Sau bài viết kể về chuyện đi thi N1 tuần trước, hôm nay mình muốn viết một bài để chia sẻ về những điều nên làm, nên chuẩn bị trước khi thi, và những lưu ý khi đang thi, qua đó giúp các bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất cho các đợt thi sắp tới.
Dẫu biết trên mạng có rất nhiều bài viết với nội dung tương tự, nhưng đây là những chia sẻ dựa trên kinh nghiệm đi thi thật ở Việt Nam của cá nhân mình, nên mình nghĩ là nó sẽ có ích cho những bạn đang tìm kiếm lời khuyên cho việc thi JLPT.
1. Kiểm tra địa điểm và phòng thi trên mạng
Từ trước đến giờ ở Hà Nội chỉ có 2 địa điểm duy nhất tổ chức thi JLPT là Đại học Hà Nội (N1 và N2), và Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN (N3, N4 và N5). Thành ra sẽ có nhiều người nghĩ là không cần phải check danh sách thi, đến hôm thi thật thì cứ việc đến trường ĐH đó rồi mới xem danh sách phòng thi. Cách này thực ra cũng không có vấn đề gì lắm, có lẽ đối với các kì thi trước, nhưng không phải lần này.
Đúng vào kì thi tháng 7 này thì 2 tòa nhà bên trong khuôn viên ĐH Hà Nội đang trong quá trình sửa chữa và nâng cấp. Và địa điểm thi N1 đã được chuyển sang trường THCS Mỗ Lao, Hà Đông (cách ĐH HN khoảng 2km). Tất nhiên, danh sách phòng thi N1 cũng sẽ được đặt ở bên THCS Mỗ Lao, có nghĩa là dù bạn có đến ĐH Hà Nội sớm một chút để tìm danh sách phòng thi N1 thì cũng sẽ không tìm thấy.
Thử tưởng tượng, bạn ung dung thong thả đến ĐH Hà Nội, rồi nhận ra đợt này không thi N1 ở đây, và lại thục mạng chạy sang bên này, để rồi có người thì không kịp vào phòng thi đúng giờ, có người thì kịp nhưng lại có một kì thi không được tốt vì “do hoảng loạn lúc đầu mà mất tập trung cả buổi”. Có lẽ các bạn đó chỉ còn biết cách tự trách bản thân mình vì đã không xem trước danh sách thi.
Thế nên, điều số 1 mà mình muốn nhắc các bạn, đó là hãy lên mạng tìm thông tin về địa điểm và danh sách phòng thi trước ngày thi ít nhất một ngày. Thường thì tuần cuối tháng 6 các trường Đại học sẽ thông báo trên trang chủ, sau đó một loạt trung tâm tiếng Nhật sẽ đồng loạt share trên website của họ, và bạn sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin ở ngay trang đầu tiên của google search.
2. Mang theo bút chì gỗ, đừng dùng bút chì kim trong mọi trường hợp
Nhiều bài viết trên mạng có khuyên mọi người nên mang theo bút chì gọt hoặc bút chì 2B, nhưng ít bài viết nào nhắc đến bút chì kim. Kinh nghiệm đi thi cho mình biết rằng: bút chì kim có thể trở thành tội đồ khi đang thi. Và mình đưa ra kết luận: không nên mang bút chì kim vào phòng thi.
Thực ra theo quy định thi JLPT thì bạn không được sử dụng bút chì kim để tô, vì sợ sẽ làm rách giấy trả lời. Dù vậy, vẫn có nhiều người mặc kệ và vẫn sử dụng bút chì kim. Ngay cả người trông thi trong phòng cũng không quá quan tâm đến chuyện đó. Sử dụng bút chì kim để tô sẽ tốn thời gian hơn bút chì gỗ, cũng như là ngòi nhọn của bút chì kim có thể khiến giấy trả lời bị rách nếu bạn không cẩn thận.
