Dạo gần đây có rất nhiều bạn hỏi mình về chuyện sử dụng nhạc trên YouTube, cụ thể là liên quan đến nguồn nhạc miễn phí (non-copyright music) và nhạc bản quyền (copyright music). Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ giải thích cụ thể về việc sử dụng nhạc nói chung trên YouTube, thông qua hình thức Q&A.
Q1. Nhạc trên playlist của mình là nhạc có bản quyền hay nhạc miễn phí?
A. Đây là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất, đặc biệt là qua video Morning Playlist đăng từ giữa tháng 8 vừa rồi. Nhạc mình cho vào các playlist là nhạc có bản quyền. Tuy vậy, mình được phép sử dụng trên YouTube hay trên các mạng xã hội, và có thể kiếm tiền từ list nhạc đó. Lí do là bởi, mình trả phí định kì hàng năm cho một thư viện nhạc có tên là Epidemic Sound (www.epidemicsound.com).
Q2. Có thể giải thích rõ hơn về Epidemic Sound không?
A. Epidemic Sound có thể hiểu là một thư viện nhạc bản quyền với hơn 35,000 bài nhạc và 90,000 hiệu ứng âm thanh (sound effect). Một khi đã đăng ký trở thành member của Epidemic Sound, bạn có thể sử dụng các bài hát có trong thư viện trên bất cứ nền tảng mạng xã hội nào, ví dụ như YouTube, Facebook, Instagram hay TikTok, với nhiều mục đích khác nhau: sử dụng làm BGM cho vlog, hay làm một music playlist tổng hợp các bài nhạc phù hợp theo từng chủ đề. Tuy vậy, để có thể sử dụng nhạc bản quyền, thì mình sẽ phải trả cho Epidemic Sound một khoản định kì hàng năm là $144 hoặc $15 mỗi tháng (gói cá nhân)
Q3. Có thể kiếm tiền từ nhạc bản quyền không?
A. Có, với điều kiện là nhạc mà bạn sử dụng trên YouTube phải có trong thư viện âm nhạc bản quyền miễn phí mà bạn đã đăng ký như Epidemic Sound, hay trên thư viện khác như Artlist.io, Uppbeat.io,… Lúc này, bạn sẽ được phép kiếm tiền trên YouTube mà không phải share trực tiếp khoản lợi nhuận cho bên nghệ sĩ/nhà sản xuất sở hữu nhạc, bởi bạn đã trả phí định kì cho thư viện nhạc trước đó rồi.
Q4. $144 mỗi năm để sử dụng nhạc bản quyền liệu có phải là quá đắt?
A. Cũng tùy suy nghĩ của mỗi người, có thể với những ai mới bắt đầu làm YouTube thì sẽ thấy khoản này tương đối lớn, và mình cũng sẽ khuyên các bạn chưa nên đầu tư vội. Chỉ đến khi bạn đã có một khoản thu nhập tương đối ổn định từ YouTube (ví dụ như tối thiểu $15/tháng) thì lúc đó bạn có thể cân nhắc đăng ký sử dụng kho nhạc bản quyền như Epidemic Sound. Như mình thì mình tận dụng tối đa nguồn nhạc có sẵn trên Epidemic Sound để sử dụng cho mọi vlog, bao gồm cả daily vlog, study with me hay là music playlist, và doanh thu mình kiếm được thường sẽ cao hơn rất nhiều so với khoản $144 mà mình phải bỏ ra cho kho nhạc ES.
Q5. Làm thế nào để nhận biết được nhạc mình sử dụng là nhạc có bản quyền?
A. Sau khi đăng video, YouTube sẽ tự động check nội dung và sẽ xác định xem bạn có sử dụng nhạc bản quyền không. Bạn có thể vào mục Content trong YouTube Studio, và nếu ở mục Restriction có hiện dòng chữ Copyright Claim thay vì None, thì điều này chứng tỏ bạn đã sử dụng nhạc có bản quyền. Tuy vậy, tùy vào thể loại nhạc mà video của bạn sẽ được chia thành 2 loại: một là không được kiếm tiền (Ineligible) và còn lại là vẫn được kiếm tiền nhưng theo dạng chia sẻ doanh thu (Sharing). Còn trong trường hợp bạn sử dụng nhạc bản quyền trong kho nhạc đã đăng ký từ trước đó thì sẽ không bị hiện thông báo dính bản quyền và vẫn sẽ được kiếm tiền bình thường (Eligible).
Q6. Có thể giải thích cụ thể hơn về “Ineligible” và “Sharing” không?
