6 việc nên làm trước khi học

Khi nhắc đến phương pháp học tập hiệu quả, chúng ta thường nghĩ đến các phương pháp được áp dụng khi đang học, ví dụ như active recall, spaced repetition, hay là phương pháp phân chia thời gian pomodoro. Đây đều là những phương pháp học cực kỳ hữu ích mà bạn nên áp dụng. Tuy vậy, sẽ là tuyệt vời hơn nếu bạn có thể để ý đến cả những việc nên làm trước khi học. Mình nghĩ đây là một bước rất quan trọng bởi nó có thể trở thành bàn đạp cho quá trình học tập sau đó. Cần phải có sự chuẩn bị thật tốt về mặt tinh thần, thể chất, cũng như có một kế hoạch học tập cụ thể thì việc học mới trở nên hiệu quả.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ 6 điều bạn có thể, hoặc nên làm trước khi học.

1. Thiết lập một lịch trình, kế hoạch cụ thể cho việc học

Mình nghĩ đây là một điều mà có lẽ mọi người đều biết và có thể cũng đang áp dụng, nhưng mình vẫn muốn nhắc đến trong bài viết này bởi tầm quan trọng và lợi ích không tưởng cho việc xây dựng một lịch trình học rõ ràng.

Cách xây dựng lịch trình hiệu quả nhất theo cá nhân mình, đó là tạo ra các mục tiêu lớn và nhỏ, được phân chia cụ thể theo tháng, tuần và ngày. Trước khi bắt tay vào học, bạn có thể dành chút thời gian để liệt kê hết ra các phần nội dung, kiến thức mà bản thân cần phải học hoặc ôn lại, sau đó phân chia khung thời gian, cũng như ước lượng thời gian để hoàn thành việc học phần kiến thức đó.

Để có thể thiết lập lịch trình và kế hoạch một cách nhanh gọn thì mình gợi ý các bạn sử dụng Google Calendar, một ứng dụng quản lý thời gian cực kì hiệu quả mà mình đã giới thiệu ở trên kênh YouTube channel của mình. (Link)

Bạn cũng có thể sử dụng sổ tay hoặc một quyển vở bất kì để lập kế hoạch và theo dõi quá trình học của bản thân. Ví dụ, dựa trên list tổng hợp các kiến thức cần học thì mình có thể phân chia từng phần học theo tuần, theo ngày. Rồi vào mỗi ngày, mình lại chia nhỏ mục tiêu học tập tương ứng với mỗi hiệp pomodoro 25 phút.

Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể bám sát kế hoạch đã đề ra, và có thể bạn sẽ phải điều chỉnh liên tục kế hoạch của mình, nhưng ít ra việc lên lịch trình trước sẽ giúp bạn xác định được mục tiêu cụ thể mà ta cần phải làm mỗi ngày, tránh bị gặp phải trường hợp dù tinh thần đang phấn chấn nhưng lại không biết nên làm gì, bắt đầu từ đâu.

Mình gợi ý bạn nên xây dựng lịch trình học tập vào mỗi tối, để sáng hôm sau khi dậy thì bạn chỉ việc check lại và có thể bắt đầu học ngay lập tức.

2. Để sẵn sách vở, mở sẵn phần nội dung cần học trên mặt bàn

Một việc làm mà bạn có thể kết hợp cùng với việc lập kế hoạch học tập vào mỗi tối, đó là để sẵn sách vở trên mặt bàn, và mở sẵn trang sách, của phần cần học ra. Như vậy, ngày hôm sau khi bạn ngồi vào bàn học thì ngay lập tức bạn biết rõ mình cần phải làm gì, và có thể bắt tay luôn vào công việc học tập.

3. Dọn dẹp lại góc học tập của mình

Một chiếc bàn chất đống nhiều thứ không liên quan trên đó sẽ khiến bạn bị xao nhãng và mất tập trung. Hãy dành một chút thời gian để dọn dẹp lại mặt bàn của mình, chỉ để trên đó sách vở và những vật dùng cần thiết cho việc học tập

Trong trường hợp có quá nhiều đồ trên mặt bàn, khiến bạn cảm thấy rất ngại phải dọn từng thứ một thì mình có một phương án tạm thời có thể giúp bạn các bạn có được mặt bàn gọn gàng sạch sẽ chỉ sau 5-10 phút! Mình gọi đây là phương pháp chiếc hộp tạm thời (temporary box).

