6 việc làm giúp mình tập trung hơn trong học tập

Mình “khai bút” cho blog đầu tháng 6 bằng việc chia sẻ với mọi người 6 việc làm giúp mình có được sự tập trung cao độ cho việc học, đặc biệt là trong mùa ôn thi. Cách đây 1 năm mình cũng từng viết một bài chia sẻ về 3 bí quyết cải thiện sự tập trung, nên bạn có thể coi bài viết này là bản “updated” đầy đủ hơn một chút.

1. Học từ sáng sớm

Hai tiếng kể từ khi thức dậy chính là lúc não bộ có khả năng phát huy tối đa sự tập trung cũng như là năng lực sáng tạo

– Mentalist DAIGO

Trên thực tế, nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng những người dậy sớm (early birds) có hiệu suất học tập và làm việc nhỉnh hơn cú đêm (night owls). Sẽ có khoảng 2 tiếng trong buổi sáng, khi đó bộ não sẽ có sự tập trung cao độ nhất. Đặc biệt hơn, khoảng thời gian sau khi ăn sáng 30 phút đến 1 tiếng chính là lúc sự tập trung đạt đến cực đại, và mình đặt tên là Focus Golden Time, viết tắt là FGT (giờ vàng cho sự tập trung).

Mình hay dậy lúc 5:30 – 6 giờ, vì thế FGT của mình thường sẽ bắt đầu từ khoảng 7:30 hoặc 8 giờ. Trong đợt nghỉ dịch vừa rồi, mình tận dụng khoảng thời gian đó để học những kĩ năng mới như piano, hay ngồi viết blog và làm vlog. Còn trong mùa ôn thi bây giờ thì mình sẽ dành khoảng thời gian này để học.

Nói chung thì bạn cứ nghĩ một cách đơn giản như thế này. Bộ não của bạn có chứa một cái bình năng lượng ý chí (willpower), và thường thì mỗi sáng nó sẽ luôn trong trạng thái đầy bình. Càng về sau trong ngày thì năng lượng trong bình sẽ cạn dần do não bộ phải hoạt động liên tục, và bạn sẽ cảm thấy khó tập trung hơn vào buổi chiều tối.

Tóm lại, nếu dậy được sớm thì các bạn hãy tận dụng khoảng thời gian sau bữa sáng để bắt đầu học và làm việc nhé.

2. Thiền

Có lẽ mọi người đều biết rằng thiền giúp cải thiện sự tập trung. Vấn đề ở đây là cải thiện ra sao, và áp dụng vào công việc như thế nào, thì mình nghĩ cần phải có sự tập thiền định lâu dài mới thực sự cảm nhận được.

Hai điều quan trọng nhất khi tập thiền đó là sự tập trung vào hơi thở, và nhận thức được những dòng chảy suy nghĩ. Khi đã luyện được hai “skill” này một thời gian, bạn có thể áp dụng nó vào trong học tập và làm việc.

Mình lấy ví dụ, khi đang tập trung học ngữ pháp tiếng Nhật, trong đầu mình tự dưng nghĩ về một chuyến đi chơi nào đó. Nếu là mình trước đây thì có lẽ mình sẽ cứ tiếp tục nghĩ về việc đi chơi, trong khi mắt và tay thì vẫn đang thực hiện nhiệm vụ học và ghi chép mẫu ngữ pháp vào vở. Nhìn bên ngoài thì có thể người ta sẽ thấy mình vẫn đang rất tập trung, nhưng thực chất là lúc đó mình đã rơi vào trạng thái “mơ mộng” và gần như là mất tập trung vào công việc hiện tại.

Tập thiền được 2 năm, tức là mình cũng đã phần nào đó hình thành được kĩ năng nhận thức dòng chảy suy nghĩ. Vì thế, khi có một ý nghĩ nào đó bất chợt xuất hiện mỗi khi đang học hoặc làm việc, mình sẽ nhận thức ngay được việc mình đang nghĩ về điều đó, xác định được rằng đây không phải là thời điểm để suy nghĩ mà phải quay trở về với công việc hiện tại.

Hãy bắt đầu buổi sáng của bạn bằng việc thiền 3-5 phút, và sau một thời gian mình tin là bạn sẽ cảm nhận rõ được lợi ích của thiền trong việc tập trung học hành.

