Sau 1 tháng về nhà chăm sóc mẹ, thì mọi thứ dường như đã đi vào guồng, và cứ ngỡ là tháng 9 sẽ diễn ra một cách thuận lợi và êm đềm, thì đầu tháng 9 mình lại gặp vấn đề sức khỏe. Mình bị mắc COVID. Sau 2 năm 8 tháng liên tục né covid thành công, thì vào ngày cuối cùng của tháng 8, mình test nhanh COVID và thấy 2 vạch, tức là bị dương tính.
Ngay lập tức mình tự cách ly trong phòng ở trên tầng 3. Điều này đồng nghĩa với việc mình không thể chăm mẹ và làm một số công việc gia đình được. Cũng thật may là trong gia đình lúc đó vẫn có bố và dì nên hai người thay phiên nhau làm công việc nhà. Dì nấu cơm, dọn dẹp, chăm chó rồi tưới cây, bố chăm sóc mẹ, rồi đi mua thuốc đưa lên phòng mình, hỏi han tình hình xem mình như thế nào. Lúc đó coi như nhà có hai bệnh nhân, bệnh nhân mẹ gãy xương thì nằm tầng 2, bệnh nhân Kira bị covid thì tự cách ly trên tầng 3.
Nói về triệu chứng khi mắc COVID, thì dường như là mình bị nặng hơn so với những người xung quanh. Mình bị sốt cao liên tục trong 3 ngày, rồi những triệu chứng cơ bản như là ho, rát họng, đau đầu, nhức mỏi người mình đều bị cả. Cơ mà ngoài ra thì mình còn bị nhạy cảm với mùi đồ ăn. Trong khi người khác thì hay bị mất vị mất mùi khi mắc covid, thì mình lại hoàn toàn ngược lại. Bỗng dưng mình lại cảm thấy buồn ói khi ngửi mùi xì dầu, nước mắm, rồi thậm chí đến cả mùi gạo ST25 cũng rất nồng và điều này khiến mình không thể ăn ngon được. Cộng với việc bị ốm sốt nên thành ra mình không muốn ăn, bữa nào mình cũng chỉ ăn được có một nửa hoặc thậm chí là ít hơn. Người ta nói ốm thì phải ăn nhiều để mau khỏe, nhưng mà mình không tài nào ăn nổi, cứ ăn được một xíu là lại cảm thấy buồn ói nên đành phải bỏ dở giữa chừng. Nhưng mà điều khiến mình cảm thấy mệt mỏi nhất đó chính là việc buổi đêm bị khó ngủ được vì sốt và nhức người. Có hôm mình bị sốt cao hơn 39 độ nên nửa đêm phải dậy uống một viên paracetamol thì nó mới dịu đi và ngủ được đến sáng mà không bị thức giấc.
Có một điều tích cực trong những ngày bị mắc covid, đó chính là việc mình vẫn giữ được thói quen tập thiền và tập yoga vào mỗi buổi sáng. Thiền giúp mình có dịp được cảm nhận cơ thể, giúp mình đối mặt với những cơn đau xuất hiện trong người, từ đầu đến chân, tập yoga giúp mình duỗi cơ, giúp xoa dịu những cơn đau mỏi, đặc biệt là đau lưng. Dù những thói quen này chỉ kéo dài vỏn vẹn vài phút thôi, nhưng nó cũng phần nào giúp buổi sáng của mình cảm thấy sảng khoái hơn một chút.
Nhìn chung thì bị covid cũng khá là mệt, thành ra cả ngày chỉ có nằm trên giường, lúc thì ngủ, lúc thì nghe audiobook, podcast, lúc thì xem YouTube. Lúc đó mình tự nhủ rằng, thôi thì những ngày ốm cho phép bản thân được rời xa cụm từ “năng suất”, và cứ nghỉ ngơi, khi nào khỏe hẳn rồi thì sẽ chăm chỉ làm việc và học tập trở lại.