Đại khái là bạn sẽ tìm một cái hộp (hộp nhựa hay thùng cát tông…), hoặc bất cứ một chiếc hộp nào mà bạn nghĩ là dùng được, rồi cho hết tất cả các món đồ vốn bày bừa trên mặt bàn vào hộp, ngoại trừ những đồ vật mà bạn chắc chắn là cần dùng đến, sau đó cất vào một góc mà bản thân không thấy được, ví dụ như là tủ quần áo. Việc làm này sẽ giúp bạn tạm thời quên đi sự hiện diện của những món đồ không thực sự cần thiết, qua đó giúp bạn tập trung hơn với việc học, và cũng như là giúp mặt bàn trở nên gọn gàng hơn, tất nhiên chỉ là tạm thời thôi nhé.

4. Kiểm tra kiến thức trước khi học (PRE-TEST STUDY)

Thường thì chúng ta hay coi việc test (kiểm tra) là bước cuối cùng để xác định xem chúng ta đã học được bao nhiêu. Nhưng ta cũng có thể đạo ngược lại, tức là làm bài test kiến thức trước khi học một nội dung nào đó.

Vào năm 2009, có một nhóm nghiên cứu khoa học của trường đại học California, Irvine (viết tắt là UCI) và Williams College đã tiến hành một cuộc thí nghiệm về việc pretest (tức là kiểm tra trước khi học), và đã rút ra được một kết luận thú vị, đó là kết quả kiểm tra sau khi học (posttest) của nhóm học sinh được cho kiểm tra kiến thức trước khi học (pretest) tốt hơn so với nhóm được kéo dài thời gian học nhưng không làm bài test kiến thức trước khi học.

Qua bài nghiên cứu khoa học này thì ta có thể rút ra một kết luận, đó là bạn có thể dành chút thời gian để kiểm tra kiến thức trước khi bắt tay vào học một nội dung nào đó. Mình nghĩ phương pháp này cũng rất phù hợp với những ai đang ôn thi, bởi bài pretest sẽ giúp bạn gợi nhớ lại một chút kiến thức đã học, đồng thời xác định được trình độ của bản thân hiện tại, qua đó đưa ra được một chiến lược học tập phù hợp hơn.

5. Viết ra những điều bản thân đã biết

Có một việc làm mà mình nghĩ là cách thức khá tương đồng với việc làm bài kiểm tra trước khi học, đó là viết, hoặc gợi nhớ ra những điều bản thân đã biết trước đó về một kiến thức, nội dung chuẩn bị học. Việc này sẽ giúp não bộ dễ dàng kết nối được những thông tin mới tiếp thu với những thông tin cũ đã có sẵn trong đầu. Ví dụ, khi mình học về một môn quản trị như organizational behavior, mình có thể dành chút thời gian để ngẫm nghĩ môn này nói về cái gì. “Hành vi” liên quan đến con người, “hành vi” thì đi kèm theo “thái độ”, mà mấy cái này thì liên quan đến tâm lý con người. “Tổ chức” là một nhóm, một công ty,.. Và khi ghép các mảnh thông tin có sẵn trong đầu thì bạn có thể suy được ra nội dung của môn học này là nghiên cứu về hành vi, mặt tâm lý của con người trong công việc, tổ chức và tìm ra những phương pháp để cải thiện hành vi, giúp tổ chức phát triển hơn.

Tất nhiên là phương pháp này cũng chỉ được áp dụng trong một số phạm vi kiến thức nhất định, ví dụ như các môn xã hội hay khoa học, bởi nó có sự liên kết với nhiều kiến thức khác. Còn như ngoại ngữ thì mình nghĩ là cách này không áp dụng được.

6. Tập thể dục

Việc làm cuối cùng mà mình muốn chia sẻ ở đây, đó chính là việc tập thể dục.