3. Phương pháp Pomodoro

Pomodoro, hay còn gọi là phương pháp “quả cả chua”, là một phương pháp quản lý thời gian hiệu quả do một người Ý tên là Francesco Cirillo nghĩ ra. Khi cần phải làm một công việc nào đó, hoặc đơn thuần muốn tập trung học tập, hãy chia khoảng thời gian đó thành các hiệp nhỏ, mỗi hiệp gồm 25 phút tập trung học/làm việc, sau đó là 5 phút nghỉ, và cứ lặp đi lặp lại cho đến khi nào hoàn thành được mục tiêu mình đề ra. Phương pháp này rất có hiệu quả trong việc tăng năng suất làm việc trong một thời gian ngắn và loại bỏ cảm giác mệt mỏi.

Ví dụ, mình muốn dành 2 tiếng buổi sáng từ 8 đến 10 giờ để học môn tài chính doanh nghiệp. Thay vì ngồi học không có điểm dừng và không có nhận thức về thời gian, mình sẽ chia 2 tiếng đó thành 4 hiệp, mỗi hiệp 25 phút cộng thêm 5 phút nghỉ giải lao. Bằng việc chia nhỏ khung thời gian ra, mình còn cảm nhận được một chút áp lực thời gian đến từ mỗi hiệp nhỏ, nhờ thế mà tâm trí mình cũng sẽ tập trung hơn vào việc phải hoàn thành được đến một chừng nào đó trước khi kết thúc hiệp.

Mình sử dụng ứng dụng trồng cây Forest để bấm giờ theo dõi thời gian tập trung, và app này chính là công cụ giúp mình không chỉ tập trung trong việc học, mà còn là tập trung vào mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể tìm hiểu về Forest qua bài viết này nhé: Tất tần tật về ứng dụng số 1 trong điện thoại của mình – Forest

4. Không nghe nhạc trong lúc học

Đi từ kết luận thì: nghiên cứu đã chứng minh rằng nghe nhạc trong lúc học sẽ làm giảm hiệu suất và năng lực tiếp nhận thông tin.

Dẫu vậy, vẫn có những người cảm thấy nghe nhạc giúp họ học tập hiệu quả hơn. Thực ra, đây là một “cú lừa” của bộ não. Âm nhạc sẽ giúp chúng ta cảm thấy được thư giãn và được giải toả căng thẳng. Khi đó, cơ thể sẽ tiết ra một số chất như dopamine hay adrenaline, và đây đều là những hóc môn tăng cường động lực và giúp chúng ta cảm thấy tích cực hơn khi đang học. Tuy vậy, nó chỉ giúp tăng sự phấn chấn, chứ không thực sự giúp cải thiện sự tiếp thu kiến thức của bộ não.

Nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ mà bạn có thể sử dụng BGM. Đó là khi bạn thực hiện các công việc không cần động não quá nhiều, hoặc các công việc output, ví dụ như edit video, edit ảnh, làm powerpoint,… (dù mấy việc này không hẳn là học).

Nếu bạn muốn tập trung trong việc học, đặc biệt là trong việc ghi nhớ và tiếp nhận thông tin (input), hãy hạn chế việc vừa học vừa nghe nhạc. Nhưng nếu đó là các công việc đơn giản hơn, liên quan đến thao tác output nhiều hơn thì bạn có thể bật nhạc để giúp cải thiện tinh thần và động lực.

5. Ghi chú lại những điều vấn vương trong đầu vào một tờ giấy trắng 

Trong lúc học, chắc chắn không thể tránh khỏi việc nghĩ về một điều gì đó không liên quan. Nếu nó là một suy nghĩ nhất thời và không quá quan trọng, bạn có thể quên nó đi và tập trung lại vào việc học. Nhưng cũng có lúc những suy nghĩ nó cứ nán lại trong đầu, không chịu trôi đi, và khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và mất tập trung. Những lúc gặp phải vấn đề này, bạn có thể tạm dừng việc học lại và viết ngay những điều đang vấn vương trong đầu ra một tờ giấy trắng.

