Ba bí quyết giúp mình cải thiện sự tập trung

Chuyên mục “số 3” vol 2 – Ba bí quyết giúp mình cải thiện sự tập trung

Ở bài viết này mình muốn chia sẻ 3 cách sử dụng thời gian hiệu quả để nâng cao sự tập trung cho việc học tập/ làm việc. Mình đã và đang áp dụng cả 3 và thấy nó rất hữu hiệu. 3 phương pháp/bí quyết này mình tham khảo từ cuốn sách tiếng Nhật có tên là “自分を操る超集中力” (đại khái là phương pháp nâng cao sự tập trung) của Mentalist Daigo. Những bạn nào đang ở Nhật có thể tìm đọc cuốn sách này.

81LJlzntNfL

Cuốn sách mà mình đã tham khảo cho bài viêt này

1. DẬY SỚM

“Những công việc quan trọng nhất trong cuộc đời thì hãy hoàn thành nó ngay trong buổi sáng” – Mentalist Daigo

Có rất nhiều bài viết trên mạng khuyên rằng nên ưu tiên thực hiện những công việc, dự án và những mục tiêu quan trọng vào sáng sớm. Mình lời khuyên này không phải là không có lí do. Theo nghiên cứu khoa học thì hai tiếng kể từ khi thức dậy chính là lúc não bộ có khả năng phát huy tối đa năng lực sáng tạo cũng như tạo ra được một sự tập trung nhất định. Những người thành công trên thế giới như CEO Apple Tim Cook hay cựu CEO Starbucks Howard Schultz đều dậy rất sớm trước giờ làm việc khoảng 3 tiếng. Đa số những người thành công (mà dậy sớm) đều có chung một đặc điểm, đó chính là họ biết tận dụng buổi sáng sớm để giành cho việc phát triển bản thân.

Theo như Mentalist Daigo thì buổi sáng sẽ có khoảng thời gian là 2 tiếng, khi đó bộ não sẽ có sự tập trung cao độ nhất. Đặc biệt hơn, sau khi ăn sáng khoảng 30 phút đến 1 tiếng chính là lúc sự tập trung đạt đến cực đại. Vì thế, mọi người nên dành khoảng thời gian đó cho riêng mình. Thêm nữa, tác giả có khuyên là nên tạo ra một số thói quen lành mạnh nhất định ngay sau khi dậy sớm. Ví dụ như tập thể dục, đi bộ, yoga,.. Những hoạt động này sẽ giúp làm nóng cơ thể, giúp lưu thông máu nên não và tăng cường năng suất của bộ não vào sáng sớm.

Mình cũng có tìm hiểu về một số loại hóc môn được sản sinh từ trong cơ thể thì có serotonin, hay người ta còn gọi là “phân tử hạnh phúc”, sẽ làm sản sinh ra những cảm xúc tốt đẹp cho con người. Việc ra ngoài tập thể dục, hoặc đơn thuần là kéo rèm ra để đón ánh nắng bình minh là một cách để giúp cơ thể sản sinh ra serotonin, qua đó giúp ta cảm thấy khỏe khoắn hơn và sẵn sàng chuẩn bị cho công việc mới trong ngày.

Đó là lý thuyết, và tất nhiên việc áp dụng nó quả thực không phải là dễ dàng gì, nhất là việc dậy sớm. Không biết mọi người nghĩ thế nào, nhưng cá nhân mình cảm thấy cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều kể từ khi chuyển sang một routine nhất định là ngủ sớm dậy sớm.

Tất nhiên, đang quen thức khuya dậy muộn, xong ngày hôm sau tự dưng nổi hứng dậy sớm thì thường sẽ gặp phải tình trạng là “rảnh” quá không biết làm gì. Vì thế, tạo ra một chuỗi thói quen sau khi dậy là một cách để khởi đầu một ngày mới tốt đẹp hơn.