Việc tập thể dục, đặc biệt là các bài tập cardiovascular exercise làm tăng nhịp tim, ví dụ như là chạy, đi bộ, đạp xe, nhảy dây,… cũng được coi là một việc làm có ích trước khi học.

Nghiên cứu của Eveleen và cộng sự, được đăng trên tạp chí Physiology & Behavior năm 2018 đã chỉ ra rằng nhóm người trẻ được cho chạy trên máy chạy khoảng 15 phút có khả năng ghi nhớ nhiều từ mới hơn.

Ở một nghiên cứu khác của trường đại học Georgia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra việc tập thể dục cường độ vừa-nhẹ khoảng 20 phút sẽ giúp tăng khả năng nhận thức, tập trung và tư duy của một người trong vòng 3-4 tiếng sau khi tập.

Thật ra cũng chẳng cần đến 15 hay 20 phút, mà chỉ cần đúng 2 phút tập thể dục trước khi học cũng đủ để giúp bạn học tập hiệu quả hơn. Kết luận này được rút ra sau khi một nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành tổng hợp và đánh giá 13 bài nghiên cứu khoa học về sự vận động và khả năng học tập được xuất bản từ năm 2009 đến 2019.

Như mình tìm hiểu về mối tương quan giữa việc tập thể dục và khả năng học tập, thì có khá nhiều bài nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tập thể dục sau khi học cũng giúp cải thiện khả năng ghi nhớ, thậm chí có một bài còn đưa ra kết luận rằng tập một bài thể dục ngắn khoảng 5 phút theo tần suất 1 tiếng giữa lúc học một cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến năng suất học tập và làm việc.

Tóm lại, việc tập thể dục sẽ giúp bạn cải thiện hiệu quả học tập. Vì vậy, Nếu bạn không muốn quên, thì đừng quên việc tập thể dục nhé!

IF YOU DON’T WANT TO FORGET, DON’T FORGET TO EXERCISE

Tất nhiên là trong thời điểm dịch tái bùng phát thì mình khuyên các bạn nên ở nhà và tập một số bài thể dục không yêu cầu phải đi lại nhiều, ví dụ như nhảy dây, chống đẩy, hoặc các bài tập ngắn cường độ cao như HIIT

Mình đã chia sẻ với bạn 6 việc mà bạn có thể hoặc nên làm trước khi học. Tuy vậy, mình muốn bật mí thêm một điều rất thú vị mà chính bản thân mình cũng mới biết đến.

BONUS

Cách đây mấy hôm khi đang tìm đọc một vài bài nghiên cứu trên mạng thì bỗng dưng mình tìm được bài viết của CNBC với tiêu đề “Đã được kiểm chứng! Xem video mèo đáng yêu giúp tăng năng suất”. Mình rất ngạc nhiên cũng như tò mò xem nội dung cụ thể của bài nghiên cứu đó ra sao.

Khi tìm đọc bài nghiên cứu thì mình lại càng cảm thấy thích thú hơn bởi tiêu đề của bài viết được bắt đầu với câu “Sức mạnh của kawaii…”.

Nghiên cứu này đã cho thấy rằng việc xem những thứ dễ thương như hình ảnh động vật sẽ giúp cải thiện hiệu suất làm việc ngay sau đó, đặc biệt là đối với công việc đòi hỏi sự cẩn thận cần có sự tập trung cao.

Thế nên trước khi học mấy môn cần có sự tính toán phức tạp như môn toán học, hay là môn cần phải nhớ kĩ các tình tiết nhỏ nhặt như lịch sử thì hãy thử lên YouTube xem một vài video động vật đáng yêu nhé!

Tham khảo:

https://learningenglish.voanews.com/a/things-to-do-before-you-study/5367797.html
https://psycnet.apa.org/record/2009-14440-005
https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0033294118786688
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0031938418300209
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/tsm2.190
https://edition.cnn.com/2020/09/11/world/two-minute-exercise-scli-intl-wellness-scn/index.html
https://www.cnbc.com/id/49391395
https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0046362

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s