Để đạt được bất kì mục tiêu nào cũng đều cần có sự theo dõi (monitoring) và phản hồi một cách trung thực (feedback), để kiểm tra xem quá trình làm việc của bản thân có đang tiến triển hay không. Hãy theo dõi tiến độ làm việc của bản thân thường xuyên, theo tuần, hoặc theo ngày, tùy theo nội dung mục tiêu và công việc.
Khi bạn không hình dung rõ được quá trình làm việc của bản thân hiện tại ra sao, bạn sẽ không biết được mình đang đứng ở đâu trong chặng đường đi đến mục tiêu. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là bạn sẽ mất đi động lực. Vì thế, bạn cần phải theo dõi quá trình làm việc của bản thân. Bạn có thể nhờ người khác theo dõi, hoặc cũng có thể tự theo dõi bản thân (self-monitoring).
Trong chương này, tiến sĩ Heidi có đề cập đến một bài nghiên cứu mà cá nhân mình cảm thấy rất thú vị và muốn chia sẻ cho các bạn. Hai nhà nghiên cứu của trường đại học Chicago (Minjung Koo và Ayelet Fishback) đã tiến hành một khảo sát kiểm tra xem mức độ đạt được thành công sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi hai lối suy nghĩ – (1) Đã làm được đến đâu (To-Date Thinking) và (2) Còn lại những gì cần phải làm (To-Go Thinking).
Mình lấy ví dụ cụ thể là viết luận văn tốt nghiệp. Đến một thời điểm, mình sẽ ngồi đánh giá lại tiến độ viết luận văn, và có thể trong đầu mình sẽ xuất hiện một trong hai suy nghĩ:
(1) To-Date Thinking: Mình đã viết xong đến chương 4 rồi.
(2) To-Go Thinking: Mình còn 2 chương nữa cần phải viết.
Theo nghiên cứu của Koo và Fishback, lối suy nghĩ thứ (2) – “Còn lại bao nhiêu?” sẽ giúp chúng ta có thêm động lực, trong khi lối suy nghĩ đã làm được chừng nào (1) sẽ khiến chúng ta cảm thấy tự mãn và có phần sa sút trong quá trình làm việc.
4 bước giúp bản thân đánh giá được tiến độ công việc một cách hiệu quả, theo tiến sĩ Heidi Grant:
Bước 1: Trước tiên, hãy xác định tần suất theo dõi tiến độ (feedback) cho công việc của bản thân
Bước 2: Xác định xem cách thức đánh giá như thế nào
Bước 3: Tạo lịch nhắc nhở (trên ứng dụng, to-do list, hay là lịch calendar) để bạn không quên việc feedback
Bước 4: Hãy kết thúc feedback bằng việc nghĩ về những việc bạn cần làm tiếp theo, thay vì nghĩ về những gì bản thân đã hoàn thành được cho đến thời điểm hiện tại.
Đọc xong chương này, mình nãy ra ý nghĩ rằng, tại sao không kết hợp cả hai phương thức (1) to-date thinking và (2) to-go thinking cho việc tự feedback. Khi đánh giá tiến độ công việc, mình có thể xem lại những gì bản thân đã làm được, tick vào ô vuông to-do list đánh dấu hoàn thành, rồi sau đó viết ra những điều cần phải làm tiếp theo. Việc làm này vừa giúp mình đạt được sự hài lòng nhất định đối với tiến độ làm việc của bản thân, cũng như vẫn tạo được nguồn động lực mới mẻ để thúc đẩy bản thân tiếp tục làm việc để hoàn thành mục tiêu.
Tuy vậy, tiến sĩ Heidi Grant cũng chỉ ra rằng, đối với những công việc mới mẻ và chưa quen thuộc thì chúng ta không nên thực hiện việc feedback quá thường xuyên, bởi nó sẽ gây mất tập trung và làm ảnh hưởng đến khả năng tiến hành công việc.
Tùy vào nội dung công việc mà tần suất feedback sẽ khác nhau. Ví dụ, với công việc làm trong ngày thì mình thường có 2-3 lần feedback trong một ngày, cụ thể là trước bữa trưa, buổi chiều muộn hoặc là buổi tối trước khi đi ngủ. Còn với công việc kéo dài theo tuần, theo tháng thì tần suất có thể sẽ là tuần 1 lần. Ví dụ, chiều thứ 6 mình có thể dành một chút thời gian để xem lại tiến độ học tập và làm việc của bản thân trong tuần vừa rồi, điều này giúp mình phát hiện ra được những điều thiếu sót cần làm, cho vào lịch to-do list của tuần sau, rồi có thể thư thái nghỉ ngơi cuối tuần.
Nhìn chung, feedback là một việc làm rất quan trọng đối với tiến trình học tập lẫn làm việc. Chúng ta đã cụ thể hóa được mục tiêu, đã tạo được thói quen xác định thời điểm rõ ràng để thực hiện mục tiêu đó. Bây giờ, việc cần làm tiếp theo chính ra tạo cho bản thân một khoảng thời gian nho nhỏ để có thể theo dõi quá trình làm việc, để biết được chính xác bản thân đã làm được đến đâu và còn bao lâu nữa để hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.
Nguồn tham khảo:
(1) Halvorson, H. G. (2018). 9 Things successful people do differently. Harvard Business Review Press.
(2) Koo, M., & Fishbach, A. (2014). Dynamics of self-regulation: How (un)accomplished goal actions affect motivation. Motivation Science, 1(S), 73-90.
(3) Lam, C. F., DeRue, D. S., Karam, E. P., & Hollenbeck, J. R. (2011). The impact of feedback frequency on learning and task performance: Challenging the “more is better” assumption. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 116(2), 217–228.
Các bài viết trước
9 điều người thành công thường làm
#2 – Phương pháp “Nếu-Thì” giúp ta dễ dàng thực hiện các mục tiêu đã đề ra
nắng suất ghê KIRA
LikeLiked by 1 person