Tròn 1 năm trước, mình biết đến cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kĩ thuật số) của Cal Newport, và đã thực hiện chiến dịch 30 ngày digital detox vào đầu tháng 6/2019. Việc làm này đã giúp mình trở nên có ý thức hơn trong việc sử dụng các thiết bị điện tử nói chung, và mạng xã hội nói riêng.
Nhưng với những cám dỗ không ngừng thay đổi ở thế giới internet ngoài kia, một lần thực hiện digital detox có lẽ là không đủ. Mặc dù nếu so sánh cách thức mình sử dụng mạng trong 1 năm vừa rồi, với trước khi thực hành 30 ngày tối giản hoá kĩ thuật số năm ngoái thì nhìn chung là mình làm tốt hơn rất nhiều.
Cơ mà trong 1 tháng trở lại đây thì mình lại thấy thực trạng sử dụng MXH nó không khác gì so với những ngày trước khi biết đến digital minimalism. Vì vậy, bắt đầu từ giữa tháng 5 này, mình sẽ lại tiếp tục thực hiện chiến dịch tối giản hoá kĩ thuật số 30 ngày. Và giống như detox cơ thể, có lẽ mỗi năm mình phải làm điều này ít nhất 1 lần.
Thực trạng hiện tại
Thật ra mọi chuyện đều ổn và nằm trong tầm kiểm soát của mình trước khi kênh Youtube Channel bỗng dưng được nhiều người biết đến. Mặc dù bản thân đã tắt hết các notification trên điện thoại, nhưng tâm trí mình luôn bị phân tâm và cảm thấy lúc nào cũng muốn vào Youtube hoặc Instagram để xem tình hình thế nào.
Thời lượng sử dụng điện thoại của mình tăng vọt vì suốt ngày cứ lăm le cái Youtube Analysis (hay trong điện thoại nó là ứng dụng YT Studio), mặc dù trước đó cũng đã thường xuyên check trên máy tính rồi.
Nói về việc check Youtube Analysis thì thật ra đây là điều cần thiết, bởi khi lượng người truy cập tăng thì bản thân mình cũng phải học cách đọc và phân tích số liệu, từ đó đưa ra một phương án tốt để có thể giúp kênh duy trì và phát triển tốt.
Nhưng vấn đề là tần suất mình vào YT nó quá nhiều, đôi khi là vào một cách vô thức, giống với những gì mình đã từng làm với Instagram. Đặc biệt là khi cám dỗ mang tên “revenue” thu được kể từ khi bật chức năng quảng cáo đã khiến mình gần như bị dính chặt vào cái mục này.
Với Instagram, mình vốn đặt giới hạn là 15 phút nhưng nay khi mình check lại thì có hôm lên đến 1 tiếng. Cái chức năng khoá app của iPhone cũng bị mình thường xuyên bỏ qua. Khi hết 15 phút, iPhone sẽ thông báo thời lượng sử dụng đã hết, và nó sẽ xuất hiện vài sự lựa chọn. Mình chọn cái “Ignore Limit only for today“, tức là bỏ qua cái limit chỉ trong hôm nay. Với lựa chọn này, mình sẽ tự nhủ bản thân rằng “chỉ hôm nay thôi, còn ngày mai sẽ lại 15 phút thôi”. Nhưng khi đã được đà thì ngày hôm sau, hôm kia, và cả 1 tuần, ngày nào mình cũng chọn “Ignore Limit only for today”…
Thêm vào đó thì cái quy luật If-Then (Nếu-thì) mình đặt ra cho việc sử dụng Instagram đôi lúc cũng bị phá một cách dễ dàng. Có thể thấy rằng cái sự vô thức nó lại đang bắt đầu lan ra trong cách mình sử dụng mạng xã hội. Nói chung phải viết hết ra như thế này, mình mới thấy rõ được tình trạng sử dụng MXH của bản thân ra sao, như thế nào.
Vậy, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề này của mình như thế nào?
Digital Declutter for 30 days
Một lần nữa, mình cần phải thực hiện chiến dịch Digital Declutter trong vòng 30 ngày mà Cal Newport đã đề xuất trong cuốn sách Digital Minimalism. Mình paste lại dưới đây để các bạn có thể biết qua về các bước thực hiện:
1. Bắt đầu chiến dịch dọn dẹp công nghệ 30 ngày với việc gạt bỏ những thiết bị công nghệ “tùy chọn” (optional technology) ra khỏi cuộc sống hàng ngày.