Mình có viết một bài chia sẻ về thói quen morning routine của mình trước khi ăn sáng. Mình luôn dậy từ 6 giờ, và việc mình làm ngay sau khi rời khỏi giường là ngồi lên tấm thảm yoga đã được trải sẵn từ đêm hôm trước, thiền khoảng 5 phút và tập yoga làm nóng người. Sau đó, mình ngồi viết 1 trang nhật ký, mở sổ ra để lập to-do list (mình sẽ nói sau), và cuối cùng đọc sách. Những ngày gần đây mình có uống thuốc bắc, và sau khi uống mình phải nằm 30 phút, thế nên mình luôn tranh thủ khoảng thời gian đó để đọc sách. Đợt này công ty đối diện nhà lại còn nuôi gà, thế là cứ tầm trước 6h giờ là nó gáy ồn cả xóm. Chắc là phải quyết tâm “gáy” sớm hơn nó mới được.

Bài viết của mình về morning routine: Mình làm gì trước bữa sáng?

Ăn sáng xong, mình nghỉ ngơi một chút, sau đó sẽ ngồi vào bàn và bắt đầu thực hiện công việc cần được ưu tiên nhất trong ngày. Mình lấy một ví dụ cụ thể là chuyện ôn thi IELTS. Đợt tháng 11 năm ngoái mình có ôn tập IELTS để thi vào giữa tháng 12. Mặc dù chỉ có hơn 1 tháng để ôn, học lại toàn bộ các kĩ năng từ A đến Z, nhưng nhờ việc tập trung học ít nhất khoảng 1 tiếng mỗi ngày, mình đã cải thiện được kĩ năng nghe và đọc chỉ trong vòng 1 tháng, qua đó giúp mình đạt được 8.0 IELTS.

2. Pomodoro technique

Pomodoro, hay còn gọi là phương pháp “quả cả chua”, là một phương pháp quản lý thời gian hiệu quả do nhà quản lý người Ý tên là Francesco Cirillo nghĩ ra. Phương pháp này khá là đơn giản. Khi cần phải làm một công việc nào đó, hoặc đơn thuần muốn tập trung học tập, hãy chia khoảng thời gian đó thành các hiệp nhỏ, mỗi hiệp gồm 25 phút tập trung học/ làm việc, 5 phút nghỉ, và cứ lặp đi lặp lại cho đến khi nào hoàn thành được mục tiêu mình đề ra. Phương pháp này rất có hiệu quả trong việc tăng năng suất làm việc trong một thời gian ngắn và loại bỏ cảm giác mệt mỏi.

FB-Post_March2018_1200x6309.png
Pomodoro technique

Mình đã áp dụng phương pháp này được gần 1 năm và nhận thấy rằng những việc bản thân cần phải làm đều được hoàn thành một cách nhanh chóng nếu sử dụng phương pháp này. Ngoài ra, 25 phút là một khoảng thời gian vừa đủ để giúp bản thân mình tập trung, và cũng khiến mình cảm thấy “ơ,…”

*Đúng lúc này điện thoại rung lên, báo hiệu 25 phút đã trôi qua*

Đúng timing thế chứ lị. Mình cũng đang dùng pomodoro technique khi viết bài này. À, để kể tiếp, pomodoro cũng khiến mình cảm thấy “ơ, chưa gì đã 25 phút rồi à?“, qua đó tạo cho bản thân một cảm giác muốn được làm thêm/ học thêm một tí nữa. Nếu như tâm lý  lúc nào cũng trong tình trạng là “đến khi nào mới xong đây” thì hẳn là chúng ta sẽ luôn cảm thấy oải, nhưng nếu chia đều thời gian học tập và làm việc ra như phương pháp pomodoro thì mình tin là bạn sẽ xóa bỏ được cái cảm giác mệt mỏi đó, thay vào đó là một cảm giác “hơi” háo hức muốn được thực hiện tiếp công việc đang dang dở.

