Chuyện đi thi tiếng Nhật N1 (JLPT 07/2019)

Mình muốn kể với mọi người chuyện mình đi thi năng lực tiếng Nhật ngày hôm qua (07/07). Đây cũng giống như là một bài viết nhật ký, nhưng mình sẽ viết một cách chi tiết nhất, đặc biệt là trải nghiệm & kinh nghiệm ở phòng thi. Hi vọng bài viết này sẽ phần nào có ích cho những bạn nào có ý định thi JLPT nói chung và N1 nói riêng vào tháng 12 sắp tới.

Người Nhật làm đề thi tiếng Nhật sẽ như thế nào nhỉ?

Có lẽ mình sẽ bắt đầu câu chuyện từ hôm buổi tối trước ngày thi. Mình lên youtube và gõ cụm từ “N1 Tips” để tìm xem mấy cái video chia sẻ kinh nghiệm thi N1, thì thấy video có tiêu đề Người Nhật làm đề thi tiếng Nhật sẽ như thế nào nhỉ?Tất nhiên điểm tuyệt đối?” của PAPAKEN, một youtuber người Nhật. Điều đặc biệt ở đây là anh này biết nói tiếng Việt (vợ người Việt) và lại còn làm công việc nội trợ và ở nhà chăm sóc 2 đứa con thay vợ.

Papaken thử sức với đề thi N1 (một đề thi cũ tìm được ở trên mạng), làm và đạt được kết quả là 160/180. Trước giờ cũng nghĩ là người Nhật làm N1 chưa chắc đã ăn được điểm tuyệt đối. Và khi xem xong mình mới thấy những đứa bạn mình thi được 178, 179 điểm thực sự là rất giỏi. Đồng thời, mình cũng giảm chút được phần nào áp lực cho chính bản thân tạo ra. Không có lí do gì để bắt mình phải tạo ra mục tiêu là “tôi muốn đạt điểm thật thật cao” cả. Cố gắng hết sưc mình là được rồi. Đỗ thì vui, trượt thì do… đen thui. Just kidding.

1 tiếng trước khi bước vào phòng thi

7 giờ sáng mình có mặt tại khuôn viên trường THCS Mỗ Lao (Hà Đông). Tầm đó cũng đã có lác đác vài thí sinh đến và đang ngồi ở ghế đá ngoài sân, có người thì cầm vở ôn tập lại, người thì sử dụng điện thoại, và một số khác thì ngồi nói chuyện với nhau. Mình đến khá sớm nên cũng tranh thủ lấy điện thoại ra và mở ứng dụng quizlet để xem lại một số từ vựng.

Sau đó, mình đứng dậy,  ra ngoài cổng trường và đi dạo mấy vòng, vừa vung vẩy tay vừa hít thở đều đặn như kiểu tập thể dục sáng sớm. Còn 15 phút nữa là đến 8 giờ…

Nói một chút về địa điểm thi. Mọi năm các thí sinh tham dự kì thi cấp độ N2 và N1 đều thi ở trong trường đại học Hà Nội. Nhưng đợt này do một phần tòa nhà bên trong trường đang trong quá trình tu sửa nên địa điểm thi N1 được chuyển sang khu vực gần đó là trường THCS Mỗ Lao. Khi nghe đến cái tên mình cũng cảm thấy hơi ngờ ngợ, và mình đoán là hôm qua cũng đã có vài thanh niên ung dung, thong thả đến trường ĐH Hà Nội, tìm danh sách phòng thi N1 thì mới biết là đợt này thi ở chỗ khác, thế là chạy thục mạng sang bên này để vào được phòng thi đúng giờ.

Cái phòng thi nó thật sự là… 

Dù đã ngồi trong khuôn viên trường, nhưng đến gần sát giờ mình mới tìm đến phòng thi. Phòng của mình ở ngay tầng 1 nên cũng dễ tìm. Mình bước vào phòng, bên trong đó đã có vài bạn thí sinh ngồi chờ sẵn. Có mấy người còn đang ăn sáng nữa.