Lấy ví dụ, khi đang tập trung học, bất chợt mình nghĩ ra ý tưởng cho bài viết blog sắp tới. Mà đã là ý tưởng thì mình không thể để nó trôi qua mà cần phải suy nghĩ về nó nhiều hơn. Nhưng không may là ý nghĩ đó lại xuất hiện trong thời điểm mà mình lại cần phải tập trung cho việc học. Điều mình cần làm đó là tạm dừng việc học khoảng vài chục giây, ghi chú lại ý tưởng mà mình vừa nghĩ vào ứng dụng note trên điện thoại, rồi tiếp tục việc học. Khi bước vào giờ giải lao, hoặc đến cuối ngày, mình sẽ revise (xem lại) những ý tưởng hay những suy nghĩ đã được ghi chép ra trong lúc học.

6. Hạn chế sự “băn khoăn”

Như mình đã viết ở mục số 1 (dậy sớm học), mỗi chúng ta đều có một bình năng lượng ý chí willpower, và bình này có một giới hạn nhất định. Năng lượng trong bình sẽ được sử dụng cho việc tập trung vào một điều gì đó, nhưng đồng thời cũng sẽ bị tiêu hao bởi những suy nghĩ xuất hiện trong đầu.

Trong tâm lý học người ta có một cụm từ là “decision fatigue”, hay dịch sang tiếng Việt là “chứng mệt mỏi vì quyết định”. Lấy ví dụ, mặc dù khi mới dậy bạn cảm thấy rất sảng khoái và sẵn sàng chào đón ngày mới, nhưng sau đó bạn lại tốn thời gian suy nghĩ cho việc nên mặc gì vào buổi đi làm hôm nay. Bạn thay hết đồ này sang đồ kia, và rốt cục bạn đi làm với tâm trạng vội vã và mệt mỏi. Một ví dụ khác, mà những người tập dậy sớm hay mắc phải, đó là dậy xong không biết làm gì. Bình thường toàn ngủ đến 9 giờ sáng, rồi hôm sau quyết tâm dậy sớm từ 6 giờ, nhưng lại băn khoăn không biết nên làm gì, và thế rồi lại chui vào chăn ngủ tiếp.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải suy nghĩ và đưa ra sự lựa chọn ở bất kì thời điểm nào. Nếu dành quá nhiều thời gian để băn khoăn về những việc đó thì nó cũng sẽ dẫn đến hệ quả là bình năng lượng ý chí (willpower) bị cạn dần và như vậy bạn sẽ không có đủ năng lượng để tập trung cho những việc thực sự quan trọng.

Để hạn chế sự băn khoăn hay chứng mệt mỏi vì quyết định, mình gợi ý bạn phương pháp có tên là “Ivy Lee Method”, được nghĩ ra bởi nhà kinh doanh cùng tên Ivy Lee vào năm 1918. Phương pháp này cũng khá là đơn giản, và cũng có thể coi là một cách thiết lập to-do list hiệu quả. Theo đó, cuối mỗi ngày, bạn sẽ tạo một to-do list cho ngày hôm sau, và chỉ được ghi tối đa 6 công việc. Sau đó, bạn sắp xếp thứ tự, ưu tiên công việc quan trọng nhất lên đầu tiên, gọi là task số 1. Ngày hôm sau, bạn phải thực hiện công việc đó đầu tiên, và chỉ được thực hiện công việc khác sau khi đã hoàn thành task số 1. Nếu như bạn không thể hoàn thành hết được các công việc mà bản thân đề ra, hãy cố gắng quên nó đi, và tập trung vào việc tạo to-do list cho ngày tiếp theo.

Nói đơn giản hơn thì buổi tối trước khi đi ngủ hãy lập to do list những công việc cần làm cho ngày hôm sau, và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Như mình đã viết thì buổi sáng ta sẽ thường có một khoảng thời gian Focus Golden Time, vì vậy ta sẽ ưu tiên làm việc quan trọng nhất vào lúc đó.

Ngoài ra, mình gợi ý bạn sử dụng Google Calendar để phân phối thời gian làm các công việc một cách hiệu quả, tránh bị rơi vào trạng thái không biết nên làm gì, dẫn đến sức tập trung bị giảm. Bạn có thể đọc cụ thể hơn ở bài viết này nhé: Quản lý thời gian trong mùa “chạy deadline”

google calendar
Mình lên sẵn kế hoạch chi tiết cho ngày 26 cũng như cho 1 tuần tới từ ngày 25/05

Vừa rồi là 6 việc làm mà mình đang áp dụng để giúp bản thân có được một sự tập trung tốt hơn trong công việc và học tập. Trong 6 điều này, bạn có thể áp dụng ngay phương pháp Ivy Lee và Pomodoro để đạt được hiệu quả tập trung tốt nhất ngay từ bây giờ, nhưng cũng có một số việc làm yêu cầu bạn phải duy trì trong một thời gian dài thì mới thực sự cảm nhận được hiệu quả, ví dụ như dậy sớm và tập thiền.

