì tại thời điểm bây giờ thằng em nó chưa quay lại được Mỹ nên vẫn có lap của nó để chơi. Chứ laptop của mình không chơi game được. Mình cũng không hề cài game trên điện thoại.
Nếu mà để nói là mình đã dứt hoàn toàn khỏi cơn nghiện game chưa, thì mình nghĩ là đã dứt rồi. Nhưng mình vẫn hơi lo lắng là nếu sau này có mua case, với mục đích chính là để cải thiện chất lượng và tốc độ edit video cho youtube, hay chỉnh ảnh, thì bằng cách nào đó “thói cũ” sẽ dần quay trở lại, và biết đâu Kira trên CS:GO sẽ “hồi sinh?”. Nhưng mình tin là với một cuộc sống mới đầy ắp những công việc tích cực thì dù có chơi game thì mình cũng sẽ không để nó lấn át toàn bộ thời gian và tâm trí của mình. NEVER EVER.
Stay focused, be present,
Kira
P/S: trước khi là youtuber The Hanoi Chamomile thì Kira cũng đã từng có kênh youtube gaming là “Kira gaming”, và trong đó có một video làm về caster Bomman có lượt view là 245,000. Từ xưa đã có tí “kĩ năng” edit video rồi haha (Edit bằng Windows Movie Maker)

Em cũng là một CSGO player với mức rank SMFC, anh đã trải qua toàn bộ mọi thứ mà CSGO mang lại rồi, bet là một thứ cực cám dỗ, may mắn là anh không quá sa đà vào việc bet quá nhiều và biết điểm dừng ở đâu, một điều mà ít người tỉnh táo khi bet, vì càng thua họ càng muốn gỡ hoặc all in. Theo dõi anh từ tháng 8.2019 khi lang thang trên blog, cảm ơn anh đã giúp em bỏ được game, hiện giờ em đang trở thành con người khác tốt hơn, sống healthy hơn, có dịp em muốn gặp anh 1 lần ạ
LikeLiked by 5 people
Hồi năm c3 e chơi PUBG nhưng mà bản mobile cơ, lên được 2 lần rank Quán Quân thì cũng tới lúc bỏ game, chi quá nhiều thời gian cho nó, mà ko phải nói bỏ là bỏ được, cũng chắc tầm 5-6 lần tải đi tải lại chơi r xóa mới bỏ được hẳn, cai được cơn nghiện này quả ko dễ. Cơ mà thấy anh Kira cũng từng nghiện game thấy bất ngờ haha.
LikeLiked by 1 person