Sau 1 tuần thì mình cũng đã cảm thấy đỡ hơn khá là nhiều, đã hết sốt, không còn bị nhức đầu, đau mỏi người. Ăn uống cũng ngon hơn, dù vậy thì ngửi mùi xì dầu nước mắm vẫn cứ thấy hơi ghê ghê. Lúc đó mình cứ lo là lỡ khỏe hẳn rồi nhưng lại không thể ăn được xì dầu nữa thì toi, vì trước giờ mình lúc nào cũng chỉ toàn ăn xì dầu…
COVID khiến mình sụt mất 2 kí, khiến nhịp sống sinh hoạt bị đảo lộn, khiến công việc và học tập bị gián đoạn, khiến bản thân không thể phụ giúp được gia đình chăm sóc mẹ. Và đồng thời COVID cũng khiến mình bị mất đi động lực. Trong sổ tay cá nhân, mình có ghi lại cảm xúc của bản thân vào hôm mùng 8 tháng 9 với tiêu đề “What happened to me?”, có chuyện gì đã xảy ra đối với mình. Ở đó mình đã viết: Cảm thấy lười, không biết phải làm gì. Muốn đọc sách nhưng không biết đọc sách gì. Thất bại trong việc lập kế hoạch. Cảm thấy mệt mỏi cả ngày. Mất động lực. Và mình kết thúc với một câu hỏi: làm thế nào để mình thoát ra khỏi tình trạng này?
Những ngày cảm thấy mất động lực như thế này nó kéo dài thêm 1 tuần, cho đến khi mình nhớ ra rằng, không thể chờ đợi đến khi cảm thấy có động lực trở lại thì mới bắt đầu làm việc. Mà ngược lại, phải bắt tay vào công việc và làm dần thì động lực mới bắt đầu xuất hiện trở lại.
Thế là mình nghĩ xem bản thân có thể làm được điều gì mà không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh ý chí, và mình chọn ra 2 việc làm để bắt đầu lại sau những ngày bị mất động lực, đó là học tiếng Hàn và chỉnh sửa vlog. Mỗi sáng mình cố gắng dành 25 phút để học một mục nhỏ trong chương sách, cộng thêm việc ôn tập từ vựng trên ứng dụng Anki. Sau khi học xong tiếng Hàn, mình ngồi chỉnh sửa vlog để kịp đăng lên YouTube vào cuối tuần. Cứ như vậy, mỗi ngày mình đều có được một khoảng thời gian năng suất vào buổi sáng. Tuy nhiên, cứ đến chiều là mình lại cảm thấy lười, mệt mỏi, và không muốn làm gì thêm.
Cho đến một ngày, đó là vào buổi tối chủ nhật ngày 11 tháng 9. Vì hôm sau là thứ 2, nên mình ngồi suy nghĩ xem ngày mai nên làm gì cho nó năng suất. Trong lúc lướt thư viện trên máy đọc sách kindle để xem có sách gì hay ho nên đọc lại không, thì mình thấy cuốn sách có tên là “9 things successful people do differently”, tạm dịch là 9 điều người thành công thường làm của tiến sĩ Heidi Grant. Đây là cuốn sách mình đã đọc cách đây 2 năm, và ấn tượng của mình đối với cuốn sách này, đó là ngắn nhưng mà rất hay. Vì thế, mình quyết định ngày hôm sau sẽ đọc lại cuốn này, và đây chính là quyết định mang tính bước ngoặt, giúp nửa sau tháng 9 của mình trở nên năng suất và có ý nghĩa hơn.
Sáng thứ 2, ngày 12 tháng 09, mình lên kế hoạch cụ thể, đó là đọc sách và quay vlog study with me. Mình setup máy quay, và tận dụng chính cái khoảng thời gian ngồi đọc sách để quay phim cho vlog học cùng mình. Và thế là trong ngày hôm đó, mình hoàn thành việc đọc xong cuốn sách, cũng như là có được những thước phim quay cảnh đọc sách, phù hợp để làm tư liệu cho một vlog study with me kéo dài 2 tiếng.
Chưa dừng lại ở đó, mình còn đặt thêm mục tiêu cho tháng 9, đó là viết content chia sẻ những gì mình học được qua từng chương của cuốn sách mà mình đã đọc. Tổng cộng có 10 bài viết được đăng lên facebook và blog, bao gồm 1 bài giới thiệu về cuốn sách, và 9 bài viết tương ứng với 9 bài học rút ra từ cuốn sách. Tính đến thời điểm này, mình đã hoàn thành mục tiêu viết 10 bài và đăng lên blog cá nhân cũng như fanpage The Hanoi Chamomile.