A. Ineligible tức là việc bạn sẽ không thể kiếm tiền từ video có sử dụng nhạc bản quyền (this video can’t be monetized). Điều này thường xuất hiện khi bạn sử dụng bản nhạc gốc của nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn bài hát đó. Còn sharing là dạng chia sẻ doanh thu, tức là bạn vẫn có thể kiếm tiền từ video, nhưng một nửa (hoặc hơn một nửa) sẽ được chia cho bên sở hữu âm nhạc. Dạng sharing sẽ xuất hiện khi bạn sử dụng nhạc cover (hát, piano, guitar…) của một bài hát. Ví dụ, nếu mình sử dụng trực tiếp bài Fake Love của BTS trên video thì sẽ bị gắn mác Ineligible và không được kiếm tiền, còn nếu mình sử dụng nhạc piano cover bài Fake Love, và nếu YouTube phát hiện ra đây là nhạc cover thì lúc đó video mình đăng lên sẽ thuộc dạng sharing revenue (chia sẻ doanh thu).
Q7. Người khác có thể sử dụng list nhạc bản quyền mà mình đã đăng trên YouTube để sử dụng và kiếm tiền không?
A. Rất tiếc là không. Vì một khi bạn sử dụng nhạc đó trên kênh của bạn, YouTube sẽ xác minh xem liệu kênh của bạn đã được liên kết với kho nhạc bản quyền chưa. Nếu như bạn chưa đăng ký sử dụng kho nhạc bản quyền, thì 100% bạn sẽ bị dính copyright.
Q8. Có thể tìm nhạc miễn phí (non-copyright music) ở đâu?
A. Nếu như bạn không muốn bỏ tiền để đăng ký và sử dụng nhạc bản quyền, thì bạn hoàn toàn có thể tìm nhạc miễn phí (non-copyright music) để sử dụng trên YouTube. Dưới đây là một số nguồn nhạc miễn phí mà mình đã và đang sử dụng bên cạnh kho nhạc bản quyền đã đăng ký: YouTube Audio Library (kho nhạc miễn phí có sẵn của chính YouTube), các kênh YouTube như BGM President, 별 헤는 다락방 Starry Attic, 무지개밥 Rainbow Rice, DUGGY MUSIC hay UmbrTone. Lưu ý rằng, một số kênh sẽ yêu cầu bạn ghi đầy đủ thông tin nguồn nhạc của họ mà bạn sử dụng trên video ở dưới mục description.
Q9. Mình tìm nhạc piano cover từ đâu?
A. Mình hay tìm và sử dụng nhạc piano cover của các kênh như Doo Piano, Pair Piano, 피달소 Pidalso và BigRice Piano. Doo Piano thường hay cover các bài K-POP, Pair Piano có những playlist nhạc maplestory nghe rất thơ mộng, Pidalso chuyên cover nhạc Nhật gồm Ghibli và Anime OST, còn BigRice Piano thì có những bản piano original nhẹ nhàng và phù hợp với daily vlog.
Q10. Mình làm video music playlist như thế nào?
A. Đầu tiên mình sẽ chọn chủ đề cho list nhạc muốn làm, ví dụ list nhạc acoustic để nghe vào buổi sáng, hay là list nhạc piano nhẹ nhàng. Sau đó, mình sẽ dành thời gian để tìm và nghe các bài hát có giai điệu và mood phù hợp với chủ đề playlist. Nếu là morning playlist thì cần phải tìm bài nào nó “tươi tắn” tí, còn night playlist thì nên tìm những bài nhẹ nhàng, có chút lãng mạn. Mình tốn khá nhiều thời gian cho khoản tìm và nghe nhạc, nhưng mình cũng coi như đây là một việc làm thú vị lúc rảnh rỗi, vừa được tận hưởng việc nghe nhạc, vừa chọn lọc được những bài hay để sử dụng cho video. Sau khi đã tổng hợp được list nhạc thì tiếp theo mình sẽ quay vlog để có thể chèn list nhạc đó vào. Vì từng có kinh nghiệm quay theo dạng real-time kéo dài 1-2 tiếng cho video Study With Me (bấm camera và cứ thế quay liên tục trong 1-2 tiếng), nên mình tận dụng luôn kiểu quay này cho music playlist. Việc làm video music playlist trên YouTube thực chất đã có từ rất lâu, nhưng nếu biết kết hợp cả phong cách quay vlog của bản thân vào music playlist thì có thể sẽ cho ra được một video music playlist có chất riêng của chính mình.
Hi vọng là 10 câu hỏi Q&A phía trên đã giúp các bạn giải đáp được một vài thắc mắc cơ bản về việc sử dụng nhạc trên YouTube. Nếu vẫn có câu hỏi khác thì các bạn có thể comment ở phía dưới nha!
Kira
Sử dụng nhạc ở các trang piano cover đăng youtube có được không?
LikeLike
Nó còn tùy vào việc chủ kênh piano cover có cho phép mình đăng không bạn ạ. Thường thì họ sẽ thoải mái với việc để người khác sử dụng nhạc piano cover, với điều kiện là đính kèm link gốc ở dưới phần mô tả á
LikeLike