Ấn tượng ban đầu của mình khi bước vào phòng thi là: “ầu, đúng là phòng của trường cấp 2, bàn ghế bé quá”. Mình không rõ các phòng ở tầng khác như thế nào, nhưng bàn ở đây nó là bàn dài khoảng 2 mét 2, và rộng chỉ khoảng 40 cm. Thêm vào đó, ghế ngồi cũng là ghế dài ngang với bàn, không có phần tựa phía sau. Mình quên không chụp lại nhưng mình tìm được một bức ảnh trên mạng miêu tả gần đúng với mấy chiếc bàn ghế trong phòng thi của mình.

ban.jpg.631b0ae5af09dc738ac0bbd1a21f5e3e.jpg
Chính xác là bàn này. Tuy không “xập xệ” như trong ảnh, nhưng mặt bàn khá là mấp mô và có chỗ còn bị lõm.

Điều làm mình ngạc nhiên hơn, đó là khi mình tìm chỗ ngồi thì nhận thấy ở trên bàn có tận 4 số báo danh, tức là chiếc bàn này sẽ có 4 thí sinh ngồi cạnh nhau và cùng làm bài thi. Mình kiểu WTF? Một kì thi quan trọng như thế này mà ngồi sát nhau như làm bài kiểm tra cấp 3 như vậy á?

Mình đã từng thi N2 ở Đại học Hà Nội, và N1 ở bên Nhật, và mình chắc chắn một điều rằng, cơ sở vật chất của phòng thi lần này khá là tệ. Mình không muốn lấy nó làm lí do để biện minh hoàn toàn cho việc mình làm tốt hay không tốt, nhưng ít nhiều nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khi làm bài thi. Một người làm bài thi ở trong phòng có bàn ghế rộng rãi, mặt bàn vừa đủ rộng để có thể “bày bừa” một chút sẽ cảm thấy thoải mái hơn những người ngồi làm bài trên chiếc bàn mà ở đó gần như không có khái niệm ranh giới giữa các thí sinh với nhau, và thường xuyên phải gấp đôi tờ câu hỏi lại để tránh đụng chạm đồ vật của người thi bên cạnh.

Trong phòng thi chỉ có 2 thằng con trai…

Mình quay đầu ra sau tò mò xung quanh như thế nào, thì nhận thấy trong phòng chỉ có mình và một đứa nữa là con trai, mà đó là một đứa nhóc, tầm 9, 10 tuổi gì đó. Mình đoán cậu bé đã từng sống ở Nhật như mình, hoặc là một thiên tài được trau dồi tiếng Nhật từ bé. Trong khi cậu nhóc ngồi gần cuối với chỗ ngồi rộng rãi vì người bên cạnh không đi thi, thì mình, một thanh niên 25 tuổi phải ngồi bàn đầu chật chội vì có đủ 4 người ngồi, và đùi mình thì chạm sát đến ngăn bàn. Chỉ cần một cú hích nhẹ từ đùi mình là cả bàn nó sẽ đổ về phía trước.

9:00. Bắt đầu làm bài

1. Từ vựng – Ngữ pháp 

Mình mở trang đầu tiên của tờ câu hỏi, và đập vào mắt mình là chữ hán 猛烈 (もうれつ). Nhìn xuống các câu hỏi dưới, mình thấy đây đều là những chữ mình đã học và rất chắc chắn với đáp án. Mình khoanh rất nhanh vào tờ câu hỏi và tô vào phiếu trả lời ngay sau đó. Mình tiếp tục lật sang các trang sau, làm từng câu một và nhận thấy rằng, đề không quá khó như mình tưởng tượng, đặc biệt là phần ngữ pháp. Bài đọc ngữ pháp cuối cùng cũng rất dễ. Mình không cần phải đọc kĩ từng câu một để có thể tìm đáp án phù hợp cho từng ô trống. Bài cuối đó mình làm gần như là theo cảm tính.

