Từ tháng 6 mình bắt đầu thực hiện công cuộc 30 ngày tối giản kĩ thuật số, bao gồm việc hạn chế sử dụng mạng xã hội và hạn chế… cầm điện thoại. Và kể từ khi cắt hẳn thời gian để lướt Instagram hay Facebook một cách vô thức, thì mình đã biết chủ động sử dụng những khoảng thời gian trống đó để làm một số việc có ý nghĩa hơn, trong đó có những thứ liên quan đến sở thích, đam mê của mình.
Sau đây mình sẽ liệt kê 10 việc mình làm lúc rảnh rỗi. Mình chia ra thành 5 việc thường xuyên làm (đặc biệt là trong khoảng thời gian gần đây), và 5 việc thi thoảng làm.
Thường xuyên
1. Đàn hát
Từ khi về Việt Nam, mình bắt đầu chơi lại guitar, tập bấm lại những hợp âm đơn giản và có tập cover một số bài hát. Vì mình cũng chỉ chơi một chút (1 ngày 1 lần gì đấy) nên tay vẫn còn khá cứng (đặc biệt là khi bấm các hợp âm khó), và cũng hay quên hợp âm của một số bài.
Tuy vậy, những ngày gần đây mình chơi đàn rất nhiều. Sau hơn 2 tuần, mình cảm thấy lên tay khá nhiều, nhất là ở đoạn bấm và chuyển các hợp âm. Thêm vào đó, mình cũng vừa tập đàn vừa hát một số bài hát mình thích. Cảm giác như được quay lại thời sinh viên năm nhất, cái hồi còn upload lên youtube khá nhiều video cover guitar nhưng để ở chế độ unlisted.
Mình có đam mê hát nhạc Hàn, dù chưa bao giờ học tiếng Hàn một cách tử tế. Đợt này mình có tập kha khá nên hi vọng trong “tương lai không xa” thì cũng có được một cái video vừa đàn vừa hát một bài đầy đủ và up lên youtube ở chế độ public. Nói đến chuyện hát nhạc Hàn thì hồi ở Nhật lúc rảnh mình hay đi… hát karaoke một mình, và chỉ hát tiếng Hàn (bên Nhật đó là chuyện bình thường, nhưng kể cho mấy đứa ở Việt Nam thì ai cũng bảo là dị)
2. Đọc sách

Lúc nào mình cũng đem theo chiếc kindle trong cặp để khi nào rảnh rang một chút thì lôi nó ra và ngồi nghiền vài trang sách tiếng Anh. Tùy theo từng thời điểm mà mình chọn đọc sách ngoại ngữ khác nhau. Ví dụ như hiện tại mình đang ôn thi tiếng Nhật thì lúc rảnh mình sẽ chọn sách tiếng Anh để đọc.
Nhân tiện mình muốn chia sẻ với mọi người về cuốn sách tiếng Anh mà mình đang đọc lại lần thứ 2, có tên là Atomic Habits (Thói quen nguyên tử) của James Clear. Tác giả nhấn mạnh rằng, chính những hành đọng “rất rất rất nhỏ” (atomic) tuy có thể không có tác dụng mấy trong thời điểm mới bắt đầu, nhưng nó sẽ là tiền đề cho sự phát triển một thói quen tốt lâu dài, và đây chính xác là những gì mình muốn khuyên những ai có ý định bắt đầu một thói quen mới.
3. Chơi với chó
Đợt này Gabi nhà mình mới đẻ em bé nên mình cũng dành nhiều thời gian để chơi với 2 mẹ con Gabi và Sumo. Lúc xuống tầng 1 chuẩn bị ăn cơm hay là kiếm cái gì đó để ăn vặt thì mình hạn chế cầm điện thoại theo, để khi xuống thì chỉ có chơi với chó thôi.
Lúc nào cả 2 em ở phòng mình thì mình luôn tranh thủ khoảng thời gian giải lao khi đang học bài để ngồi xuống sàn và chơi với Gabi, hay là cầm máy ảnh để quay lại cảnh Sumo bắt đầu tập tễnh bước đi. Dù nhà mình đã từng nuôi chó vài lần nhưng đây là lần đầu mình được thực sự theo dõi quá trình phát triển của một chú chó con, nên cũng khá thích thú với việc chăm chó.