Nhưng mà tác hại của bút chì kim không chỉ dừng lại ở đấy…
Ngày hôm đó mình đem vào phòng thi 1 bút chì gỗ và 1 bút chì kim (thêm một cục tẩy nữa). Thực ra mình đã nghĩ đến việc mua 2 chiếc bút chì gỗ mới toanh chỉ để phục vụ cho việc thi, nhưng xong lại lười mua, và nghĩ là có bút chì kim chắc cũng dùng được. Mình sử dụng bút chì gỗ để tô vào giấy trả lời, còn bút chì kim thì để gạch chân, memo vào tờ câu hỏi. Nghe qua thì có vẻ hợp lý. Nhưng mà đến lúc thi mình mới nhận thấy đây thật sự là một sai lầm.
Việc sử dụng mỗi loại bút cho công việc khác nhau đã khiến mình tốn thời gian để đổi bút này sang bút kia, để rồi trong lúc không để ý thì mình lại đang cầm trên tay bút chì gỗ và gạch lên gạch xuống ở phần đọc, qua đó làm cùn bút và khiến cho việc tô đáp án trở nên khó khăn hơn. Cũng may là mình ý thức được việc chỉ được dùng bút chì gỗ cho việc tô đáp án nên nhìn chung là mình không bị gặp phải vấn đề liên quan đến tờ giấy thi.
Sang phần thi nghe. Đây mới là lúc mình nhận rõ được điểm yếu của bút chì kim. Thông thường khi làm bài thi nghe, bất kể là tiếng Anh hay tiếng Nhật, mình thường có thói quen memo rất nhiều, memo gần như là kín cả mặt giấy. Và hãy thử tưởng tượng, khi bạn đang nghe và kịp memo theo những gì người ta đang nói, thì tự dưng ngòi bút chì kim gãy một phát. Trong một thoáng tâm trí bạn sẽ hướng đến chuyện bút bị gãy ngòi, phải bấm để nó ra ngòi mới, và thế là bạn đánh mất sự tập trung cho việc nghe. Trong suốt quá trình làm bài nghe, mình làm gãy ngòi rất nhiều lần, và nó khiến mình không chỉ mất tập trung, mà còn làm mình cảm thấy khó chịu, đến nỗi có một lúc mình lỡ miệng văng ra từ “kuso” (shit).
Vì vậy, mình thật lòng khuyên mọi người đừng mang theo bút chì kim. Mình “ăn hành” vì nó rồi. Hãy chịu khó mua bút chì gỗ mới toanh cho nó “mới mẻ”, và đem theo cả gọt bút chì vào cho an tâm.
3. Check thật kĩ tờ câu hỏi (đặc biệt là ở vài trang cuối)
Khi được phát đề thi, bạn sẽ được phép lật tờ giấy thi lên (theo chỉ thị của người trông thi) và kiểm tra từng trang một để xem có lỗi in ấn nào không. Đối với đề thi từ vựng – ngữ pháp – đọc hiểu, hãy lật từng trang một, lật đến khi nào sang đến tờ bìa mặt sau thì thôi.
Để mình kể với các bạn khoảng thời gian lúc mình làm phần thi đọc.
Còn 15 phút cuối… mình nghĩ là mình đã làm xong toàn bộ và lật lại từ trang đầu của phần đọc để check và tô nốt vào những ô mình chưa điền. Và lúc đó, mình nhận ra… ơ có cả câu hỏi 68, 69 à? Mình lật lại sang phần cuối của tờ thi. Hóa ra giữa bài đọc gần cuối và bài cuối có một mặt trang giấy ngăn cách được in một họa tiết giống như QR Code, mà mình cứ tưởng đó là kết thúc đề thi. Mình lật qua mặt đó, thì thấy vẫn còn một bài đọc. Đó cũng là lúc mình bắt đầu bị cuống, và nghĩ rằng mình không đủ để có thể đọc và trả lời nên đã có ý định khoanh bừa…
Mình tưởng nhầm cái mặt họa tiết giống QR Code ở trong tờ câu hỏi là phần kết thúc, và đã suýt bỏ lỡ 2 câu hỏi cuối cùng. Thế nên, các bạn nhớ check tờ câu hỏi cẩn thận nhé.
4. Mang đồng hồ đeo tay vào phòng thi
Bên cạnh 2 chiếc bút chì gỗ và chiếc tẩy thì bạn cũng nên mang theo mình một chiếc đồng hồ đeo tay. Tùy từng địa điểm thi mà mỗi phòng thi có phòng có đồng hồ có phòng không. Để quản lý thời gian khi làm bài thật tốt thì bạn chắc chắn phải cần một chiếc đồng hồ cá nhân để theo dõi. Mình thì… đã thất bại trong việc này, vì đã không đem vào phòng thi đồng hồ đeo tay.