Nếu so sánh phần thi từ vựng ngữ pháp này với các bài tập trong cuốn “20 Nichi De Goukaku Dekiru N1” thì mình thấy đề thi thật năm nay tương đối nhàn. Mình làm cái cuốn 20 Nichi De Goukaku mà sai lên sai xuống, đặc biệt là ở câu hỏi số 2.

study japanese

Nhìn chung, cái phần mà mình rén nhất thì lại có cảm giác làm khá tốt và cũng không tốn quá nhiều thời gian. Một sự khởi đầu tốt chăng?

2. Đọc hiểu

Lật sang phần đọc hiểu.

Mình cảm nhận rõ được độ khó thực sự của N1 từ đây. Dù mình thường xuyên đọc nhiều sách tiếng Nhật, nhưng phải nói là đề thi đọc N1 nó vẫn ở một mức độ khác, khó hơn và phức tạp hơn, như Papaken nói trong video là “không khác gì các bài đọc trong đề thi cấp 2 cấp 3 ở Nhật”.

Cá nhân mình thấy phần đọc nó rất chi là… rối rắm và dễ bị lừa. Thường khi chọn đáp án, nếu như câu hỏi đó dễ thì mình sẽ tìm được ngay đáp án, nhưng có những trường hợp mình phải sử dụng phương pháp loại trừ, tức là đọc từng đáp án một và gạch đi cái nào không chính xác. Tuy nhiên, có những câu mà mình cảm thấy có 2 đáp án cứ na ná nhau, không biết chọn cái nào. Và mình tốn rất nhiều thời gian để đọc lại mấy đoạn có chứa nội dung liên quan đến những câu hỏi rối rắm đó.

Còn 15 phút cuối… mình nghĩ là mình đã làm xong và lật lại từ trang đầu của phần đọc để check và tô nốt vào những ô mình chưa điền. Và lúc đó, mình nhận ra… ơ có cả câu hỏi 68, 69 à?

Mình lật lại sang phần cuối của tờ thi. Hóa ra giữa bài đọc gần cuối và bài cuối có một mặt ngăn cách được in một họa tiết giống như QR Code, mà mình cứ tưởng đó là kết thúc đề thi. Mình lật qua mặt đó, thì thấy vẫn còn một bài đọc. Đó cũng là lúc mình bắt đầu bị cuống, và nghĩ rằng mình không đủ để có thể đọc và trả lời nên đã có ý định khoanh bừa.

“Còn 5 phút” – Người trông thi nói.

Mình hít một hơi thở thật sâu.

“Còn 5 phút. Đủ để đọc và làm bài cuối này. Các bài trước đó mình check qua rồi nên không còn bị vương vấn nữa. Tập trung nào”. Sau khi đã lấy lại được sự bình tĩnh, mình đã làm được nốt 2 câu cuối mà mình nghĩ là mình đúng cả 2. 

Trong quá trình làm bài đọc, mình cảm thấy rõ được sự bất tiện của ghế ngồi, vì ghế không có tựa, thành ra lưng mình luôn trong một hoặc hai trạng thái, hoặc cong gù, hoặc ngồi thẳng đứng. Vai mình chỉ cách vai 2 người bên cạnh chưa đầy 20cm, rồi bên sau không có tựa nên mình không dám đụng đậy nhiều, sợ đập vào thành bàn phía sau và làm ảnh hưởng đến người thi ngồi ở sau. Nói chung, ngồi thi mà đâu khác gì như một bức tượng…

3. Nghe

Trước khi bước vào phần thi cuối là Nghe, thí sinh bọn mình được nghỉ giải lao khoảng 20 phút. Và khi bước ra ngoài, mình nhận ra cô bạn đi làm dự án cùng mình cách đây một tháng cũng đi thi. Hai đứa đứng trò chuyện với nhau và nói về phần nghe sắp tới. Cô em kể là hồi xưa thi nghe N1 ở Nhật được 50 điểm, mà về đây thi lại chỉ được 30 điểm, vì loa ở đây chất lượng kém. Nghe xong mình cũng cảm thấy hơi rén.

Vì nghe là phần mình kì vọng nhiều nhất, thành ra mình sợ bị thất bại ở phần này nhất. Vì mình luôn có suy nghĩ là nghe nói tốt như mình ít nhất cũng phải được 50 trở lên.