4. Nghe podcasts
Mình chủ yếu nghe podcasts khi đang đi bộ ngoài đường, khi đạp xe hay là khi đang tập thể dục. Nhưng dạo này ngay cả khi ở nhà mình cũng hay bật lên để nghe, đặc biệt là sau khi ăn sáng và lúc đang chơi với chó. Mình sẽ viết một bài chia sẻ cụ thể về những gì mình nghe trên podcasts, nhưng đại khái là mình hay nghe podcast tiếng Anh của The Minimalist, Matt D’Avella, The Ellen, tiếng Nhật thì chủ yếu là tin tức, gồm NHK và SBS, và kênh tiếng Việt duy nhất của The Blue Expat. Tùy từng thời điểm mà mình chọn nghe podcast với nội dung khác nhau. Ví dụ như lúc vừa ăn sáng xong đầu óc còn minh mẫn, nhưng mà chưa muốn ngồi vào bàn học vội, thì mình tranh thủ bật podcast thời sự tiếng Nhật để nghe. Còn buổi tối thì nếu có nghe podcast mình chọn nghe The Ellen Go hoặc Optimal Health Daily, vừa nghe vừa thư giãn.
5. Xem Youtube
Trong 5 việc làm thường xuyên lúc rảnh rỗi thì cái này nó không hẳn là thói quen tốt nhưng mình cũng biết hạn chế thời lượng xem và nội dung của video để không biến nó thành một thói quen xấu. Mình hay xem Stand Up Comedy của Trevol Noah, vừa để giải trí, vừa để nghe tiếng Anh. Ông này bắt chước giọng điệu của rất nhiều nước, ví dụ như English with French-accent, Russian-accent. Xem mà cười đau cả bụng.
Ngoài ra mình còn xem vlog của Matt D’Avella, Nathaniel Drew, Thomas Frank, và gần đây nhất là kênh Haegreendal của một bà mẹ người Hàn. Xem video của chị ý mà cảm thấy nhẹ nhàng, bình yên làm sao. Nếu sau này có làm vlog thì mình cũng muốn học tập phong cách làm video của chị ý.
Thi thoảng
6. “Lướt” sách nấu ăn và nhà cửa
Ngoài việc đọc sách bình thường thì thi thoảng mình cũng hay lấy mấy cuốn sách nấu ăn, đời sống mà đã mua ở Nhật để ngắm, giống như kiểu xem tạp chí vậy. Mình chủ yếu xem ảnh thôi, gọi là để lấy một chút nguồn cảm hứng, đôi khi cũng là để ôn lại một số công thức nấu ăn nhất định.
7. Vẽ vời, thiết kế nhà cửa
Mình cũng thích vẽ, đặc biệt là vẽ nhà cửa. Cách đây không lâu mình đã tự tay vẽ phác thảo không gian mới mà hiện giờ nó chính là góc học tập và làm việc của mình. Mình còn hay sử dụng game Sím 4 như là một công cụ để thiết kế nhà cửa, phòng ở. Dù không còn theo đuổi giấc mơ làm kiến trúc sư (ước mơ hồi cấp 2), nhưng mình rất vui khi đã biến chuyện thiết kế nhà cửa thành một sở thích, và sẵn sàng tự vẽ và thiết kế căn phòng của chính mình.
8. Xóa ảnh
Từ khi chuyển sang sử dụng máy ảnh thì mình chụp cũng khá nhiều. Chụp xong mình thường ngồi lọc và xóa ảnh ngay trên camera trước khi lưu nó vào máy tính, qua đó giúp mình chỉ giữ lại những bức ảnh thực sự đẹp, đồng thời giảm bớt dung lượng trong máy tính.
Chưa kể, ổ cứng di động của mình có lưu toàn bộ ảnh và video từ năm 2013, và khi nào ngứa tay thì mình sẽ cắm nó vào máy tính và ngồi lọc dần ảnh. Mình cũng không làm chuyện này thường xuyên lắm (đối với ảnh cũ), nhưng mỗi lần ngồi lọc là cũng phải được 100 – 200 bức ảnh. Đôi khi ngồi ngắm nhìn lại ảnh cũ cũng là cách để nhớ lại những kỷ niệm, những khoảnh khắc đáng nhớ hồi mình còn du học ở Nhật.
