Ý chí (willpower) được hiểu là khả năng kiểm soát suy nghĩ và cách hành xử của bản thân. Sức mạnh ý chí sẽ giúp chúng ta tránh xa khỏi những cám dỗ. Ngừng ăn đồ ngọt, không check điện thoại dù nghe thấy chuông thông báo, bỏ hút thuốc lá,… là những việc làm cần có sức mạnh ý chí. Thậm chí, những hành động mang tính lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày cũng sẽ khiến sức mạnh ý chí bị tiêu hao. Nó giống như một bình xăng vậy. Ở đây mình sẽ gọi là BÌNH NĂNG LƯỢNG Ý CHÍ.
Bình năng lượng ý chí này sẽ bị suy giảm mỗi khi bạn thực hiện một hành động nào đó mang tính lựa chọn, và khi bình năng lượng này cạn thì khả năng kiểm soát suy nghĩ và đưa ra quyết định của bạn sẽ trở nên kém hơn. Nhưng bình năng lượng này sẽ được phục hồi trở lại sau một thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là sau giấc ngủ. Thường thì vào buổi sáng sớm ngay sau khi dậy là thời điểm năng lượng ý chí vẫn đang còn “đầy bình”, nhưng càng về chiều tối thì năng lượng sẽ bị suy giảm, và nó cũng lí giải cho nguyên nhân vì sao bạn khó tập trung làm việc và học hơn vào buổi chiều tối so với buổi sáng, vì sự tập trung cũng sẽ khiến bình năng lượng ý chí bị giảm đi.
Có một điều thú vị mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, đó chính là việc sức mạnh ý chí giống với một dạng cơ bắp, và chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện cơ bắp này bằng việc luyện tập, qua đó giúp dung lượng bình năng lượng ý chí trở nên lớn hơn. Một số bài tập giúp tăng cường sức mạnh ý chí bao gồm: sử dụng tay không thuận, chú ý đến tư thế ngồi thường xuyên, dọn giường mỗi sáng…
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn cách tiết kiệm bình năng lượng ý chí, bằng cách thói quen hóa một số hoạt động thường ngày. Nếu như hình thành được các thói quen tốt vào buổi sáng, ví dụ như tập thiền, tập yoga hay viết nhật ký, bạn sẽ không còn phải tốn năng lượng ý chí cho việc suy nghĩ xem có nên làm hay không làm các hoạt động này. Một khi đã trở thành thói quen, những việc làm đó sẽ được thực hiện một cách tự động, giống như việc ta vừa dậy là đi đánh răng luôn. Điều này sẽ giúp ta tiết kiệm được sức mạnh ý chí và dùng nó cho những mục đích khác quan trọng hơn, ví dụ như tập trung trong công việc và học tập.
Mình sẽ lấy một ví dụ để so sánh một buổi sáng giữa người A và người B, dựa trên góc độ tiêu hao sức mạnh ý chí.
A là người có ý thức đến việc cải thiện năng lượng, sức mạnh ý chí.
B là người không để ý đến sức mạnh ý chí của bản thân.
A thói quen hóa các hoạt động lành mạnh vào buổi sáng sớm, kết hợp thành một chuỗi thói quen buổi sáng. Như vậy, mỗi sáng dậy, A sẽ không bị tốn năng lượng ý chí cho những việc làm này. Ăn sáng xong, bình năng lượng ý chí của A vẫn còn 100%.
Ngược lại, B vừa dậy đã băn khoăn liệu nên dậy, hay ngủ nướng tiếp. -5% còn 95%. Dậy xong, B muốn tập yoga nhưng không biết nên tập bài gì, B lên YouTube để tìm xem video hướng dẫn. Lướt lướt một hồi, cuối cùng B đã tìm được một chiếc video hướng dẫn phù hợp. Nhưng đây là hành động mang tính lựa chọn, nên bình năng lượng ý chí bị tiêu hao mất 5%. Sau bữa sáng, B còn lại 90% năng lượng ý chí.