Thật ra đêm trước ngày thi mình mượn đồng hồ của thằng em họ, tức là mình đã có ý định là chuẩn bị đồng hồ để đem vào phòng thi. Tuy nhiên sáng hôm thi khi lôi ra thì thấy kim đồng hồ không chạy, và mình nghĩ là nó hết pin, hoặc hỏng?
Rốt cuộc mình làm bài thi mà không có được sự ý thức về thời gian, và điều đó khiến mình đôi lúc tốn thời gian vào một bài đọc nhất định và không có được một sự phân phối thời gian tốt nhất khi làm bài.
Cũng may là người trông thi nhắc hộ thời gian khi còn 15 phút và còn 5 phút làm bài, nên cũng giúp mình xác định được thời gian một chút. Về nhà mình “kêu ca” với thằng em họ là đồng hồ không chạy, thế là nó bảo: “phải đeo vào tay nó mới chạy”. Okay…
5. Dậy sớm, ăn sáng, đến địa điểm thi sớm và… thư thái
Điều cuối cùng mà mình muốn khuyên mọi người. Dù mình đã không chuẩn bị kĩ ở mặt vật chất (bút chì, đồng hồ) và điều đó đã khiến mình gặp phải một vài rắc rối khi đang thi, nhưng xét về khoản chuẩn bị tâm lý trước khi thi thì mình nghĩ là mình đã làm rất tốt. Tất cả đều nhờ việc dậy sớm, ăn sáng và đến địa điểm thi sớm.
Hôm đi thi mình dậy lúc 5:00 sáng, và đã có dư dả thời gian để hoàn thành thói quen mỗi sáng (morning routine), rồi thậm chí là quét cổng và tưới cây thay mẹ (bố mẹ đi du lịch), sau đó mới xuống bếp và nấu một bữa sáng đầy đủ chất, uống một cốc trà nóng rồi mới rời khỏi nhà để đến địa điểm thi.
7 giờ mình đến trường THCS Mỗ Lao. Lúc đó vẫn còn khá ít người, và mình có tận 1 tiếng để vừa ôn lại một chút tiếng Nhật, vừa đủ thời gian để ra ngoài cổng trường và đi dạo mấy vòng, vung vẩy tay và hít thở đều đặn như kiểu tập thể dục sáng sớm.
Đến trước một tiếng có lẽ là hơi sớm, nhưng mình nghĩ là sớm còn hơn sát giờ. Bạn nên đến sớm ít nhât 30 phút trước giờ vào phòng thi. Đến tầm sau 7h30 là các xe máy ồ ạt đi vào trường, xếp hàng để chờ lấy vé và gửi xe. Nhìn cảnh đấy mà mình chỉ thấy thật may mắn vì đã đến sớm.
Ngoài 5 điều phía trên ra thì còn có một vài lời khuyên nho nhỏ những cũng không kém phần quan trọng như: đem theo chứng minh thư hoặc hộ chiếu, nhớ điền số báo danh vào tờ câu hỏi lẫn phiếu đáp án, hay là nhớ tắt điện thoại lúc thi,… Nói chung thì cái này bạn sẽ tìm thấy ở nhiều bài viết khác nên mình cũng không cần phải nói cụ thể.
Kết
Bài viết này có lẽ là đến cuối tháng 11 mới có nhiều người tìm đọc, nhưng vì đầu óc mình vẫn còn đang vương vấn chuyện đi thi cách đây 1 tuần (07/07) nên mình muốn viết luôn, vừa là để chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người, và cũng là để giúp mình nhìn nhận lại những thiếu sót trong quá trình chuẩn trước và trong khi thi.
Với những ai đang có ý định thi N1 vào tháng 12 này nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu, ôn thi như thế nào thì các bạn có thể tham khảo phương pháp học của mình nhé.
Phương pháp tự ôn thi JLPT N1 của mình
One thought on “Chia sẻ kinh nghiệm đi thi tiếng Nhật JLPT (ở Việt Nam)”