Và… đúng là mình fail thật. Thảm bại luôn.

Loa đúng là hơi khó nghe thật. Ngồi bàn đầu nên còn bị rung bàn nữa. Những ai có giọng nói ồm ồm là cực kì khó nghe. Nhưng mình nghĩ nó không quan trọng bằng việc bản thân mình đánh mất sự tập trung khi nghe. Dù có cố gắng memo đến mấy thì vẫn có những lúc người mình đơ ra và bỏ qua mất những đoạn quan trọng.

Mình đã chủ quan trong việc ôn thi nghe. Trước khi thi mình có hay nghe tin tức tiếng Nhật trên podcast, nhưng mình chỉ làm duy nhất đúng một bài thi thử trong cuốn Shinkanzen. Nói đơn giản thì mình đã không luyện tập nhiều ở khoản memo và tìm những từ khóa quan trọng. Đây là một bài học kinh nghiệm quý giá mình đã tự rút ra được sau khi thi nghe N1 hôm qua.

Dù sao thì mình vẫn có một niềm an ủi nho nhỏ khi bài nghe cuối cùng mình cực kỳ tập trung và rất chắc chắn với đáp án mà mình đã chọn

12:20. Kết thúc phần thi. Thí sinh ra về

Mình úp cả phiếu trả lời và tờ câu hỏi xuống, đợi người trông thi đếm đầy đủ, sau đó kí  tên vào tờ giấy và ra về. Một cảm giác vừa hài lòng vừa thất vọng. Hài lòng vì quá trình ôn tập 3 tháng vừa rồi thật sự đã giúp mình trau dồi vốn từ vựng ngữ pháp, điều đó đã giúp mình làm tốt khi thi thật. Thất vọng vì làm nghe không tốt, vì đã chủ quan khi không ôn phần nghe. Thêm vào đó, mình cũng thất vọng với chất lượng phòng thi N1 lần này.

Khả năng cao là mình sẽ thi lại. Nhưng có lẽ là đợi khi nào có dịp quay lại Nhật thì mới thi cho nó thoải mái. Hoặc không thì hi vọng trường đại học Hà Nội sửa nhanh mấy cái tòa đang sửa để tháng 12 này còn thi lại ở ngay trong khuôn viên ĐH.

Kết

Dù sao thì cái mà mình hài lòng nhất là quá trình ôn tập và học lại tiếng Nhật trong 3 tháng vừa rồi. Kể từ lần thi N1 cách đây 4 năm, mình gần như không còn đụng đến sách vở tiếng Nhật và học một cách tử tế (vì mình học bằng tiếng Anh ở ĐH Nhật), thế nên tiếng Nhật mình kém đi rất rất nhiều. Nếu đợt này mình đi thi mà không hề ôn tập trong 3 tháng vừa rồi thì chắc chắn là mình sẽ trượt thẳng cẳng. Nhưng bây giờ thì mình cũng có một chút hi vọng là mình sẽ đỗ.

P/S: Ảnh nền mình chụp từ video của anh Samurai Chan. Người mặc áo Reiwa không phải là mình nhé =)) Chỉ là một anh nào đó da ngăm đen gầy hao hao giống mình thôi.

 

Posted by

Chào mừng bạn đến với blog của mình. Đây là nơi mình thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày của mình. Mình tin rằng, hạnh phúc đến từ những điều giản dị nhất. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy được sự bình yên và một chút niềm vui nho nhỏ khi đọc blog của mình. ENJOY! ブログへようこそ! あるベトナム人(僕)の毎日の話です!日記だけでなく、人生話、ライフスタイル、そしてミニマリズムについて色々書いています。

8 thoughts on “Chuyện đi thi tiếng Nhật N1 (JLPT 07/2019)

  1. 😀 năm nay ko thi ở ĐH HN nữa ak chán nhỉ…
    Cá nhân mình có đk nhưng do sốt nên ko đi thi. Hẹn bạn đợt thi tháng 12 vậy =]]

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s