A chọn sẵn bộ quần áo để đi làm vào buổi tối trước khi đi ngủ, nên sáng dậy A chỉ việc mặc nó và đi làm ngay. Bình năng lượng vẫn còn 100%.
B mở tủ quần áo ra và lựa chọn xem nên mặc gì để đi làm. Chọn bộ này, nhưng mặc xong không ưng lại đổi sang bộ kia, loay hoay một hồi cuối cùng cũng chọn được bộ đồ ưng ý. Nhưng việc lựa chọn này lại khiến bình năng lượng ý chí bị mất đi một phần. -5%. Còn 85%.
Cả A và B đều đi tàu điện đến công ty. Trong khi A tạo được thói quen “Nếu lên tàu thì sẽ nghe audiobook”, thì B lại băn khoăn không biết nên làm gì để giết thời gian khi đang ngồi trên tàu. B muốn đọc sách nhưng không biết nên đọc gì, muốn nghe podcast nhưng không biết nên nghe kênh nào hay. Cứ như vậy, B lại tiếp tục khiến bình năng lượng ý chí bị tiêu hao. -5%, còn lại 80%.
Cả hai đến công ty, trong khi A còn nguyên 100%, thì B chỉ còn 80% sức mạnh ý chí.
Những con số mình đặt ra trong ví dụ trên chỉ mang tính tương đối. Điều quan trọng mà mình muốn nhấn mạnh qua ví dụ này, đó chính là việc nguồn năng lượng ý chí sẽ bị tiêu hao đi vì những hành động mang tính lựa chọn trong cuộc sống thường ngày.
3 bước giúp rèn luyện sức mạnh ý chí theo tiến sĩ Heidi Grant
1. Sức mạnh ý chí sẽ bị hao mòn tùy theo tần suất sử dụng. Khi bình năng lượng ý chí bị cạn kiệt, hãy cho bản thân thời gian được nghỉ ngơi trước khi đối mặt với những việc làm, những sự lựa chọn cần có sự kiểm soát ý chí của bản thân
2. Bạn có thể tăng tốc độ hồi phục năng lượng ý chí bằng cách làm những việc giúp cải thiện tâm trạng, ví dụ tự thưởng bản thân sau một hành động tốt, hoặc chỉ đơn thuần là nghĩ về một người có nhiều sức mạnh ý chí.
3. Sức mạnh ý chí của bạn sẽ được xây dựng và phát triển nhờ các bài tập. Trước khi đối mặt với những thử thách cần sử dụng năng lượng ý chí nhiều , hãy bắt đầu với những bài tập nho nhỏ giúp cải thiện năng lượng ý chí, ví dụ như dọn chăn ga mỗi ngày, đi bộ thay vì đi thang máy, sử dụng tay không thuận để đánh răng.
P/S: Nếu bạn thắc mắc tại sao ảnh nền mình lại chọn ảnh có tay cầm chơi game, thì thật ra nó cũng ngẫu nhiên lắm. Ý chí liên quan đến sự kiểm soát, tiếng Anh là “control”. Mình search từ này thì ra ảnh “controller” tay cầm chơi game =))
Halvorson, H. G. (2018). 9 Things successful people do differently. Harvard Business Review Press.
Các bài viết trước
9 điều người thành công thường làm
#2 – Phương pháp “Nếu-Thì” giúp ta dễ dàng thực hiện các mục tiêu đã đề ra
#3 – Theo dõi tiến độ làm việc của bản thân
#4 – Tích cực một cách thực tế
ah, không hiểu sao, bình năng lượng ý chí của em lại hụt hơi nhất vào buổi sáng ạ… đã thức dậy rồi mà cả buổi sáng nếu ở nhà thì sẽ ngồi lướt fb, ins, đọc báo lung tung lên ạ,….Thói quen buổi sáng của em mới có tập thể dục và thường xuyên k để ý tới posture khi ngồi học, hay ngay cả khi lên plan….:((( hmmm Mỗi lần đọc là một lần ngộ ra thêm ạ. Many thanks!
LikeLike