Nhờ việc đọc sách và viết content chia sẻ kiến thức mà mình đã dần lấy lại được cái nguồn cảm hứng trong công việc làm content. Trong những ngày vừa rồi, mình luôn thiết lập kế hoạch một cách cụ thể, đồng thời theo dõi tiến độ làm việc của bản thân và ghi chú lại trên ứng dụng Google Calendar lẫn sổ tay cá nhân. Nhờ thế mà mình cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều là một ngày làm việc năng suất và hiệu quả. Trong tháng 9 này, mình vẫn đạt chỉ tiêu đăng được 4 vlog trên kênh YouTube bao gồm một vlog nhật ký chăm sóc mẹ, một vlog trò chuyện cùng mẹ, một vlog study with me, và một chiếc podcast vlog. Bên cạnh đó, mình cũng bắt đầu tham gia một số dự án collab nho nhỏ, và cùng bên đối tác lan tỏa những nội dung hữu ích, những thông điệp tích cực trên mạng xã hội. Thế nên mình cảm thấy là về mặt công việc thì mình đã làm rất tốt trong nửa sau của tháng 9. Vỗ tay!
Tổng kết lại tháng 9. Mặc dù có một sự khởi đầu không mong muốn khi bản thân mình bị mắc COVID và phải trải qua những ngày mệt mỏi, mất động lực, nhưng thông qua những việc làm, những cải thiện nho nhỏ, và những quyết định đúng đắn mà nó đã giúp mình có thể vực dậy, giúp mình quay trở lại với nhịp sống sinh hoạt và công việc thường ngày, nhờ thế mà nửa sau tháng 9 mình đã hoàn thành được những mục tiêu bản thân đã đề ra. Tháng 9 này gia đình mình cũng nhận tin vui khi tình trạng sức khỏe của mẹ đã cải thiện một cách rõ rệt. Mẹ đã tự ngồi dậy được, tự đi lại trong phòng, và tự làm thêm được rất nhiều thứ, nhờ thế mà mấy ngày nay bố lại được dịp ngủ nướng mà không phải dậy sớm để giúp mẹ thực hiện morning routine.
Nếu để nói ra 3 lời biết ơn cho tháng 9 này, thì mình muốn nói rằng,
Mình biết ơn bố và dì đã thay phiên nhau chăm sóc hai mẹ con mình trong những ngày đầu tháng.
Mình biết ơn cơ thể của chính bản thân vì đã cùng mình chiến đấu chống lại COVID.
Và mình biết ơn cuốn sách “9 điều người thành công thường làm” của tác giả Heidi Grant vì đã cho mình một khoảng thời gian đọc sách hiệu quả, để từ đó giúp mình lấy lại nguồn cảm hứng và động lực cần thiết cho công việc và cuộc sống.
Thank You, September.
Kira
Mừng em đã khỏe lại và comeback 😀 Góp ý với Kira một chút về cách dùng từ “hiệu suất” thay vì “năng suất” cho productivity.
– Hiệu suất: kết quả lao động biểu hiện bằng khối lượng công việc làm được trong một thời gian nhất định. VD: hiệu suất làm việc
– Năng suất: hiệu quả của lao động trong quá trình sản xuất, làm việc, được đo bằng số lượng sản phẩm hay khối lượng công việc làm ra được trong một đơn vị thời gian nhất định. VD: năng suất lao động, năng suất hoạt động của máy móc, giống mía có năng suất cao
Về mặt ngôn ngữ, cách dùng chữ “hiệu suất” sẽ hay và tinh tế hơn, nhất là khi dùng cho con người. Còn dùng “năng suất” sẽ thiên về đối tượng là máy móc, nông nghiệp hay hoạt động sản xuất ^^
LikeLiked by 2 people
Ohh vậy là nếu dịch A Productive Working Day thì nên dịch là Một Ngày Làm Việc Hiệu Suất chứ không phải Năng Suất ạ. Cám ơn Chính An nhiều ạ!
LikeLiked by 1 person
Nó sẽ hay và tinh tế hơn đó Kira ^^
LikeLiked by 1 person
giọng Kira nghe hay quá!
LikeLiked by 2 people
Kira ra podcast đii.. muốn nghe những lúc làm mọi việc. Rất dễ chịu nha !
LikeLiked by 1 person