Mình có sử dụng app điện thoại gọi là Forest, đại khái là nếu bạn đặt thời gian là 25 phút thì trong khoảng thời gian đó, ứng dụng sẽ tự động trồng cây giúp bạn, và nếu như bạn tập trung công việc càng nhiều, đồng nghĩa với việc ít sử dụng điện thoại hơn thì sau khi mở ứng dụng có lẽ bạn sẽ thấy mình đã trồng được cả một khu rừng. Trong ứng dụng cũng có sẵn list nhạc để tăng cường sự tập trung, ví dụ như bài mặc định của app là “Forest Rain”, đúng theo nghĩa đen, gồm tiếng mưa và chim hót ở trong rừng.

Portable-Network-Graphics-image-D084AF8F9F9C-1.png
Ứng dụng Forest trên điện thoại, dành cho cả iOS lẫn android

3. Ivy Lee Method

Đây là một phương pháp được đặt theo tên của một nhà tư vấn kinh doanh nổi tiếng Ivy Lee. Phương pháp này được Ivy Lee nghĩ ra từ năm 1918, và đã qua 100 năm, cho đến bây giờ người ta vẫn coi đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện năng suất làm việc trong một ngày. Phương pháp này cũng khá là đơn giản, và cũng có thể coi là một cách thiết lập to-do list hiệu quả. Theo đó, cuối mỗi ngày, bạn sẽ tạo một to-do list cho ngày hôm sau, và chỉ được ghi tối đa 6 công việc. Sau đó, bạn sắp xếp thứ tự, ưu tiên công việc quan trọng nhất lên đầu tiên, gọi là task số 1. Ngày hôm sau, bạn phải thực hiện công việc đó đầu tiên, và chỉ được thực hiện công việc khác sau khi đã hoàn thành task số 1. Nếu như bạn không thể hoàn thành hết được các công việc mà bản thân đề ra, hãy cố gắng quên nó đi, và tập trung vào việc tạo to-do list cho ngày tiếp theo.

Phương pháp này giúp giảm thiểu tối đa “chứng mệt mỏi vì quyết định” hay tiếng Anh còn gọi là “decision fatigue”. Mình có đọc một bài viết về chủ đề này từ trang blog theminihygge của bạn Hoại Băng và thấy bạn ý phân tích rất hay, nên sẽ để link ở dưới đây để mọi người có thể đọc.
https://theminihygge.com/2017/10/21/hieu-ve-decision-fatigue-de-dua-ra-quyet-dinh-dung-dan/

Thoát khỏi được “decision fatigue”, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bị phân tâm, mệt mỏi vì phải loay hoay nên làm cái này cái kia, qua đó cắt giảm được thời gian “chết” và sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.

Trong cuốn sổ mình tạo ra 3 loại TO-DO LIST, theo tháng, tuần và ngày. Mình sử dụng Ivy Lee Method chủ yếu cho To-do list theo ngày. Trước đây mình cũng ngồi tạo to-do list vào buổi tối trước khi đi ngủ, nhưng từ khi tập viết nhật ký thì mình chuyển sang tạo to-do list vào sáng sớm, ngày sau khi viết nhật ký cho tiện. Mình có sử dụng sổ tay để tiện ghi lại những việc cần phải làm, đồng thời tiện theo dõi lịch trình theo ngày, tuần và theo tháng.

Trên đây là 3 phương pháp quản lý thời gian hiệu quả mà mình nghĩ là nó rất có ích trong việc tăng cường sự tập trung cũng như năng suất làm việc. Có rất nhiều phương pháp khác được chia sẻ nhiều trên mạng hay qua các cuốn sách, nhưng mình nghĩ 3 phương pháp này là “vừa đủ” cho những người mới bắt đầu và muốn thay đổi chất lượng sống và làm việc tốt hơn.

Good luck! Cheers,

The Hanoi Chamomile

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

6 thoughts on “Ba bí quyết giúp mình cải thiện sự tập trung

  1. Cảm ơn em đã truyền cảm hứng học tập cho mọi người. Thấy em rất siêu luôn ấy, vừa giỏi lại làm được rất nhiều việc

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s