2. Trong vòng 30 ngày này, hãy khám phá và tìm lại những thói quen tốt, những hoạt động có ý nghĩa.
3. Sau 30 ngày, giới thiệu lại những thiết bị, ứng dụng công nghệ “tùy chọn” vào cuộc sống của bạn, bắt đầu từ con số 0. Đối với mỗi ứng dụng hoặc thiết bị bạn giới thiệu lại, bạn hãy xác định rõ giá trị phục vụ của nó, và cách mà bạn sử dụng nó trong cuộc sống hàng ngày.
Trong bước 1 mình xác định được YT Studio và Instagram là optional technology và sẽ xoá nó trên điện thoại trong 30 ngày tới. Riêng YT Studio thì mình đã xoá từ tuần trước và chỉ sử dụng trên máy tính.
Khi nào cần update thông tin quan trọng trên Instagram thì mình sẽ tải xuống điện thoại, đăng story hoặc post sau đó lại xoá đi. Cách này tuy hơi mất thời gian nhưng nó sẽ giúp mình hạn chế được việc vào Instagram một cách vô thức trong 30 ngày tới. Mình đã áp dụng cách này với Facebook trên điện thoại và it works. Ví dụ trong cả 1 ngày hôm qua đi chơi mình không hề đụng vào Facebook, cho đến buổi tối khi muốn thay ảnh đại diện mình đã tải Facebook xuống, update ảnh mới sau đó lại xoá app luôn.
Mình thiết lập 2 khung giờ cố định cho phép bản thân được check mail, vào facebook để trả lời tin nhắn, hay vào YT Studio, đó là sau bữa trưa và sau bữa tối. Ngoài ra mình cũng tích hợp tin nhắn Instagram với mục quản lý tin nhắn trên facebook page nên mình có thể trả lời tin nhắn trên Instagram mà không cần phải vào app.
Trong 30 ngày này, mình sẽ tập trung vào việc học tập full-time trên trường, còn trong thời gian rảnh, mình thiết lập một thói quen hễ cứ đến lúc giải lao nghỉ ngơi là sẽ chơi nhạc cụ, đọc sách, và đặc biệt là luyện viết chữ tiếng Nhật.
So với lần đầu thì lần thứ hai này tuy không khắt khe bằng, nhưng mình vẫn muốn xây dựng lại một thói quen sử dụng MXH lành mạnh. Nhất là khi giờ đây MXH trở thành một công cụ giúp bản thân mình xây dựng được một “thương hiệu cá nhân”, thì việc sử dụng nó một cách chủ ý và có ý thức lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, nếu không thì mình sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy vô thức do chính bản thân đã xây dựng nên.
Let’s start the Digital Konmari-ing, the 2nd time!
Các bạn có thể đọc cái bài viết trước về chiến dịch dọn dẹp và tối giản hoá kĩ thuật số của mình vào thời điểm này năm ngoái ở các bài viết dưới đây nhé.
Bắt đầu 30 ngày tối giản hóa kĩ thuật số (30-day digital declutter)
Bàn về cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kĩ thuật số) – Phần 1
Stay focused, be present
Kira
Anh có thể chia sẻ thêm về những mối quan hệ như bạn bè của a không ạ . E cảm ơn ạ .
LikeLike
Trước đây em nghiện Facebook nặng, cứ hơi tí là bật 4g/wifi lên check, lướt cái newsfeed hơn chục lần, đang đọc sách nhìn thấy cái điện thoại hay hay lại mở ra check và chẳng đọc được gì. Năm ngoái thì N3 em quyết định bỏ vào Facebook, xoá app, ban đầu như bị ức chế không kiểm soát nổi như ma túy :)))
Nhưng bắt mình không làm thì mình vẫn làm, nên em quyết định bỏ follow tất cả các trang giải trí, ra khỏi các nhóm yêu thích trên face, chỉ giữ lại các trang thông tin quan trọng.
Một cách gần đây em khám phá gia được là chuyển màn hình thành điện thoại thành màu xám hay đen trắng, có cảm giác không hề kích thích thị giác mà chán luôn điện thoại đó ạ
LikeLike
😀 quả đúng là dạo này Channel của bạn trẻ được nhiều người xem và nhận xét tích cực lắm. Hôm qua mình còn thấy một vlogger người Nhật – bạn Hiro đánh giá khả năng nói tiếng Nhật của bạn trẻ rất cao 😀
LikeLiked by 4 people
Đôi khi cần nhìn lại để thấy bản thân đang kiểm soát hay bị kiểm soát bởi MXH.
Ấn tượng với câu “….MXH trở thành một công cụ giúp bản thân mình xây dựng được một “thương hiệu cá nhân”, thì việc sử dụng nó một cách chủ ý và có ý thức lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, nếu không thì mình sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy vô thức do chính bản thân đã xây dựng nên.”
Bài viết rất bổ ích ạ ^^
LikeLiked by 2 people