Ghi nhớ mọi khoảnh khắc trong cuộc đời bằng cách… xóa ảnh
9. Khám phá cafe ở Hà Nội
Đang là mùa hè nắng nóng nên mình cũng ngại ra ngoài đường, nhưng hồi đầu năm cho đến giữa tháng 5 thì mình hay đạp xe và đi tìm những quán cafe mà mình muốn ghé thử. Chính ra mình cũng phải đi được trên dưới 30 quán ở Hà Nội rồi. Tranquil, Gardenista, Foglian, Cup of Tea, Starbucks,… tự dưng thèm cốc Chamomile ở Tranquil quá. Tháng 6 này mình chưa đến Tranquil một lần nào…

10. Nấu ăn
Hồi còn du học Nhật, đặc biệt là năm cuối (từ đầu 2018), mình dành rất nhiều thời gian rảnh để nấu ăn. Có những hôm mình đứng ở bếp đến 2-3 tiếng để nấu hơn 6, 7 món cùng một lúc.
Về Việt Nam được ăn cơm mẹ nấu nên cũng lười nấu rồi. Thêm một lí do khiến mình hơi ngại nấu bây giờ, là vì bếp thấp quá… Lúc nào cũng phải cúi người xuống để chế biến đồ ăn. Cũng chính vì lí do đó mà mình đã từ bỏ công việc làm bếp trong quán ăn sushi, chỉ bếp thấp quá nên bị đau lưng…
Dù vậy, mình vẫn luôn muốn được tự nấu và làm cooking video cho một số món tủ. Sắp tới nhà mình sửa nên đang hỏi ý kiến mẹ xem có làm bàn đảo bếp được không. Nếu được thì mình sẽ lại tự vẽ, lên ý tưởng, tham khảo các mẫu trên mạng và sau đó nhờ thợ đóng cho. Và chắc chắn cái kitchen island này phải cao ít nhất 80cm để mình đỡ phải cúi gập người khi nấu.
Kết
Phải công nhận 1 điều là kể từ khi mình xóa Facebook và Instagram (trên đt) thì thời gian cầm và sử dụng điện thoại của mình giảm đi rất nhiều. Mặc dù mình vẫn xem youtube nhưng mình coi nó như là một công cụ vừa giải trí, lại vừa có ích cho bản thân. Xem vlog của Matt D’Avella về tối ưu hóa cuộc sống chắc chắn sẽ có ích hơn là việc nằm lướt feeds trên facebook.
Nhưng youtube nó chỉ là một trong rất nhiều việc mình làm lúc rảnh. Mình vẫn đang tìm kiếm và khám phá những hoạt động có ý nghĩa, những thói quen tốt để có thể lấp vào khoảng thời gian rảnh rỗi đó.
Đây cũng là bước 2 trong quá trình tối giản công nghệ 30 ngày mà mình đang thực hiện. Mình xin phép được trích lại bước 2 mà mình đã viết trong bài review sách “Digital Minimalism”
“2. Trong vòng 30 ngày này, hãy khám phá và tìm lại những thói quen tốt, những hoạt động có ý nghĩa
Mục đích thật sự của phương pháp “Digital Declutter” này không đơn thuần chỉ là “tận hưởng” khoảng thời gian tránh xa khỏi thiết bị công nghệ. Trong khoảng thời gian này, bạn phải chủ động tìm kiếm, khám phá những hoạt động có ý nghĩa hơn để bù lấp vào khoảng trống mà thiết bị công nghệ “thừa thãi” đã để lại. Ví dụ như đọc sách, đi dạo phố, tập nhạc cụ,…
Nó cũng giống như việc bạn tạo dựng những thói quen tốt để dần dần thay thế thói quen xấu. Trong thời gian này, nếu bạn không thực sự đứng dậy để tự tìm kiếm, tự tạo ra những thú vui có ý nghĩa thì sau khi hoàn thành phương pháp dọn dẹp này bạn sẽ lại quay lại guồng sinh hoạt xoay quanh những thiết bị, ứng dụng công nghệ vì đơn giản là bạn không biết cách giải quyết tình trạng “boredom” (chán nản) như thế nào trong 30 ngày vừa rồi.”
Bàn về cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kĩ thuật số) – Phần 1
Bé chó dễ cưng quá ❤
LikeLiked by 1 person