Hi vọng là bài viết này có ích, đặc biệt là đối với các em học sinh cấp 3 chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp THPT, đối với các bạn sinh viên đại học và cao học đang trong mùa ôn thi.

Stay focused, be present.

Kira

Featured Image: https://unsplash.com/photos/yHG6llFLjS0

References (tiếng Anh và tiếng Nhật)

朝のゴールデンタイムをフル活用しよう。メンタリスト DaiGoが実践する「超早起き」とは?

Early birds vs. night owls: How one has an advantage at work, according to science

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

16 thoughts on “6 việc làm giúp mình tập trung hơn trong học tập

    1. Cháu có tìm đọc một số studies về việc sử dụng BGM trong học tập, thì cũng tìm ra một số điểm thú vị, ví dụ như nhạc có tempo càng mạnh (rap trap bass) sẽ làm ảnh hưởng nặng đến sự tập trung. Nhạc không lời dù êm ru cũng sẽ phần nào gây ảnh hưởng vì não vẫn phải phân tích rhythm. Còn nature sound BGM (tiếng mưa) thì sẽ boost productivity vì pattern của nó khá đơn giản và quen thuộc. Có những người thì cần phải bật BGM là tiếng xì xào quán cafe thì mới tập trung được, có người thì là tiếng lật sách trong thư viện,… cũng thú vị lắm ạ

      Liked by 2 people

      1. Tiếng lật sách và tiếng xì xào là chuyện cô mới nghe. Cô chỉ có thể nghe nhạc lúc lái xe thôi, ngoài ra không thể làm một lúc hai ba việc. Khi học cô không muốn nghe bất cứ tiếng động nào khác, tuy vậy cũng có khi, hồi còn trẻ, cô học ở cafeteria được một lúc là không còn nghe thấy tiếng động nào nữa.

        Like

    1. 2 tiếng kể từ khi dậy, đặc biệt là sau bữa sáng 30 phút em. Anh dậy từ 5h30 nhưng a 7h mới ăn sáng. Mà nó cũng mang tính chất chung chung thôi em ạ. Miễn là em tận dụng buổi sáng sớm để làm việc quan trọng nhất

      Liked by 2 people

  1. Bạn có tips nào để việc take note khi học (học online, học offline, đọc giáo trình) có hiệu quả hơn không? hiệu quả là có thể check nhanh khi tìm lại, search, ko gián đoạn việc học
    Nếu bạn làm video về phần này thì càng tuyệt

    Liked by 1 person

    1. Bạn có thể tham khảo ứng dụng Notion nếu bạn muốn take note trên máy tính.
      còn về note trên giấy thì thực ra mình cũng không hẳn là người đầu tư nhiều công sức và thời gian để làm thành một tập tài liệu. Nhưng mình luôn áp dụng một quy tắc lúc take note trên giấy, đó là hạn chế vừa nhìn vừa chép. Thay vào đó đọc hết 1 ý của text book rồi sau đó tự diễn đạt bằng ý của bản thân ra giấy.

      Liked by 1 person

  2. chào Kira,
    nhắc đến “tập trung” thì mình nhớ ở insta story hồi đó bạn có đăng đường link để tải wallpapers có motto “stay focused. be present” của bạn.
    nếu bạn có post ở đây, cho mình hỏi mình tìm ở mục nào nha!
    mình muốn lưu làm home screen trên đt để giúp remind mình mỗi ngày ☺.
    cám ơn Kira 🌿.

    Liked by 2 people

  3. Bản thân em thì thường nghe tiếng mưa trong lúc học và làm việc cho đến hôm nay đọc bài này của anh thì chắc em cũng phải thử xem lại xem thế nào ạ… hiuhiu. Cảm ơn bài viết vô cùng bổ ích của anh Kira

    Liked by 1 person

    1. À hình như anh chưa nói về tiếng mưa. Em đọc comment của a reply trên comment của Bà Tám nhé. A nghĩ tiếng mưa có thể dùng đc vì nó k có rhythm cụ thể nào

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s